Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1. Xuất khẩu của Trung Quốc thông qua thương mại điện tử tăng mạnh
Sự xuất hiện của các ứng dụng mua sắm như Shein và Temu, qua đó giúp mang hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đến người tiêu dùng nước ngoài, đang thay đổi bộ mặt thương mại Trung Quốc và khiến cỗ máy xuất khẩu mạnh nhất thế giới trở nên đáng gờm hơn.
Trong môt hội nghị vào tháng 9, Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Guo Tingting cho biết, hoạt động kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới đã mở rộng gấp 11 lần trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu của Trung Quốc thông qua thương mại điện tử đã tăng 19,9% trong nửa đầu năm 2023. Theo dữ liệu của chính phủ, vào năm 2022, xuất khẩu thương mại điện tử của Trung Quốc tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6,4% tổng xuất khẩu.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/xuat-khau-cua-trung-quoc-thong-qua-thuong-mai-dien-tu-tang-manh-20231004113348503.htm
2. Central khởi sự cuộc chiến giành thị phần bán lẻ Thái Lan với CP
Central Group đang tìm cách giành thị phần thị trường bán lẻ ở Thái Lan với chuỗi cửa hàng GO Wholesale nghiêng về bán sỉ các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng. Đây là sân chơi vốn nghiêng về đối thủ lâu đời của Central là tập đoàn Charoen Pokphand (CP). Central hiện vẫn thống trị mảng kinh doanh trung tâm thương mại. Tuy vậy, Central buộc phải suy nghĩ lại chiến lược của mình ở các phân khúc khác. GO Wholesale đánh dấu một cuộc phản công mới của Central với CP trên “chiến trường” bán lẻ Thái Lan.
Hãng con chuyên về bán lẻ Central Retail Corp. (CRC) của Central sẽ mở cửa hàng GO Wholesale đầu tiên ở ngoại ô Bangkok vào cuối tháng 10 này. Cửa hàng đầu tiên sẽ có diện tích sàn bán hàng là 7.000 mét vuông và tập trung vào thịt, cá và nông sản tươi sống. CRC có kế hoạch đầu tư 20 tỉ baht (540 triệu đô la) trong 5 năm tới để mở 43 địa điểm ở Thái Lan, hướng tới doanh thu hàng năm lên tới 70 tỉ baht cho chuỗi. GO Wholesale sẽ chỉ dành cho các hội viên đăng ký và trả phí, tương tự như chuỗi siêu thị Costco tại Mỹ. Go Wholesale chủ yếu nhắm đến mục tiêu “bán sỉ” các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng cho các nhà hàng, quầy hàng thực phẩm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác. Khách mua lẻ cũng có thể mua sắm tại GO Wholsale nếu có thẻ thành viên.]
Nguồn: https://bsamedia.vn/central-khoi-su-cuoc-chien-gianh-thi-phan-ban-le-thai-lan-voi-cp/
3. Central Retail khai trương siêu thị mini go! thứ 7 tại Việt Nam
Ngày 10/10/2023, tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức khai trương siêu thị mini go! Hòa Thành tại khu phố Hiệp Định, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là siêu thị mini go! thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh và là mini go! thứ 7 của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam. Siêu thị mini go! Hòa Thành có diện tích sàn hơn 2.000 m2, cung cấp đa dạng các loại mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, hàng thời trang và đặc biệt là nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng. Bên cạnh đó, những đối tác chiến lược của Central Retail như KFC, PIZZA HUT… sẽ đồng hành và mang đến mini go! Hòa Thành những trải nghiệm dịch vụ ăn uống, và thương hiệu Kubo mang đến sân chơi tốt nhất cho trẻ em.
Nguồn: https://bnews.vn/central-retail-khai-truong-sieu-thi-mini-go-thu-7-tai-viet-nam/311412.html
4. Siêu thị Co.opmart bị nhái thương hiệu ở Úc
Chiều 6-10, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối Vận hành siêu thị Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị sẽ xác minh và tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu Co.opmart. Theo ông Thắng, cùng ngày, Saigon Co.op bất ngờ nhận được thông tin, hình ảnh về 1 siêu thị Co.opmart đang hoạt động tại địa chỉ 128b Duke street, Braybook 3019 VIC – Melbournce, Úc.
“Logo Co.opmart của siêu thị tại Úc nói trên giống khoảng 80% logo của Co.opmart, chỉ khác về tông màu, kích thước. Qua tìm hiểu bước đầu, đây là điểm kinh doanh hàng hóa thưc phẩm, có bán một số mặt hàng nhậo từ Việt Nam. Tuy nhiên, địa điểm trên không thuộc hay liên quan gì đến Saigon Co.op hoặc Co.opmart. Saigon Co.op cũng chưa đầu tư tại thị trường Úc” – ông Thắng khẳng định.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/sieu-thi-coopmart-bi-nhai-thuong-hieu-uc-20231006193519125.htm
5. Người tiêu dùng Đông Nam Á giảm chi tiêu bia rượu, hàng điện tử
Ngay cả khi niềm tin của người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang trên đà phục hồi ở hầu hết các thị trường, ngày càng nhiều người trong khu vực đang chi tiêu dè sẻn hơn. Bia rượu và hàng điện tử nằm trong số những mặt hàng mà người tiêu dùng Đông Nam Á cắt giảm mua sắm nhiều nhất, theo một báo cáo của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook), Công ty tư vấn quản lý Bain & Company và Công ty đầu tư mạo hiểm DSG Consumer Partners công bố hôm 10-10.
Báo cáo cho biết khoảng 4 trong số 10 người được hỏi (tương đương 40%) ở Singapore, Malaysia và Thái Lan cho biết họ đã giảm chi tiêu trong năm 2023 so với năm 2022. Tỷ lệ này tăng từ mức 32% trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái. Tại Indonesia, Philippines và Việt Nam, 38% số người được hỏi cho biết chi tiêu ít hơn trong 2023 so với năm 2022, tăng nhẹ so với mức 36% trả lời như vậy hồi năm ngoái. Những người tham gia cuộc khảo sát dẫn ra mối lo ngại về bất ổn kinh tế (63%) và chi phí sinh hoạt cao hơn (58%) như là những lý do hàng đầu khiến họ chi tiêu dè sẻn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nguoi-tieu-dung-dong-nam-a-giam-chi-tieu-bia-ruou-hang-dien-tu/
6. Lazada ‘tán tỉnh’ người bán hàng TikTok Indonesia
Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada của Alibaba đang tìm cách lôi kéo những người bán hàng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới nhất của Indonesia, theo CEO Lazada Indonesia James Chang. Trong cuộc họp toàn nhân viên hôm 6/10, ông Chang cho biết kể từ ngày 3/10, công ty đã miễn các loại phí cho tất cả thương gia livestream bán hàng trên Lazada.
TikTok là nguy cơ đang lên đối với những người chơi TMĐT như Lazada và Shopee tại Indonesia, cũng như phần còn lại của Đông Nam Á. Theo hãng nghiên cứu Momentum Works, TikTok đạt 2,5 tỷ USD GMV ở quốc gia này trong năm 2022. Sachin Mittal, nhà phân tích của ngân hàng DBS Bank, nhận xét việc mua sắm bốc đồng khi xem nội dung là một lợi thế của TikTok. Trong khi đó, Lazada đứng thứ ba tại Indonesia với thị phần 10%, sau Shopee (36%) và Tokopedia (35%), vẫn theo Momentum Works. Indonesia là thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á năm 2022, đóng góp 52% GMV khu vực.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lazada-tan-tinh-nguoi-ban-hang-tiktok-tai-indonesia-2199245.html
7. Shopee sẵn sàng trong cuộc chiến thương mại điện tử ở Đông Nam Á
Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á được xem là một cuộc chiến không hồi kết. Những “người chơi” trên thị trường không ngừng phát triển, mở rộng và cạnh tranh gay gắt. Dù đứng ở vị trí số 1 trên thị trường, song Shopee không khỏi lo lắng khi các đối thủ ngày càng áp sát. Vị trí của Shopee ngày càng mong manh hơn tưởng tượng.
Đông Nam Á vẫn là một trong số ít châu lục có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy thoái. Nhưng trước sự cạnh tranh không ngừng nghỉ của các đối thủ để giành thị phần, không gian còn lại cho Shopee ngày càng bị thu hẹp. Ngay khi đang quay trở lại con đường hướng tới lợi nhuận, Shopee lại thông báo rằng họ sẽ một lần nữa xem xét việc đốt tiền. Trên thực tế, đây có vẻ là một động thái bắt buộc do hoàn cảnh cấp bách. Và dường như, Shopee đã sẵn sàng cho cuộc đua này.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/shopee-san-sang-trong-cuoc-chien-thuong-mai-dien-tu-o-dong-nam-a-20231009121315876.htm
8. Hàng loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam
Theo kết luận từ đoàn kiểm tra tại Việt Nam, TikTok có 7 vi phạm liên quan tới dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em. Sau thời gian làm việc với TikTok từ 15/5, kết quả kiểm tra vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại cuộc họp chiều 5/10. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, đại diện đoàn kiểm tra cho biết vi phạm của TikTok tập trung vào nội dung trên mạng xã hội và hoạt động thương mại điện tử.
