Thị trường 24/7: Giá xăng tăng trở lại; EU bỏ kiểm soát mì ăn liền, siết kiểm soát ớt, thanh long Việt Nam

Giá xăng tăng trở lại: Trừ mặt hàng dầu mazut đi xuống, giá các mặt hàng xăng dầu còn lại sẽ đồng loạt tăng, thời gian áp dụng từ 15 giờ ngày hôm nay (13/6).

Cụ thể, liên bộ Công Thương-Tài chính công bố giá xăng E5 RON92 tăng 169 đồng/lít, lên ngưỡng 21.310 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 258 đồng/lít, giá mới là 22.235 đồng/lít. Dầu diesel tăng 218 đồng/lít, lên ngưỡng 19.640 đồng/lít; dầu hỏa tăng 302 đồng, giá mới là 19.859 đồng/lít. Tuy vậy, trong kỳ điều hành này, mặt hàng dầu mazut giảm 396 đồng, xuống ngưỡng 16.889 đồng/kg.

Trước đó giá xăng giảm mạnh 2 lần liên tiếp. Gần đây nhất (ngày 6/6), mặt hàng xăng E5 RON92 giảm 618 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 542 đồng/lít và dầu diesel giảm 325 đồng/lít. Cùng đó, dầu hỏa giảm 374 đồng/lít và dầu mazut giảm thêm 253 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 đã có 13 lần tăng và 11 lần giảm.

Mỹ gia hạn kết luận điều tra tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam: Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm được gia hạn tới ngày 15/7. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 29/7 và ngày 28/10.

Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế PVTM bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Tháng 9/2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3/2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.

EU bỏ kiểm soát mì ăn liền, siết kiểm soát ớt, thanh long Việt Nam: Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, hôm 11/6 Ủy ban châu Âu (EC) thông báo quy định các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường này.

Theo đó, mì ăn liền của Việt Nam xuất sang EU được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm, do đã đáp ứng các quy định. Biện pháp bỏ kiểm soát này bắt đầu từ 2/7.

Tuy nhiên, theo quy định mới EU lại tăng tần suất, siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng ớt, thanh long xuất khẩu từ Việt Nam. Cụ thể với thanh long, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 20% lên 30%, kèm theo điều kiện, các lô hàng phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Đối với sản phẩm ớt, EU đang áp dụng phụ lục 1 với tần suất kiểm tra là 20% phải chuyển sang phụ lục 2 với tần suất kiểm tra 50%; đậu bắp Việt Nam xuất khẩu vào EU tiếp tục áp dụng tại phụ lục 2 với tần suất kiểm tra 50%.

Viettel Telecom phát sóng miễn phí EURO 2024 trên TV360: Viettel Telecom vừa công bố sẽ phát sóng miễn phí 51 trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (EURO 2024) trên ứng dụng TV360.

TV360, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu tại EURO 2024 vừa thông báo sẽ mang đến cho khán giả Việt Nam cơ hội theo dõi trọn vẹn các trận cầu của giải đấu EURO 2024 hoàn toàn miễn phí.

Đến nay, bản quyền EURO 2024 của TV360 cũng đã được chia sẻ và nhiều đài truyền hình trên cả nước đã thông báo tiếp sóng như Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long (THVL), SCTV, VTVCab, K+… Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thời điểm hiện tại vẫn chưa công bố việc đạt thỏa thuận phát sóng giải đấu khi thời gian đếm ngược đến ngày tranh tài đã cận kề. Tuy nhiên, vấn đề giữa VTV và đơn vị sở hữu bản quyền chỉ còn là các điều khoản phát sóng.

Giá cà phê xuất khẩu tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, trong tháng 5 xuất khẩu cà phê đạt 95.000 tấn, trị giá 400 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước giảm 36,5% về lượng nhưng tăng 3,9% về trị giá.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 5 đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê robusta trên sàn London, kỳ hạn tháng 7 tăng 44 USD lên 4.240 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 33 USD lên 4.86 USD/tấn, kỳ hạn tháng 11 tăng 16 USD xuống 3.918 USD/tấn.

Giá cà phê Tây nguyên tăng nhẹ 500 đồng/kg, tại Đắk Nông 124.500 đồng/kg, Đắk Lắk 124.000 đồng/kg, Gia Lai 123.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 123.000 đồng/kg.

Nhu cầu vàng tại châu Á tăng cao: Nhu cầu vàng ở châu Á đang có xu hướng tăng, bất chấp giá vàng đang áp sát mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 5/2024.

Giá vàng giao ngay đang được giao dịch trên mức 2.300 USD/ounce, tăng khoảng 12% kể từ đầu năm đến nay và chỉ giảm khoảng 6% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng trước. Các nhà phân tích cho biết, niềm tin giảm vào các lựa chọn đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản và cổ phiếu, cũng là một yếu tố khiến nhu cầu vàng tăng cao.

Theo ông Bruce Ikemizu, Giám đốc điều hành Hiệp hội thị trường vàng Nhật Bản, thì ở Nhật Bản, có nhiều nhà đầu tư cho rằng vàng sẽ tăng giá hơn là giảm, mặc dù giá vàng đang ở mức cao kỷ lục. Các chuyên gia cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc – vốn đang phải vật lộn với đồng nội tệ yếu, thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và căng thẳng thương mại- cũng đang tìm tới vàng.

Châu Âu áp thuế đến 38,1% lên xe điện Trung Quốc: Ủy ban châu Âu (EC) vừa cho biết kết quả sơ bộ của cuộc điều tra cho thấy chuỗi giá trị xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ “trợ cấp không công bằng”, gây tổn hại cho các đối thủ EU.

Vì vậy, dự kiến từ 4/7, ba công ty xe điện nội địa Trung Quốc đang có thị phần lớn nhất ở châu Âu gồm BYD, Geely và SAIC sẽ bị áp mức thuế mới lần lượt là 17,4%; 20% và 38,1%.

Geely sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng bao gồm Polestar, Lotus của Anh và Volvo (Thụy Điển). Trong khi SAIC sở hữu MG, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu. Các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế ít nhất là 21%.

Sự khác nhau về mức thuế cho từng thương hiệu dựa trên ước tính quy mô của các khoản trợ cấp vượt mức hoặc không công bằng mà Bắc Kinh dành cho họ, theo EC.

Google, Apple bị phạt tại Hàn Quốc vì vi phạm luật dữ liệu định vị: Ngày 12/6, Ủy ban viễn thông Hàn Quốc (KCC) cho biết các chi nhánh của tập đoàn Google và Apple tại Hàn Quốc có tên trong số các công ty bị phạt vì vi phạm luật về thu thập dữ liệu định vị. 

KCC nêu rõ chi nhánh Google tại Hàn Quốc bị phạt 3 triệu won (2.180 USD) vì vi phạm một điều khoản liên quan tiết lộ chính sách về dữ liệu định vị.

Chi nhánh của Apple tại Hàn Quốc cũng bị phạt 210 triệu won vì thu thập dữ liệu định vị mà không có sự chấp thuận, vi phạm điều khoản liên quan tiết lộ chính sách về dữ liệu vị trí và các dữ liệu khác.

KCC áp mức phạt đối với 188 công ty, trong đó có các chi nhánh của Google và Apple tại Hàn Quốc, vì vi phạm Luật về bảo vệ và sử dụng thông tin vị trí. Động thái trên là kết quả một cuộc kiểm tra thường kỳ các công ty xử lý thông tin vị trí, được thực hiện theo Luật bảo vệ thông tin vị trí sửa đổi năm 2022.