Bản tin thị trường, từ 6-12/6/2024

Thung lũng Silicon náo động vì dự luật an toàn AI của California

I. Sản xuất hàng tiêu dùng

1. Đơn hàng mới tăng mạnh, doanh nghiệp sản xuất nâng sản lượng
Theo S&P Global, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 trong tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Sức khỏe của ngành sản xuất chỉ thay đổi nhẹ trong năm tháng đầu của năm 2024.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu mạnh lên đã giúp các công ty thu hút được khách hàng mới và các đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, tốc độ tăng là chậm hơn một chút so với tháng 4.
Những công ty mua hàng hóa đầu vào trong tháng đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh. Trên thực tế, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022. Một số người trả lời khảo sát cho biết tình trạng đồng tiền yếu đã góp phần làm tăng giá nguyên vật liệu, trong khi một số báo cáo cho biết giá dầu và nhiên liệu tăng. Khoảng một phần tư số người trả lời cho biết chi phí đầu vào tăng, trong khi 5% cho biết giảm.
Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10/2023.
Nguồn: https://baomoi.com/don-hang-moi-tang-manh-doanh-nghiep-san-xuat-nang-san-luong-c49331770.epi
2. Chuyển đổi số tăng sức cạnh tranh cho ngành dệt may
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 13,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Riêng trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 9,62%. Đây là quý đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm 2023, bao gồm cả sợi và hàng dệt may. Xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may Việt Nam sở dĩ có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua VITAS để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
heo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngành dệt may là một trong những ngành góp phần quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam. Thách thức không thể không kể đến chính là quá trình chuyển đổi số và hướng đến sản xuất thông minh. Đây là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng, bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.
“Đến nay, việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn. Do đó, việc kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam” – bà Mai cho biết.
Nguồn: https://baomoi.com/chuyen-doi-so-tang-suc-canh-tranh-cho-nganh-det-may-c49330559.epi

II. Bán lẻ – Thương mại điện tử

1. Đưa livestream bán hàng vào khuôn khổ: Tránh bỏ lọt thuế
Sau những phiên livestream với doanh số chục tỉ, trăm tỉ, dư luận đều đặt câu hỏi về việc thu thuế với những người tham gia bán hàng thế nào?
Trước việc chất lượng hàng hóa còn bỏ ngỏ và nguy cơ thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), livestream bán hàng, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã liên tục có những chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Tại công điện ngày 6-6, Thủ tướng nêu rõ sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế,…
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết để đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với TMĐT, cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu từ các nguồn do sàn TMĐT cung cấp. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp cơ quan thuế địa phương rà soát đối tượng quản lý thuế, tuyên truyền người nộp thuế kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế.
Là người hoạt động lâu năm trên thị trường TMĐT, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ), khẳng định việc quản lý thuế với bán hàng online nói chung và livestream bán hàng nói riêng không quá khó. “Livestream là một hình thức để tiếp cận khách hàng, gia tăng doanh số cho bán hàng online.
Nếu kinh doanh qua sàn thì đã có sàn kê khai thuế; các hình thức khác cũng được nhà nước quản lý qua hệ thống thanh toán, đơn vị vận chuyển nên những nơi có doanh số lớn rất khó “lọt sổ”. Thời gian qua, nhiều người kinh doanh online kêu ca về việc bị truy thu thuế nên họ đã cộng luôn thuế vào giá bán sản phẩm để người mua cùng chịu” – ông Tấn dẫn chứng.
Nguồn: https://baomoi.com/dua-livestream-ban-hang-vao-khuon-kho-tranh-bo-lot-thue-c49356554.epi
2. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon tăng hơn 300%
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, hiện Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trên dưới 25%/năm. Và với dự ước thị trường TMĐT toàn cầu sẽ chạm mức doanh thu dự kiến 7,4 ngàn tỷ USD vào năm 2025 thì mức tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ còn cao hơn nữa.
Bà Trần Văn Phương Trinh – Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam thông tin thêm, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua.
Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Đây là cánh cửa để các doanh nghiệp và thương hiệu Việt vươn ra, chinh phục thị trường thế giới.
Nguồn: https://baomoi.com/san-pham-cua-doanh-nghiep-viet-ban-tren-amazon-tang-hon-300-c49323192.epi
3. ‘Ăn theo’ mùa Euro 2024, tivi đồng loạt siêu giảm giá vẫn khó bán
Nhiều hệ thống siêu thị điện máy, cửa hàng bán đồ điện tử gia dụng đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại giảm giá các mẫu tivi, với mức giảm rất “sốc”. Hầu hết đều “dựa hơi” sức nóng Euro 2024 để mời chào tín đồ của môn túc cầu.
Mặc dù được giảm giá mạnh nhưng tivi vẫn không còn là tâm điểm thu hút khách hàng như trước đây. Khảo sát tại nhiều siêu thị cho thấy, rất ít khách hỏi mua sản phẩm này.
Sự bùng nổ của các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng cùng với sự phát triển của các dịch vụ streaming như Netflix, YouTube…đã khiến nhu cầu sở hữu một chiếc tivi truyền thống giảm đi đáng kể.
Nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi cho biết họ không cần mua tivi mới vì đã có thể xem phim, chương trình truyền hình và các nội dung giải trí khác trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Kích thước màn hình lớn của tivi hiện không còn là lợi thế thu hút khi mà người dùng có thể dễ dàng xem nội dung trên thiết bị di động nhỏ gọn và tiện lợi hơn.
Bên cạnh đó, giá của các thiết bị di động và dịch vụ streaming cũng ngày càng rẻ, khiến cho chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn so với tivi.
Thay vì chi một khoản tiền lớn để mua tivi mới, người dùng có thể mua một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng với giá rẻ hơn và đăng ký dịch vụ streaming với mức phí thấp để tận hưởng kho nội dung giải trí khổng lồ.
Nguồn: https://cafef.vn/an-theo-mua-euro-2024-tivi-dong-loat-sieu-giam-gia-van-kho-ban-188240606064244414.chn
4. Start-up kiếm tiền tỉ từ xuất khẩu trực tuyến
Nhiều start-up Việt đã vượt qua rào cản, chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ thương mại xuyên biên giới và đạt được những thành công nhất định trên sàn thương mại điện tử quốc tế
Việc tham gia bán hàng trên các kênh online, nhất là sàn thương mại điện tử quốc tế, giúp doanh nghiệp (DN) Việt linh hoạt thích ứng, nắm bắt cơ hội kinh doanh trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Theo thống kê của các sàn thương mại điện tử quốc tế, số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên sàn đã tăng rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Ngày càng có nhiều DN Việt, nhất là DN khởi nghiệp (start-up), chinh phục được thị hiếu tiêu dùng quốc tế.
Đơn cử, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Yêu Thiên Nhiên (Natural Love) đã thành công khi đưa ống hút cỏ lên sàn Alibaba vào năm 2019. Bà Lê Thị Tú Uyên, Giám đốc điều hành Natural Love, cho biết sản phẩm lên sàn đúng thời điểm nhiều nước trên thế giới đưa ra lộ trình cấm ống hút nhựa nên đã thắng lớn. Giai đoạn 2019-2021, có tháng DN lời cả trăm triệu đồng.
NewBam – thương hiệu hạt điều chế biến sẵn ra mắt chưa đầy 2 năm của Công ty Organic Viet Food (OVF) – cũng đã chinh phục được thị trường Mỹ trong thời gian ngắn. Tháng 11-2022, công ty xuất khẩu lô hàng thương hiệu NewBam đầu tiên sang Mỹ. Đến tháng 6-2023, các sản phẩm mới mang hương vị caramel, wasabi, tomyum… được lên kệ Amazon ở Mỹ, Canada.
Ông Phan Thiện Nhân, Trưởng kênh Chi nhánh Kinh doanh quốc tế – Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu, thông tin công ty đã đưa mũ bảo hiểm lên sàn Amazon từ tháng 2-2021. Có sản phẩm liên tục xếp tốp đầu trên sàn và doanh số năm đầu tiên đạt 600.000 USD. Sau dịch COVID-19 tăng trưởng chậm nhưng hiện tại hồi phục tốt nên công ty dự kiến doanh số năm 2024 ước đạt 2 triệu USD.
Nhiều đại diện DN cho rằng kinh doanh quốc tế trong thời đại số đòi hỏi DN bên cạnh việc tập trung vào sản phẩm thì cần áp dụng hình thức kinh doanh mới, công nghệ mới, có chiến lược cụ thể, chặt chẽ để phát triển bền vững.
Nguồn: https://nld.com.vn/start-up-kiem-tien-ti-tu-xuat-khau-truc-tuyen-196240609213640209.htm

III. Xu hướng tiếp thị – truyền thông

1. Chuyện ngược đời: Hãng điện tử Nhật Bản 106 năm tuổi phải sao chép từ Trung Quốc để sống sót, thời ‘hàng tàu đạo nhái’ sắp đi vào dĩ vãng
Trước đây những sản phẩm đạo nhái giá rẻ từ Trung Quốc thường được lấy ý tưởng từ Phương Tây hay các mặt hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng thời thế đã đổi thay khi công nghệ Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới khiến chính các nước Phương Tây cũng phải dè chừng.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ kích động cuộc chạy đua công nghệ và cấm vận kỹ thuật với Trung Quốc. Tương tự, các doanh nghiệp Nhật Bản như Panasonic dù từng nổi tiếng về thiết bị điện tử nhưng hiện nay cũng phải lên kế hoạch tăng số lượng sản phẩm được thiết kế tại Trung Quốc rồi xuất xưởng sang thị trường Đông Nam Á.
Hãng điện tử huyền thoại Panasonic của Nhật Bản (thành lập từ năm 1918) cho biết họ sẽ mô phỏng cách tiếp cận tối giản từ Trung Quốc trong thiết kế thiết bị điện tử tiêu dùng khi thất thế trên chính sân nhà trước các đối thủ láng giềng. Ngoài ra Panasonic sẽ sao chép phương pháp lên kế hoạch phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc để đối phó với cạnh tranh đang ngày càng gay gắt ở Châu Á.
Việc chi nhánh Panasonic ở Trung Quốc cắt giảm chi phí sản xuất thành công nhờ phương pháp tiếp cận phát triển sản phẩm từ những doanh nghiệp nội địa đã góp phần khiến công ty đi đến quyết định trên. Ngoài ra việc sản phẩm Panasonic mất vị thế dẫn đầu tại chính Nhật Bản trước thương hiệu Trung Quốc cũng là một phần lý do.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Shinada của Panasonic cho biết Trung Quốc thiết kế sản phẩm có tính năng cụ thể và loại bỏ những phần không cần thiết còn Nhật Bản thường cố gắng đưa nhiều tính năng nhất có thể vào để làm hài lòng khách hàng, khiến chúng trở nên rối rắm và nhiều khi không cần thiết. Việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi đối tượng khách hàng khiến sản phẩm Nhật Bản không tập trung được vào một đối tượng, phân khúc cụ thể và do đó thất thế trong cạnh tranh.
Một nguyên nhân nữa khiến hàng điện tử Nhật Bản thất thế hiện nay là họ có xu hướng tập trung hoàn thiện tối đa mỗi quy trình lên kế hoạch sản phẩm trước khi ra mắt. Điều này tốn quá nhiều chi phí và chậm trễ thời gian trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm ngay cả khi chúng không hoàn hảo.
Nguồn https://cafebiz.vn/chuyen-nguoc-doi-hang-dien-tu-nhat-ban-106-nam-tuoi-phai-sao-chep-tu-trung-quoc-de-song-sot-thoi-hang-tau-dao-nhai-sap-di-vao-di-vang-17624061215054789.chn
2. KOL và KOC ảnh hưởng lớn đến hành trình mua sắm online của người tiêu dùng Việt
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các influencer, KOL (Key Opinion Leader) và KOC (Key Opinion Consumer) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu của các nhãn hàng trên các nền tảng số.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, lực lượng này có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các influencer, KOL, và KOC.
Nếu như KOL là các cá nhân hay tổ chức có kiến thức chuyên môn sâu rộng trong một lĩnh vực nhất định và được nhiều người tin tưởng, thì KOC lại là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường.
Khác với KOL, KOC thường là những người tiêu dùng bình thường nhưng lại có khả năng tác động mạnh mẽ đến quyết định mua sắm của cộng đồng nhờ vào những đánh giá và trải nghiệm thực tế của họ.
Bốn yếu tố chính mà người tiêu dùng đề cập đến khi nói về lý do họ bị ảnh hưởng bởi influencer, KOL và KOC :
Thứ nhất là yếu tố kiến thức. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi influencer, KOL và KOC là kiến thức. Họ kỳ vọng rằng các influencer, KOL, và KOC sẽ cung cấp những góc nhìn thực tế, so sánh giữa các sản phẩm trong ngành hàng để giúp họ có cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định mua hàng chính xác hơn. Sự am hiểu về sản phẩm và ngành hàng của các KOL giúp xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm từ phía người tiêu dùng.
Thứ hai là giá trị cốt lõi. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến những thông tin mà các KOL và KOC đưa ra mà còn chú trọng đến con người thật của họ trong cuộc sống hàng ngày và các hoạt động khác. Sự chân thật và minh bạch trong cách truyền đạt thông tin giúp xây dựng lòng tin từ phía người tiêu dùng.
Thứ ba là nội dung hấp dẫn. Nội dung mà các influencer, KOL, và KOC cung cấp cần phải sáng tạo, phù hợp và hấp dẫn. Nội dung này không chỉ giúp thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà còn giữ chân họ lâu hơn trên các nền tảng số.
Thứ tư là phương thức giao tiếp. Sự tương tác và kết nối chặt chẽ với người tiêu dùng thông qua các bình luận, phản hồi nhanh chóng và các hoạt động tương tác khác giúp tạo nên mối quan hệ gần gũi và đáng tin cậy.
Nguồn https://vneconomy.vn/kol-va-koc-anh-huong-lon-den-hanh-trinh-mua-sam-online-cua-nguoi-tieu-dung-viet.htm
3. Đỉnh như “pháp sư Trung Hoa”: Ứng dụng cho thử đồ online khi mua quần áo, phối đồ siêu đỉnh mà chỉ mất 2 giây!
Bấm nút “Đặt hàng” sau khi thấy những chiếc váy áo đẹp lung linh, háo hức khui hàng và rồi thất vọng khi mặc thử, thậm chí là vứt xó sau đó. Đó chính là điều mà nhiều người đã gặp khi mua quần áo online. Không thử đồ trực tiếp khiến mỗi lần mua quần áo trên mạng trở nên rủi ro và khiến nhiều người dù rất thích mua sắm nhưng vẫn phải cân nhắc thật kỹ, dù vậy nhiều khi vẫn không tránh khỏi sai lệch số đo… Lúc này người mua chắc chắn sẽ muốn đổi trả hàng – điều tương đối phiền phức với cả người mua lẫn người bán.
