Châu Á kém tích cực chống hối lộ quan chức nước ngoài
Sáu nền kinh tế lớn nhất châu Á là những nước kém tích cực nhất trong nỗ lực chống hối lộ khi kinh doanh ở nước ngoài – tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) lên tiếng cảnh báo đối với các nước đóng vai trò chính trong thương mại toàn cầu. Điều này cũng cản trở những nỗ lực hồi phục kinh tế đang bị dịch bệnh tàn phá.
Trong bản báo cáo có tên “Xuất khẩu tham nhũng 2020” công bố hôm nay tại Berlin, Transparency International đã xếp hạng 47 nền kinh tế, vốn chiếm 83% xuất khẩu thế giới, dựa trên các chỉ số chống tham những như số vụ điều tra đã thực hiện và số vụ xử lý với các biện pháp cấm vận, chế tài.
Sáu nền kinh tế châu Á được khảo sát – gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore, đều đứng chót trong bốn lĩnh vực, với “rất ít hoặc không có” thực thi các biện pháp ngăn chận công ty nước họ hối lộ quan chức nước ngoài để giành hợp đồng ở nước đó. Nhóm “ít hoặc không có” này gồm 19 nước và lãnh thổ chiếm đến 36,5% xuất khẩu toàn cầu.
Australia lọt vào nhóm nước thứ hai với các nỗ lực “tương đối”, trong khi New Zealand lọt vào nhóm thứ ba “hạn chế”. Chỉ có bốn quốc gia trên thế giới “tích cực thực thi” các biện pháp chống hối lộ. Đó là Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sỹ và Israel.
Bà Gillian Dell, giám đốc bộ phận hội nghị của Transparency International, nói rằng: Điều này không đồng nghĩa là các nước châu Á là tham nhũng hơn các nước khác, nhưng lại cho thấy họ ít cương quyết trong việc ngăn chận các công ty nước họ hối lộ các quan chức sở tại để giành hợp đồng khi làm ăn ở nước ngoài.
“Nếu các doanh nghiệp không quan tâm là liệu đất nước họ có điều tra hay đưa họ ra xét xử hay không, các doanh nghiệp sẽ cảm thấy tự do hơn trong việc lót tay các quan chức”, bà Dell nói với Nikkei Asia.
Transparency International dẫn chứng nhiều trường hợp được đăng tải rộng rãi trên báo chí, trong đó có vụ chính phủ Hoa Kỳ điều tra hãng thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc vì nghi ngờ ZTE hối lộ các quan chức Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Hong Kong và Ấn Độ không mở bất cứ điều tra nào trong giai đoạn 2016-2019, riêng Singapore chỉ điều tra một vụ và kết thúc một vụ với các biện pháp chế tài.
“Các nền kinh tế xuất khẩu chính như Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ và Singapore có vai trò quan trọng đối với giải quyết nguồn cung tiền hối lộ trong thương mại quốc tế và nỗ lực ngăn chặn việc hối lộ trở nên tệ hơn”, báo cáo viết.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống hối lộ toàn cầu. Trong bốn năm qua, Nhật Bản chỉ mở điều tra một vụ, mở hồ sơ điều tra một vụ và xử lý chế tài một vụ. Hàn Quốc thực hiện ít nhất một vụ điều tra, hai vụ mở hồ sơ và năm vụ chế tài.
Trong khi đó, Hoa Kỳ thực hiện điều tra 72 vụ, mở hồ sơ 24 vụ và chế tài 130 vụ.
Hối lộ trong kinh doanh quốc tế có thể xói mòn phát triển kinh tế của nước sở tại bằng cách bóp méo chính sách quản trị và cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, Transparency International chỉ ra rằng chuyện lót tay có thể cản trở nỗ lực của chính phủ để hồi phục kinh tế vốn bị dịch Covid-19 tàn phá.
“Số tiền thất thoát trong các vụ hối lộ ở nước ngoài lên đến hàng triệu USD, mà lẽ ra số tiền này được dùng trong các dịch vụ an sinh hay chăm sóc y tế. Nhiều chính phủ chọn cách làm ngơ khi các công ty nước họ sử dụng hối lộ để giành hợp đồng ở nước ngoài”, Chủ tịch Transparency Interantional nói trong thông cáo báo chí.
Tổ chức này đã kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn trong chống tham những. Các đề nghị bao gồm công khai kết quả điều tra để công chúng thấy tham nhũng quốc tế được xử lý thế nào, cũng như sửa đổi luật và tăng cường thực thi luật để xử các vụ phức tạp.
Bản báo cáo đã không khảo sát lý do tại sao các nền kinh tế châu Á lại kém tích cực trong thực thi. “Đây là câu hỏi về ý chí chính trị. Dường như chúng ta đang thiếu các cam kết của các nước”, bà Dell nhận xét.
Cuộc khảo sát của Transparency International đã không thể phát hiện thông tin nào về việc Trung Quốc điều tra các vụ hối lộ ở nước ngoài trong giai đoạn 2016-2019, mặc dù các công ty của họ dính đến rất nhiều vụ bê bối và bị điều tra ở nhiều nước.