Thị trường 24/7: Vàng SJC giảm xuống dưới 79 triệu đồng/lượng; Vietnam Post bị tấn công mã độc tống tiền

Vàng SJC giảm xuống dưới 79 triệu đồng/lượng: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 4/6 cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (Big 4) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc NHNN phê duyệt ở mức 77,98 triệu đồng/lượng. 

Vào khoảng 10 giờ 45, các NHTM Big 4 đồng loạt niêm yết giá vàng giảm xuống còn 78,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với chiều qua.

Tại TP.HCM, Công ty SJC giảm 500.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán so với đầu giờ sáng, giao dịch ở mức 77,48 triệu đồng/lượng mua vào và 78,98 triệu đồng/lượng bán ra. Tiệm vàng Mi Hồng cũng giảm 500.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán, niêm yết ở mức 78 triệu đồng/lượng mua vào và 78,98 triệu đồng/lượng bán.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco vào 10 giờ 45 ngày 4/6 (giờ Việt Nam) ở mức 2.345 USD/ounce. Mức giá này sau quy đổi tương đương 71,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 7,1 triệu đồng/lượng.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm: Ngày 4/6, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn nguồn từ Oryza White Rice Index cho thấy giá gạo ngày 3/6 đang có diễn biến trái chiều giữa các nước xuất khẩu chính. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 573 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn; trong khi gạo Thái Lan lại tăng 2 USD, lên 622 USD/tấn; gạo Pakistan 587 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm đang thấp nhất trên thế giới và thua gạo Thái Lan đến 49 USD/tấn – mức chênh lệnh rất lớn.

Năm ngoái, gạo Việt Nam thường xuyên giữ giá cao nhất thế giới do chất lượng được cải thiện đáng kể so với những năm trước. Lúc cao điểm, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan đến 90 USD/tấn (tháng 11/2023).

Trong khi đó, thương mại gạo thế giới đang chờ đợi thông tin từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ. Nếu nước này quay trở lại thị trường bình thường, mặt bằng giá gạo có thể bị ảnh hưởng.

Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội Việt Nam: Ngày 31/5, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhận được thông tin về việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (Cơ quan điều tra Hàn Quốc) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, ngày thông báo khởi xướng là 30/5. Bên yêu cầu là Công ty TNHH POSCO. Hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguội (cold rolled stainless steel) được phân loại theo mã HS 7219.31.1010, 7219.31.1090, 7219.31.9000, 7219.32.1010, 7219.32.1090, 7219.32.9000, 7219.33.1010, 7219.33.1090, 7219.33.9000, 7219.34.1010, 7219.34.1090, 7219.34.9000, 7219.35.1010, 7219.35.1090, 7219.35.9000, 7219.90.1010, 7219.90.1090, 7219.90.9000, 7220.20.1010, 7220.20.1090, 7220.20.9000, 7220.90.1010, 7220.90.1090, 7220.90.9000.

Trong thông báo khởi xướng, Cơ quan điều tra Hàn Quốc đã đề nghị các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu và hướng dẫn về việc cung cấp thông tin, thời hạn cung cấp thông tin cũng như các nội dung liên quan khác.

Gạo Việt thống lĩnh thị trường Philippines: Thương vụ Việt Nam tại Philippines mới đây đã chia sẻ số liệu mới nhất do Cục Thực vật (Bộ Nông nghiệp Philippines) cung cấp cho thấy, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 23/5, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt mức 1,97 triệu tấn.

Tính từ đầu năm cho đến này, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Kể từ ngày 1/1 đến 23/5, gạo Việt xuất khẩu sang Philippines đạt 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ 2 là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn.

Thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo Đt8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay gạo của Việt Nam thống lĩnh tại Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của chúng ta ngon cơm, giá cả phù hợp.

Vietnam Post bị tấn công mã độc tống tiền: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) thông tin, vào 3h10 sáng 4/6, hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị đã bị tấn công bất hợp pháp bằng mã độc tống tiền (ransomware) gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát. Các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa đến thời điểm này vẫn hoạt động bình thường.

Ngay khi phát hiện sự cố, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có việc ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website (có chứa vnpost.vn trong tên miền) và các ứng dụng liên quan sẽ tạm thời bị gián đoạn trong thời gian khắc phục sự cố.

Ransomware là hình thức tấn công mạng nguy hiểm bằng mã độc. Đây là hình thức tấn công ngày càng phổ biến, trở thành vấn nạn chung của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nhập siêu quay lại sau 23 tháng: Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng tốc nhanh hơn, đến 29,9% so với cùng kỳ, ước đạt 33,81 tỷ USD.

Kết quả, Việt Nam lần đầu có tháng nhập siêu sau gần 2 năm. Lần gần nhất cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu là tháng 5/2022, ở mức 2,02 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu quay lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng. “Nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới”, cơ quan này nhận định.

Giá dầu thế giới chạm “đáy”: Giá dầu thế giới đã giảm khoảng 3 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 3/6 xuống mức thấp nhất của gần bốn tháng. Nhà đầu tư lo ngại rằng quyết định về sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là (OPEC+), có thể khiến nguồn cung nhiều hơn vào cuối năm trong khi nhu cầu tăng chậm lại. 

Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 2,75 USD (3,4%) xuống 78,36 USD/thùng, mức đóng phiên dưới 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 7/2/2024, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 2,77 USD (3,6%) xuống 74,22 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua.

Ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí gia hạn phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến năm 2025, song nhóm này cũng để ngỏ khả năng cho việc nới lỏng dần các thỏa thuận cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên từ tháng 10 trở đi.

Bê bối gian lận kiểm tra an toàn lan rộng đến nhiều hãng xe Nhật Bản: Vụ bê bối kiểm tra an toàn ô tô của các nhà sản xuất Nhật Bản đã lan rộng trong ngày 3/6, khi Toyota Motor và Mazda đều tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe, sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản phát hiện ra những bất thường trong các đơn xin chứng nhận cho một số mẫu xe nhất định.

Bộ trên cho biết những bất thường cũng được tìm thấy trong các đơn xin của Honda, Suzuki và Yamaha Motor. Các nhà sản xuất ô tô này đã bị phát hiện cung cấp dữ liệu kiểm tra không chính xác hoặc đã bị can thiệp khi nộp đơn xin chứng nhận cho xe. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha tạm dừng xuất xưởng một số mẫu xe. Bộ này cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tại trụ sở chính của Toyota ở tỉnh Aichi vào ngày 4/6.

Toyota cho biết những sai phạm của họ xảy ra trong sáu bài kiểm tra khác nhau được thực hiện vào các năm 2014, 2015 và 2020. Các phương tiện bị ảnh hưởng bao gồm ba mẫu xe đang được sản xuất – là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross – và các phiên bản đã ngừng sản xuất của bốn mẫu xe phổ biến, trong đó có một mẫu xe được bán ra dưới thương hiệu hạng sang Lexus.