Lúc này, các “pháp sư Trung Hoa” đã ra tay để giải quyết vấn đề một cách đầy ngoạn mục. Trên ứng dụng Taobao – trang mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, người mua hàng đã có thể thử đồ online bằng cách chọn ảnh body của bản thân và “mặc thử online” ngay trên ứng dụng để xem có thực sự có phù hợp để chọn mua hay không. Chỉ cần dùng chức năng này trên ứng dụng, bạn có thể mặc thử tùy thích bất cứ món váy áo nào. Thời gian cho mỗi lần “thử đồ online” cũng chỉ mất vài giây, nhanh hơn gấp bội so với thử đồ thực tế và giúp tiết kiệm thời gian mua sắm hơn đáng kể.
Chưa hết, nếu như không dùng ảnh thực tế của mình, người mua hàng vẫn có thể tạo ra mô phỏng dáng người bằng AI. Nhập số đo chiều cao, cân nặng, tự chỉnh dáng người… lập tức sẽ có một mô hình tương ứng với bản thân để thay bạn “thử đồ online”, giúp việc tìm ra món quần áo phù hợp nhất dễ dàng hơn khi nào hết.
Với sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây, các trang thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh trong những năm qua, Trung Quốc thực sự đã nâng tầm cho thương mại điện tử. Từ livestream bán hàng cho đến ra mắt các dịch vụ, tính năng giúp người mua hàng hóa online tiện lợi hơn bao giờ hết.
Tính năng thử đồ online này hiện đã được đông đảo người dùng tại đất nước tỷ dân yêu thích và chắc chắn sẽ sớm được học hỏi và áp dụng rộng rãi hơn.
Nguồn https://cafef.vn/dinh-nhu-phap-su-trung-hoa-ung-dung-cho-thu-do-online-khi-mua-quan-ao-phoi-do-sieu-dinh-ma-chi-mat-2-giay-188240610070041201.chn

IV. Xu hướng Xanh – Bền vững

1. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế
Sáng 10/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng, nghe báo cáo, cho ý kiến về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tích hợp các tiêu chí xanh vào hệ thống kinh tế quốc dân nhằm triển khai các chủ trương lớn, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước cũng như các chiến lược, kế hoạch, pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hệ thống phân loại xanh không chỉ hướng đến việc đưa các tiêu chí xanh vào hệ thống kinh tế hiện tại mà còn tích hợp một số ngành kinh tế mới như đầu tư và phục hồi môi trường tự nhiên, sử dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ xử lý môi trường, năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở để các bộ, ngành xây dựng các bộ tiêu chí cụ thể phân hạng mức độ xanh cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế; đề xuất danh mục phân nhóm các ngành kinh tế xanh theo mức độ khác nhau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống thống kê quốc gia về kinh tế xanh, làm cơ sở theo dõi, đánh giá; trong đó chú trọng một số chỉ tiêu quan trọng như mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GDP, chỉ số phát thải trên GDP, chi tiêu Nhà nước và xã hội cho kinh tế xanh, biến đổi khí hậu, môi trường…
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/pho-thu-tuong-yeu-cau-khan-truong-xay-dung-bo-tieu-chi-xanh-cho-nen-kinh-te-20240610155855999.htm
2. Nắng nóng đỉnh điểm, food tech Đông Nam Á nỗ lực tìm kiếm phương án phát triển bền vững
Năm 2023 đánh dấu cột mốc “nghiệt ngã” khi được coi là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Thật không may, xu hướng có dấu hiệu tiếp tục trong năm 2024. Theo dữ liệu vào tháng 3, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt qua các thập kỷ trước 0,73°C.
Một tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu chính là tần suất và cường độ gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán tại Đông Nam Á. Thiên tai làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp khi phá hủy cơ sở hạ tầng như đường, cầu, cảng, cản trở lưu thông hàng hóa đồng thời gây ra mối đe dọa cho các sản phẩm đang phát triển.
Các startup food tech trong khu vực đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như một phần nỗ lực giải quyết thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra. Một ví dụ điển hình như giải pháp áp dụng công nghệ canh tác thẳng đứng đến từ Intelligent Growth Solutions. Sáng kiến có thể giải quyết tình trạng thiếu hiệu quả trong hoạt động canh tác trong nhà, chi phí lao động cao và thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới cây trồng. Hệ thống canh tác thẳng đứng tạo ra mô hình tháp tăng trưởng cây trồng trong môi trường an toàn về khí hậu, tận dụng nhiều công nghệ thông minh như AI và IoT để mở rộng và phát triển bền vững.
Sự hợp tác giữa các công ty tư nhân, cơ quan Chính phủ và tổ chức nghiên cứu là rất quan trọng để phát triển giải pháp toàn diện nhằm sản xuất thực phẩm bền vững. Đặc biệt, khung pháp lý phác thảo rõ ràng quy trình phê duyệt công nghệ thực phẩm đột phá là rất cần thiết. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cũng đã vào cuộc trong việc xây dựng khuôn khổ nhằm quản lý các loại thực phẩm mới như thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm và protein từ côn trùng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/techconnect/nang-nong-dinh-diem-food-tech-dong-nam-a-no-luc-tim-kiem-phuong-an-phat-trien-ben-vung.htm

