Chủ cơ sở sản xuất măng Vân Long (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đang đầu tư nâng cấp sản phẩm măng giòn Kon Gang trở thành sản phẩm OCOP. Đây là cơ hội để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tiêu thụ hết sản phẩm măng tươi cho nông dân xã Kon Gang.
Năm 2007, bà Hồ Thị Vân trồng thử nghiệm giống măng tre Đài Loan trên đất Kon Gang. Chỉ sau 1 năm, măng đã cho thu hoạch với sản lượng cao hơn nhiều so với các giống măng tre đã trồng tại địa phương. Đặc biệt, giống măng tre này cho thu hoạch quanh năm. “Năm 2017, tôi chuyển toàn bộ 1,5 ha cà phê già cỗi sang trồng măng tre Đài Loan. Năng suất bình quân đạt trên 30 tấn măng tươi/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu mỗi năm hơn 250 triệu đồng/ha”-bà Vân chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, bà Vân nghiên cứu chế biến thành sản phẩm măng giòn, măng chua, măng khô để cung cấp ra thị trường. Hiện tại, bà Vân đã đăng ký sản phẩm măng giòn tham gia Chương trình OCOP năm 2020 của huyện Đak Đoa. Bà Vân cho biết: 10 kg măng tươi sẽ chế biến được 1 kg măng giòn. Kỹ thuật chế biến khá đơn giản. Măng sau khi thu hoạch đem rửa sạch, ngâm khoảng 1 ngày trong nước để giải độc tố, sau đó đưa vào luộc và tiến hành ép hết nước. “Sản phẩm này khi ngâm nước hoặc luộc lên trước khi đem chế biến món ăn có vị gần giống như măng khô. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi, giòn và hương vị của măng. Sản phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 6 tháng để ăn dần mà vẫn tươi ngon”-bà Vân cho hay.
Hiện tại, cơ sở sản xuất măng Vân Long cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn sản phẩm mỗi năm. Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, bà Vân đã liên kết với nhiều hộ nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu măng nguyên liệu.
Đầu năm 2020, khi cơ quan chức năng thông báo về kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, cơ sở măng Vân Long đã đăng ký tham gia với sản phẩm măng giòn. Hiện cơ sở đang hoàn tất hồ sơ và đưa sản phẩm đi kiểm tra chất lượng. “Khi tham gia Chương trình OCOP, tôi đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để sản phẩm sớm hoàn thiện, được hỗ trợ thêm về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện tham gia hội chợ để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”-bà Vân nói.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Đây là sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện mẫu mã, logo, cơ sở chế biến… nhưng rất có tiềm năng. Bước đầu, sản phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phòng đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cơ sở về thiết kế bao bì, nhãn mác và làm các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm.
“Năm 2020, huyện dự kiến hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp 12 sản phẩm (6 sản phẩm năm 2019 và 6 sản phẩm tham gia OCOP năm 2020) đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Tổng kinh phí triển khai Chương trình OCOP năm 2020 là 2,2 tỷ đồng. Thông qua Chợ phiên nông sản an toàn, chúng tôi quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại địa phương và đưa sản phẩm đi tham gia các sự kiện, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong nước”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm.