Thị trường 24/7: ACV vay 1,8 tỷ USD để đầu tư sân bay Long Thành; Giá cà phê ‘rơi’ khỏi mốc 100.000 đồng

Các hãng điện tử Hàn Quốc giới thiệu thiết bị nhà bếp tích hợp AI

Giá cà phê ‘rơi’ khỏi mốc 100.000 đồng: Sàn giao dịch cà phê London tiếp tục giảm mạnh, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm 163 USD xuống còn 3.378 USD/tấn; kỳ hạn tháng 9 giảm 165 USD xuống 3.305 USD/tấn và kỳ hạn tháng 11 giảm 159 USD xuống 3.226 USD/tấn.

Ngược lại, giá cà phê arabica trên sàn New York đã tăng trở lại sau nhiều ngày giảm liên tiếp. Theo đó, kỳ hạn tháng 7 tăng 31,9 USD lên thành 4.339 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 tăng 27,5 USD lên 4.311 USD/tấn và tháng 12 tăng 30,1 USD/tấn lên 4.310 USD/tấn.

Trong nước, giá cà phê Tây nguyên giảm thêm 1.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông và Đắk Lắk còn 99.000 đồng/kg, Gia Lai 98.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 98.000 đồng/kg. Giá cà phê của Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của thị trường London trong khoảng 10 ngày qua đã giảm mạnh đến 40.000 đồng/kg, khiến nhiều người lo lắng xu hướng giảm sẽ kéo dài.

Thanh khoản trở lại mốc tỷ USD, VN-Index vượt mốc 1.250 điểm: Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, VN-Index tăng 1,83 điểm lên 1,250.46 điểm. Như vậy đây đã là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của chỉ số này. Bên cạnh đó, HNX-Index tăng 1,56 điểm lên mức 234.52 điểm. UPCOM-Index tăng 0,47 điểm lên 91,57 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 26541 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Sau 3 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đảo chiều bán ròng với giá trị 1.220 tỷ đồng trong phiên 8/5. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng với giá trị xấp xỉ 1.280 tỷ đồng. VHM chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 918 tỷ đồng. Theo sau là TCB và PVD cũng bị bán 219 và 72 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng 14 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi mua ròng 74 tỷ đồng trên HNX.

Cổ phiếu ngành năng lượng tăng mạnh khi thu hút được lượng lớn dòng tiền. Theo đó, GAS tăng 1,44%, OIL tăng 2,11%, BSR tăng 2,12%, TOS tăng 2,52%, PLX tăng 3,36%, PVD tăng 3,44%, PVC tăng 4,86%, PVS tăng 5,39%, POS tăng 8,43%, PVB tăng 9,8%.

Vàng đấu thầu bị ‘chê’, vàng SJC ngoài thị trường lên đỉnh: Phiên đấu thầu sáng nay (8-5) đã thành công nhưng khối lượng trúng thầu cũng chỉ đạt 3.400 lượng vàng trong tổng khối lượng 16.800 lượng vàng miếng đấu thầu.

Theo thông báo của NHNN, 3 đơn vị đã trúng thầu 3.400 lượng vàng miếng trong phiên đấu thầu hôm nay. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng.

Trước đó, NHNN công bố mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng. Điểm mới của đợt đấu thầu hôm nay là khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng) thay vì 14 lô (tương đương 1.400 lượng) như các phiên trước.

Sau phiên đấu thầu, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC lại tái lập kỷ lục cũ. Cụ thể, giá mua – bán vàng miếng chiều nay tăng trở lại lên mức 85,2 – 87,5 triệu đồng/lượng.

ACV vay 1,8 tỷ USD để đầu tư sân bay Long Thành: ACV vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua vay vốn tài trợ cho Dự án thành phần 3 – Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, ACV đã ký kết văn kiện tín dụng với Vietcombank với tư cách là ngân hàng đầu mối và đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đồng thời ký với VietinBank và BIDV (các ngân hàng cho vay hợp vốn) để tài trợ cho dự án trên.

Tổng số tiền vay vốn là 1,8 tỷ USD trong thời gian 20 năm. Mục đích vay là tài trợ cho các nhu cầu tín dụng hợp pháp, hợp lệ liên quan đến việc đầu tư dự án. Biện pháp đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục được phép thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD. Dự án có 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do ACV làm chủ đầu tư.

Thanh toán không tiền mặt gấp 23 lần GDP: Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024, sáng 8/5, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhiều chỉ tiêu trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Trong đó, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đã gấp 23 lần GDP. Với quy mô GDP năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, ước tính thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 9.890 tỷ USD (tương đương 250 triệu tỷ đồng). Trước đó, theo đề án phát triển đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Như vậy, quy mô hiện nay đạt khoảng 90% kế hoạch.

Thực tế, người Việt ít giữ tiền trong ví hơn trước đây. Kết quả khảo sát của Visa hồi cuối tháng 3 cho thấy, thời gian trung bình người Việt không tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần 4 lần so với 2022. Hơn một nửa số người Việt được hỏi (56%) cho biết họ ít mang tiền mặt hơn so với 2022, theo khảo sát của Visa.

Một giao dịch thanh toán bằng mã QR. Ảnh: Payoo.

TP.HCM siết hóa đơn mua bán vàng: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn khi mua bán vàng.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng phải thực hiện nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các đơn vị này cũng được yêu cầu theo dõi chặt diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng, niêm yết công khai giá mua bán tại điểm giao dịch.

Theo báo cáo của Bộ Công an gần đây, các sơ sở kinh doanh vàng tại nhiều địa phương trên thực tế bán vàng trang sức mỹ nghệ nhưng không có hoá đơn chứng từ, người dân trả tiền mặt trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế theo hình thức khoán. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng gây thất thu thuế lớn cho Nhà nước.

Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’: Đây là nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm kéo Việt Nam lại gần hơn với tư cách là một đồng minh chiến lược. Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe điều trần về việc có nên chỉ định Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không trong hôm nay 8/5 (giờ Mỹ).

Động thái này, bị các nhà sản xuất thép và tôm Bờ Vịnh phản đối nhưng được các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ, vì sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, cơ quan ủng hộ việc nâng cấp, cho biết: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được chỉ định chính xác.”

Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe tranh luận từ cả hai bên trong phiên điều trần ảo vào chiều thứ Tư tại Washington như một phần của quá trình đánh giá sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7.

Nền kinh tế thế giới đã chia thành ba khối: Phó Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath, trong phát biểu tại Đại học Stanford ngày 7/5 cho biết nền kinh tế thế giới đã chia thành ba khối là các nước liên kết với Mỹ, Trung Quốc và các nước bị cô lập.

Bà Gopinath đã lưu ý sự tách biệt ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu, chỉ ra rằng tỷ trọng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 8% trong 6 năm qua do tranh chấp thương mại và tỷ trọng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 4%. Bà cũng nói thêm thương mại trực tiếp giữa Nga và các nước phương Tây đã giảm mạnh kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng.

Bà Gopinath cũng cho rằng Mexico và Việt Nam là những quốc gia trung gian mà một số hoạt động thương mại và đầu tư được chuyển hướng tới.

Bản tin công nghệ, từ 3/5 – 8/5/2024