VI. Nông nghiệp – Thủy sản – Chăn nuôi

1. Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát phức tạp, giá heo hơi lên đỉnh 2 năm
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang tái bùng phát phức tạp và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều địa phương. Dự kiến đàn heo nái của cả nước có thể cần ít nhất 1,5 năm để phục hồi về mức trước dịch. Điều này sẽ khiến giá heo hơi neo ở mức cao trong những tháng tới.
Thông thường, mùa Hè là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ heo hơi tại nước ta. Do đó, giá heo hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống, sau đó bật tăng vào quý 3 và 4 – mùa cao điểm lễ hội.
Tuy nhiên, diễn biến năm nay lại khác. Ngay từ đầu năm, giá heo hơi liên tục tăng qua các các tháng. Tính đến cuối tháng 5/2024, giá heo hơi trung bình trên cả nước đạt khoảng 68.000 đồng/kg, tăng 36% so với hồi đầu năm nay. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi cuối năm 2023. Đáng chú ý, dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát, lan rộng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… với số lượng heo buộc phải tiêu hủy ở mức lớn. Tính đến cuối tháng 5/2024, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn ở 21 tỉnh thành chưa qua 21 ngày.
Nguồn: https://baomoi.com/dich-ta-lon-chau-phi-tai-bung-phat-phuc-tap-gia-heo-hoi-len-dinh-2-nam-c49322195.epi
2. Giá sầu riêng biến động mạnh hơn thị trường chứng khoán
Dù xuất khẩu sầu riêng vài năm gần đây ghi nhận kết quả “như mơ” khi tăng trưởng liên tục ở mức cao. Trong quý I,/2024 xuất khẩu sầu riêng ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu liên tục than thua lỗ.
Theo ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai), lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu từ đầu năm đến nay đi ngược lại với kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng.
Ông Thắng cho hay từ đầu năm 2024 đến nay, giá sầu riêng thu mua tại các tỉnh miền Tây luôn duy trì ở mức cao. Trong quý I/2024, giá sầu riêng Dona (hay Monthong) luôn duy trì hơn 130.000 đồng và 110.000 đồng/kg đối với Ri 6, nông dân được hưởng lợi rất lớn từ giá sầu riêng lên cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu lo lắng khi hơn 70% doanh nghiệp xuất khẩu đều thua lỗ trong thời gian qua.
Nguyên do từ 2 yếu tố giá và chất lượng. Về giá cả, khi các doanh nghiệp luôn cạnh tranh nhau về giá để đặt cọc vườn, dẫn đến giá thu mua sầu riêng biến động mạnh hơn cả thị trường chứng khoán. Trong ngày, giá có thể tăng lên 20.000 -30.000 đồng/kg bởi nhiều doanh nghiệp không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua theo thị trường, từ đó dẫn đến thua lỗ, phá vỡ hợp đồng.
Nguồn: https://baomoi.com/gia-sau-rieng-bien-dong-manh-hon-thi-truong-chung-khoan-c49318723.epi
3. Cả thế giới mất mùa tiêu
Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông lên tới 162.500 đồng/kg, Gia Lai 162.000 đồng/kg, Bình Phước 161.000 đồng/kg, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đồng giá 160.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của hải quan Việt Nam, trong tháng 5 Việt Nam đã xuất khẩu trên 31.000 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị đạt 135 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng tăng gần 50% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiêu của Việt Nam ước tính đạt 113.000 tấn, trị giá 487 triệu USD; so với cùng kỳ năm ngoái giảm 14% về lượng, nhưng tăng gần 20% về giá trị.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, giải thích nguồn cung lớn thứ 2 thế giới là Brazil, năm 2023 sản lượng tiêu cũng sụt giảm mạnh do thời tiết bất lợi. Tình hình hạn hán tiếp tục kéo dài đến năm 2024 đã khiến một loạt vườn tiêu rộng lớn của Brazil chết khô. Cả thế giới mất mùa, nguồn cung ước tính chỉ đạt 455.000 tấn tiêu. Ngược lại, nhu cầu sử dụng hạt tiêu toàn cầu nhiều hơn khả năng cung ứng đến gần 100.000 tấn. Đó là lý do giá tiêu vọt tăng trở lại.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ca-the-gioi-mat-mua-gia-tieu-len-con-sot-185240608220330755.htm

VII. Thị trường xuất nhập khẩu

1. Doanh nghiệp xuất khẩu hoang mang với quy định về ‘trộn lẫn nguyên liệu’
Ngày 13.5, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký văn bản gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị Nghị định 37/2024NĐ-CP không có quy định và danh mục loại trừ là bất cập. Điều này đồng nghĩa là nhiều sản phẩm có nguồn gốc nuôi trồng hoặc sản phẩm khai thác ở vùng nước ngọt sẽ không còn được loại trừ mà sẽ thuộc trong danh mục phải thực hiện đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU) bao gồm cả xác nhận, chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, EU vẫn còn nguyên danh mục các sản phẩm được loại trừ, không phải thực hiện xác nhận, chứng nhận.
Cũng theo VASEP, quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP đang gây hoang mang cho doanh nghiệp. Cụ thể tại luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019, Nghị định 37/2024 và 38/2024 không thấy có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”.
Để chứng minh cho bất cập quy định này, VASEP dẫn chứng ví dụ.
Thứ nhất, theo yêu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp hải sản sản xuất hàng phối trộn (seafood mix) hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng – ví dụ như sản phẩm “hải sản xiên que”, trong đó một que xiên bao gồm cả cá ngừ, cá dũa (cá ngừ có xuất xứ từ nhập khẩu; cá dũa thu mua trong nước). Các loại nguyên liệu này đều không IUU, truy xuất được và có đủ giấy tờ cần thiết.
Nếu thực hiện quy định kể trên, doanh nghiệp bắt buộc phải tách các miếng cá ra khỏi que; những miếng cá nào có nguồn gốc nhập khẩu thì đóng vào 1 container riêng; những miếng cá nào từ nguồn khai thác trong nước sẽ đóng vào container khác, kèm với số que để xiên. Khi các container riêng rẽ sang được các nước nhập khẩu, khách hàng phải tự lấy 2 loại cá để xiên vào que thành sản phẩm “hải sản xiên que” theo đúng quy cách yêu cầu.
VASEP khẳng định, quy định không trộn lẫn nguyên liệu không chỉ khiến doanh nghiệp phải trả gấp đôi chi phí logistics và cước tàu vận chuyển đường biển ra nước ngoài mà còn phát sinh gấp đôi nguồn lực, chi phí quản lý, thông quan của cả doanh nghiệp cùng nhà nhập khẩu ở nước ngoài. Đặc biệt, VASEP và các doanh nghiệp chưa thấy phương thức, quy định này ở các nước đang cùng xuất khẩu hải sản khai thác vào EU.
Hai nghị định trên được ban hành trong nỗ lực của Chính phủ nhằm gỡ thẻ vàng về khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) cho thủy sản Việt Nam. Các doanh nghiệp đều đồng thuận và cam kết song hành cùng nỗ lực này, vì đây là việc phải làm. Song điều mà VASEP đang đại diện các doanh nghiệp đặt ra, là có cách quản lý nào hợp lý, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu của châu Âu, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hay không.
Nguồn: https://thanhnien.vn/doanh-nghiep-thuy-san-hoang-mang-voi-quy-dinh-khong-tron-lan-nguyen-lieu-185240514171300196.htm
2. VDSC: Dệt may Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh tại Mỹ
Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo ngành dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Báo cáo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Thời trang Mỹ (USFIA) về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các nước tại thị trường này. Hiện, Việt Nam vẫn có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh, cho thấy lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, so với năm 2020, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giảm điểm trong khi các nước đang tăng dần. “Kết quả này báo hiệu Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ”
So với Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá cao hơn nhờ ít rủi ro về xã hội. Bên cạnh đó, khảo sát các nhà cung cấp ở Mỹ cũng cho thấy nước này có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, các chuyên viên phân tích kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ chiếm dần thị phần của Trung Quốc.
So với Bangladesh, Việt Nam có lợi thế về hệ thống cảng lớn, vị trí địa lý và khả năng sản xuất đa dạng nhờ sản xuất sản phẩm giá trị cao và đa dạng như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi trong khi Bangladesh chủ yếu sản xuất đại trà sản phẩm áo thun mẫu mã cơ bản. Tuy nhiên, điểm số của Bangladesh ngày càng cải thiện nhờ ngày càng sản xuất đa dạng. Giá trị xuất khẩu của Bangladesh sang Mỹ cũng đang tăng dần cho thấy sự cải thiện tại thị trường này.
Đối với các nước khác như Ấn Độ, Indo và Sri Lanka thì Việt Nam đang có tốc độ giao hàng nhanh hơn cùng với khả năng sản xuất linh hoạt. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước trên bắt kịp khả năng sản xuất đa dạng thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, VDSC đánh giá.
So với Mexico, Việt Nam đang có mức điểm thấp hơn do vị trí địa lý ở xa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Mexico trong ngắn hạn thấp do Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ và tay nghề sản xuất cao.
Khối Cộng hòa Dominica – Trung Mỹ (CAFTA-DR) gồm 6 nước Trung Mỹ là Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Dominican Republic đang có điểm số cao hơn Việt Nam nhờ lợi thế về vị trí địa lý cũng như được miễn thuế nhập khẩu.
Trong khi tại thị trường trong nước, dệt may nội địa đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nước ngoài. Năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 10.855 cửa hàng thời trang, giảm 832 cửa hàng so với năm 2019. Trong đó, Việt Tiến, Blue Exchange và Pierre Cardin có số lượng cửa hàng nhiều nhất. Tuy nhiên, Uniqlo và H&M lại chiếm thị phần cao nhất chỉ với 12 cửa hàng mỗi hãng vào năm 2022 và thị phần của H&M cũng tăng trưởng theo năm trong khi thị phần của các hãng nội địa khó tăng trưởng.
 Theo các chuyên viên phân tích, việc các nhãn hiệu thời trang quốc tế ngày càng tăng trưởng thị phần có thể đến từ hành vi người tiêu dùng thích mua sản phẩm thương hiệu nước ngoài và mua theo quảng cáo hoặc khuyến nghị của bạn bè. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang chuyển dần sang mua hàng online tạo nên sự khó khăn trong việc kinh doanh thời trang.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp biết xây dựng hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh bán hàng online với mẫu mã phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong chuỗi giá trị.
Nguồn: https://baomoi.com/vdsc-det-may-viet-nam-mat-dan-loi-the-canh-tranh-tai-my-c49326959.epi
3. Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc sắp có hiệu lực
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm 2023.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Nghị định thư này chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024. Đây là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng sang thị trường tỷ dân.
ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, trước nay dưa hấu thường là mặt hàng xuất khẩu biến động thất thường do gặp nhiều có yếu tố rủi ro. Theo đó, thị trường tiêu thụ phần lớn dưa hấu Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, dưa hấu Việt Nam xuất sang nước này được giá nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Vào mùa hè, do Trung Quốc cũng trồng được dưa hấu nên nhu cầu nhập khẩu thường thấp hơn. Cùng với đó, dưa hấu có mùa vụ khoảng 3 tháng nên diện tích trồng cũng thất thường.  Không ít năm, dưa hấu đến vụ thu hoạch bị ế, phải “giải cứu” và gặp tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu.
Theo ông Nguyên, với việc Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ 12/6 tới, đầu ra mặt hàng này sẽ ổn định hơn do sản phẩm dưa hấu sẽ được tiêu chuẩn hóa. Về lâu dài sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người trồng dưa hấu, nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn hơn. Xuất khẩu mặt hàng này dự kiến có thể đạt 80-100 triệu USD/năm, từ đó giúp bà con tăng thu nhập và gắn bó hơn với mặt hàng này.
Nguồn: https://tienphong.vn/sap-het-canh-lo-rui-ro-xuat-khau-dua-hau-post1644743.tpo
4. Thái Lan nối đường sắt với Lào, đưa hàng hóa, sầu riêng tới thẳng Trung Quốc
Báo Nikkei Asia của Nhật Bản nhận xét Thái Lan đang tăng tốc kết nối tuyến đường sắt quốc gia với mạng lưới đường sắt Lào – Trung Quốc. Người Thái kỳ vọng sự thông suốt này không chỉ thúc đẩy thương mại ba nước, mà còn đưa Thái Lan trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực.
Mạng lưới đường sắt Thái – Lào sẽ chính thức khai trương vào tháng 7-2024. Đây sẽ là tuyến đường sắt đầu tiên kết nối Thái Lan và Trung Quốc. Tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ ga trung tâm Krung Thep Aphiwat ở Bangkok, chạy qua thành phố lớn phía đông bắc Udon Thani và thị trấn biên giới Nong Khai, sau đó kết nối với mạng lưới đường sắt Lào tại Vientiane. Sau đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung đã bắt đầu hoạt động vào tháng 12-2021, sẽ cung cấp tuyến đường cho hàng hóa Thái Lan từ Vientiane đi tiếp đến thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc. Tuyến đường sắt dài 1.000km đã giúp giảm thời gian giao hàng đến Trung Quốc xuống chỉ còn 15 giờ, so với hai ngày đi bằng xe tải.
Các mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan có thể được hưởng lợi từ tuyến đường sắt mới bao gồm thực phẩm, sản phẩm theo mùa và các hàng hóa dễ hư hỏng khác, đặc biệt là sầu riêng. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, xuất khẩu trái cây của Thái Lan sang Trung Quốc đã đạt 2 tỉ baht (54,4 triệu USD).
Trong tương lai, dự kiến trước năm 2030, Thái Lan và Trung Quốc sẽ được kết nối bằng đường sắt tốc độ cao Thái – Trung. Chính phủ hai nước đã nhất trí xây dựng tuyến đường sắt này nhằm kết nối Thái Lan với Trung Quốc qua Lào. Chi phí dự kiến rơi vào khoảng 9 tỉ USD.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thai-lan-noi-duong-sat-voi-lao-dua-sau-rieng-toi-thang-trung-quoc-2024061122162281.htm

VIII. Dịch vụ

1. Phía sau sự thành công của du lịch Thái Lan
Theo Tạp chí Dân số Thế giới (WPR), trong năm 2023, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách các quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới.Tính từ đầu tháng 1/2024 đến ngày 26/5/2024, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đã đạt được cột mốc 14 triệu lượt (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ở góc độ khu vực, trong Quý I năm nay, Thái Lan đã chính thức lấy lại “ngôi vương” từ Malaysia trong cuộc đua đón khách quốc tế ở Đông Nam Á. Theo đó, Thái Lan đã thu hút được 9,37 triệu lượt khách, gấp khoảng 1,6 lần lượng khách đến Malaysia (quốc gia dẫn đầu trong năm 2023 và hiện đứng ở vị trí thứ 2).
Trong năm 2023, Thái Lan nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu “Amazing Thailand” (Thái Lan là điểm đến tuyệt vời), tập trung vào việc xây dựng và phát triển ngành du lịch bền vững và có giá trị cao, nhất là thông qua tận dụng và khai thác “quyền lực mềm 5F” của Thái Lan, đó là: ẩm thực (food), phim (film), lễ hội (festival), võ cổ truyền Muay Thái (fighting) và thời trang (fashion). Cùng với đó, Thái Lan tích cực tuyên truyền, quảng bá các nét văn hóa độc đáo chỉ có ở Thái Lan (Thainess) như: massage Thái, lụa Thái, đền chùa cổ kính…Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến du lịch, mở rộng thị phần, tập trung quảng bá du lịch thông qua 5 chiến lược : nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững, khám phá các thị trường chất lượng mới, tìm kiếm quan hệ đối tác mới, mở rộng kết nối giao thông mặt đất và sử dụng nội dung số để tiếp thị.
Bên cạnh đó, Thái Lan không bỏ quên thị trường trong nước. Trong năm 2023, Thái Lan cũng triển khai một loạt các chiến dịch truyền cảm hứng và thúc đẩy du lịch nội địa như: “365 ngày ở Thái Lan”, “Trải nghiệm các lễ hội Thái Lan 2023”; qua đó, khuyến khích và thúc đẩy người dân Thái Lan khám phá các điểm du lịch mới phát triển, góp phần quảng bá những địa danh mới.
Để chuẩn bị cho năm 2024, Thái Lan đã triển khai một loạt các chính sách kích thích du lịch. Quan trọng hơn cả là chính sách miễn thị thực mở rộng được coi là đòn bẩy hàng đầu. Từ tháng 1/2024, Thái Lan và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận miễn thị thực, cho phép người dân mỗi nước đến nước còn lại mà không cần thị thực kể từ 1/3/2024. Đến tháng 6 năm nay, Thái Lan tiếp tục mở rộng danh sách các quốc gia đủ điều kiện miễn thị thực với thời gian lưu trú 60 ngày (từ 57 lên 93 gia) cũng như danh sách các quốc gia được cấp thị thực tại cửa khẩu (từ 19 lên 31 quốc gia).
Chính phủ Thái Lan tiếp tục đàm phán với các nước châu Âu thuộc khu vực Schengen về vấn đề miễn thị thực cũng như thuyết phục các nước thành viên ASEAN tham gia chương trình “một visa, đặt chân đến mọi nơi”. Bên cạnh đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông cũng là một trong những ưu tiên nhằm đảm bảo trải nghiệm của khách du lịch. Trong 2024, Thái Lan sẽ có thêm tới 8 hãng hàng không mới đi vào hoạt động, bổ sung thêm tới 60 máy bay và nhiều đường bay mới. Tổng cục du lịch Thái Lan cũng đã triển khai chương trình “Thais always care” (Người Thái luôn quan tâm), phối hợp giữa Tổng cục du lịch với lực lượng cảnh sát và Grab Taxi nhằm đảm bảo khách du lịch có trải nghiệm an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp.
 Thái Lan cũng cho phép các điểm giải trí về đêm có chọn lọc ở các khu vực du lịch chủ chốt được mở cửa hoạt động đến 4h sáng. Những khu vực được áp dụng gồm: Bangkok, Phuket, Koh Samui, Pattaya và Chiang Mai.
Ngoài ra, Thái Lan sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu là “điểm đến tuyệt vời trong suốt cả năm”. Chiến dịch này sẽ tập trung quảng bá những điểm đến du lịch ít được biết đến nhưng có tiềm năng đầu tư và du lịch gồm Phrae, Lampang, Nakhon Sawan, Nakhon Phanom, Si Sa Ket, Chanthaburi, Ratchaburi, Kanchanaburi, Nakhon Si Thammarat.
Nguồn: https://baomoi.com/phia-sau-su-thanh-cong-cua-du-lich-thai-lan-c49331031.epi
2. Đà Nẵng phát triển du lịch cưới chuyên nghiệp
Sở Du lịch Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch phát triển du lịch cưới và chương trình thí điểm thu hút khách du lịch cưới trong năm 2024-2025 mang thông điệp ‘Đà Nẵng – Nơi khởi nguồn hạnh phúc’. Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, chương trình mong muốn chuyển tải thông điệp của thành phố yên bình, đáng sống. Đà Nẵng mong muốn không chỉ là điểm đến mà còn trở thành nơi gặp gỡ, hò hẹn và ghi dấu những câu chuyện đẹp không chỉ của các cặp đôi mà còn của người thân, bạn bè đến tham dự sự kiện cưới tại Đà Nẵng.
Các điểm lưu trú, khách sạn, resort tại Đà Nẵng và đoàn du khách tổ chức cưới tham gia chương trình phải có quy mô tiệc và số lượng đêm phòng đáp ứng các điều kiện quy định theo ba mức.
Mức 1 là từ 50 – 100 khách/tiệc, lưu trú ít nhất 25 đêm phòng. Mức 2 là từ 100 – 200 khách/tiệc, lưu trú ít nhất 50 đêm phòng và mức 3 là trên 200 khách/tiệc, lưu trú ít nhất 100 đêm phòng.
Tùy theo mức đăng ký chương trình, khách sử dụng dịch vụ sẽ được hiển thị thông tin chào đón tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhận hoa tươi chào đón và tặng vé trải nghiệm dịch vụ tại các điểm tham quan trên địa bàn thành phố…
Ngoài ra, tùy sự kiện cưới có quy mô tiệc và số lượng đêm phòng đáp ứng các điều kiện quy định sẽ nhận được thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn đi kèm…
Nguồn: https://tuoitre.vn/da-nang-phat-trien-du-lich-cuoi-chuyen-nghiep-20240606113050919.htm

X. Liên kết – Đầu tư – Khởi nghiệp

1. Các công ty châu Âu tăng cường nỗ lực tách khỏi Trung Quốc
Brussels đã tiến hành các cuộc điều tra điều tra các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc dành cho sản xuất. Hơn nữa, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ sớm tiết lộ thêm bất kỳ mức thuế nào đối với hàng nhập khẩu xe điện của nước này.
Richard Laub, Giám đốc điều hành của Dragon Sourcing ở Bỉ, cho biết: “Xu hướng lớn hiện nay là các công ty giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Ông nói thêm rằng trong khi Mỹ đi đầu trong việc tách rời, các nước châu Âu đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế kể từ khi đại dịch Covid-19 kết thúc”.
Nhưng không giống như các công ty Mỹ tích cực tìm kiếm nhà cung cấp mới sau khi Washington áp đặt chế độ thuế quan nghiêm ngặt và các hạn chế khác, người châu Âu đang tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực cụ thể mà họ tin rằng vốn trở nên quá phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.
Khách hàng châu Âu ngày càng lo ngại về việc họ tiếp xúc với Trung Quốc, đặc biệt là những khách hàng trong ngành bán lẻ phi thực phẩm – danh mục bao gồm mọi thứ từ may mặc, thiết bị đến điện tử tiêu dùng và đồ chơi.
Nguồn: https://baomoi.com/cac-cong-ty-chau-au-tang-cuong-no-luc-tach-khoi-trung-quoc-c49328420.epi
2. Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tăng hai bậc trên toàn cầu
Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” vừa mới được công bố bởi StartupBlink, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực vào năm 2024.
Cụ thể, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024 đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56. Xét trên khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup.
Đặc biệt, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896, cùng với TP. Hồ Chí Minh (vị trí thứ 111) và Hà Nội (vị trí thứ 157). Tại khu vực Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội giữ vững vị trí lần lượt là 6 và 7, trong khi Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 22. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và 7 trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 100 toàn cầu về khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, các ưu đãi thuế của chính phủ Việt Nam đã và đang thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Dự kiến vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sẽ đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Tuy nhiên, các thách thức mà các startup tại Việt Nam vẫn còn gặp phải đó chính là thiếu nhân lực có trình độ, thiếu các startup quy mô lớn và cải cách thể chế vẫn còn chậm. Ngoài các quỹ và khoản vay hiện có, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào quá trình đào tạo để xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng. Việc cải cách thể chế liên tục là rất cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, từ đó thu hút các doanh nghiệp công nghệ và giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển.
Nguồn: https://vneconomy.vn/techconnect//chi-so-he-sinh-thai-khoi-nghiep-viet-nam-tang-hai-bac-tren-toan-cau.htm