Trong việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok có ba vi phạm, trong đó chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm Điều 62 của Nghị định 98 liên quan đến hoạt động thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nền tảng cũng chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, TikTok chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.
Nguồn: https://vnexpress.net/hang-loat-vi-pham-cua-tiktok-tai-viet-nam-4661303.html
9. TikTok Shop đối mặt thay đổi gì sau loạt vi phạm tại Việt Nam
Đoàn kiểm tra kiến nghị Bộ Công thương có biện pháp buộc TikTok Singapore khắc phục sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam. Cụ thể, TikTok sẽ cần phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới thương mại điện tử và thuế.
Nền tảng cũng phải có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định. Tiktok phải có công cụ và biện pháp kiểm soát và lọc thông tin theo từ khóa trước khi hiển thị trên ứng dụng. Khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nền tảng sẽ phải gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trong 24 giờ. Với cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, TikTok Shop cần có biện pháp cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Nguồn: https://vnexpress.net/tiktok-doi-mat-thay-doi-gi-sau-loat-vi-pham-tai-viet-nam-4661452.html?gidzl=Zwfm5hC1zacEl74Ik1d-I86oV1oW4_z9pBKiGVGH_ad8u2qLya7w6iInVKF-4VDCn-SXHpCFaxPjiWlqGm
Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
1. Vượt qua KFC, Popeyes trở thành chuỗi cửa hàng gà lớn thứ 2 ở Mỹ
Popeyes đã chính thức vượt qua KFC để trở thành chuỗi cửa hàng gà lớn thứ 2 ở Mỹ. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2019, khi Popeyes tung ra món bánh mì kẹp gà vào năm 2019. Món ăn này nhanh chóng trở thành “bom tấn” trong thực đơn và mở ra cuộc chiến bánh mì gà. Các chuỗi cửa hàng burger như McDonald’s và Wendy’s đã bắt kịp xu hướng và bổ sung thêm các sản phẩm riêng. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng thiếu gia cầm.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến giữa các chuỗi cửa hàng gà đã và đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Trong năm qua, cả Popeyes và KFC đều mất thị phần vào tay Chick-fil-A.Theo nghiên cứu của Barclays, trong năm qua, thị phần tại Mỹ của KFC đã giảm từ 16,1% xuống 11,3%. Tương tự, Popeyes cũng mất thị phần trong năm qua nhưng vẫn giữ đủ thị phần để không bị đối thủ bỏ xa. Thị phần của chuỗi cửa hàng này ở Mỹ đã giảm từ 15% xuống 11,9%.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/vuot-qua-kfc-popeyes-tro-thanh-chuoi-cua-hang-ga-lon-thu-2-o-my-20231005131841228.htm
2. Nhà sản xuất thịt thực vật kỳ vọng vào thị trường châu Á
Người tiêu dùng Mỹ đang mất dần hứng thú với các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật, khiến các công ty thực phẩm kinh doanh các sản phẩm thịt thực vật (hay thịt thuần chay hay đạm thay thế) xem châu Á là tương lai của ngành công nghiệp mới. Châu Á, lục địa đông dân nhất thế giới, là nơi có mức tiêu thụ thịt ngày càng tăng do mức thu nhập của người dân tăng. Doanh số thịt thực vật ở châu Á vẫn đang tăng. Các startup ở Nhật Bản, Indonesia, Singapore hay Thái Lan đang đẩy mạnh quảng bá các loại nguyên liệu và sản phẩm mới. Giờ đây, hai thương hiệu chính của Mỹ đang mở rộng sang châu Á. Impossible Foods đặt cơ sở ở Singapore. Còn Beyond Meat mở rộng sản xuất tại Trung Quốc trong khi mới ra mắt sản phẩm tại Nhật Bản. So với quy mô thị trường ở Mỹ hoặc châu Âu, thị trường đạm thay thế vẫn còn tương đối nhỏ ở châu Á. Nhưng theo Euromonitor, lĩnh vực này đạt doanh thu khoảng 163 triệu đô la Mỹ trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng tới 25% mỗi năm từ nay đến năm 2027.
Theo lời Emil Fariza, giám đốc ngành thực phẩm của hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International. Fariza cho rằng, trong quan niệm của người châu Á các mối quan tâm về sức khỏe thường được xếp hạng cao hơn tính bền vững. Vì thế, tại châu Á, các công ty trên bắt đầu thay đổi chiến lược truyền thông, tiếp thị khi bắt đầu quảng bá rằng thịt thực vật có ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Đồng thời, các khách hàng Châu Á thường thử dùng các sản phẩm dựa trên thực vật do ảnh hưởng từ các KOL trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các startup ở khu vực cũng nhanh nhẹn hơn, cung cấp các sản phẩm được bản địa hóa, điều chỉnh theo khẩu vị địa phương và giá thường rẻ hơn.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nha-san-xuat-thit-thuc-vat-ky-vong-vao-thi-truong-chau-a/
3. Highlands Coffee chi gần 500 tỷ xây nhà máy cà phê rang xay mới tại Vũng Tàu
Công ty Cổ phần Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên, tên tuổi sở hữu chuỗi cửa hàng Highlands Coffee vừa khởi công xây dựng Dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên. Nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây sẽ là nhà máy rang cà phê có quy mô lớn hàng đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như tại Việt Nam.
Nhà máy rang xay cà phê Cao Nguyên tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là một trong các dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển của thương hiệu Highlands Coffee trong 5 năm tới và được định hướng sẽ trở thành nhà máy rang xay cà phê lớn nhất Việt Nam và có tầm cỡ của khu vực.Nhà máy có diện tích gần 24,000 m2, công suất có thể đạt tới gần 10.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn đầu. Các giai đoạn tiếp theo công suất có thể đạt tới 75.000 tấn cà phê mỗi năm.
Nguồn: https://baodautu.vn/highlands-coffee-chi-gan-500-ty-xay-nha-may-ca-phe-rang-xay-moi-tai-vung-tau-d200275.html
4. Nâng tỉ lệ sở hữu lên 68%, KIDO muốn biến Thọ Phát thành ‘bếp ăn quốc dân’
Tập đoàn KIDO (KDC) vừa chính thức nâng tỉ lệ sở hữu tại CTCP Thọ Phát Quốc Tế (Thọ Phát) lên 68% vốn điều lệ. Ngày 10-10, ông Trần Lệ Nguyên cho biết sau khi mua lại Thọ Phát Quốc Tế, phần lớn nhân sự của công ty vẫn được duy trì. KIDO đặt mục tiêu Thọ Phát sẽ phát triển 1.000 đại lý, 1.200 cửa hàng Mini Bao, 100.000 điểm bán lẻ và 100% cửa hàng MT (Modern Trade – cửa hàng hiện đại) trên toàn quốc.
KIDO đồng thời vạch rõ định hướng chiến lược dành cho Thọ Phát trong vòng 5 năm tới. Theo đó, sẽ tập trung tái định vị và xây dựng thương hiệu Thọ Phát và các nhãn hiệu. Song song đó, nghiên cứu và thực hiện chiến lược đa dạng hóa về ngành hàng, phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng từ ăn no, ăn thưởng thức, đến ăn dặm, ăn kèm sản phẩm, từ khu vực thành thị đến nông thôn. Về dài hạn, xây dựng thương hiệu Thọ Phát trở thành “bếp ăn quốc dân” tại Việt Nam. Bếp ăn này không chỉ bao gồm các loại bánh bao, mà còn phát triển thêm các sản phẩm tiện lợi như rau củ quả, thịt kho, cá kho, bò kho… đóng gói và mở rộng sang lĩnh vực gia vị.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nang-ti-le-so-huu-len-68-kido-muon-bien-tho-phat-thanh-bep-an-quoc-dan-20231010173239193.htm
5. Givral tạm ngưng kinh doanh bánh su kem sau vụ ngộ độc ở Thủ Đức
Hiện kết quả xét nghiệm bánh su kem Givral liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại TP HCM vẫn chưa có nhưng nhà sản xuất này cho biết đã rút hết dòng bánh này ra khỏi kệ. Khi được hỏi về sản phẩm bánh su kem, nhân viên cửa hàng Givral cho hay đã tạm ngưng kinh doanh trên toàn hệ thống. Đại diện truyền thông của hãng Givral cũng xác nhận thông tin này.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/givral-tam-ngung-kinh-doanh-banh-su-kem-sau-vu-ngo-doc-o-thu-duc-20231009093133106.htm
Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi
1. Tôm hùm, hàu nuôi chết hàng loạt tại Khánh Hòa.
Ngày 11/10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Khánh Hòa cho biết đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc tôm hùm tại xã Cam Lập (TP Cam Ranh) và hàu bị chết tại khu vực đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) bị chết hàng loạt. Bà Trần Thanh Thúy – Phó Chi Cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh Khánh Hoà – cho biết: Hiện tượng chết tôm hùm đang diễn ra và gây tổn thất lớn cho người dân nuôi ở xã Cam Lập. Trong khi đó, khu vực đầm Nha Phu có tỷ lệ hàu chết lên đến 70-90% tại khoảng 80 bè nuôi của người dân.
Trước tình hình đó, Chi cục CN&TY tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các ô lồng nuôi và không phát hiện thêm hiện tượng tôm hùm chết, cũng không có triệu chứng lâm sàng về bệnh. Các chỉ số môi trường đo cho thấy hầu hết đều trong giới hạn cho phép, ngoại trừ hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp (2mg/l). Chi cục cho rằng nguyên nhân chết tôm hùm có thể do ảnh hưởng của luồng nước đỏ, có thể do tảo nở hoa. Chi cục CN&TY tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi san thưa dây nuôi, giãn cách lồng, bè nuôi tạo sự thông thoáng trong khu vực nuôi. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ sức khỏe hàu nuôi, loại bỏ các dây hàu bị chết, tránh ô nhiễm nước nuôi. Theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước nuôi để có những biện pháp khắc phục kịp thời.
Nguồn: https://tienphong.vn/bat-thuong-tom-hum-hau-nuoi-chet-hang-loat-post1577145.tpo
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1. Philippines tăng mua gạo Việt Nam
Việc khách mua gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines chính thức bỏ trần giá gạo nội địa được nhận định sẽ khiến thị trường khởi sắc trở lại. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngay lập tức, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký lại được những hợp đồng với đối tác Philippines quanh mốc 625 USD/tấn, tức tăng khoảng 10 USD/tấn so với trước đó. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay Philippines sẽ cùng với Trung Quốc là hai nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhận định, trước những thay đổi chính sách của Philippines và sắp tới có thể là Ấn Độ, tình hình thị trường gạo sẽ có tác động nhất định. Trong những ngày qua, gạo Thái Lan và Pakistan đang có xu hướng tiếp tục giảm. Trong khi giá gạo Việt Nam có xu hướng ổn định quanh mốc 610 – 615 USD/tấn. Gạo Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua vì chất lượng cũng như lợi thế về vận chuyển gần. Do vậy, theo hướng tích cực và giá gạo của Việt Nam sẽ vẫn giữ ở mức trên 600 USD/tấn từ này đến cuối năm.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/philippines-tang-mua-gao-viet-nam-20231006055549916.htm
2. Công bố 18 sản phẩm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cập nhật đến tháng 6 năm 2023. Cụ thể, danh sách gồm 18 sản phẩm gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; Tủ bếp và tủ nhà tắm; Ghế sofa có khung gỗ; Đá nhân tạo bằng thạch anh; Gạch men; Xe đạp điện; Vỏ bình ga; Ghim đóng thùng; Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục; Pin năng lượng mặt trời; Thép carbon chống ăn mòn; Ống thép hộp và ống thép tròn; Máy giặt dân dụng cỡ lớn; Thép hình cán nóng; Dây và cáp nhôm; Nhôm thanh định hình; Mặt bích bằng thép không gỉ.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/cong-bo-18-san-pham-nguy-co-bi-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-20231009171532240.htm
3. Doanh nghiệp FDI vẫn áp đảo khi xuất hàng sang EU
Sau 3 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, Chính phủ cho biết thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU năm ngoái tăng trên 35% so với 2021, đạt 31,4 tỷ USD. Chính phủ cho hay xuất khẩu sang châu Âu tăng trưởng tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định đem lại vẫn thấp, gần 26%. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm đa số trong tỷ trọng hàng có kim ngạch lớn xuất sang EU, như da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất hàng dưới dạng thô, làm theo đơn đặt hàng gia công của nhà mua nước ngoài; hoặc xuất khẩu nguyên liệu, hàng bán thành phẩm sang các nước khu vực EU. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang EU còn rất ít. Thực tế này cho thấy việc định vị thương hiệu cho hàng “made in Vietnam” tại thị trường khó tính như EU chưa được doanh nghiệp quan tâm, đưa vào chiến lược phát triển.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa tận dụng thời cơ, ưu đãi của hiệp định này đem lại, theo Chính phủ, trước tiên do ảnh hưởng từ biến động của dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng, khả năng tiếp cận thị trường EVFTA của doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, giá thành cao, chất lượng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chiến lược kinh doanh dài hạn. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tận dụng EVFTA của Việt Nam.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-fdi-van-ap-dao-khi-xuat-hang-sang-eu-4662324.html?gidzl=GZRdSh1aUWz38EPsktrx24mbutUZVNi00IApAlT_UW05Tx9-yIz-KmacuYZzVtS52d2-B3F1QgrFiMvu1G
Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp
-
Doanh thu khả quan, Uniqlo tìm cách mở rộng sự hiện diện tại Ấn Độ
Thương hiệu Uniqlo của nhà bán lẻ thời trang Fast Retailing sẽ tìm kiếm thêm đối tác sản xuất ở Ấn Độ để nhanh chóng mở rộng hoạt động sau khi chứng kiến doanh số bán hàng tăng 60% tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Phát biểu tại buổi lễ khai trương cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Mumbai, Ấn Độ, Tomohiko Sei, Giám đốc điều hành của Uniqlo Ấn Độ cho biết những sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ đã bắt đầu xuất khẩu sang các nước khác. Công ty đang cân nhắc việc mở rộng quan hệ đối tác với những nhà máy dệt may và các nhà máy khác. Ông Sei cho biết “gã khổng lồ” may mặc Nhật Bản này hiện đang hợp tác với hơn 20 nhà máy dệt may ở Ấn Độ, giúp họ có thể đáp ứng yêu cầu của các chính phủ liên bang về nguồn cung ứng tương đương ít nhất 30% dự trữ từ các nguồn địa phương.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại, Ấn Độ với dân số 1,4 tỷ dân, trong đó có lực lượng người mua sắm trẻ tuổi và tình hình tài chính ngày càng tăng, đang nổi lên trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên ở New Delhi vào năm 2019, hiện có 11 cửa hàng ở Ấn Độ. Công ty đang có kế hoạch bổ sung cửa hàng thứ hai ở Mumbai vào cuối tháng này.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/doanh-thu-kha-quan-uniqlo-tim-cach-mo-rong-su-hien-dien-tai-an-do/900671.vnp
Nhóm tin về ngành du lịch
1. Du khách Trung Quốc thích trải nghiệm văn hóa thay vì mua sắm khi đến Hồng Kông
Khoảng 16,5 triệu người đại lục đã đến thăm Hồng Kông từ tháng 1 đến tháng 8, gấp hơn 100 lần so với năm trước và là lần phục hồi đầu tiên sau 5 năm. Du khách chiếm khoảng 30-40% doanh số bán lẻ ở Hồng Kông, và chính quyền đặc khu đang tăng cường nỗ lực thu hút du khách quay trở lại. Màn trình diễn pháo hoa mừng Quốc khánh đã quay trở lại Cảng Victoria lần đầu tiên sau 5 năm vào ngày 1/10, thu hút khoảng 430.000 khán giả, trong đó có nhiều người từ đại lục. Tuy nhiên, quá trình hồi phục du lịch vẫn còn một chặng đường phía trước – lượng du khách đại lục chỉ đạt 60-70% so với mức năm 2018.
Du khách Trung Quốc đại lục thường đi theo đoàn trên các xe buýt lớn, họ thường mua các món hàng xa xỉ. Nhưng lần này, khách đại lục đã mua sắm ít hơn. Báo chí Hồng Kông đưa tin khách theo đoàn chỉ chiếm 2% tổng số du khách đại lục trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi, hầu hết là khách lẻ. Các tờ báo địa phương nói rằng giới trẻ đặc biệt quan tâm tìm hiểu sâu hơn về Hồng Kông bằng cách kết nối với người dân địa phương và tham gia trải nghiệm.
Nguồn: https://bsamedia.vn/du-khach-trung-quoc-thich-trai-nghiem-van-hoa-thay-vi-mua-sam-khi-den-hong-kong/
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1. Thời của robot cộng tác với con người đang đến
Tương lai tất yếu của ngành sản xuất là mức độ tự động hóa ngày càng cao. Tuy nhiên, cơn sốt đầu tư vào cổ phiếu của các công ty sản xuất những sản phẩm robot phối hợp làm việc với con người, hay còn gọi là cobot, dường như đã đến sớm hơn dự kiến. Trong phiên giao dịch chào sàn hôm 5-10, cổ phiếu của Doosan Robotics (Hàn Quốc), tăng giá gấp đôi. Trước đó, công ty đã huy động được khoảng 300 triệu đô la trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đánh dấu thương vụ IPO lớn nhất ở Hàn Quốc trong năm nay.
