Báo cáo tổng kết Mekong Connect 2023

Mekong Connect ra đời vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của TP.HCM. Tính đến 2023, đây là lần thứ 8 Diễn đàn được tổ chức, mỗi năm một chủ đề!
BỐI CẢNH: Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 được tổ chức tại TP.HCM trong bối cảnh có nhiều ý nghĩa quan trọng: Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 45 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ý NGHĨA: Mekong Connect 2023 với sự đồng chủ trì của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, UBND TP.HCM và sự tham gia của 13 tỉnh thành ĐBSCL. Đây là một bước tiến của tinh thần Connect Mekong, sau cuộc kết nối vào tháng 3/2023 – Ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL và sau đó vào tháng 7/2023 là cuộc triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác này. Như vậy, Mekong Connect chính là dấu mốc của năm 2023, đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL hướng về nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
CHỦ ĐỀ: MEKONG CONNECT 2023: Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP.HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, do Sở Công thương TP.HCM, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao và VCCI phối hợp thực hiện với sự điều phối của Trung tâm BSA.
THAM DỰ: Gần 1500 lượt khách và đại biểu tham dự trong 2 ngày sự kiện, trong đó có:
  • 50 lãnh đạo thuộc các Bộ ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL
  • 100 chuyên gia trên các lĩnh vực
  • 30 đoàn thuộc các cơ quan lãnh sự, xúc tiến & tư vấn quốc tế
  • 70 cơ quan thông tấn – báo đài với hơn 160 tin bài
  • Và cộng đồng doanh nghiệp, HTX, doanh nông cùng các đối tượng quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL
TRIỂN LÃM: Nguyên ngày 15 và sáng 16/11/2023 với chủ đề: Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam, với hơn 500 sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp
NỘI DUNG: MÔT PHIÊN TOÀN THỂ, SÁU PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN SÂU, TRONG ĐÓ CÓ 10 CHỦ ĐỀ CÙNG 40 THAM LUẬN, VỚI  CÁC CHỦ ĐIỂM 
  • Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh
  • Những thị trường mới nổi: tái chế và tín chỉ carbon
  • Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm việt nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024
  • Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp
  • Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM trong mối liên kết với ĐBSCL liên quan chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ
  • Những thách thức trong việc triển khai Quy hoạch tích hợp ĐBSCL và kiến nghị giải pháp hỗ trợ
  • Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024
  • Tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP.HCM và ĐBSCL
  • Ký kết hợp tác
  • Trao chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập
ỨNG DỤNG AI: Năm nay, cơ quan điều phối là Trung tâm BSA đã áp dụng trí tuệ nhân tạo – AI để tương tác trực tiếp với người dung trên trang web mekongconnect.vn và cũng thông qua AI đã thu được một hệ thống dữ liêu về các nhu cầu của doanh nghiệp cả nước với đồng bằng. Cơ sở dữ liệu này sẽ làm nền tảng cho các hoạt động kết nối sau Diễn đàn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng thông tin để tìm kiếm đối tác kinh doanh, cơ hội đầu tư, và hợp tác nghiên cứu thông qua cầu nối là Trung tâm BSA. Cũng từ dữ liệu này, BTC Mekong Connect sẽ có những định hướng xúc tiến cho cộng đồng doanh nghiệp ở các lĩnh vực có nhu cầu cao và tiềm năng phát triển.

PHẦN I – NGÀY 15/11/2023 TẠI TRUNG TÂM HỘI NGHỊ 272

1 – MỞ CỬA KHÔNG GIAN TRIỂN LÃM VỚI CHỦ ĐỀ: NỀN KINH TẾ XANH VÀ BỀN VỮNG CỦA VIỆT NAM, VỚI 500 SẢN PHẨM ĐẾN TỪ 100 DOANH NGHIỆP
Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp Xanh, đều là DN HVNCLC – Chuẩn hội nhập đang mạnh trên thị trường, như: Vinamilk, Lộc Trời, Vinamit, Thiên Long, Minh Long I, Điện Quang, Duy Tân, Phú Lễ, Faslink, DannyGreen, Trung An… với những sản phẩm công nghệ, tái chế, sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao, có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; các doanh nghiệp từ ĐBSCL, các tổ chức quốc tế… và đặc biệt là cộng đồng Doanh nông trẻ.
2 – TOẠ ĐÀM: THÚC ĐẨY BÁN HÀNG ONLINE QUA CÁC NỀN TẢNG TRỰC TUYẾN 
Bán hàng online, bán hàng qua các kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng kinh doanh được nhiều người lựa chọn vì những lợi ích vượt trội của nó. Tuy nhiên hình thức này cũng có nhiều tồn tại và rủi ro, nếu người bán chưa đủ thông tin và chưa chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết. Cho nên, mục tiêu của buổi toạ đàm này là chia sẻ nhiều những kiến thức và kinh nghiệm về cách thúc đẩy bán hàng trực tuyến, và cách thức để mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chủ thể OCOP và nền tảng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử. Cũng như giải pháp nào để cùng nhau xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, nơi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh và chủ thể OCOP có thể kết nối, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thành công.
Thành phần tham dự
  • Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp
  • Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong
  • Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn TMĐT nông sản Foodmap
  • Nguyễn Thị Thu Hà (Hana Ban Mê – cô gái “rời phố về quê” lập nghiệp, sở hữu kênh Tiktok triệu view)
  • MC – Điều phối: Bà Hồ Đức Minh
3 – RA MẮT SÁCH: 10 NĂM KHỞI NGHIỆP XANH – HÀNH TRÌNH KIẾN TẠO MỘT THẾ HỆ DOANH NÔNG VIỆT NAM TỪ TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA
Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra cũng là dịp kỷ niệm 10 năm chương trình Khởi nghiệp Xanh, nhân dịp này cuốn sách “Khởi nghiệp xanh – Hành trình 10 năm kiến tạo một thế hê doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa” được xuất bản tất cả sự trân trọng của những cá nhân, tập thể đã gắn bó với chương trình, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chính là người đã kiến tạo nên câu lạc bộ “Đàn sếu khởi nghiệp” khi ông làm Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp. Ngay trong bài mở đầu cho cuốn sách này, ông viết: “Nghĩ đến hành trình 10 năm của chương trình Khởi nghiệp xanh, tôi bất chợt nhớ đến quyển sách có tên Hạnh phúc tại tâm. Tôi tin rằng hành trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp này là một hành trình hạnh phúc. Tôi luôn nhớ những gương mặt, những câu chuyện mà tôi đã được gặp gỡ, lắng nghe và trải nghiệm từ các bạn doanh nông trẻ từ Hà Giang, Tuyên Quang đến đất miền Trung và xuống Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bạn khi gieo trồng hy vọng trên mảnh đất quê hương mình”.
4 – TRAO THƯ KHEN CỦA BỘ TRƯỞNG LÊ MINH HOAN CHO 85 DOANH NÔNG TRẺ TIÊU BIỂU VÀ THƯ CÁM ƠN ĐẾN 20 CHUYÊN GIA
Để ghi nhận những nỗ lực, ý chí không mệt mỏi của các doanh nhân trẻ và đội ngũ chuyên gia đồng thành đầy tâm huyết, ngay trong sáng 15/11, tại diễn đàn Mekong Connect 2023, 85 doanh nông trẻ tiêu biểu đã đón nhận thư khen của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cùng với đó là thư cảm ơn ông gửi đến 25 chuyên gia đã đồng hành, sát cánh cùng các doanh nông trong hành trình 10 năm đầy đam mê và ý nghĩa này.
5 – NGHI THỨC KHAI MẠC MEKONG CONNECT 2023
Lúc 13g ngày 15/11/2023, tại không gian triển lãm Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã tuyên bố khai mạc chung Mekong Connect 2023, kỳ vọng diễn đàn sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối, hình thành kênh tiếp xúc hiệu quả giữa chính quyền doanh nghiệp và chính quyền, cũng như giữa các địa phương, để TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL thực sự cùng nhau gắn kết, phát triển. Theo đó, thành phố luôn xác định sự phát triển của TP.HCM luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác. Trong việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến… đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và các tỉnh, thành. Đó là lý do TP.HCM đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2023, cũng là một nội dung cụ thể của Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.