XI. Công nghệ

1. Wi-Fi mà chúng ta dùng lướt web hàng ngày vừa có một phát hiện bất ngờ
Tại triển lãm Computex ở Đài Bắc tuần này, công ty quản lý năng lượng Delta của Đài Loan đã công bố một nghiên cứu thú vị cho thấy mạng Wi-Fi trong tương lai gần có thể theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của chúng ta.
Tiến sĩ Tzi-cker Chiueh tại trung tâm nghiên cứu của Delta đã trình diễn cách các thuật toán có thể phát hiện tốc độ thở và thậm chí cả nhịp tim chỉ bằng cách phân tích các sự gián đoạn trong tín hiệu Wi-Fi.
Hoá ra Wi-Fi hiện nay khá nhạy cảm với những chuyển động và thay đổi nhỏ trong môi trường xung quanh. Bằng cách đo chính xác thời gian di chuyển và góc tới của tín hiệu Wi-Fi dội lại trong phòng, Delta đã tạo ra các thuật toán có thể theo dõi nhịp thở với độ chính xác cao.
Theo báo cáo của The Register, Chiueh tuyên bố thuật toán ước lượng tốc độ thở đạt độ chính xác lên tới 95% khi đo trong phạm vi 5 mét. Thậm chí nhịp tim cũng có thể được phát hiện, với độ chính xác 83% khoảng cách 1 mét. Ông đã trình chiếu video của một thí nghiệm trong đó công nghệ này có thể phân biệt trạng thái ngủ của hai người dựa trên cách thở và chuyển động cơ thể chỉ bằng sóng Wi-Fi từ hai chiếc điện thoại thông minh.
Tiến sĩ Chiueh có ý định áp dụng công nghệ này ở quy mô lớn. Theo ông các điểm truy cập Wi-Fi có thể được sử dụng để theo dõi bệnh nhân trong bệnh viện hoặc người cao tuổi trong trại dưỡng lão, mà không cần các thiết bị y tế chuyên dụng đắt tiền.
Tình huống trẻ em và thú cưng bị bỏ lại trong xe gây nguy hiểm tới tính mạng cũng là một trường hợp có thể áp dụng công nghệ này.
Nguồn: https://cafef.vn/wi-fi-ma-chung-ta-dung-luot-web-hang-ngay-vua-co-mot-phat-hien-bat-ngo-188240610073616169.chn
2. Thung lũng Silicon náo động vì dự luật an toàn AI của California
Sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng to lớn của AI đã làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của công nghệ. Tỷ phú Elon Musk, nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT, từng gọi trí tuệ nhân tạo là “mối đe dọa hiện hữu” đối với nhân loại, theo Financial Times.
Do chưa có luật AI thống nhất, các bang của Mỹ đang tự xây dựng quy định của riêng họ. Dự luật được Thượng viện tiểu bang thông qua vào tháng trước và sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại đại hội đồng vào tháng 8 tới. Dự luật yêu cầu các công ty AI tại California phải đảm bảo sẽ không phát triển các mô hình có “khả năng nguy hiểm”, chẳng hạn như như tạo ra vũ khí sinh học hoặc hạt nhân hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công an ninh mạng.
Phản đối phát ngôn của Thượng nghị sĩ này, nhiều người cho rằng những quy định đang hạn chế quá mức và tạo ra gánh nặng tài chính lên các nhà phát triển, đặc biệt với các công ty AI nhỏ hơn. Một trong những chỉ trích gay gắt là dự luật sẽ gây tổn hại cho các mô hình AI nguồn mở, chẳng hạn như LLM hàng đầu của Meta, Llama. Những mô hình này mặc dù trao quyền truy cập cho bất kỳ ai song cũng tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để phát triển thành những mô hình phục vụ cho mục đích xấu.
Các quy định kìm hãm sự đổi mới sẽ gây ra nỗi sợ khiến các công ty không dám đổi mới, kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp AI và đẩy các công ty trong bang rời đi, làm thất thoát đến hàng tỷ USD.
Đối mặt với những phản đối này, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Scott Wiener người đưa ra luật, cho biết thêm ông đang có kế hoạch sửa đổi dự luật để làm rõ phạm vi trách nhiệm của các bên đối với an toàn của AI.
Các sửa đổi được đề xuất nêu rõ các nhà phát triển nguồn mở sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý đối với các mô hình “đã qua tinh chỉnh”, nghĩa là nếu một mô hình nguồn mở khi bị bên thứ ba sử dụng để xây dựng một mô hình mới thì các nhà phát triển của mô hình gốc sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về các vi phạm của mô hình. Một sửa đổi khác nêu rõ dự luật sẽ chỉ áp dụng cho các mô hình lớn “tốn ít nhất 100 triệu USD để đào tạo” và do đó sẽ không ảnh hưởng đến hầu hết các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thung-lung-silicon-nao-dong-vi-du-luat-an-toan-ai-cua-california.htm

XII. Tài chính

1. Chuyên gia kiến nghị đánh thuế giao dịch vàng
Chiều ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi họp với các chuyên gia kinh tế đầu ngành nhằm tìm giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh, trở thành vấn đề lớn của nhiều nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Theo bà Mùi, giải pháp thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư, nhất là những người đang mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, hoặc thậm chí có động cơ thao túng giá. Giải pháp thuế sẽ tác động tới tâm lý  người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Thuế còn là công cụ quản lý đảm bảo tính công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… đều đang được điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân, do đó cũng cần tính giải pháp phù hợp cho vàng.
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, còn không thì giảm xuống. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế. Ngoài ra, cần tính tới các giải pháp như quản lý bằng quota xuất, nhập khẩu, chống độc quyền, chống gian lận thương mại…
TS Trương Văn Phước cho rằng, nên hạn chế nhập khẩu vàng nhưng cũng cần tôn trọng nhu cầu của người dân. “Dĩ nhiên có nhiều quan điểm khác nhau trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, nhưng đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng” – TS Phước nói.
Nguồn: https://baomoi.com/chuyen-gia-kien-nghi-danh-thue-giao-dich-vang-c49330227.epi
BSAi