Doosan Robotics hiện đang tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh để giúp cho robot trở nên đa dụng hơn sau khi đạt được thỏa thuận hợp tác với Microsoft để xây dựng hệ điều khiển robot dựa trên chatbot GPT. Điều này có thể cho phép robot hoàn thành nhiệm vụ mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào của con người, ngoài một câu lệnh đơn giản. Doosan không phải là công ty chế tạo robot duy nhất gây sốt sau khi khi niêm yết cổ phiếu. Cổ phiếu của Công ty Rainbow Robotics, được Samsung Electronics hậu thuẫn tài chính, tăng giá hơn bốn lần trong năm nay. Samsung đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Rainbow lên 15% vào tháng 3. Bên cạnh đó, báo cáo của MarketsandMarkets Research chỉ ra rằng thị trường cobot toàn cầu có thể đạt 6,8 tỉ đô la vào năm 2029, tăng từ 1,2 tỉ đô la trong năm nay.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thoi-cua-robot-cong-tac-voi-con-nguoi-dang-den/
2. Thua lỗ trong phát triển xe điện khiến các nhà sản xuất xe Mĩ đau đầu hơn bị đình công
Mặc dù những ngày này tại Mỹ, việc tăng lương sau cuộc đình công đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận và dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô, nhưng vấn đề lớn hơn khiến các nhà sản xuất đau đầu chính là việc kinh doanh và phát triển xe điện của họ vẫn đang thua lỗ lớn. Trong khi những chiếc xe bán tải truyền thống và xe thể thao đa dụng mà Detroit sản xuất ngày nay đủ lợi nhuận để đáp ứng phần lớn nhu cầu của Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW), thì những chiếc xe điện mà hãng mới bắt đầu sản xuất thậm chí không thể trang trải được mức lương hiện nay, chứ đừng nói đến mức đãi ngộ mà họ đang đàm phán.
Điều này thể hiện rõ nhất trong tài khoản của Ford, công ty hiện đã tách ra mảng xe điện. Bộ phận “Model e” lỗ gần 6 USD cho mỗi 10 USD của Ford F150 Lightning và Mustang Mach E bán được trong quý hai. Biên lợi nhuận sẽ được cải thiện khi sản lượng tăng lên và đặc biệt là khi Ford bắt đầu sản xuất xe điện thế hệ thứ hai vào năm 2025. Tuy nhiên, không có con đường rõ ràng nào để xe điện của Detroit đạt được lợi nhuận tương tự như các sản phẩm truyền thống của họ. Con đường nhanh nhất để đạt được tỷ suất lợi nhuận EV cao hơn như Tesla đã chỉ ra là đi qua Trung Quốc.
Nguồn: https://vneconomy.vn/automotive/thua-lo-trong-phat-trien-xe-dien-khien-cac-nha-san-xuat-dau-dau-hon-bi-dinh-cong.htm
3. Apple: Nguy cơ mất khoản lệ phí hàng tỷ USD từ Google
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đánh giá Apple đang ở trong tình cảnh đối mặt nhiều thách thức khi vụ kiện chống độc quyền với Google diễn ra tại thời điểm tình hình kinh doanh iPhone 15 không được thuận lợi. Mặc dù là đối thủ của nhau ở mảng hệ điều hành smartphone, giữa iOS và Android nhưng Google lại trả hàng tỷ USD mỗi năm để được làm công cụ tìm kiếm mặc định cho Apple. Chính điều này đã cho phép Google được tiếp cận lượng người dùng khổng lồ của nhà táo khuyết trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, đồng thời đóng góp đến 21% tổng doanh thu và 35% tổng lợi nhuận mảng kinh doanh dịch vụ của Apple.
Báo cáo của Google cho thấy công ty mẹ Alphabet mỗi năm đã chi gần 50 tỷ USD tiền lệ phí thanh toán cho các nền tảng bên thứ 3 đã giúp công cụ tìm kiếm của họ thu được lợi nhuận (TAC), ví dụ như Apple. Thậm chí, nhà táo khuyết còn được cho là chiếm phần lớn trong khoản thanh toán này với lượng người dùng khổng lồ. Số liệu cuối cùng được công khai là vào năm 2018 khi Apple nhận được 12,6 tỷ USD từ Google, sau đó hãng này không công bố chi tiết các khoản của TAC nữa. Tờ WSJ nhận định mặc dù vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm không đi đến hồi kết nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ Google của Apple.
Nguồn: https://markettimes.vn/tham-canh-cua-apple-nguy-co-mat-khoan-le-phi-hang-ty-usd-tu-google-giua-luc-tinh-hinh-iphone-15-doi-mat-thach-thuc-44399.html
4. Mỹ cho phép nhà máy Samsung và SK tại Trung Quốc nhập thiết bị sản xuất chip
Ngày 9-10, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết Mỹ đã cho phép Samsung Electronics và SK hynix nhập khẩu các thiết bị sản xuất bán dẫn từ Mỹ cho các nhà máy tại Trung Quốc. Theo Hãng tin Yonhap, Chính phủ Mỹ đã chỉ định các nhà máy của Samsung Electronics và SK hynix tại Trung Quốc là “người dùng cuối đã được xác minh” (VEU). Động thái này giúp giảm các gánh nặng về giấy phép lên hai nhà sản xuất chip của Hàn Quốc, cho phép các bên xuất khẩu từ Mỹ giao dịch các mặt hàng được chỉ định với hai tổ chức đã được cấp phép này.
“Quyết định của Chính phủ Mỹ cho thấy vấn đề thương mại quan trọng nhất đối với các công ty sản xuất chất bán dẫn của chúng ta đã được giải quyết”, ông Choi Sang Mok, thư ký cấp cao về các vấn đề kinh tế của tổng thống Hàn Quốc, cho biết trong cuộc họp báo. Theo ông Choi, phía Mỹ đã thông báo về quyết định này với hai công ty trên và quyết định có hiệu lực ngay lập tức.Quyết định mới đây của Chính phủ Mỹ đã giúp loại bỏ các lo ngại về khả năng gián đoạn hoạt động sản xuất chip của hai công ty này tại Trung Quốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/my-cho-phep-nha-may-samsung-va-sk-tai-trung-quoc-nhap-thiet-bi-san-xuat-chip-20231009200026088.htm
5. Nhà máy bán dẫn 1,6 tỉ USD tại Bắc Ninh đi vào hoạt động
Ngày 11-10, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dự lễ khánh thành nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) tại KCN Yên Phong 2. Đây là nhà máy bán dẫn thứ hai tại miền Bắc. Nhà máy đầu tiên là nhà máy của Tập đoàn Hana Micron tại KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. Thông tin từ tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhà máy bán dẫn của Amkor Technology có tổng diện tích 23ha, tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD, cam kết đến năm 2035 đầu tư với số vốn 1,6 tỉ USD.
Theo bà Susan Y.Kim, phó chủ tịch Tập đoàn Amkor Technology, Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà máy bán dẫn này hoàn thành đúng tiến độ. Bà Susan Y.Kim khẳng định đây sẽ là cứ điểm quan trọng, trụ cột trong mạng lưới hoạt động của tập đoàn. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về tuyển dụng lao động, hoạt động sản xuất…
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-may-ban-dan-1-6-ti-usd-di-vao-hoat-dong-20231011154937622.htm
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1. Giá dầu vẫn đang ổn định, hướng tới mốc 100 USD/thùng
Dù xung đột tại Trung Đông vẫn được các nhà đầu tư theo sát, nhưng thực tế, giá dầu thô giao dịch trên Sàn hàng hóa New York trong 2 phiên đầu tuần ít biến động mạnh. Điều này cho thấy những căng thẳng tại Trung Đông tạm thời ít có tác động mạnh lên mặt hàng này. Các chuyên gia cho rằng những việc xảy ra ở Trung Đông có thể thắt chặt hơn nữa thị trường dầu lửa trong thời điểm hiện nay, nhưng nó sẽ không dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng tới mức giá tăng ồ ạt.
Theo Wall Street, ngay trước khi xảy ra xung đột, dầu vốn đã khan nguồn cung. Thế giới sẽ thiếu hơn 1 triệu thùng một ngày từ giờ tới hết năm vì các nước OPEC+ giảm sản lượng. Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông chưa có hồi kết chỉ làm tăng thêm rủi ro cho nguồn cung dầu. Các tổ chức tài chính như Goldman Sachs hay Morgan Stanley đều đánh giá, cuộc xung đột giữa hai bên sẽ không có nhiều tác động tới giá dầu trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể ảnh hưởng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saidi Arabia, từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới chính sách dầu lửa của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dau-co-the-huong-toi-moc-100-usd-thung-20231011103111366.htm
Nhóm tin về tài chính
1. 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất
Sau khi Vietcombank tiên phong đưa mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống thấp nhất thị trường còn 5,3%/năm, ngày 11/10, đồng loạt 3 ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 hạ lãi suất về mức này. Ngày 11/10, ngân hàng Agribank điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Tương tự, VietinBank và BIDV cũng đồng loạt giảm 0,2% lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm. Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.
Nguồn: https://tienphong.vn/4-ngan-hang-lon-nhat-viet-nam-dong-loat-ha-lai-suat-post1577117.tpo
BSA Media