6 – BỐN PHIÊN THẢO LUẬN ĐỒNG THỜI, TỪ 14-17G30 NGÀY 15/11/2023
PHIÊN 1: “KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG CHO CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP CỦA NỀN KINH TẾ XANH”
  • Chủ trì: đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Sở KHCN TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.HCM
  • Điều phối thảo luận: Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM
Nội dung 1: “Vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh”
  • Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển thị trường, Tập đoàn Điện Quang
  • Ông Christopher Howe, Giám đốc Chương trình ĐBSCL, WWF
  • Ông Richard Rastall, Trưởng Ban Nông thực phẩm, SNV Việt Nam
  • Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc, Quỹ TouchStone Partners
Nội dung 2: “Tương lai của kinh tế nông nghiệp: những câu chuyện về thế hệ doanh nông mới
  • Bà Phan Quý Trúc – Phó Trưởng phòng – Sở KH&CN TP.HCM
  • Ông Lê Đặng Trung – CEO RealTime Analytics
  • Ông Đỗ Đăng Khoa – Giám đốc DNTN Thảo Minh
  • Ông Phạm Hữu Giàu – Giám đốc – LArti’s Farm
PHIÊN 2: “NHỮNG THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI: TÁI CHẾ VÀ TÍN CHỈ CARBON”
  • Chủ trì: đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
  • Điều phối thảo luận: Bà Hồ Ngọc Phương Thảo – Chuyên gia tiêu chuẩn
Nội dung 1: “Những chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong xu hướng tái chế hướng tới phát triển bền vững”
  • Ông Lê Anh – Giám Đốc Phát Triển Bền Vững DUYTAN Recycling
  • Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải VN
  • Ông Đinh Hồng Kỳ – Viện trưởng Viện ESG và Phát triển bền vững
  • Ông Nguyễn Huy – Đại diện Intertek
Nội dung 2: “Giải pháp thúc đẩy sự hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam”
  • Bà Trần Thu Hà – Trưởng nhóm Dự án – SNV Việt Nam
  • Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc Sản xuất Vinamilk
  • Đại diện HD Bank
  • Đại diện Nuoa
PHIÊN 3: “GIẢI PHÁP MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG CHO SẢN PHẨM VIỆT NAM TRONG BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI 2024”
  • Chủ trì: đại diện Sở Công thương TP.HCM, VCCI Cần Thơ, FFA
  • Điều phối thảo luận: Ông Trần Vũ Nguyên – Chuyên gia
Nội dung  1: “Thị trường quốc tế đang tìm kiếm điều gì từ các sản phẩm của Việt Nam”
  • Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Vinamit
  • Ông Nguyễn Thành Huy – Nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan
  • Ông Daniel Nguyễn Hoài Tiến – Sáng lập Sông Cái Distillery
  • Đại diện Công ty Tân Nhất Hương
Nội dung 2: “Các giải pháp xúc tiến thương mại để tăng trưởng doanh thu bền vững cho doanh nghiệp”
  •  Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời
  • Ông Đỗ Hòa – Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị
  • Ông Lâm Thanh – Đại diện Tiktok
  • Đại diện TiKi
PHIÊN 4: “GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XU HƯỚNG TIÊU DÙNG XANH TRONG XÃ HỘI VÀ CHUYỂN ĐỔI XANH TRONG CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP”
  • Chủ trì: đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Hội DN HVNCLC
  • Điều phối thảo luận: Ông Huỳnh Lê Khánh, Đồng sáng lập Mạng lưới ForGood Việt Nam
Nội dung 1: “Những giải pháp tiếp thị truyền thông hiện đại gắn với xu hướng ESG của cộng đồng doanh nghiệp”
  • Bà Trần Phương Nga – TGĐ Công ty CP Tập đoàn Thiên Long
  • Bà Trần Hoàng Phú Xuân – CEO Công ty Faslink
  • Ông Nguyễn Tiến Huy – CEO Pencil Group
Nội dung  2: “Những sáng kiến của hệ thống bán lẻ trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh và chuyển đổi xanh”
  • Bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Kinh doanh Kantar Việt Nam
  • Ông Mai Thụy Nhân, CEO GS25 Vietnam
  • Ông Mai Thanh Thái, Đồng Sáng lập và Giám đốc Cung ứng FoodMap.asia

