Bản tin công nghệ, từ 28 – 3/4/2024

Amazon 'mạnh tay' đầu tư cho AI
Mỹ đề ra các quy định về sử dụng AI trong các cơ quan chính phủ: Ngày 28/3, Chính phủ Mỹ công bố “các biện pháp bảo vệ cụ thể” khi các cơ quan chính phủ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington tuyên bố sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho “hành động toàn cầu” trong việc ứng dụng AI.
Bà Harris nêu rõ: “Khi các cơ quan chính phủ sử dụng các công cụ AI, chúng tôi sẽ yêu cầu họ xác minh rằng những công cụ đó không gây nguy hiểm đối với các quyền và sự an toàn của người dân Mỹ”, tất cả các cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải công bố một cách minh bạch danh sách các hệ thống AI mà họ sử dụng, đi kèm với các giải pháp quản lý rủi ro khi ứng dụng công nghệ này như theo dõi, đánh giá và kiểm tra tác động của AI đối với công chúng và giảm thiểu rủi ro phân biệt đối xử về mặt thuật toán.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan liên bang tại Mỹ cũng sẽ phải chọn ra một “giám đốc AI” có chuyên môn để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm, ngày 1/12 tới sẽ là thời hạn chót để các cơ quan thuộc chính phủ liên bang Mỹ áp dụng chính sách sử dụng AI nêu trên.
Sử dụng công nghệ AI trong sản xuất ô tô: Theo Valeo, công ty này sẽ tăng cường sử dụng các công cụ AI trên nền tảng đám mây của Google (Google Cloud AI), các chuyên gia sẽ triển khai Google Cloud AI trong việc phát triển các hộp công cụ dùng cho ô tô, thiết kế xe và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Giám đốc công nghệ của Valeo – ông Geoffrey Bouquot nêu rõ: “Việc kết hợp giữa Valeo và Google Cloud AI sẽ đóng vai trò thiết yếu để hai bên có thể tạo ra AI tạo sinh một cách phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất, hỗ trợ cho sự phát triển của Valeo”.
Hiện Valeo là công ty phụ trợ ô tô và đối tác toàn cầu cho tất cả các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Công ty này có vị thế mạnh trong phân khúc xe điện, xe tự lái và kết nối “giao tiếp” trên thị trường ô tô.
Mỹ và Mexico hợp tác phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn: Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ hợp tác với Mexico để tìm kiếm các cơ hội về chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn, theo đó dành 500 triệu USD cho việc phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn thông qua các sáng kiến với các đồng minh và các đối tác.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc chế tạo các sản phẩm thiết yếu từ ôtô đến thiết bị y tế đều phải phụ thuộc vào trình độ phát triển và sự linh hoạt của chuỗi cung ứng bán dẫn.
Cũng theo bộ trên, sự hợp tác giữa Mỹ và Mexico sẽ bắt đầu bằng việc đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn của Mexico ở thời điểm hiện tại, khuôn khổ pháp lý và nhu cầu về lao động. Hiện Bộ Kinh tế Mexico chưa phản hồi về thông báo trên của Bộ Ngoại giao Mỹ
Trung Quốc phát động chiến dịch giáo dục dựa trên AI: Chiến dịch này tập trung vào 4 biện pháp cụ thể, trong đó có việc triển khai mục “học tập dựa vào AI” trên nền tảng giáo dục thông minh của Trung Quốc, theo đó các chuyên gia sẽ thảo luận và giảng dạy về các công nghệ liên quan đến AI. Một trong các biện pháp trên còn có việc xây dựng một nền tảng trao đổi quốc tế về giáo dục kỹ thuật số.
Theo bộ trên, mục tiêu của chiến dịch này là thúc đẩy áp dụng kết hợp giữa giảng dạy và học tập thông qua AI, nâng cao kỹ năng về giáo dục kỹ thuật số và các kỹ năng của công chúng, cũng như chuẩn hóa đạo đức khoa học trong các ứng dụng AI.
Bộ trên cũng đã quyết định khởi động một chương trình thí điểm để áp dụng nền tảng giáo dục thông minh quốc gia đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở tại những khu vực như tỉnh Quảng Đông, tỉnh Hải Nam (Hainan), khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, khu tự trị Ninh Hạ và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Amazon ‘mạnh tay’ đầu tư cho AI: ‘Gã khổng lồ’ công nghệ cho biết sẽ chi thêm 2,75 tỷ USD để hỗ trợ Anthropic, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco và đang được xem là công ty đi đầu trong lĩnh vực AI tạo sinh. Đây sẽ là đợt tài trợ thứ 2 của Amazon dành cho công ty này.
Amazon cho biết sẽ duy trì cổ phần thiểu số và sẽ không có ghế trong Hội đồng quản trị Anthropic. Anthropic sẽ sử dụng Amazon Web Services (AWS) làm nhà cung cấp dịch vụ đám mây chính, đồng thời sử dụng các chip của Amazon để đào tạo, xây dựng và triển khai các mô hình nền tảng. Amazon hiện đang tự thiết kế chip riêng để có thể cạnh tranh với Nvidia.
Công ty cho biết mô hình mới có khả năng vượt trội so với GPT-4 của OpenAI và Gemini Ultra của Google về các bài kiểm tra tiêu chuẩn ngành, chẳng hạn như kiến thức cấp đại học, lý luận cấp độ sau đại học và toán cơ bản.
Samsung Electronics lần đầu tiên tụt hạng trên thị trường bán dẫn thế giới: Đây là lần đầu tiên sau 22 năm kể từ khi số liệu thống kê được tổng hợp vào năm 2001, Samsung bị đẩy xuống vị trí thứ ba.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Omdia công bố ngày 29/3, doanh số trong lĩnh vực bán dẫn của Samsung Electronics năm 2023 giảm 33,8% so với một năm trước xuống còn 44,374 tỷ USD (khoảng 59.800 tỷ won).
Ông Kyeong Gae-Hyeon, người đứng đầu bộ phận bán dẫn của Samsung Electronics, cho biết HBM dung lượng cao có tính cạnh tranh trong các ứng dụng AI. Đây là lý do tại sao ngày càng có nhiều khách hàng tìm kiếm HBM3E (HBM thế hệ thứ 5) do Samsung phát triển và vì thế doanh nghiệp này tự tin về khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực HBM.
Lĩnh vực bán dẫn đã cho thấy dấu hiệu phục hồi nhanh từ cuối năm 2023 và dự kiến thị trường có khả năng phục hồi trong năm nay. Những lĩnh vực được kỳ vọng mang lại động lực cho ngành là các chất bán dẫn hiệu suất cao như bộ nhớ băng thông cao, chíp AI và về cơ bản tình trạng tồn kho bộ nhớ đã được giải quyết.
OpenAI ra mắt công cụ nhân bản giọng nói trên mẫu âm thanh 15 giây: OpenAI vừa giới thiệu một công cụ nhân bản giọng nói, nhưng sẽ được kiểm soát chặt chẽ cho đến khi các biện pháp bảo vệ được áp dụng để ngăn chặn các tin giả âm thanh nhằm đánh lừa người nghe, công cụ này cơ bản có thể sao chép giọng nói của người nào đó dựa trên mẫu âm thanh 15 giây.
OpenAI thừa nhận việc tạo ra giọng nói tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là trong năm bầu cử. Tuy nhiên, công ty này cho biết đang hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế từ chính phủ, các cơ quan truyền thông, giải trí, giáo dục, xã hội dân sự và các lĩnh vực khác với mục đích tiếp thu các ý kiến phản hồi để xây dựng phát triển công cụ này an toàn.
OpenAI cho biết đã triển khai một bộ các biện pháp an toàn, bao gồm đánh dấu nguồn gốc của bất kỳ âm thanh nào được Voice Engine tạo ra cũng như chủ động theo dõi cách thức sử dụng công cụ này.
