Bằng sáng chế đạm thay thế giúp doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản tỏa sáng

Vuna – sản phẩm cá ngừ làm từ thực vật của Nestlé. Các bằng sáng chế về protein thay thế giúp Nestlé đứng đầu bảng xếp hạng của Nikkei và Patent Result. Ảnh: Nestlé

Bằng sáng chế các sản phẩm đạm thay thế đang giúp các doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản tỏa sáng trên thị trường thịt thực vật hay thịt thuần chay. Các công ty Nhật cũng đi đầu trong nỗ lực giảm giá thành đến 90%. Thị trường thịt thực vật không còn là sân chơi của riêng Impossible Foods hay Beyond Meat.

Nikkei đã hợp tác với hãng nghiên cứu Patent Result có trụ sở tại Tokyo để đánh giá tính hữu ích và cho điểm các bằng sáng chế từ các công ty, tổ chức nghiên cứu trong việc chế tạo sản phẩm đạm thay thế. Tính đến cuối tháng 4, Mỹ đứng đầu thế giới với tổng số điểm 4.340 điểm, tiếp theo là Nhật Bản với 2.570 điểm, Thụy Sĩ với 1.740 điểm và Trung Quốc với 1.651 điểm.

Bảng xếp hạng nhiều gợi mở

Thông thường, nhắc đến thị trường đạm thay thế, ai cũng nhắc đến Mỹ với hai gã khổng lồ Impossible Foods và Beyond Meat luôn che lấp sự hiện diện của các công ty khác. Bảng xếp hạng của Nikkei và Patent Result lại hé lộ thực tế khác.

Gã khổng lồ ngành thực phẩm Nestlé của Thụy Sĩ đang đứng đầu bảng xếp hạng này. Nestlé hiện nắm giữ bằng sáng chế về việc tạo ra protein từ thực vật giống với hình dáng và kết cấu của thịt. Hãng cũng đang thúc đẩy nghiên cứu về thịt và sữa được nuôi trong phòng thí nghiệm không có protein động vật.

Đại học Giang Nam là đơn vị có thứ hạng cao nhất của Trung Quốc, xếp thứ tám trong bảng xếp hạng. Đây là sự thăng tiến ngoạn mục khi Giang Nam chỉ đạt hạng 81 vào năm 2010. Đại học này hiện nắm giữ các bằng sáng chế về việc sử dụng amino acid để tạo vị giống thịt cho các sản phẩm đạm thay thế.

Ba công ty Nhật Bản là Fuji Oil, Amano Enzyme và Nissin Foods Holdings lọt vào top 20.

Fuji Oil xếp thứ hai về số điểm trong việc sản xuất bơ và phô mai từ thực vật. Fuji Oil đã dẫn đầu trong thị trường protein thay thế kể từ khi bắt đầu bán sản phẩm thay thế thịt làm từ đậu nành vào năm 1969. Năm 2022, công ty đã cho ra mắt một sản phẩm thịt đậu nành gần giống với thịt thật về kết cấu và hương vị, đồng thời có thể nướng và chiên giòn.

Shigeru Ashida, quản lý cấp cao bộ phận thực phẩm thực vật của Fuji Oil, nói rằng thịt thực vật làm từ đậu nành ngày càng phổ biến do xu hướng nâng cao ý thức về môi trường và sức khỏe. Công ty đã tăng cường xuất khẩu thịt và protein có nguồn gốc thực vật sang Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Fuji Oil cũng cung cấp bơ và kem làm từ đậu nành cho các nhà sản xuất bánh nướng và đồ ngọt.

Amano Enzyme là hãng sản xuất enzyme dược phẩm, đứng thứ sáu. Hãng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế để sử dụng protein thực vật được xử lý bằng enzyme dùng để thay thế sữa trong thức uống cà phê.

Nissin Foods Holdings xếp thứ 16, là công ty đầu tiên ở Nhật Bản tạo ra loại thịt ăn được nuôi trong phòng thí nghiệm và đặt mục tiêu sản xuất beefsteak nuôi cấy từ tế bào cơ bò vào năm 2025. Nissin có bằng sáng chế về các sản phẩm thay thế thịt làm từ đậu nành và lúa mì. Hãng đang cải thiện các quy trình nhằm khiến các sản phẩm đạm thực vật có hương vị giống với thịt thật hơn.

Hitachi Zosen đã cơ giới hóa quy trình sản xuất đạm nhân tạo, có thể giúp giảm 90% giá thành. Ảnh: Nikkei Asia

Cắt giảm chi phí là thách thức lớn nhất

Nhu cầu thực phẩm toàn cầu ngày một tăng do dân số tăng không ngừng, sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đang thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường đạm thay thế. Viện nghiên cứu Mitsubishi của Nhật Bản dự đoán thị trường thịt nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ đạt 138.000 tỉ yen (880 tỉ đô la) vào năm 2050, tăng gấp 12 lần kể từ năm 2025 và chiếm 57% tổng thị trường thịt.

Các loại đạm thay thế được cho là đang bổ sung nguồn cung thực phẩm toàn cầu trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của chăn nuôi. Ngành công nghiệp đạm thay thế cũng được xem là giải pháp hữu hiệu để giúp giảm lượng khí methane và khí thải nhà kính khác từ chăn nuôi.

Nhưng việc người tiêu dùng tiếp nhận các loại đạm thay thế này như thế nào vẫn còn là thách thức lớn.

Chuyên viên tư vấn cấp cao Nanae Yamamoto thuộc Viện nghiên cứu Mitsubishi nhận định: “Chúng ta vẫn cần các quy định liên quan đến việc sử dụng và ghi nhãn các chất phụ gia tạo ra hương vị và kết cấu của protein từ thực vật. Chúng ta cũng cần đặt ra các tiêu chuẩn an toàn cho các sản phẩm thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm và quy trình sản xuất các loại thịt này”.

Nhưng cắt giảm chi phí chế biến các món chay có hương vị giống như món mặn có thể là thách thức lớn, khi giá đạm thay thế hiện đắt hơn 2-3 lần giá của thịt thật. Tại Singapore, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực thịt nuôi cấy, một bánh sandwich với nhân thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được bán với giá 13 đô la Mỹ.

Các công ty Nhật Bản cũng đi đầu trong nỗ lực cắt giảm chi phí.

Hitachi Zosen dự kiến sẽ bắt đầu bán loại protein tổng hợp cho các nhà sản xuất thịt nhân tạo sau năm 2025, sử dụng quy trình giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 90%. Protein thịt nhân tạo sẽ được tạo ra bằng công nghệ của startup NUProtein có trụ sở tại thành phố Tokushima. Hitachi Zosen cũng sắp xếp hợp lý quy trình sản xuất để tiếp tục giảm chi phí.

Thịt thay thế thường được làm từ đạm thực vật, chẳng hạn như đậu nành, hoặc được nuôi cấy từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm. Thay vào đó, NUProtein kết hợp mRNA từ AND của động vật với mầm lúa mì để tạo ra protein.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media

Du khách Trung Quốc chi 250 tỉ đô la để du lịch nước ngoài trong năm nay