Kéo khách cho ngành F&B Việt Nam, cách nào?

Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế về Food & Hotel 2024 tại Trung tâm Triển lãm SECC, quận 7, TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp cùng Informa Markets tổ chức hội thảo: “Xu hướng F&B bền vững và cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam”. Tại đây, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và ăn uống đã đưa ra những bình luận, phân tích về thị trường này của Việt Nam.
Hội thảo nhằm đem đến những thông tin và phân tích dữ liệu hữu ích cho người tham dự về các trào lưu lớn có tác động đến ngành du lịch Việt Nam, nhu cầu và thị hiếu của các nhóm khách hàng quan trọng, các xu hướng đương đại của ngành thực phẩm và đồ uống, và trên hết là các phương thức để gia tăng giá trị cho sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, dựa trên thế mạnh của nguồn tài nguyên bản địa.
Diễn giả:
  • Tiến sĩ Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế du lịch TP.HCM.
  • Bà Bùi Thị Sương – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam
  • Ông Kao Siêu Lực – Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery)
  • Ông Nguyễn Thành Huy – Nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan.
Điều phối thảo luận: Bà Nguyễn Thị Xuân Yến – Chuyên gia phát triển bền vững, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
Những lợi thế cần phát huy
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Huy – Nguyên phụ trách Thương vụ Việt Nam ở Thái Lan, cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành F&B Việt Nam có những lợi thế là những vũ khí mềm. Những lợi thế này làm cho doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ nhiều quốc gia phát triển về công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Yếu tố cạnh tranh theo ông Huy phân tích, thứ nhất là giá trị của vùng nguyên liệu, so với những đối thủ lớn, Việt Nam sở hữu vùng nguyên liệu đặc sắc và đa dạng. Đây là giá trị giúp sản phẩm của doanh nghiệp có điểm nhấn, có dấu ấn riêng. Nếu doanh nghiệp biết khai thác có thể tăng giá trị cho sản phẩm khi xuất khẩu.
Thứ hai, sau Covid 19, xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh phù hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta có thể thấy, mỗi vùng nguyên liệu là một bài thuốc nam. Nếu doanh nghiệp tận dụng được vũ khí này để tạo sự khác biệt thì có thể tạo được xu hướng chung cho cộng đồng, góp phần làm tăng giá trị chung cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam.
“Nếu tìm được những điểm chạm, mang trong đó giá trị vùng miền (dân tộc) chính là điểm nhấn, điểm khác biệt, tạo thành giá trị sinh thái, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Thành Huy nói.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một chuyên gia về kinh tế du lịch, TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho rằng, “chúng ta vừa có núi, có đồng bằng, có biển, một hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Vấn đề là giá trị đó đang nằm ở dạng thô, nên cần có những câu chuyện giới thiệu, làm bật lên sản phẩm một cách tinh tế.
TS Minh dẫn chứng, hiện nay du lịch Việt Nam được xem là một trong những điểm đến an toàn. Nguồn lực nữa là câu chuyện xây dựng nông thôn mới với các mặt hàng, sản phẩm OCOP. Điều này làm cho cảnh quan thông nông thôn và làng quê của Việt Nam có sự biến đổi mạnh mẽ.
“Cùng với đó, sự kết nối giao thông ngày càng thuận lợi, nhà vệ sinh sạch sẽ, nhận thức của người dân tốt hơn. Điều đó thành một sức mạnh tổng hợp làm gia tăng giá trị, cộng hưởng để xây dựng những trải nghiệm, câu chuyện của du lịch. Đó chính là cảm xúc tích cực của du khách thận từ những trải nghiệm nhỏ nhất”, Tiến sĩ Minh nói.
Ông Nguyễn Thành Huy chia sẻ bên lề hội thảo
Đông đảo doanh nghiệp quan tâm theo dõi chủ đề này
Đưa ngành thực phẩm, ẩm thực Việt Nam ra thế giới bằng công nghệ, chế biến sâu
Ngồi tọa đàm cùng các diễn giả trong chương trình, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ẩm thực kể:
“Tôi tham gia chấm thi cùng Hiệp hội đầu bếp thế giới trong những cuộc thi tổ chức ở Việt Nam, Singapore… thấy rằng, ẩm thực Việt Nam còn sơ khai so với các nền ẩm thực lớn của thế giới. Nhưng khi mình tiếp cận với thực khách nước ngoài, lại cảm thấy rất tự hào.
Bà Sương nói tiếp, khi chúng tôi giới thiệu món phở tại đất nước Thụy Điển, người ta đứng xếp hàng dài, để trải nghiệm phở, cũng là để trải nghiệm 36 món ăn Việt Nam. Với món phở, nhiều người đã trở lại 2-3 lần thưởng thức, nhiều người thích bởi các gia vị hòa quyện trong đó.
Trong những năm qua, điều khiến bà Bùi Thị Sương khi đi các nước thấy vui, vì sự phát triển của công nghệ chế biến đã góp phần đưa các gia vị ở dạng khô đến nhiều nước trên thế giới, từ bột gừng, bột tỏi, bột hành, bột ngò, tiêu… xuất hiện nhiều sản phẩm trên hệ thống siêu thị ở Bắc Âu, Úc… Từ đó, giúp cho những người làm ẩm thực như bà cảm thấy dễ dàng trong trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu và gia vị chế biến món ăn Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuối cùng, bà Sương khẳng định, món ăn Việt Nam hầu hết đều có nhiều nhóm thực phẩm, chất đường, tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, chất xơ, chất khoáng… trong từng món ăn.
Trong khi đó, theo ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery, nhiều dòng sản phẩm mới được ABC Bakery làm xong xuôi sẽ ưu tiên đẩy đi nước ngoài trước, xuất đi Nhật Bản, Singapore… họ yêu cầu chất lượng rất khắt khe nhưng mình làm hài lòng họ được.
Ông Lực nói, “làm sao nghiên cứu sản phẩm mới, làm hài lòng khách hàng, đó là bản lĩnh của những con người trong ABC Bakery”.
Về thị trường nội địa, theo ông Lực, phải liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Qúa trình làm sản phẩm, một trong những điều tiên quyết là phải nghiên cứu, đầu tư về nguyên liệu mới.
“Riêng bản thân tôi, luôn coi trọng tìm kiếm các nguyên liệu từ nông sản Việt Nam đưa vào trong các dòng bánh của mình. Tới đây chúng tôi chuẩn bị ra mắt loại bánh mì thanh long phiên bản mới (phiên bản thứ 2 với ABC Bakery) hy vọng sẽ tạo nên những làn sóng mới trên thị trường”, ông Kao Siêu Lực bật mí.
Các diễn giả chia sẻ trên sân khấu hội thảo

Trần Quỳnh