Thủ tướng: Đô thị đại học, không phải cứ “ngồi hội trường bàn mãi”!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác thị sát tại một số địa điểm triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Đô thị đại học phải thành hiện thực chứ không phải cứ ngồi hội trường bàn mãi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy khi làm việc với Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) mới đây.

Phải đổi mới giáo dục

Thủ tướng khẳng định, muốn phát triển đất nước thì phải đổi mới giáo dục. Đây là cội nguồn đưa đất nước tiến lên. Trong quá trình đó, ĐHQGHN đóng vai trò quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, kỳ vọng vào ĐHQGHN trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo cũng như đóng góp vào sự phát triển đất nước.

ĐHQGHN sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt hệ thống đại học trong đổi mới, hội nhập. Chính phủ luôn quan tâm đến điều kiện phát triển của ĐHQGHN, nhất là cơ sở vật chất.

Với tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng về việc xây dựng làng đại học, khu đô thị đại học với ĐHQGHN làm nòng cốt.

Vì vậy, Thủ tướng đồng ý quy hoạch lại khu đô thị đại học ĐHQGHN, trong đó tập trung vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng. “Sau này, đại học nào muốn gia nhập ĐHQGHN trên tinh thần tự nguyện, cùng hợp tác thì chúng ta càng hoan nghênh”, Thủ tướng nói. Chúng ta sẽ có một số cơ chế về phát triển ĐHQGHN, trong đó có cơ chế về giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, tự chủ cho các đại học thành viên…

Đối với kiến nghị về dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý việc chuyển giao ban quan lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, đồng thời ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQGHN. Đây là việc cần thiết bởi “sản phẩm cuối cùng sử dụng là ĐHQGHN”. Tinh thần là để ĐHQGHN tự chủ, chủ động, quyết liệt hơn.

Trước kiến nghị về chỉ đạo các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư, đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, UBND TP. Hà Nội làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ĐHQGHN,… Thủ tướng giao TP. Hà Nội chỉ đạo huyện Thạch Thất tập trung tối đa cho giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án, công trình triển khai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép. Từ bài học dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm trễ 10 năm do giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng, cần rút kinh nghiệm đối với dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Cơ chế riêng

Thủ tướng đồng ý sẽ có cơ chế riêng cho việc tái định cư đối với dự án; cho phép ĐHQGHN điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, tương tự như trường hợp ĐHQG TP.HCM.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của ĐHQGHN về tăng cường ngân sách giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng các công trình thiết yếu bởi “nếu không có mặt bằng tốt thì không thể có khu đô thị đại học, không thể kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội hóa”.
Về kiến nghị phê duyệt chủ trương vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, ĐHQGHN thống nhất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Với kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc tương tự như các chính sách đã có cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng cho biết, đã có các quy định pháp luật về xây dựng các dự án và ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với tinh thần ủng hộ, Thủ tướng giao ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục

Đối với một số kiến nghị khác như: Thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho hoạt động khoa học công nghệ, vấn đề thi đua khen thưởng, việc xét lương đối với giáo sư, phó giáo sư,… Thủ tướng đều thể hiện tinh thần ủng hộ, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Vấn đề nào vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng mong muốn, với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, với tiềm năng nội lực về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là với kinh nghiệm và thành tựu đạt được của mình, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong, đi đầu góp sức quan trọng vào việc phát triển, triển khai các hoạt động thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.


Hiện nay, ĐHQGHN có 29.397 sinh viên đại học chính quy; 6.206 học viên cao học, 1.523 nghiên cứu sinh. Bên cạnh việc công bố 560 bài báo ISI, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã có 2 công trình khoa học được đăng trên Tạp chí Nature hàng đầu thế giới (năm 2013 và 2016); 12 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận. Hiện tại, ĐHQGHN có 8 phòng thí nghiệm trọng điểm, 23 nhóm nghiên cứu mạnh, đã thực hiện 7 dự án lớn trong nước và 7 dự án lớn quốc tế.

 

Tham khảo: Đô thị đại học là gì?

Đô thị đại học trước tiên là 1 đô thị, có diện tích khoảng vài trăm hecta nằm sát đường quốc lộ, được quy hoạch tổng thể. Có đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật như: các công trình đường sá, cầu cống, các trạm cấp điện, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải,… cũng như các công trình hạ tầng xã hội như: Bệnh viện, bưu điện, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bể bơi, công viên, nhà thi đấu, sân vận động, thậm chí cả rạp hát… Có các công trình phục vụ mục đích nghiên cứu giáo dục như: Cụm giảng đường hiện đại. Khu nghiên cứu khoa học. thư viện, ký túc xá sinh viên và khu nhà ở cho giảng viên. Tất cả đều xoay quanh hạt nhân chính là các trường đại học nhằm tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho sự phát triển Giáo dục Đại học cả về quy mô lẫn chất lượng. – Sức chứa của một đô thị đại học là vài trăm ngàn dân. Trong đó thành phần dân cư tạo thị chủ yếu là sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, giáo viên… Mục tiêu lớn nhất của đô thị đại học là tạo điều kiện, môi trường cho các trường đại học theo đúng nghĩa, không chỉ có mục tiêu đào tạo, mà còn phải đẩy mạnh nghiên cứu.

Có thể hình dung, về mặt kiến trúc, “hạt nhân” của đô thị sẽ là cụm khu vực giảng dạy của các trường Đại học. Kế đến là khu vực chung phục vụ giảng dạy: Thư viện, các phòng thí nghiệm công nghệ cao. Ngoài ra là các khu vực thể dục thể thao, khu KTX và nhà ở cho cán bộ… Khu vực vệ tinh sẽ gồm các dịch vụ: Bệnh viện, bưu điện, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bể bơi, công viên, nhà thi đấu, sân vận động và thậm chí cả rạp hát… (wikipedia)

T.Đ