Tối 28/4/2022, tại TP.HCM, Lễ hội Tinh Hoa gia vị Việt đã khai mạc. Sự kiện diễn ra trong 4 ngày, từ 28/4 đến 1/5/2022 tại Khu hoạt động cộng đồng của Toà nhà 81 tầng – LandMark 81 – Vinhome Central Park (722 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt là sự kiện do Hội Doanh nghiệp HVNCLC & Câu Lạc bộ DN dẫn đầu LBC, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội nước mắm truyền thống, Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp tổ chức, trưng bày hơn 1.000 loại – sản phẩm gia vị của gần 100 doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động song hành như hội thảo, giao lưu nhà sản xuất, Cooking show, biểu diễn ẩm thực, âm nhạc, giao lưu với chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, đại sứ hàng Việt, nhà tư vấn về dược tính của các loại gia vị giúp trị bệnh.
Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt” hướng đến bốn mục tiêu là khám phá mới về gia vị, tìm cách đem lại giá trị gia tăng, tăng phần đóng góp của gia vị vào nền kinh tế nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung và mục tiêu thứ tư là làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại cho gia vị và cập nhật thông tin bản đồ gia vị Việt, giúp các bạn trẻ, các nhà doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tiếp cận các thông tin mới nhất về gia vị Việt, nâng cao giá trị và vị thế của gia vị Việt, đồng thời, tạo kết nối các cơ hội thị trường mới cho Gia vị Việt, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gia vị Việt.
Tại lễ khai mạc, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, đại diện BTC cho biết. Việc chọn một chủ đề đặc biệt là “Tinh hoa gia vị Việt” có ý nghĩa đặc biệt. Trong một giai đoạn mới hậu đại dịch, việc cổ vũ cho thực phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch là quan tâm lớn của chúng ta, càng là quan tâm lớn hơn khi thực phẩm góp phần quan trọng vào phục hồi kinh tế thành phố và đất nước.
Lễ hội hôm nay nhằm tôn vinh và tri ân gia vị Việt Nam, là nơi hội tụ những hoạt động phong phú với những ước vọng lớn như: khám phá gia vị mới từ khắp các miền đất nước, làm giàu cho kho tàng gia vị quí của Việt Nam, khám phá những khả năng chế biến phục vụ hệ thống Horeca, phục vụ ẩm thực và du lịch cũng là một ngành kinh tế quan trọng của TP.HCM. Đặc biệt, Lễ hội giới thiệu những sản phẩm mới chế biến từ gia vị tươi thành ra những sản phẩm xuất khẩu độc đáo, mang đến kỳ vọng đóng góp vào nền kinh tế gia vị của nông nghiệp Việt Nam.
Những mục tiêu đó được gói gọn trong 4 ngày hoạt động với 4 khu vực: ngôi nhà chung gia vị, sân khấu biểu diễn gia vị, các gian hàng của các nhà sản xuất chế biên gia vị với nhiều công nghệ mới và khu vực các doanh nghiệp khởi nghiệp từ khắp các niền đất nước về đây gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kiến thức và cả những cơ hội hợp tác vì sự phát triển của tài nguyên gia vị Việt.
Theo bà Kim Chi, gia vị, có lẽ không chỉ là gia vị, mà là cảm xúc, là cuộc sống, là sự tinh tế, là nghệ thuật… là người dẫn đường cho tất cả các món ăn hằng ngày của chúng ta, nên có thể nói sự kiện này vừa là sự kiện văn hóa, vừa là sự kiện kinh tế mang lại nhiều cảm hứng cho các giới hoạt động. Số lượng cây thảo dược được nghiên cứu – khám phá ở Việt Nam tăng lên liên tục theo thời gian, từ 500 loài “thưở ban đầu” nay đã lên gần 6000, trong đó rất rất nhiều loài cây cỏ có thể làm gia vị.
Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ 28/4 đến 1/5 với hơn 1000 loại – sản phẩm gia vị Việt, từ Miền Hạ – ĐBSCL đến vùng cao Tây Bắc, thông qua 50 gian trưng bày của gần 100 doanh nghiệp. Đây là những đơn vị có quá trình khám phá, tìm hiểu các loại gia vị từ những vùng núi đồi, sông nước để làm ra những sản phẩm gia vị đặc sắc Việt Nam, không chỉ bán trong nước mà còn xuất được sang các thị trường khó tính. Vấn đề quan trọng là ngành công nghiệp, ngành kinh tế đó đang cần thêm những “chất xúc tác” để mạnh lên, mở rộng ra, trở thành động lực, là bệ đỡ cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Đơn cử chỉ với thị trường Saudi Arabia, theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang đây năm 2020 đạt 460 triệu USD. Riêng 7 tháng năm 2021 đạt 225 triệu USD. Trong đó, các loại gia vị, hạt tiêu đến từ Việt Nam có kim ngạch khoảng 10 triệu USD/năm. Theo thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia, đây là thị trường đầy tiềm năng. Các loại thảo mộc, gia vị như quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, hạt tiêu và nhiều loại khác được thêm vào tất cả các món ăn. Các sản phẩm khác cũng đang có nhu cầu cao bao gồm gia vị muối, tiêu, hỗn hợp gia vị, ớt bột, nghệ, gừng…
Ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu: Việc tôn vinh, khám phá và nâng cao giá trị, tầm cao của GIA VỊ, nguồn tài nguyên quí gia của đất nước thực sự là một hoạt động cần thiết và hữu ích khi cả nước ra sức lao động sản xuất, kinh doanh để phục hồi kinh tế và tiếp tục cuộc hội nhập thành công vào thị trường thế giới. Một trong những nỗ lực của thành phố chúng ta là quyết tâm kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức nhiều hoạt động tích cực tạo hệ sinh thái xanh sạch, an toàn cho môi trường, cho thực phẩm phục vụ người dân. Điều này đòi hỏi sự cố gắng đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến các nhà sản xuất kinh doanh cũng như sự công tác của người tiêu dùng. Và tôi vui mừng thông báo là thành phố chúng ta đã đạt được những thành công về phục hồi dần dần chuỗi cung ứng đã có lúc bị đứt gảy nghiêm trong chỉ vài tháng trước.
“Chúng tôi được biết ban tổ chức đã cất công sưu tầm, khám phá hàng nghìn loại gia vị, đặc biệt là ở các tỉnh vùng cao biên giới phía bắc cũng như những tỉnh cực nam tổ quốc. Chương trình cũng có tổ chức 8 cooking show như những gợi ý phục vụ các nhà hàng, đồng thời, giới thiệu và biểu dương các sản phẩm gia vị đã chế biến và đang xuất khẩu tốt, cũng là thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp kinh doanh gia vị và thực phẩm, đồng thời trao kiến thức cho người tiêu dùng trải nghiệm những khả năng cao rộng của nông sản chúng ta khi được chế biến. Thay mặt Sở Công thương, tôi hoan nghênh tinh thần vượt khó của các nhà sưu tập cũng như sản xuất kinh doanh để làm nên ngày hội hôm nay”. Ông Tú chia sẻ.
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc