Với kết quả này, nước ta đã xếp thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây là kết quả cao nhất từ trước tới nay khi Việt Nam tham dự kỳ thi đấu Toán quốc tế.
Trước hết, chúng ta đánh giá cao tài năng và sự phấn đấu của các em học sinh. Ngoài ra, là sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi Toán trong suốt thời gian học THPT và ôn luyện để dự thi.
Tôi nhận thấy, trong vòng 3 đến 4 năm gần đây, kết quả tham dự Olympic Toán quốc tế của Việt Nam đạt được rất là tốt. Đặc biệt là những em đoạt giải đều đến từ các trường THPT ở những tỉnh xa, không phải đến từ các trường chuyên ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điều này đã phản ánh phong trào học Toán đã lan rộng ra cả nước. Việc học tập, giảng dạy chuyên về môn Toán ở các trường THPT đã có sự phát triển tốt. Đây có thể xem như một kết quả của việc triển khai chương trình trọng điểm phát triển Toán học.
Cách đây 15 năm, chúng ta thấy rất ít các bạn trẻ yêu thích học Toán. Chỉ khoảng từ 5 đến 10 năm nay, sự thay đổi trong nhận thức của giới trẻ đối với môn học này tương đối rõ nét và theo hướng tích cực. Điều đó được thể hiện khi có nhiều học sinh từ khắp các vùng miền của đất nước ham mê học Toán nói riêng và các môn khoa học cơ bản khác nói chung.
Trả lời câu hỏi: Để thúc đẩy việc học Toán trong giới trẻ thì ngành giáo dục và các trường học cần đưa ra giải pháp gì, Giáo sư Ngô Bảo Châu nói vấn đề này cần tiếp cận theo hai hướng. Thứ nhất, cần đầu tư vào việc liên tục nâng cao năng lực của các giáo viên toán, đặc biệt là giáo viên các lớp chuyên vì chính họ là những người trực tiếp chăm bón cho những mầm non khoa học tương lai.
Thứ hai, cần khai thác mọi thế mạnh của truyền thông hiện đại để việc các bạn trẻ có nhiều điều kiện tiếp cận một cách trực tiếp, năng động với nghiên cứu Toán học và các môn khoa học tự nhiên. Đó có thể là các tạp chí phổ biến kiến thức, các website trao đổi học thuật, những cuộc thi, ngày hội khoa học mở…
L.A tổng hợp