Mời xem Clip tổng hợp toàn sự kiện Mekong Connect 2023

PHẦN II: PHÊN TOÀN THỂ NGÀY 16/11/2023 TẠI HỘI TRƯỜNG THÀNH UỶ

Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra vào sáng 16/11 tại Hội trường Thành uỷ 111 Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM), với hơn 500 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh ABCD Mekong, lãnh đạo các tỉnh thành trong mạng lưới liên kết ĐBSCL, các chuyên gia kinh tế, ngoại giao đoàn, các cơ quan thông tấn – báo đài, doanh nghiệp, doanh nông trẻ…
1 – PHÁT BIỂU MỞ ĐẦU CỦA ÔNG VÕ VĂN HOAN, THÀNH UỶ VIÊN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP.HCM
Năm 2023, sau những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới, những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng; trong đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược. Đồng thời, tình hình mới cũng đặt ra nhu cầu tự lực, tự cường, chống chịu của từng quốc gia. Nhu cầu này đòi hỏi các vùng, các địa phương trong cả nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng thể. Qua Diễn đàn  này, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, Thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL mong muốn được lắng nghe, tiếp thu về các giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của Thành phố nói riêng để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…Tôi hi vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
2 – PHÁT BIỂU ĐỀ DẪN CỦA ÔNG LÊ MINH HOAN, UỶ VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Chúc mừng TP.HCM được Quốc hội trao cho cơ chế đặc thù, đó là vận hội mới của TP.HCM, nhưng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL hãy coi vận hội cho TP.HCM cũng chính là vận hội cho ĐBSCL. Nếu nghĩ vậy thì chúng ta sẽ tự động tìm đến nhau không phải chỉ ở các diễn đàn định kỳ. Cũng như vậy, sự phát triển của TP.HCM sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng, lan tỏa tới Cà Mau và tới cả phía Bắc. Đó là kỳ vọng của trung ương, kỳ vọng của Quốc hội khi ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM, chứ không phải của riêng TP.HCM. Chính vì vậy tôi hy vọng 13 tỉnh, thành ĐBSCL như đón vận hội của mình. Kinh tế không có ranh giới hành chánh. Đường ranh hành chánh là do con người chúng ta vẽ ra. Thực tế, những thành tựu kinh tế mà TP.HCM đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP.HCM ra cả vùng là không thể phủ nhận.. Về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng không thể đảo ngược, vấn đề là chúng ta chủ động đón nhận hay thụ động đón nhận nó mà thôi. Nếu chúng ta tự nghĩ rằng nó quá khó thì chúng ta mãi mãi không bao giờ làm được. Chúng ta phải thay đổi tâm thức. Tôi vừa đi châu Âu 80% nhãn hàng đều gắn với nhãn xanh. Tức là gì tâm thức tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh đã ăn sâu vào suy nghĩ của người ta. TP.HCM sẽ là nơi dẫn dắt câu chuyện này…
3 – THAM LUẬN CỦA ÔNG TRẦN VIỆT TRƯỜNG – CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ: CƠ CHẾ ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TÁC ĐỘNG ĐẾN LIÊN KẾT, SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐBSCL VÀ TP.HCM 
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 6 năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa 02 thành phố trực thuộc Trung ương trở thành cấp thiết để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy tiềm năng. Đặc biệt, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm liên kết) được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho cả vùng và thành phố Cần Thơ. Tại Mekong Connect năm 2022, ý tưởng hình thành Trung tâm liên kết ứng dụng công nghệ cao để giải quyết những vấn đề đặt ra cho nông sản giữa TP Hồ Chí Minh – ĐBSCL, đã gợi ra nhiều mối liên kết mới, nhiều ý tưởng và cũng có nhiều cơ hội, thách thức…
4 – THAM LUẬN CỦA ÔNG NGUYỄN TRÚC SƠN, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH BẾN TRE: “LIÊN KẾT VÙNG GIỮA TỈNH BẾN TRE, ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ TP.HCM”
