Thị trường 24/7: VN-Index tăng mạnh hơn 18 điểm; Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê nhân xô

VN Index tăng mạnh hơn 18 điểm: VN Index lấy lại sắc xanh ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên khi phần lớn mã cổ phiếu được khớp lệnh trên mức giá tham chiếu. Với trạng thái tâm lý tích cực về sự hồi phục của thị trường sau chuỗi phiên giảm điểm, bên mua liên tục đẩy lệnh lên bảng điện, giúp nhiều mã bật tăng hết biên độ.

Đáng chú ý là mã STB (Sacombank). Đây là lần hiếm hoi mã cổ phiếu nhà băng này tăng kịch trần, bởi số lượng cổ phiếu lưu hành quá lớn. Chứng kiến STB bứt tốc, bên mua không ngần ngại giải ngân vào nhóm cổ phiếu ngân hàng còn lại như: VCB, MBB, CTG, VPB, HDB…

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, VN Index tăng 18,28 điểm (tương đương 1,45%) lên vừa tròn 1.280 điểm. Sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện với 367 mã tăng (15 mã trần), 96 mã giảm và 44 mã đi ngang. Bảng điện VN30 cũng ngập một màu xanh với 29/30 mã tăng.

Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC với giá 78,89 triệu đồng/lượng: Bốn ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cùng với SJC sẽ mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước với giá 78,98 triệu đồng một lượng và bán ra cho dân với giá không quá 80 triệu.

Mức giá này thấp hơn một triệu đồng so với mức SJC bán ra thị trường sáng nay. Lúc 9h, giá vàng miếng tại SJC là 79 – 81 triệu đồng một lượng, giảm 2 triệu đồng cả hai chiều so với cuối tuần qua.

Giá tại các doanh nghiệp không tham gia bình ổn như DOJI sáng nay cũng về dưới 81 triệu, giao dịch tại 78,95 – 80,6 triệu đồng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), vàng miếng được mua bán giá 79,95 – 81,7 triệu.

Trong vòng một tuần qua, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm nhanh gần 10 triệu một lượng, qua đó thu hẹp chênh lệch với thế giới từ 18 triệu xuống còn 9,5 triệu đồng.

Giá điều biến động mạnh, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng: Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cảnh báo, tình trạng nhà xuất khẩu điều thô châu Phi “xù” hợp đồng do giá nguyên liệu biến động rất mạnh trong tháng qua (tăng gần 500USD/tấn), khiến nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng điều trên thị trường thế giới vào cuối quý III, IV và đầu năm 2025.

Nếu điều này xảy ra, dẫn đến sự kiện tụng giữa doanh nghiệp kinh doanh điều nhân Việt Nam với nhà nhập khẩu, chiên rang, siêu thị quốc tế khi không thể giao hàng theo hợp đồng đã ký, ảnh hưởng uy tín, mất thị trường.

Theo VINACAS, thời gian gần đây, với quyết định tạm ngừng xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà (quốc gia xuất bán điều thô cho Việt Nam nhiều nhất ở châu Phi) khiến các lô hàng bị chậm trễ. Hiện tại, nhiều lô hàng điều thô về muộn với số lượng ít hơn hợp đồng nên các nhà chế biến Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến.

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê nhân xô: Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), Việt Nam xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Với kết quả này, nước ta đã xuất khẩu khoảng 65 – 70% trong tổng sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.

Hiện ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhẹ 3,9% so với năm trước, giá trị lại tăng 49,9% do giá cà phê tăng cao.

Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Thế nhưng, những tháng gần đây, lượng cà phê xuất khẩu có chiều hướng sụt giảm.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam giảm: Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam giảm trong tuần qua, do nhu cầu thấp hơn và nguồn cung tăng, trong khi giá gạo của Ấn Độ ổn định nhờ nhu cầu của các nước châu Phi được duy trì.

Theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức giá 580-585 USD/tấn vào ngày 30/5, giảm so với mức 585-590 USD/tấn của tuần trước đó. Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo giảm khi nguồn cung tăng, do nông dân bắt đầu thu hoạch vụ Hè-Thu.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 620-630 USD/tấn, giảm nhẹ so với 630-635 USD/tấn của tuần trước đó. Theo một nhà giao dịch tại Bangkok, giá gạo giảm do phiên đấu thầu trước đã kéo giá bán tăng, nhưng cuối cùng gạo của Thái Lan lại không được bán.

Sản xuất Trung Quốc tăng mạnh nhất 2 năm: Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 5 là 51,7 điểm, tăng cao nhất từ giữa năm 2022, theo số liệu công bố của Caixin hôm 3/6.

Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy sản xuất có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu theo công bố của Caixin – trang tin tức tài chính hàng đầu Trung Quốc – trái ngược với PMI chính thức do giới chức nước này đưa ra cuối tuần trước. Theo đó, sản xuất tại nền kinh tế thứ hai thế giới bất ngờ đi xuống trong tháng 5.

Kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chịu tác động từ khủng hoảng bất động sản 3 năm qua. Việc này đang gây sức ép lên niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới năm nay lên 5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trước đó.

OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu sâu đến năm 2025: Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC +) ngày 2/6 đồng ý gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng dầu cho năm 2024 và kéo dài cho tới cuối năm 2025.

OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022. Các thành viên OPEC+ đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.

Việc cắt giảm bao gồm 2 triệu thùng/ngày của tất cả các thành viên OPEC+, cùng đợt cắt giảm tự nguyện đầu tiên của 9 thành viên là 1,66 triệu thùng/ngày và đợt cắt giảm tự nguyện thứ hai của 8 thành viên là 2,2 triệu thùng/ngày.

Một thông báo của OPEC+ cho hay nhóm này đã gia hạn đợt cắt giảm đầu tiên từ cuối năm 2024 cho đến cuối năm 2025. Các nguồn thạo tin cho biết các thành viên OPEC+ cũng đồng ý gia hạn đợt cắt giảm tự nguyện thứ ba 2,2 triệu thùng/ngày sang quý III/2024.

Nợ toàn cầu lên cao kỷ lục: Theo một báo cáo mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã tăng khoảng 1.300 tỷ USD trong quý đầu năm nay, đạt mức cao kỷ lục mới 315.000 tỷ USD.

Sau 3 quý giảm liên tiếp, tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu đã tiếp tục quỹ đạo đi lên từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. IIF khẳng định các thị trường mới nổi đang thúc đẩy xu hướng này với mức tăng lớn nhất đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.

Các nền kinh tế phát triển tuy ghi nhận mức tăng nhỏ hơn nhưng vẫn có mức nợ cao ghi nhận tại Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nhật Bản, Anh, Ireland và Canada. Trong khi sự suy giảm được quan sát thấy ở Thụy Sĩ và Đức.