Các hãng găng tay Malaysia hưởng lợi nhờ đợt đối đầu mới thương mại Mỹ – Trung

Công nhân đang kiểm tra sản phẩm tại nhà máy Top Glove ở Malaysia. Các nhà phân tích dự đoán mức thuế cao hơn của Mỹ đối với găng tay phẫu thuật của Trung Quốc sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho các đối thủ cạnh tranh của Malaysia. Ảnh: Reuters

Các hãng sản xuất găng tay y tế của Malaysia đã giành chiến thắng bất ngờ trên thị trường chứng khoán khi Mỹ công bố đợt thuế mới với các sản phẩm Trung Quốc tuần rồi.

Cổ phiếu của Top Glove, hãng sản xuất găng tay cao su lớn ở Malaysia, đã đạt mức cao nhất trong gần hai năm vào tuần trước, tăng 30% chỉ trong ngày 15-5. Các hãng găng tay khác như Hartalega Holdings và Kossan Rubber Industries cũng tăng mạnh. Hãng đối thủ Sri Trang Glove của Thái Lan cũng được “hưởng sái”.

Đối đầu Mỹ – Trung tiếp tục dâng cao khi Tổng thống Biden nâng mức thuế xe điện hơn bốn lần lên trên 100% trong đợt thuế hơn 18 tỉ đô la với các sản phẩm Trung Quốc. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Malaysia nhận ra cơ hội. Mức thuế áp dụng đối với găng tay dùng trong y tế và phẫu thuật của Trung Quốc sẽ tăng từ 7,5% lên 25% vào năm 2026.

“Kịch bản tăng thuế lên 25% đối với găng tay Trung Quốc được đặt ra để củng cố vị trí dẫn đầu thị trường của ngành găng tay Malaysia và xoa dịu những lo ngại trước đó về việc mất thị phần vào tay các hãng Trung Quốc do cạnh tranh gay gắt”, theo nhà phân tích Jack Koh của hãng môi giới chứng khoán UOB Kay Hian thuộc ngân hàng UOB có trụ sở chính ở Singapore.

Malaysia là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn. Với số lượng lớn lao động nhập cư có chi phí tương đối thấp, đất nước này là nơi có nhiều nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo thường niên của Hartelega, Mỹ là thị trường trọng điểm, trong đó Bắc Mỹ chiếm 50% doanh thu của công ty trong năm ngoái. .

Các hãng găng tay Malaysia đã tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19 khi nhu cầu găng tay tăng nhanh trên toàn cầu. Nhưng khi Covid chấm dứt, nhu cầu giảm sút đã giáng mạnh vào sản xuất của nhà sản xuất như Top Glove.

Các nhà sản xuất găng tay Malaysia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay vế giá từ các đối thủ Trung Quốc như Intco, Blue Sail Medical và Zhonghong Pulin. Nhà phân tích Goh ước tính thị phần toàn cầu của các công ty Trung Quốc đã tăng từ khoảng 7% năm 2019 lên 32% vào năm 2023.

UOB Kay Hian tính toán rằng giá bán trung bình trên 1.000 chiếc của các nhà sản xuất Trung Quốc hiện là 17 đô la và mức thuế mới sẽ nâng giá lên 19-20 đô la tại Mỹ. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giá với các sản phẩm của Malaysia.

Khoản lỗ ròng của Top Glove trong quí từ tháng 12 đến tháng 2 là 51 triệu ringgit (10,8 triệu đô la), thu hẹp so với mức lỗ 164 triệu ringgit một năm trước đó. Báo cáo của UOB Kay Hian cho biết bối cảnh cạnh tranh được cải thiện sẽ “cho phép lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất găng tay Malaysia vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2026”.

Ngân hàng đầu tư Maybank của Malaysia đã nâng xếp hạng cổ phiếu Top Glove từ Bán lên Mua và mục tiêu giá lên 1,21 ringgit trên mỗi cổ phiếu từ 0,80 ringgit. Tương tự như vậy, Maybank đã tăng giá mục tiêu cho Hartalega Holdings từ 3,02 ringgit lên 4,36 ringgit.

Maybank cho biết trong một báo cáo gần đây: “Chúng tôi hy vọng sự phát triển mới nhất này sẽ thu hẹp khoảng cách về giá giữa găng tay do Trung Quốc và Malaysia sản xuất, khiến găng tay Malaysia trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường Mỹ”.

Với mức thuế cao hơn của Mỹ, các nhà sản xuất găng tay Trung Quốc sẽ khám phá các thị trường khác, gây ra sự cạnh tranh mới với các công ty Malaysia.

Nhưng Maybank chỉ ra rằng các nhà sản xuất Malaysia vẫn có thể cạnh tranh. “Vẫn có nguy cơ là các nhà sản xuất găng tay Trung Quốc có thể chuyển trọng tâm sang thị trường châu Âu. Nhưng chúng tôi tin rằng các nhà sản xuất găng tay Malaysia sẽ có thể cạnh tranh, đặc biệt là sau một vài đợt hợp lý hóa chi phí và ngừng hoạt động trong hai năm qua đã dẫn đến việc hiệu quả chi phí tốt hơn”, báo cáo của Maybank viết.

Theo Nikkei Asia, Reuters

Ricky Hồ / BSA Media

Đồng yen yếu kéo doanh nghiệp sản xuất trở lại Nhật Bản