Teamshares đã tìm được miền đất hứa tại Nhật Bản khi mua lại công ty nhỏ không có người kế nghiệp tại xứ này, biến doanh nghiệp thành công ty do nhân viên đồng sở hữu. Dân số ngày càng lão hóa, thế hệ chủ sở hữu doanh nghiệp ngày càng lớn tuổi, khiến vấn đề kế nghiệp trở nên thúc bách ở Nhật Bản.
Đi tìm thị trường mới
Thành lập năm 2019 ở New York, Teamshares đã thực hiện 90 vụ thâu tóm ở 31 tiểu bang, 42 ngành công nghiệp ở Mỹ như sản xuất, bán lẻ và thực phẩm, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo Teamshares, các công ty bị thâu tóm có tổng doanh thu khoảng 400 triệu đô la hàng năm.
Năm ngoái, Teamshares đã thành lập một đơn vị ở Nhật Bản. Đây là bước đột phá đầu tiên bên ngoài nước Mỹ của công ty khởi nghiệp. Teamshares đã gọi gọi được vốn từ chi nhánh đầu tư mạo hiểm thuộc tập đoàn tài chính tài chính Mitsubishi UFJ.
Teamshares sẽ mở rộng mạng lưới tương tự tại Nhật Bản, tìm kiếm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm người thế hệ kế thừa, bất kể ngành nào. Kevin Shiiba – Giám đốc kiêm nhà sáng lập người Mỹ gốc Nhật – nói rằng công ty đặt mục tiêu nâng quy mô hoạt động tại Nhật Bản lên bằng quy mô ở Mỹ.
Teamshares chưa nói rõ đã phân bố bao nhiêu cho các thương vụ thâu tóm ở Nhật Bản. Startup đã huy động được 124 triệu đô la từ các quỹ mạo hiểm trong năm 2023, vay mượn từ các nguồn 225 triệu đô la.
Lộ trình chuyển giao quyền sở hữu công ty cho nhân viên
Quá trình kế thừa doanh nghiệp thông qua M&A ngày càng phổ biến ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Teamshares có cách tiếp cận khác và nổi bật là chuyển dần quyền sở hữu các công ty trong danh mục đầu tư sang cho nhân viên bằng cách chia cổ phần. Điều này giúp việc duy trì hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn mà không gặp rủi ro khi tìm kiếm chủ sở hữu mới.
Teamshares sẽ mua toàn bộ 100% cổ phần từ chủ sở hữu doanh nghiệp để họ an tâm nghỉ hưu. Starup sẽ thuê hội đồng quản trị mới để vận hành công ty và nâng dần tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhân viên từ 10% sau lần bán đầu tiên lên 80% trong vòng 20 năm. Số cổ phần này cho phép nhân viên nhận thêm cổ tức bên cạnh tiền lương. Mục đích để nhân viên, ban quản trị và Teamshares cùng hợp tác để cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.
Khi đến tuổi về hưu, các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản thường giao lại doanh nghiệp họ gầy dựng cho con cái hoặc các thành viên khác trong gia đinh. Có trường hợp, doanh nghiệp gia đình buộc phải đóng cửa do không tìm được người kế nghiệp. Hoặc có khi doanh nghiệp tìm thuê giám đốc vận hành bên ngoài, nhưng hiếm khi cổ phiếu được phân phối rộng rãi cho nhân viên công ty.
Tại Mỹ, Teamshares thường chia cổ phiếu cho tất cả nhân viên, với số lượng được chia tùy theo vị trí hay vai trò, bất kể là họ có tiếp tục làm việc ở công ty cũ lâu dài hay không. Tuy vậy, khi vào thị trường Nhât Bản, Teamshares phải xem lại cách phân phối cổ phần ở thị trường mà lòng trung thành được đề cao.
Khi nghỉ hưu, nhân viên chỉ có thể bán lại cổ phiếu cho Teamshares, nhằm ngăn chặn sự gián đoạn trong kiểm soát. Startup cũng không bán lại doanh nghiệp đã mua cho các quỹ đầu tư hoặc bên thứ ba.
Khi Teamshare mua lại một doanh nghiệp, họ sẽ tìm kiếm một chủ tịch mới từ bên ngoài và cung cấp các hình thức hỗ trợ khác như chuyên môn về doanh nghiệp nhỏ và phần mềm quản lý doanh nghiệp. Teamsahres cũng đang phát triển các dịch vụ tài chính cho các công ty bị mua lại ở Mỹ.
Teamshares kiếm được lợi nhuận từ cổ tức, cổ phần trong các công ty trong danh mục đầu tư. Điều này có nghĩa là Teamshares phải tìm kiếm các mục tiêu chất lượng cao và giúp doanh nghiệp mục tiêu sinh lời nhiều hơn. Startup đặt mục tiêu đưa 10.000 doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản vào hệ sinh thái của công ty trong thời gian tới.
Thị trường M&A ít người để ý
Kế thừa và phát triển doanh nghiệp là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng của Mỹ hay Nhật Bản.
Thông thường, các hãng tư vấn M&A nổi tiếng thường “kén cá chọn canh” khi chọn các doanh nghiệp từ cỡ trung có quy mô từ 20 triệu đô la trở la để thực hiện tư vấn, môi giới. Bởi quá trình hoàn tất hồ sơ thường mất nhiều tháng hoặc có khi tính bằng năm. Tỷ lệ hoa hồng các hãng được hưởng là 5%. Các thương vụ có giá trị nhỏ hơn thường bị các hãng tư vấn ngó lơ.
Không chỉ Teamshares, hệ sinh thái công ty khởi nghiệp chuyên về M&A ở Mỹ đang phát triển mạnh như CircleUp, Yoco, Savvy Money, ContaAzul hay NewRetirement. Khi các quỹ đầu tư chú trọng lĩnh vực M&A ở các SME gặp khó khăn trong kế thừa, việc thâu tóm các doanh nghiệp có nguồn thu ổn định với giá tốt cũng như tìm kiếm nhà quản trị có chuyên môn sẽ là thách thức mới.
Theo một khảo sát toàn cầu của hãng kiểm toán PwC, chỉ 15% số doanh nghiệp gia đình có chuẩn bị kế hoạch chuyển giao điều hành cho thế hệ kế tiếp, số đông còn lại hành động theo cảm tính. Đây là thị trường lớn cho các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Theo Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ Mỹ (SBA), doanh nghiệp nhỏ chiếm 99,7% số công ty sử dụng lao động ở Mỹ và 64% việc làm ở khu vực tư nhân. Trong khi đó, chỉ có khoảng 15% chủ công ty chuyển giao quyền sở hữu cho một thành viên trong gia đình, phần còn lại chỉ đơn giản là đóng cửa công ty khi họ muốn về hưu hay đến tuổi về hưu.
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thế hệ doanh nhân kế nghiệp tại các công ty nhỏ và vừa. Theo Teikoku Databank, tính đến tháng 11-2023, Nhật Bản có 509 vụ phá sản do thiếu người kế nghiệp. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Cơ quan Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEA) của Nhật Bản của chính phủ ước tính rằng khoảng 2,5 triệu chủ doanh nghiệp SME xứ hoa anh đào sẽ quá độ tuổi nghỉ hưu trung bình là 70 tuổi vào năm 2025. Hơn nửa trong số này, khoảng 1,3 triệu, không xây dựng kế hoạch chuyển giao điều hành cho thế hệ tiếp theo.
Theo Nikkei Asia, Bloomberg, SBA.gov, PwC
Ricky Hồ / BSA Media
Nhật Bản thu hút khách giàu có bằng dịch vụ y tế và ẩm thực cao cấp