Xây dựng hệ sinh thái ‘chuẩn hội nhập’ dành cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp HVNCLC, HVNCLC - CHuẩn hội nhập tại Thaifex - giới thiệu những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Ảnh BSA Media

Nhiều năm nay tôi được nghe những câu chuyện về các đề án liên kết “4 nhà” (Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà khoa học) hay chuỗi giá trị ở một sớ địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều phương diện. Mục tiêu nhằm tăng cường liên kết, tận dụng sức mạnh nhiều thành phần tham gia chuỗi giá trị để hợp tác phát triển kinh tế, gia tăng giá trị sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy giữa các hệ sinh thái còn thiếu sự kết nối, chủ yếu phân loại thành 02 nhóm nâng cao chất lượng sản xuất và tiêu thụ trong nước, và hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại nước ngoài (bản chất là tổ chức tham dự hội chợ/ triển lãm quốc tế). Các hệ sinh thái chưa được gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, kiến tạo giá trị liên kết liền mạch, cần hoàn thiện thêm định hướng và chiến lược phát triển dài hạn.

Trong thời gian công tác tại Thương vụ, tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước “láng giềng” Thái Lan, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chưa được hưởng những giá trị cộng hưởng và sức mạnh liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu của các hệ sinh thái kể trên. Sản phẩm dù tốt – một số ít đột phá nhưng chưa thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Tôi xin được kể 02 câu chuyện ngắn sau:

1-Câu chuyện hội nhập

Cuối tháng 02/2024, tôi nhận lời mời tham dự Hội thảo về kinh nghiệm thực thi các cam kết và hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của các nước ASEAN được tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Mi-an-ma.

RCEP được đánh giá là hiệp định quy mô với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-Xtrây-li-a và Niu-Zi-lân, chiếm tỉ trọng xấp xỉ 30% tổng GDP và thương mại toàn cầu. RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường đầy tiềm năng với gần 30 triệu dân số; một số thị trường hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong suốt 03 ngày diễn ra Hội thảo, tôi đã lắng nghe và trao đổi với nhiều chuyên gia đến từ Thái Lan, Trung Quốc…, tìm hiểu thêm cách thức mỗi quốc gia thực thi và hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm chung giữa các câu chuyện chia sẻ tại Hội thảo là hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tạo thành chuỗi giá trị khép kín gắn kết khăng khít với chuỗi giá trị toàn cầu thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Câu chuyện của người Thái khiến tôi tìm thấy nhiều điểm có thể học hỏi. Công thức 3P (People – con người, Product – sản phẩm, Place – địa điểm) và 1S (Service – dịch vụ) được triển khai thông qua 04 hoạt động trụ cột gồm Capacity Building – xây dựng năng lực; Value Creation – kiến tạo giá trị; Trade Channel – kênh thương mại; Information Service – dịch vụ thông tin). Bên cạnh việc phổ cập thông tin và nâng cao năng lực doanh nghiệp, Thái Lan còn triển khai nhiều sáng kiến giúp kết nối doanh nghiệp để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với định hướng gắn với lợi ích của các hiệp định tự do thương mại (FTA) – đòn bẩy định hướng xuất khẩu vào các thị trường mục tiêu qua các chương trình xây dựng giá trị sản phẩm dưới mô hình kinh tế “Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG)”, quảng bá thương hiệu quốc gia (Thailand Trust, Thai Select Cuisine) hay nền tảng giao thương quốc tế tập trung vào 06 trụ cột xuất khẩu thế mạnh nước này gồm công nghiệp chế biến thực phẩm & đồ uống, đá quý & trang sức, may mặc & phong cách sống, logistic, phụ tùng & phụ kiện ô-tô, điện lạnh & điện tử.

Với câu chuyện của Trung Quốc, tôi nhận thấy rõ tầm nhìn dài hạn và kế hoạch xuất khẩu được phân vùng nhằm tận dụng hiệu quả lợi thế từng khu vực. RCEP trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi địa phương, định hướng giúp doanh nghiệp khai thác sâu thế mạnh sản xuất và lợi ích của RCEP. Hệ thống quy định và chính sách cũng được xây dựng đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng giao thương và thu hút đầu tư giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

2-Mô hình kinh tế chia sẻ

Trong thời gian công tác tại Thương vụ, tôi nhận thấy vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các chương trình triển lãm/ hội chợ tại nước ngoài – ít chủ động phương thức tiếp cận, khó gây ấn tượng với đối tác thu mua/ bán lẻ do hạn chế về không gian và thời gian. Một phần vì hạn chế năng lực/ kiến thức phát triển thị trường; một phần khác do thiếu hụt nguồn lực để thâm nhập sâu rộng. Việc xúc tiến, quảng bá và thâm nhập thị trường cần thời gian và sự kiên trì để thành công.

Sau nhiều năm đồng hành cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tôi nhận thức rõ giá trị của mô hình kinh tế chia sẻ – yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sự gắn kết và duy trì bền vững trong mọi hệ sinh thái.

Những hoạt động triển khai của Thương vụ, Hội HVNCLC và Trung tâm BSA được xây dựng trên cơ sở kiến tạo nên những hệ sinh thái khép kín, tận dụng hiệu quả giá trị mỗi Bên để kiến tạo và gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Hội HVNCLC và Trung tâm BSA là 2 trụ cột vững vàng trang bị kiến thức nền cho doanh nghiệp về phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá tại thị trường nước ngoài; bộ tiêu chí HVNCLC nguyên bản và HVNCLC chuẩn hội nhập được xây dựng là kim chỉ nam và bảo tín chất lượng giúp sản phẩm tiến gần hơn với thị trường quốc tế.

Tại Triển lãm THAIFEX 2023, chuỗi hoạt động được Thương vụ triển khai cùng Hội HVNCLC và Trung tâm BSA theo mô hình kinh tế chia sẻ, cung cấp doanh nghiệp giải pháp tiếp cận thị trường 360-độ liền mạch từ kiến thức, trải nghiệm tới kết nối đầu ra sản phẩm. Doanh nghiệp được cung cấp thông tin từ đội ngũ chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực như sản xuất, quản lý, tài chính, thương hiệu, phân phối và bán lẻ. Chuỗi hoạt động được triển khai xuyên suốt trước, bên lề và sau Triển lãm giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả giá trị của hệ sinh thái 03 Bên.

Qua 02 câu chuyện trên, phần nào thấy được thực trạng ma trận của hệ sinh thái, kinh nghiệm của các quốc gia “láng giềng” khi xây dựng và triển khai hệ sinh thái gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, và giá trị của mô hình kinh tế chia sẻ – yếu tố quan trọng để tăng cường sự gắn kết và duy trì bền vững trong mọi hệ sinh thái.

Trước sự biến động của kinh tế toàn cầu và để giảm thiểu rủi ro, sự cấp bách của việc xây dựng hệ sinh thái chuẩn hội nhập là cần thiết. Bên cạnh vai trò gia tăng giá trị sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp, hệ sinh thái cần được kết nối khăng khít với chuỗi giá trị toàn cầu và định hướng doanh nghiệp trên cơ sở thực tiễn tận dụng những lợi ích về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua các FTA.

Lấy lợi ích về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA làm kim chỉ nam không chỉ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng hơn trong quá trình hội nhập, mà còn giúp việc định hướng xuất khẩu có chiến lược dài hạn, giảm thiểu rủi rõ ngắn-trung hạn, chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu và kiến tạo giá trị cộng hưởng từ nhiều nguồn lực xã hội.

Nguyễn Thành Huy – Nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan