Chương trình “Khởi nghiệp xanh” của BSA có sứ mệnh “chạm” vào “sự thô sơ” bằng cách thức đơn giản và trực diện khi bắt đầu với những bạn “thanh niên nông thôn”, cố gắng sáng tạo trên “tài nguyên bản địa” và học hỏi thế giới bằng cách “đem chuông đi đánh xứ người” trong hội chợ quốc tế.
Tôi có may mắn tham gia Chương trình “Khởi nghiệp thanh niên nông thôn” của Trung tâm BSA từ những ngày đầu khởi xướng với vai trò chuyên gia. Nay chương trình được đổi tên thành “Khởi nghiệp xanh”. Chương trình có nhiều mục tiêu do Ban tổ chức và đối tác đưa ra, nhưng quan điểm của tôi lại thấy sự sâu xa của chương trình là mục tiêu kiến tạo nền kinh tế mới với nông nghiệp Việt Nam trong sự hội nhập toàn cầu.
Ngành nông nghiệp tăng trưởng 6 – 7% hằng năm, đóng góp hơn 40 tỉ USD xuất khẩu nông-lâm-thủy-hải sản, đứng thứ 2 Đông Nam Á, có gần 40% lực lượng lao động đang làm việc. Thế nhưng, vấn đề là ngành nông nghiệp vẫn gặp những hạn chế cố hữu về quy mô sản xuất nhỏ, năng suất kém/yếu, chuỗi giá trị đứt gãy và công nghệ trong nông nghiệp vẫn lạc hậu. Chính phủ luôn coi nông nghiệp là nền tảng cốt lõi trong phát triển quốc gia, nhưng việc giải bài toán nông nghiệp phát triển bền vững và thực sự là ngành chủ đạo của Việt Nam cần một tư duy kiến tạo mới, nghĩa là phải xây dựng được một thế hệ nhà doanh nông với tầm nhìn mới trong cạnh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo.
Đi qua nỗi đau “Sự thô sơ”
Nghe mấy chữ “xuất khẩu thô”, “thiếu giá trị sáng tạo”, “giá trị gia tăng yếu”, “không có xây dựng thương hiệu tốt”, “manh mún”, “giải cứu nông sản”… rất ám ảnh và đau như lời nguyền với thực trạng của nông nghiệp. Tôi tạm gói lại ở đây gọi là nỗi đau của sự thô sơ.Tức là ta làm nông nghiệp theo nguyên tắc có gì bán nấy và bán theo mùa. Trong khi đó, thế giới đi theo hệ sinh thái sáng tạo; nông sản hình thành nguyên liệu, nguyên liệu đem đi chế biến hình thành sản phẩm sáng tạo, sản phẩm sáng tạo làm nên thương hiệu và thương hiệu hình thành nên lợi thế cạnh tranh của một quốc gia.
Câu hỏi là giải quyết “nỗi đau” này từ đâu, với chủ thể nào và hướng đến mục tiêu bền vững ra sao? Tôi cho rằng bên cạnh chính sách đúng và đầu tư đúng của nhà nước, trụ cột để giải quyết là xây dựng một tinh thần kinh doanh nông nghiệp mới cho thế hệ trẻ Việt Nam khởi nghiệp. Chương trình Khởi nghiệp xanh của BSA có sứ mệnh “chạm” vào vấn đề này bằng cách thức đơn giản và trực diện khi bắt đầu với những bạn thanh niên nông thôn, cố gắng sáng tạo trên tài nguyên bản địa và học hỏi thế giới bằng cách “đem chuông đi đánh xứ người” trong hội chợ quốc tế.
Năm 2015 với nhóm dự án đi thi khởi nghiệp bằng những sản phẩm thô từ địa phương, nhưng hiện lên trong các bạn ấy niềm tin mạnh mẽ về kinh doanh và cạnh tranh. Bao bì vội vã chắp vá, logo chưa đủ thẩm mỹ và thời thượng, sản phẩm chưa kiểm tra thị trường đủ mạnh, chưa hiểu phải bán hàng và marketing kiểu gì, vợ chồng cùng lập nghiệp chưa biết đã đủ vốn để làm dài lâu hay không… nhưng lại cố đi thi vì chỉ muốn thử thách bản thân về một hành trình doanh nhân dài phía trước.
