Thị trường 24/7: Giá USD lại tăng kịch trần; Từ 1/8 Mỹ tăng thuế nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc

Giá xăng tăng trở lại: Sau 2 kỳ giảm, chiều 23/5, giá xăng đã quay đầu tăng. Cụ thể, kể từ 15 giờ chiều 23/5, xăng E5/RON92 có giá mới 22.277 đồng/lít (tăng 162 đồng/lít); xăng RON95-III là 23.213 đồng/lít (tăng 78 đồng/lít).

Trong khi, kỳ này, liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm giá với dầu nhưng cũng không đáng kể. Trong đó, dầu diesel 0.05S chỉ giảm 36 đồng/lít; dầu hỏa giảm 6 đồng/lít; còn dầu mazut 180CST 3.5S tăng 95 đồng/kg.

Kể từ đầu năm đến nay, thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước đã qua 21 kỳ điều hành nhưng chưa từng được một lần chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Vàng trong nước ‘lao dốc’ sau phiên đấu thầu: Chiều 23/5, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố kết quả phiên đấu thầu vàng (diễn ra vào sáng cùng ngày), giá vàng trong nước tiếp đà “lao dốc” cùng với xu hướng giảm của giá vàng thế giới.

Theo đó, sau phiên đấu thầu, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 13.400 lượng vàng (134 lô). Giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận vào lúc 14 giờ, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 87,8 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 1,1 triệu đồng/lượng) và 89,8 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với hôm qua). Vàng nhẫn trơn cũng có xu hướng giảm, giá mua vào ở mức 75,15 triệu đồng/lượng (giảm 550.000 đồng/lượng) và bán ra ở mức 76,8 triệu đồng/lượng (giảm 700.000 đồng/lượng) so với hôm qua.

Giá USD lại tăng kịch trần: Trong phiên giao dịch 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD ở mức ​24.258 đồng/USD, tăng 4 đồng so với phiên giao dịch liền trước.

Với biên độ dao động +/-5%, các ngân hàng thương mại hôm nay được phép giao dịch đồng bạc xanh với tỷ giá trần ở 25.470 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.039 đồng/USD.

Tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, tỷ giá mua tham khảo đồng bạc xanh được nhà điều hành đưa ra ở mức 23.400 đồng/USD, trong khi tỷ giá bán tham khảo đã tăng lên mức 25.450 đồng/USD.

Cảnh báo ngăn chặn bột xương thịt từ vùng dịch bò điên nhập lậu vào Việt Nam: Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNTPhùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và An Giang đề nghị, kiểm soát tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật trái phép, không qua kiểm dịch từ Campuchia về Việt Nam.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, trong thời gian gần đây có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đã vận chuyến các sản phẩm từ động vật nhai lại có chứa bột xương thịt động vật đã qua chế biến và có thể là các sản phẩm như bột hồng cầu và bột xương động vật từ châu Âu, nơi có dịch bò điên thông qua cửa khẩu Campuchia bằng xe tải hoặc sà lan vào Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng 28%: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ, Trung Quốc chỉ tăng nhẹ; xuất khẩu sang thị trường EU sau 2 tháng giảm sâu, đã phục hồi tăng trưởng trở lại trong tháng 4. EU là thị trường chính ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm nay.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 168 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ; sang thị trường Trung Quốc tăng 1,7%, đạt 64 triệu USD; sang EU đạt 38 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số. Xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Bỉ tăng lần lượt 29%, 37% và 39%, xuất khẩu sang Đan Mạch tăng mạnh 88%.

Giá dầu thế giới giảm phiên thứ 4 liên tiếp: Việc quan chức Fed đề cập đến khả năng tăng lãi suất khiến giá dầu Brent và WTI tiếp tục đi xuống trong phiên 23/5.

Giá dầu Brent và WTI hiện đều giảm 0,5%. Mỗi thùng Brent còn 81,6 USD, WTI về 77 USD. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp giá thế giới đi xuống. Hôm 22/5, giá mỗi loại đã mất hơn 1%.

Thị trường đi xuống sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4, cho thấy quan chức Fed chưa vội giảm lãi suất. Một số thậm chí đề cập đến khả năng tăng lãi suất tham chiếu nếu lạm phát tăng trở lại.

Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu, do làm tăng chi phí đi vay, bóp nghẹt số vốn có thể dùng cho tăng trưởng kinh tế.

Từ 1/8 Mỹ tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc: Ngày 22/5, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo từ ngày 1/8 tới sẽ tăng thuế mạnh tay đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bao gồm pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế.

Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden sẽ giữ nguyên các mức thuế do người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra và bổ sung các mức thuế khác, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế xe điện, lên hơn 100%, và tăng gấp đôi thuế đối với thiết bị bán dẫn, lên 50%.

Nhà Trắng cho biết các biện pháp mới này sẽ ảnh hưởng đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin Mặt Trời và cần cẩu. Mức tăng thuế xe điện tuy gây chú ý song có thể mang tính chính trị nhiều hơn là thực tế bởi Mỹ nhập khẩu rất ít xe điện từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cũng khuyến nghị miễn thuế đối với hàng trăm loại máy móc công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả thiết bị sản xuất sản phẩm năng lượng Mặt Trời.

WB kêu gọi ưu tiên ngân sách cho ngành nước: Tại Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) lần thứ 10 đang diễn ra ở Bali, Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi các chính phủ ưu tiên ngân sách cho ngành nước để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người. 

Thông điệp này được đưa ra trong cuộc thảo luận với chủ đề: “Đề xuất thành lập Quỹ nước toàn cầu”. Giám đốc toàn cầu về lĩnh vực nước của WB, Saroj Kumar Jha cho biết ở hầu hết các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, nước là ngành thiếu vốn nhất. Trên thực tế, hầu hết các nước đang phát triển chi ít hơn 2% ngân sách hằng năm cho nước, cho thấy mức độ ưu tiên tài trợ còn chưa thỏa đáng.

Do đó, WWF khuyến khích các chính phủ cải thiện cách thức phân bổ ngân sách công, đặc biệt là cho ngành nước, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu SDG. Đầu tư cho nước chính là đầu tư xanh, hướng tới phát triển bền vững.