Ghép xương bằng nhựa nhiệt dẻo: một sáng tạo độc đáo

Lợi thế chính của loại mảnh ghép của chúng tôi là có cả hai lớp xốp và đàn hồi, từ đó chống được sự nứt rạn

Các nhà khoa học Nga vừa phát minh cách ghép xương bằng nhựa nhiệt dẻo (polyethylene-PE), một sáng tạo độc đáo mang hy vọng giúp bệnh nhân sớm phục hồi và tiết kiệm chi phí.

Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học – công nghệ quốc gia (MISiS) phát triển cách ghép bắt chước cấu trúc mô xương, qua đó sẽ giúp phục hồi các đoạn xương phẳng bị tổn hại như xương dẹt, xương sọ và xương chậu, hoặc nhồi đầy các vùng thiếu mô xương do bị thương hoặc bị ung thư.

Xương ghép bằng nhựa PE gồm hai lớp. Như trong mô xương hữu cơ, mảnh xương ghép có một lớp ngoài dày rất bền và chịu đựng được các động tác từ bên ngoài. Nhưng ở lớp xốp nhẹ trong, mạch máu và mô có thể mọc, ghép mảnh xương nhanh chóng và ổn định trong cơ thể.

Tiến sĩ toán-vật lý Fyodor Senatov là một trong nhóm tác giả phát minh này, nói: “Đa số các mảnh xương ghép hiện nay làm bằng sứ hoặc chất liệu tổng hợp, chỉ có một lớp xốp nhẹ trong hoặc chỉ một lớp cứng ngoài. Lợi thế chính của loại mảnh ghép của chúng tôi là có cả hai lớp xốp và đàn hồi, từ đó chống được sự nứt rạn”.

Mảnh xương ghép bằng nhựa PE được tính toán kỹ về trọng lượng, về tính đàn hồi, cho phép bác sĩ giải phẫu chỉnh sửa và cắt mảnh xương ghép trong quá trình giải phẫu. Tiến sĩ Senatov giải thích: “Điều này có thể cần thiết, nếu mô xương bị tổn hại nặng và không thể xác định rõ khi sử dụng máy quét cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp tia X. Từ đó, chỉ cần giũa mảnh ghép và giữ được xương một cách tối đa có thể được, thay vì giũa xương để chỉnh nó vừa với mảnh ghép”.

Ngoài ra, lớp ngoài bền vững của mảnh xương ghép được trát đầy chất kháng sinh để phòng chống nhiễm trùng sau ca ghép. Lớp xốp trong của mảnh ghép thì được cấy truyền với tế bào tủy xương của bệnh nhân, từ đó tăng tốc sự kết hợp mảnh xương ghép với mô xương.

Bác sĩ Mikhail Kiselevsky, đồng tác giả phát minh,  nói: “Sự đột phá này sẽ dẫn đến việc kéo giảm đáng kể  sự biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Vì thế, nó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí chăm sóc bệnh nhân trong quá trình phục hồi”.

Phát minh mảnh xương ghép PE đang được nghiên cứu tiền lâm sàng, được sử dụng thành công để chữa lành một tổn thất về xương nơi chuột bạch ở phòng thí nghiệm. Một khi kết thúc chu trình thử nghiệm tiền lâm sàng, sẽ tiến hành tiếp việc thử nghiệm lâm sàng trong vòng 5 năm. Sau đó, công ty dược phẩm nhà nước Nga GosZMP sẽ sản xuất các mảnh xương ghép nhựa PE.

Trong khi đó, nhóm tác giả đã nộp đơn xin cấp bằng phát minh ở Nga, và sẽ sớm có bằng phát minh cấp quốc tế. Ghép xương nhựa PE chắc chắn sẽ phổ biến ở Nga, nơi có nhu cầu cao: mỗi năm ở nước này có khoảng 60.000 ca phẫu thuật để thay các xương phẳng bị hư hỏng.

Vietnamtimes