73 triệu tài khoản di động của Mỹ bất ngờ bị rò rỉ thông tin khách hàng: Theo đại diện của công ty, kết quả phân tích sơ bộ cho thấy tệp dữ liệu đã ảnh hưởng đến khoảng 7,6 triệu chủ tài khoản hiện tại và 65,4 triệu chủ tài khoản cũ.
Tệp dữ liệu, dường như đã có từ năm 2019 hoặc sớm hơn và chưa biết dữ liệu có nguồn gốc từ AT&T hay từ một trong những nhà cung cấp của công ty. Sau khi vụ việc xảy ra, AT&T khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy đã xuất hiện việc truy cập trái phép vào hệ thống của công ty và vụ việc không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động viễn thông hiện có.
Công ty đang đánh giá nguồn dữ liệu, cũng như chủ động liên hệ với tất cả những người bị ảnh hưởng, thực hiện việc đặt lại mật mã cho 7,6 triệu khách hàng hiện tại và đền bù thiệt hại nếu có.
Tốc độ Internet lập kỷ lục thế giới mới: Các nhà nghiên cứu nghi nhận tốc độ truyền tải dữ liệu 301 Tb/giây với chỉ một sợi cáp quang, cao gấp 4,5 triệu lần hiện tại. Theo công bố của Ofcom đưa ra vào tháng 9/2023, mạng băng rộng gia đình trên toàn cầu đạt tốc độ trung bình là 69,4 Mb/giây. Kỷ lục mới bỏ xa con số này tới 4,5 triệu lần giúp tải một bộ phim 4K dung lượng trung bình 70 GB chỉ trong hai giây.
Theo nhóm nghiên cứu, tốc độ truyền dữ liệu có thể đạt tới con số trên còn nhờ vào thiết bị xử lý quang học mới được phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của việc tăng tốc độ Internet mà không cần triển khai cáp mới, giúp hoạt động nâng cấp tốc độ Internet thương mại dễ dàng và thân thiện môi trường hơn. Trong bối cảnh tiêu thụ thông tin ngày càng tăng, thành tựu mới của nhóm các nhà khoa học được kỳ vọng phát triển thêm công nghệ mới giúp tốc độ Internet trong tương lai bắt kịp với nhu cầu của người dùng.
Microsoft, OpenAI lên kế hoạch cho dự án trung tâm dữ liệu trị giá 100 tỷ USD: trong đó bao gồm một siêu máy tính Trí tuệ Nhân tạo (AI) có tên “Stargate” sẽ ra mắt vào năm 2028. Việc áp dụng nhanh chóng công nghệ AI tạo sinh đã dẫn đến nhu cầu tăng vọt về các trung tâm dữ liệu AI, vốn có khả năng xử lý các nhiệm vụ nâng cao hơn so với các trung tâm dữ liệu truyền thống. Song chi phí cho một trung tâm như vậy cũng dự kiến sẽ gấp 100 lần so với một số trung tâm dữ liệu lớn nhất hiện có.
Trang tin công nghệ The Information đưa tin rằng Microsoft có thể sẽ tài trợ cho dự án trên, siêu máy tính được đề xuất có trụ sở tại Mỹ sẽ là siêu máy tính lớn nhất trong loạt sản phẩm mà các công ty đang tìm cách chế tạo trong sáu năm tới.
Báo cáo cũng cho biết Microsoft và OpenAI đang trong giai đoạn thứ ba của kế hoạch gồm 5 giai đoạn, với một phần chi phí đáng kể cho hai giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc mua các chip AI cần thiết.
Google đình chỉ quảng cáo chính trị ở Hàn Quốc trước cuộc bầu cử quốc hội: hôm 31/3 Google đã quyết định đình chỉ tất cả các quảng cáo liên quan đến chính trị trên các dịch vụ của mình tại Hàn Quốc, hãng công nghệ này sẽ không hỗ trợ quảng cáo chính trị trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Quyết định này sẽ được áp dụng thống nhất trên các dịch vụ của Google, bao gồm YouTube, Google tìm kiếm và Cửa hàng Google Play.
Quyết định trên được đưa ra nhằm ngăn cử tri tiếp xúc với nội dung có khả năng bị phóng đại hoặc thiên vị trong các quảng cáo chính trị trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với nạn tin giả, tin sai lệch, nhất là các video giả mạo sử dụng công nghệ deepfake đang lan tràn trên Internet thời gian qua.
Ngoài ra, Google cũng có kế hoạch cung cấp các liên kết trên trang chủ của hãng này để giúp người dùng có được những thông tin đáng tin cậy về phương pháp bỏ phiếu và phương tiện đăng ký cử tri ở Hàn Quốc, cung cấp nhiều bảng thông tin liên quan đến bầu cử quốc hội thông qua các kết quả tìm kiếm trên YouTube nhằm kết nối người dùng với các nguồn đáng tin cậy để biết thêm thông tin.
Trung Quốc quan ngại động thái thắt chặt các quy định về xuất khẩu chip của Mỹ: các quy định này đã tạo ra nhiều trở ngại hơn đối với hoạt động thương mại và gây bất ổn hơn cho ngành chip. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm kiềm chế ngành sản xuất chip của Trung Quốc do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Trong 5 tháng qua, Mỹ đã thực hiện các quy định nhằm ngăn chặn việc vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế sang Trung Quốc. Dự kiến, các quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 4/4 tới. Các quy định mới làm rõ rằng các hạn chế về vận chuyển chip sang Trung Quốc cũng áp dụng cho máy tính xách tay chứa những chip này.
Bộ Thương mại Mỹ, đơn vị giám sát kiểm soát xuất khẩu, cho biết họ có kế hoạch tiếp tục cập nhật các hạn chế đối với việc vận chuyển công nghệ sang Trung Quốc nhằm củng cố và tinh chỉnh các biện pháp này.
OpenAI sắp mở văn phòng đầu tiên tại châu Á: Theo Nikkei, chi nhánh sẽ được mở trong tháng 4 tại Tokyo, Nhật Bản, giúp nhà phát triển ChatGPT tăng cường hoạt động trong khu vực, đặc biệt trong việc hỗ trợ đối tác doanh nghiệp và tham gia vào xây dựng các khuôn khổ trong lĩnh vực công nghệ.
Động thái trên diễn ra tròn một năm sau khi CEO OpenAI Sam Altman gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tháng 4/2023. Theo các nguồn tin, công ty cũng đang tuyển dụng các tài năng công nghệ tại địa phương cho văn phòng mới.
Đây là văn phòng thứ ba của OpenAI ngoài nước Mỹ, sau London (Anh) và Dublin (Ireland). Theo TechinAsia, khi xu hướng AI đang phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cạnh tranh nhau để thu hút doanh nghiệp AI hàng đầu, nhằm giành được một phần trong “miếng bánh” AI tạo sinh.
Mỹ, Anh công bố thỏa thuận hợp tác về an toàn trí tuệ nhân tạo: Ngày 1/4, Mỹ và Anh đã công bố một thỏa thuận hợp tác mới về bảo đảm sự phát triển an toàn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy thử nghiệm các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến sau những cam kết được đưa ra tại Hội nghị cấp cao về an toàn trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới diễn ra ở Anh hồi tháng 11/2023 vừa qua.
Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Mỹ và Anh dự định tổ chức ít nhất một cuộc diễn tập thử nghiệm chung trên một mô hình AI có thể tiếp cận công khai, đồng thời sẽ xem xét việc trao đổi nhân sự giữa các viện nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi, chia sẻ thông tin quan trọng về những năng lực và rủi ro liên quan đến các mô hình và hệ thống trí tuệ nhân tạo, cũng như nghiên cứu kỹ thuật về an toàn và bảo mật AI.
Cùng với thỏa thuận vừa ký kết, cả hai nước cũng đang nỗ lực xúc tiến các thỏa thuận song phương tương tự với các quốc gia khác để thúc đẩy an toàn trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam phấn đấu vào nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về sử dụng IPv6: Mới đây, Bộ Thông tin và truyền thông đã phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 For Gov năm 2024”. Mục tiêu đặt ra đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 (Internet Protocol version 6 – Giao thức liên mạng thế hệ 6) trên mạng internet của Việt Nam đạt từ 65 – 80%; nước ta lọt vào nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng IPv6.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân công cụ thể đơn vị chủ trì, phối hợp với từng nhóm nhiệm vụ, yêu cầu về công việc cần làm và kết quả, thời hạn hoàn thành. Dự kiến, Trung tâm Internet Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị về công tác chuyển đổi IPv6 năm 2024. Ngoài ra còn có 4 nhóm nhiệm vụ khác cần được tập trung thực hiện trong năm 2024 là: Chuyển đổi IPv6 cho mạng internet Việt Nam; IPv6 cho các cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov); chương trình làm việc, giám sát, hỗ trợ chuyển đổi IPv6; tập huấn, đào tạo; thực hiện công tác định hướng, tuyên truyền về IPv6.
Là phiên bản địa chỉ internet thế hệ mới, IPv6 có không gian địa chỉ gần như vô hạn. Việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 là một yêu cầu tất yếu nhằm đảm bảo tài nguyên địa chỉ cho phát triển internet, kết nối vạn vật, internet công nghiệp với các dịch vụ mới như internet vạn vật, điện toán đám mây, mạng 5G/6G…
ChatGPT cho phép dùng không cần đăng ký: Người dùng có thể sử dụng ChatGPT mà không cần đăng ký tài khoản, nhưng không thể xem lại lịch sử trò chuyện. Cách thức mới được OpenAI công bố ngày 1/4, chỉ có trên phiên bản web, chưa áp dụng cho ứng dụng di động. Khi truy cập website của ChatGPT, người dùng có thể sử dụng lập tức mà không cần đăng nhập tài khoản như trước.
Phiên bản miễn phí của ChatGPT này sử dụng mô hình GPT3.5, chỉ hoạt động với các cuộc trao đổi bằng văn bản. Ngoài ra, do bất cứ ai cũng có thể sử dụng, OpenAI cho biết sẽ có biện pháp bảo vệ bổ sung, như chặn một số câu lệnh, nhưng chưa nêu cụ thể câu lệnh nào.
Việc sử dụng không cần tài khoản được đánh giá sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với ChatGPT. Công ty cũng khuyến nghị người dùng có thể tạo tài khoản để trải nghiệm được nhiều tính năng hơn, như lưu trữ lịch sử trao đổi, ra lệnh bằng giọng nói. Theo cài đặt mặc định, nhà phát triển cũng có thể sử dụng thông tin mà người dùng đưa vào để cải thiện mô hình ngôn ngữ lớn của mình. Tuy nhiên, việc này có thể tắt trong phần cài đặt.
Email từ Outlook bị Gmail coi là thư rác: Một số người dùng Outlook phản ánh khi gửi thư đến đối tác và bạn bè sử dụng Gmail, hầu hết không nhận được thư, khiến họ phải liên lạc qua các kênh khác. Khi kiểm tra, các thư này nằm trong mục spam, hoặc thậm chí không được gửi đến.
Ngày 2/4, Microsoft cho biết vấn đề đã được ghi nhận, nhưng chỉ ảnh hưởng đến người dùng gửi thư từ tên miền máy chủ Outlook.com. Trong email báo chặn của Gmail cũng có đoạn: “Máy chủ từ xa trả về kết quả rằng email bị phát hiện là thư rác. Gmail phát hiện thấy thư này có thể đáng ngờ do uy tín của tên miền gửi rất thấp. Để bảo vệ người dùng, thư đã bị chặn”.
Microsoft thông báo đang tiến hành giải quyết vấn đề. Trong thời gian này, công ty khuyến cáo người dùng có thể sử dụng các kênh liên lạc khác, hoặc dùng tính năng bí danh email.
Dinh Lê/BSA Media (tổng hợp)