Cùng chia sẻ nhận định “bức tranh kinh tế của hiện tại thực sự ảm đạm”, tuy nhiên, các diễn giả tại tọa đàm “Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm VN trong bức tranh kinh tế thế giới 2024”, chiều 15/11, cho rằng có hai chìa khóa để các doanh nghiệp vượt khó và mở rộng thị trường đó là “tài nguyên bản địa” và “chuyển đổi số”.
Tài nguyên bản địa
Ông Daniel Nguyễn Hoài Tiến, nhà sáng lập Sông Cái Distillery, chia sẻ câu chuyện của chính Sông Cái Distillery trong việc sử dụng tài nguyên bản địa của Việt Nam mang đến những sản phẩm đẳng cấp quốc tế, thâm nhập được vào những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ý…
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, năm 2012 Daniel Nguyễn Hoài Tiến mới lần đầu về Việt Nam, từ năm 2014 đến 2017 ông làm một cuộc du hành khắp các vùng miền Việt Nam để tìm hiểu lối sống, tìm hiểu văn hóa bản địa của các tộc người từ Bắc chí Nam, và ông chợt nhận ra mình phải làm gì đó để gìn giữ tất cả những tài sản quý báu này.
Năm 2018, Daniel Nguyễn sáng lập Sông Cái Distillery, chuyên sản xuất rượu Gin (phong cách Tây) từ các nguyên liệu hoàn toàn bản địa Việt Nam (các loại ngô của người Mông). Sau khi đã gầy dựng được ít nhiều tên tuổi qua các giải thưởng quốc tế, Daniel Nguyễn mới tiến thêm một bước nữa, giới thiệu các sản phẩm hoàn toàn thuần Việt, đó là rượu gạo và mẩy (rượu thuốc). “Người nước ngoài cũng có truyền thống lâu đời với dòng sản phẩm rượu thuốc, chỉ là chúng ta chưa biết đến mà thôi. Chúng ta chưa biết đến thị hiếu của người nước ngoài và chưa biết đến cũng như đánh giá đúng các giá trị và các kiến thức bản địa của chính chúng ta, và như thế là vô tình chúng ta đã bỏ phí một thị trường ngách đầy tiềm năng” – Daniel Nguyễn nói.
“Bún chả Obama là gì?”, theo Daniel Nguyễn đó là tinh thần muốn khám phá tận tay, tận nơi, những giá trị bản địa. “Sản phẩm bản địa đang là thị trường ngách mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… cực kỳ ưa chuộng” – Daniel Nguyễn Hoài Tiến khẳng định, và trăn trở: “Nhưng tốc độ mất của kiến thức, mất các giống bản địa của chúng ta đang rất nhanh. Nếu không nhanh chóng thay đổi nhận thức để bảo tồn, gìn giữ thì chúng ta sẽ mất đi rất nhanh và không thể nào cứu vãn được. Đó sẽ là một sự mất mát rất lớn, không chỉ cho các giá trị bản địa mà còn là các cơ hội kinh doanh lớn. Tôi đã từng đến một làng Mông họ trồng đến 10 loại bắp bản địa khác nhau, nhưng chỉ vài năm sau thôi quay lại, thì họ chỉ trồng một loại: ngô lai. Đây là sự mất mát quá lớn.”
Cùng chia sẻ với quan điểm của ông Daniel Nguyễn về giá trị của tài nguyên bản địa, ông Nguyễn Thành Huy, nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, người có gần 10 năm lăn lộn với thị trường Thái Lan, nói: “Thái Lan đánh mạnh về tài nguyên bản địa, về chỉ dẫn địa lý. Họ coi đó là vũ khí để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực như Việt Nam. Theo tôi bây giờ chúng ta phải nhìn cách họ đi chúng ta có thể rút ra những bài học và tìm ra cách đi riêng của mình. Tôi tin rằng các nguyên vùng liệu của mình có những giá trị bản địa đặc sắc, đặc sắc hơn hẳn Thái Lan, chỉ cần được khai thác đầy đủ chúng ta sẽ có cơ hội vượt lên”.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của Tiki, đã mang đến một minh chứng hùng hồn từ thị trường về giá trị của tài nguyên bản địa khi khẳng định: “Có ba yếu tố mang đến thành công của sản phẩm trên sàn Tiki mà chúng tôi ghi nhận được đó là: Thứ nhất là tính nổi bật của nguồn tài nguyên bản địa. Thứ hai là bao bì đẹp, chứng nhận chất lượng đầy đủ. Và thứ ba là năng lực bán hàng và chất lượng vận hành”.
Trong bối cảnh mà “bức tranh kinh tế của chúng ta hiện tại thực sự là ảm đạm” – theo lời ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm TGĐ, Công ty Vinamit, “đối với các doanh nghiệp lâu đời như chúng tôi, chúng tôi cảm thấy rõ ràng kinh tế chưa thể phục hồi sau Covid-19, thậm chí còn ảm đạm hơn. Đó là bức tranh biến động khủng khiếp của cả nền kinh tế”, thì việc tìm ra một thị trường ngách như các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa là hết sức đáng giá.
Chuyển đổi số không phải là khẩu hiệu
Tìm ra một thị trường ngách tiềm năng để khai thác, nhưng các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để bắt kịp các xu hướng thời đại, đó là chuyển đổi số, là trí tuệ nhân tạo (AI). Các diễn giả tại tọa đàm trên nhiều góc nhìn khác nhau đều cho rằng đây là yêu cầu bức thiết của thị trường, không phải là chuyện “phong trào”, hay “khẩu hiệu”
“Những doanh nghiệp lớn như chúng tôi chuyển đổi rất khó, vì bộ máy hình thành hết rồi, ứng phó với sự biến động cực kỳ là vấn vả. Càng bế tắc thì càng mơ hồ, mơ hồ kinh khủng. Đóng cửa hay duy trì, duy trì thì chi phí ra sao. Đó là những bài toán mà các công ty lớn hiện nay rất đau đầu. Không chỉ đóng các cửa tiệm mà còn các chi nhánh, phân xưởng. Đó là bức tranh không chỉ biến động, mà còn không chắc chắn và hoàn toàn mơ hồ. Với các doanh nghiệp lớn trong tình hình này rõ ràng là vất vả. Chúng tôi thành lập công ty mới là Lamoi, tập hợp những người trẻ, để bắt đầu xây dựng con đường mới linh hoạt hơn” – ông Nguyễn Lâm Viên nói lời tâm huyết với hàng trăm cử tọa là các doanh nhân trẻ tham dự tọa đàm.
“Các chủ doanh nghiệp phải xuất hiện, người tiêu dùng đã thay đổi, họ muốn gặp ngay người bán sản phẩm, kể câu chuyện về sản phẩm anh làm chứ không phải siêu thị hay người bán hàng. Trước Covid-19 tôi không mấy khi xuất hiện nhưng bây giờ tôi phải xuất hiện, phải trực tiếp kể câu chuyện về sản phẩm của mình với khách hàng. Đó là điều mà các doanh nông trẻ có thể nắm bắt và họ cho thấy nắm bắt tốt và làm tốt hơn thế hệ cũ chúng tôi” – ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm TGĐ, Công ty Vinamit.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Lâm Viên về yêu cầu chuyển đổi, thích ứng với yêu cầu mới của thị trường, ông Đỗ Hòa Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị nói: “Ứng dụng số, sau Covid-19 đã có một bước phát triển mạnh, đó là xu hướng, là yêu cầu bắt buộc nhưng các doanh nghiệp của chúng ta làm chưa tốt lắm. Chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều. Nếu chậm chân là chúng ta mất cơ hội, khi các đối thủ của chúng ta nhanh chân hơn. Nhưng phải làm gì để nhanh hơn? Là ứng dụng số vậy. Chúng ta phải thay đổi, thay đổi ngay chứ không thể làm theo kiểu truyền thống được nữa”.
Từ kinh nghiệm thị trường của mình, ông Nguyễn Quách Nhi cho biết, nhiều chủ thể OCOP không thành công trên sàn thương mại điện tử không phải vì sản phẩm không tốt, mà vì vận hành không tốt. “Người tiêu dùng bây giờ không chỉ yêu cầu hàng tốt mà còn phải hàng đến kịp thời. Và như thế bắt buộc chúng ta phải chuyển đổi số, phải thay đổi mô hình quản trị mới có thể đáp ứng yêu cầu vừa phải nhanh, vừa phải tốt của khách hàng” – ông Nhi nói.
Mekong Connect 2023 có chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP.HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, được tổ chức tại TP.HCM với sự chủ trì của UBND TP.HCM, Bộ NN&PTTN và Bộ KHCN, được phối hợp điều phối và thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Hội DN HVNCLC, VCCI Cần Thơ. Mekong Connect năm nay chào đón sự tham dự của 1.500 đại biểu là các khách VIP và doanh nhân; 30 đoàn lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước; 30 lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, thành và đối tác; 100 doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khu triển lãm, 100 cơ quan báo đài quốc tế và Việt Nam. Tất cả đã cùng với 30 diễn giả uy tín tham gia 5 phiên thảo luận (4 phiên ngày 15/11, 1 phiên ngày 16/11) với hơn 40 tham luận.