Liên kết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội được xem là vấn đề khó khăn nhưng là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm ổn định và phát triển Vùng theo định hướng chung của cả nước. Bến Tre tham gia chương trình hợp tác ABCD MeKong, các địa phương đã liên kết, cùng nhau xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Đây được xem là một điển hình của mô hình liên kết phi chính thức, sử dụng linh hoạt nguồn lực từ khu vực tư để phục vụ các nhu cầu kết nối thị trường, cung cấp sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Để mở rộng quy mô kết nối, tăng hiệu quả của Diễn đàn, năm 2023 tỉnh Bến Tre đã đề nghị nâng Diễn đàn Mekong Connect lên thành hoạt động chung của vùng ĐBSCL, có sự phối hợp tổ chức và tham gia của 13 tỉnh, thành trong Vùng với TP.HCM và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
5 – ÔNG NGUYỄN PHƯƠNG LAM – GIÁM ĐỐC VCCI CẦN THƠ: NHỮNG THÁCH THỨC TRONG VIỆC TRIỂN KHAI QUY HOẠCH TÍCH HỢP ĐBSCL VÀ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ
3 lĩnh vực liên kết (sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu)… chưa được liên kết chặt chẽ! 4 hoạt động liên kết vùng (quy hoạch, kế hoạch; phát triển sản xuất; đầu tư kết cấu hạ tầng; thiết lập hệ thống thông tin vùng). Thí điểm cơ chế tài chính sáng tạo để đầu tư các chương trình, dự án liên kết vùng với quy định trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ chế thí điểm này chưa được tổng kết, đánh giá. Các thỏa thuận liên kết chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị.
6 – THẢO LUẬN NHÓM: “TẬN DỤNG ĐÒN BẨY CHÍNH SÁCH ĐỂ TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI GIỮA KHU VỰC KINH TẾ TP.HCM VÀ ĐBSCL” 
Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa TP.HCM và ĐBSCL thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất giàu có tài nguyên, đóng góp quan trọng vào sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất và cửa ngõ giao thương quốc tế của cả nước. Việc tăng cường liên kết giữa hai khu vực này sẽ tạo ra sự đồng bộ trong phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, việc tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP.HCM và ĐBSCL là một bước quan trọng. Sự hợp tác mạnh mẽ sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
  • DIỄN GIẢ
  • PGS.TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL
  • Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM.
  • Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An
  • Điều phối thảo luận: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh
7 – THAM LUẬN CỦA ÔNG PHẠM TRUNG KIÊN – PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TP.HCM: KẾT QUẢ TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT ĐẦU TƯ GIỮA TP.HCM VÀ CÁC TỈNH, THÀNH ĐBSCL.
8 – KÝ THOẢ THUẬN – HỢP TÁC
  • Ký thỏa thuận hợp tác triển khai các nội dung trọng tâm ngành công thương giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL
  • Ký thỏa thuận hợp tác giữa sở công thương TP.HCM với TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI về đồng hành cùng chương trình bình ổn thị trường mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM
9 – TRAO GIẤY CHỨNG NHẬN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO – CHUẨN HỘI NHẬP CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Trải qua hành trình 06 năm của chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao- Chuẩn hội nhập, Hội DN HVNCLC đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn vào hoạt động sản xuất, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuẩn hóa, mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế. Và ngày hôm nay, ngay tại sân khấu này, trải qua quá trình xét duyệt nghiêm túc của Hội đồng chuyên gia 02 ngành, chúng tôi xin trân trọng và chúc mừng 18 doanh nghiệp Thực phẩm và Phi thực phẩm đã đạt chứng nhận “HVNCLC- Chuẩn hội nhập” năm 2023.

