McDonald’s vừa tung ra một chiêu mới: McDelivery – giao hàng tận nơi. Nghĩa là đánh thẳng vào đối thủ cạnh tranh Domino’s Pizza đang làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới.
Doanh số và thị phần của Domino’s Pizza tăng trưởng liên tục trong khi McDonald’s thì đi chiều ngược lại. Từ năm 2012 đến nay chuỗi fastfood này đã mất hơn 500 triệu lượt khách, một con số có thể đe dọa đến tính mạng chứ không phải chơi.
Nên họ đã quyết định áp dụng cái chiêu mà đối thủ mình đã áp dụng từ lâu, đó là delivery giao hàng tận nơi thông qua hệ thống riêng của mình và lần này có sự liên kết chiến lược với ngôi sao đang lên UberEATS.
Trước McDoanld’s là Starbucks cũng đã tham gia vào bữa tiệc ứng dụng công nghệ số. Tuy trễ nhưng còn hơn là quá trễ như trường hợp của thương hiệu bá chủ một thời Nokia.
Chỉ có cách đó McDonald’s mới hy vọng tìm ra một nguồn doanh thu đột phá để lấp vào khoảng trống 500 triệu lượt khách hàng mất đi. Đúng là chiến thuật “cái thúng gạo và cái lỗ”. Gạo là khách hàng và lúc nào cũng bị mất đi thông qua cái lỗ dưới đáy thúng, nên thay vì tìm cách bịt cái lỗ khó quá thì người ta tìm cách tìm thêm gạo mới bỏ thêm vào thúng, càng nhiều càng tốt.
Rồi lại thấy lo cho nước Úc. Với con số thống kê hơn 1/4 trẻ em và 62% dân số người trưởng thành bị béo phì thì bước tiến Delivery này của McDonald’s là một bước lùi cho xã hội. “Béo phì” sẽ được giao đến tận nhà, không cần đi đâu xa cả, an tâm!
Business là business. Đúng rồi, nhưng thấy có cái gì đó không đúng lắm.
Đúng ra McDonald’s đã âm thầm thử nghiệm mô hình Delivery này ở Úc vào năm 2013 tại một trong những cửa hàng tại khu vực phía Bắc Parramatta nơi có dân số rất đông và tỷ lệ béo phì thuộc loại nhất nhì Sydney. Họ biết quá rõ là McDonald’s và “béo phì” có đi đôi với nhau. Vậy mà bây giờ lại còn cho thêm “chút nước béo” nữa!
Business là business. Thôi kệ. Nhưng nhờ vậy mà gióng lên tiếng kẻng báo hiệu mức độ quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh như thế nào. Cũng vì xu thế này mà chiếc điện thoại thông minh smartphone ngày càng gắn chặt với con người hơn bao giờ hết. Hoặc cũng chính tại chiếc điện thoại này mà con người ngày càng dấn sâu thêm vào trong bữa tiệc của công nghệ thông tin.
Kết quả là hành vi mua sắm của khách hàng ngày hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Người ta không muốn tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều như trước nữa mà thích thông qua những phần mềm ứng dụng chứa trong chiếc điện thoại di động hay chiếc máy vi tính. Muốn hay không muốn, thích hay không thích, đó là một thực tế, một xu thế.
Cho nên một khi suy nghĩ, hành vi của khách hàng đã thay đổi thì suy nghĩ và hành vi của các nhà kinh doanh cũng phải thay đổi theo – nếu không muốn đứng bên lề của cuộc chơi.
Ai cũng biết điều đó, cũng nghe qua điều đó, nhưng để triển khai thành một hành vi kinh doanh cụ thể thì chưa chắc.
Lý Quí Trung