Xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc tăng gấp 4 lần dự báo dù xuất hàng sang Mỹ giảm

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,1% dù rằng xuất khẩu sang Mỹ giảm 21% trong tháng 4-2025. Ảnh: AFP

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng cao hơn dự báo, ngay cả khi các chuyến hàng đến Mỹ giảm mạnh trong tháng đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa của đại lục.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1%, cao hơn mức tăng 2% mà các nhà kinh tế dự báo. Đà tăng được thúc đẩy bởi nhu cầu về vật liệu từ các nhà sản xuất nước ngoài đang tận dụng tối đa lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày của ông Trump đối với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Các chuyến hàng đến Mỹ đã giảm 21% sau khi áp thuế vào đầu tháng 4, trong khi các chuyến hàng đến khối ASEAN tăng vọt 21% và xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu (EU) tăng 8%.

Thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ đã làm giảm 14% lượng hàng nhập từ Mỹ.

Vận mệnh của các doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương hiện phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra tại Thụy Sĩ cuối tuần này, có thể thấy thuế quan được giảm và một số tiến triển về kiểm soát xuất khẩu.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng xếp hàng xuống tàu để tranh thủ né thuế quan. Tuy nhiên, hiện họ đang trông chờ vào triển vọng các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ vì nhu cầu trong nước vẫn yếu và thuế nhập khẩu của ông Trump dự kiến ​​sẽ gây sức ép lên người mua ở các thị trường khác.

Nhập khẩu giảm 0,2% so với kỳ vọng giảm 5,9%, cho thấy nhu cầu trong nước đang cải thiện khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục thực hiện các bước để hỗ trợ nền kinh tế.

“Các nước ASEAN đang đẩy nhanh sản xuất để đáp ứng thời hạn tháng 7, thời gian nghỉ đàm phán 90 ngày. Sản xuất của họ phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô và đầu vào công nghiệp của Trung Quốc, do đó xuất khẩu của Trung Quốc đã được hỗ trợ”, Tiến sĩ Dan Wang, giám đốc Trung Quốc tại Eurasia Group phân tích.

“Trong hai tháng tới, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục mạnh do di dời năng lực công nghiệp, nhưng dữ liệu thương mại có thể xấu đi khá nhanh nếu mức thuế 145% đối với Trung Quốc vẫn được áp dụng và các cuộc đàm phán của các nước ASEAN (với chính quyền Trump) không đạt được tiến triển”, bà Wang nói.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giảm xuống còn 20,5 tỉ đô la trong tháng 4 so với mức 27,6 tỉ đô la trong tháng 3. Đây là một chiến thắng của ông Trump vốn nhiều lần tuyên bố muốn thu hẹp thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc.

Nếu không được xóa bỏ hoặc giảm thấp, thuế quan có thể giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, khi nước này đang phải vật lộn để phục hồi sau Covid-19 và suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản.

“Thiệt hại do thuế đối ứng của Mỹ không thể hiện trong dữ liệu thương mại của tháng 4”, ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết. “Tôi dự đoán dữ liệu thương mại sẽ suy yếu dần trong vài tháng tới”.

“Hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sớm đạt được thỏa thuận và hạ thuế quan để giảm bớt cú sốc đối với thương mại toàn cầu”, ông nói thêm.

Hai bên đã đưa ra lập trường vững chắc trước các cuộc đàm phán, điều này có thể cho thấy sẽ khó có thể đạt được tiến triển nhanh chóng trong bất kỳ thỏa thuận nào.

Hôm 8-5, chỉ vài giờ sau khi ông Trump tuyên bố không muốn giảm thuế đối với Trung Quốc để mở ra các cuộc đàm phán thực chất hơn, Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu Washington hủy bỏ mọi mức thuế.

Theo Reuters, Bloomberg

Ricky Hồ / BSA Media