Người trao chứng nhận:

  • Ông Nguyễn Quân – Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
10 – BẾ MẠC: THAY MẶT BTC, ÔNG TRẦN VIỆT TRƯỜNG, CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ KẾT LUẬN: ‘NHỮNG CUỘC KẾT NỐI THỰC CHẤT TẠI MEKONG CONNECT CÓ Ý NGHĨA RẤT LỚN’
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn này, chúng tôi đánh giá rất cao về quy mô, công tác tổ chức, nội dung chọn lọc, chất lượng của Diễn đàn Mekong Connect 2023 đạt hiệu quả và thành công tốt đẹp. Tôi mong muốn rằng, sau khi kết thúc Diễn đàn, các nhóm liên kết, cụm liên kết, vùng liên kết, đặc biệt là Nhóm liên kết ĐBSCL cùng TP Hồ Chí Minh cùng thống nhất ký kết “Chương trình phối hợp thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển bền vững”, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phươg, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau liên kết cùng phát triển, các bên liên quan đồng bộ triển khai hành động ngay sau khi Diễn đàn Mekong Connect 2023 kết thúc.
Về mặt tổ chức, diễn đàn Mekong Connect đã tiến hành các cuộc thảo luận được chuẩn bị chu đáo, công phu được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng, các nhà quản lý nghiên cứu tham gia đông đảo và thực chất. 4 phiên thảo luận với 8 đề tài đã được lãnh đạo TPHCM cùng lãnh đạo các tỉnh đồng bằng phân công cho cán bộ phụ trách các Sở ngành chủ trì, cùng với sự công tác của Trung tâm hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp-PTNT, ban điều phối năm nay đã mời được đại diện chính thức của Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường và hỗ trợ kinh tế ĐBSCL, các trường đại học, các quỹ đầu tư và các tổ chức về tiêu chuẩn quốc tế tham gia thảo luận cùng với đại diện các doanh nghiệp dẫn đầu, có uy tín của TP và đồng bằng.
Cần nói thêm là trước đó, thành phố Cần Thơ và cộng đồng DN, các Hiệp Hội các tỉnh DBSCL đã cùng ban điều phối Mekong Connect tổ chức các hội thảo “tiền Mekong Connect” nêu ra nhiều vấn đề cần giải quyết tại Mekong Connect. Và ngoài ra, năm nay, ban điều phối đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để thu được một hệ thống dữ liêu về các nhu cầu của doanh nghiệp cả nước với đồng bằng.
Diễn đàn cũng là cơ hội để Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp nhận các giải pháp nhằm phát huy cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là lợi thế của mỗi địa phương vùng ĐBSCL để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp theo tinh thần Quyết định số 974/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL.
Với tinh thần xây dựng, cởi mở, Tôi thiết nghĩ rằng hệ thống các giải pháp được gợi ý tại Diễn đàn Mekong connect năm nay sẽ mang tính khả thi cao khi triển khai vào thực tiễn và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của Thành phố Hồ chí Minh cũng như các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh mối liên kết và kết nối trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng, giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, diễn đàn nhấn mạnh vào sự cần thiết của hành động để nâng cao chuỗi giá trị trong những lĩnh vực mà hai vùng kinh tế này tương tác.
Tôi hi vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 tiếp tục thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, là cầu nối giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các chuyên gia, nhà khoa học và chính quyền. 
Đồng thời, tôi đề nghị Ban điều phối hãy hệ thống lại và công bố đầy đủ những hoạt động, những nội dung nghiên cứu trên trang web chính thức duy trì 8 năm qua của Mekong Connect là www/mekongconnect.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Ban điều phối cần chọn lựa địa phương đăng cai Mekong Connect 2024, xây dựng kế hoạch triển khai phối hợp giữa Ban điều phối, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh- BSA và 14 địa phương trong tháng 12 năm 2023 để các địa phương chủ động lập kế hoạch.
Mặt khác, Ban điều phối sẽ cập nhật thông tin phê duyệt qui hoạch tích hợp của TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL và cung cấp cho Hội đồng Liên kết vùng, cho các thành viên tham gia Diễn đàn và các Bộ ngành liên quan nhằm thúc đẩy việc hợp tác diễn ra thực sự mang lại những kết quả mong đợi, để cuộc kết nối Mekong Connect có ý nghĩa thực chất…

Mời xem Clip tổng hợp toàn sự kiện Mekong Connect 2023

> HÃY TRUY CẬP MEKONGCONNECT.VN ĐỂ CÓ THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT

Doanh nghiệp tiên phong chào hàng Xanh tại Mekong Connect 2023