Sau 10 năm, chúng ta giờ thấy số dự án tăng lên, sản phẩm không còn thô và giàu sự sáng tạo hơn, thương hiệu được chăm chút hơn, bản lĩnh hơn về kế hoạch kinh doanh và biết người biết ta hơn trong hành trình khởi nghiệp. Tôi thích sự biến đổi này, tôi thấy đó là thế hệ rồi sẽ đi qua nỗi đau “sự thô sơ” và mặc dù còn quá nhỏ so với cả nền nông nghiệp. Nhưng đó là thành công cho quá trình 10 năm để đi qua sự thô sơ.
Thương hiệu nông nghiệp biết sáng tạo giá trị
Câu hỏi “rồi sao nữa?” (what’s next?) tôi hay suy nghĩ mỗi lần tham gia cuộc thi và xem các dự án trình bày. Chắc chắn đó là cạnh tranh thương hiệu bằng sáng tạo giá trị. Thương hiệu Zespri không chỉ bán trái kiwi, họ bán giá trị sáng tạo trên loại kiwi ngon, bán giải pháp canh tác bằng xuất khẩu mô hình trồng cho các nước trên thế giới. Họ bán sự đa dạng trong ăn tươi, chế biến, và họ còn bán giải pháp làm giàu cho nông dân theo mô hình hợp tác xã. Zespri đã mất 30 năm cho nghiên cứu phát triển và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với kiwi của Chile và Ý. Trái cam Sunkist cũng vậy, với hệ sinh thái sáng tạo từ giống – trồng – chế biến – thương mại quốc tế – thương hiệu toàn cầu… đã làm tôi hứng thú và trăn trở lẫn lộn trong khi suy nghĩ về viễn cảnh tiếp theo mà các doanh nhân nông dân sẽ dấn nghiệp.
Thương hiệu một quốc gia hùng mạnh đến từ thương hiệu các doanh nghiệp hùng mạnh của quốc gia đó. Nhiều chính sách, chiến lược, quy hoạch ngành trong nông nghiệp đã được chính phủ, bộ, ngành đưa ra. Nhưng nhìn các bạn tham gia cộng đồng khởi nghiệp xanh của BSA đang “lì lợm” trên con đường cam khó của mình mà thấy chạnh lòng. Tôi ước các bạn có nhiều nguồn lực hơn, nhiều “liều thuốc tăng lực” hơn để tăng tốc nhanh hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh nhanh, sáng tạo và thông minh. Thương hiệu là sáng tạo giá trị. Trong nông nghiệp, giá trị này đã minh chứng hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại. Nông nghiệp là an ninh lương thực, an ninh thực phẩm, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Vì vậy, các dự án khởi nghiệp của chúng ta cứ bám gốc giá trị mà đi, có thể tiến chậm, nhưng phải là thương hiệu sáng tạo và có giá trị.
Tinh thần “Từ những tiến hóa sáng tạo nhỏ để hình thành cuộc cách tân lớn”
Cuối cùng, tôi luôn hỏi làm thế nào để câu chuyện khởi nghiệp xanh trở thành nguồn cảm hứng. Tôi bắt đầu nhận thấy có sự chuyển hóa về hệ tư tưởng kinh doanh. Trước đây khi trao đổi hay trình bày, các bạn thường nói về tầm nhìn giúp quê hương, giúp đất nước, giúp đỡ người nghèo, phát triển nhanh, cạnh tranh thế giới…, nay thấy các bạn nói về sáng tạo giá trị từ sản phẩm địa phương, an toàn, tôn trọng tự nhiên và phát triển dựa trên chuẩn mực quốc tế.
Đó thật sự là điều tuyệt vời trong tư tưởng kinh doanh, tinh thần này giúp các bạn đang khởi nghiệp xanh bắt đầu từ những tiến hóa sáng tạo nhỏ để hình thành cuộc cách tân lớn hơn trong tương lai.
Thành quả này có lẽ đến từ những hoạt động kết nối chuyên gia, kết nối đối tác, khóa đào tạo, tư vấn thực địa, hướng dẫn kinh doanh, các cuộc thi và những hỗ trợ không thể kể hết của 10 năm qua từ Trung tâm BSA và đối tác. Nếu trải tầm nhìn ra xa một chút về những gì sẽ diễn ra cho các bạn khởi nghiệp xanh, chắc chắn đó không chỉ là thành tựu mà doanh nghiệp các bạn lớn mạnh, mà còn là hiện thân của tinh thần doanh nhân nông dân mới: can trường hơn và đàng hoàng hơn!
ThS Huỳnh Phước Nghĩa – Chuyên gia Công ty Tư vấn toàn cầu GIBC, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)