Gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng tương lai

Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nhà sáng lập tủ sách "Đọc sách cùng Xích Lô".
Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của hôm nay mà khởi nghiệp là câu chuyện của cả mai sau. Hôm nay chúng ta gieo trồng, trong tương lai chúng ta mới nhận lại kết quả. Hôm nay chúng ta có những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp, thì 5 năm sau, 10 năm sau… chúng ta sẽ có những thế hệ doanh nhân cho đất nước.
Thật ra, tất cả chúng ta đều làm nông nghiệp, nghĩa là chúng ta đang thực hiện công việc gieo trồng. Gieo trồng ở đây không chỉ đơn thuần là trồng cây, mà trong hành trình 10 năm qua của Hệ sinh thái BSA, còn là gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng cho tương lai. Dấu chân BSA đã đi qua nhiều vùng đất của quốc gia, đã kích hoạt tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp của các bạn trẻ đến từ mọi miền, mang lại hạnh phúc cho ngành nông nghiệp và đất nước.Nghĩ đến hành trình 10 năm của chương trình Khởi nghiệp xanh, tôi bất chợt nhớ đến quyển sách có tên Hạnh phúc tại tâm. Tôi tin rằng hành trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp này là một hành trình hạnh phúc. Tôi luôn nhớ những gương mặt, những câu chuyện mà tôi đã được gặp gỡ, lắng nghe và trải nghiệm từ các bạn doanh nông trẻ từ Hà Giang, Tuyên Quang đến đất miền Trung và xuống Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bạn khi gieo trồng hy vọng trên mảnh đất quê hương mình.Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của hôm nay mà khởi nghiệp là câu chuyện của cả mai sau. Hôm nay chúng ta gieo trồng, trong tương lai chúng ta mới nhận lại kết quả. Hôm nay chúng ta có những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp, thì 5 năm sau, 10 năm sau… chúng ta sẽ có những thế hệ doanh nhân cho đất nước. Tôi nghĩ rằng đó chính là sứ mệnh mà BSA đã đảm nhận và tôi hạnh phúc khi là một người đồng hành với sứ mệnh này.Hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, và cùng với đó là biết bao nhiêu doanh nhân, tổ chức, chuyên gia và những người đồng hành khác. Tôi hạnh phúc khi cảm nhận được những tình cảm, tấm lòng, sự sẻ chia tri thức, góc nhìn và cách tiếp cận để chúng ta cùng nhau hợp lực lại vì một đất nước, một nền nông nghiệp xanh, vì một thế hệ hôm nay là khởi nghiệp. Hôm nay gọi là doanh nông trẻ thì ngày mai thực sự trở thành doanh nhân vững vàng, cùng kiến tạo nền kinh tế nông nghiệp vững chắc cho đất nước.
Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khởi nghiệp là không gian ý tưởng – Khởi nghiệp là hành động!

Cuộc trò chuyện giữa Nhà báo Kim Hạnh và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan mới đây trong chương trình 5W1H của Maybe Podcast đã dành một thời lượng không nhỏ để bàn về chủ đề khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong nông nghiệp – một chương trình lớn mà Trung tâm BSA đang đeo đuổi. Qua đó thông điệp được gửi đến người trẻ khởi nghiệp là: “Hãy cứ ra ngõ, mưa nhỏ thì đội mũ, mưa lớn thì mặc áo mưa, chừng nào bão bùng dữ lắm thì hãy quay về”, bởi “khởi nghiệp là hành động”.
Nhà báo Kim Hạnh (trái) và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
Từ thay đổi tư duy 
Nhà báo Kim Hạnh: Từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, ông đã nói rằng: “Chúng ta đừng chỉ tập trung vào sản xuất mà hãy nghĩ tới kinh tế nông nghiệp”. Từ đó cho tới giờ thì bước phát triển đã có những gì cụ thể hơn chưa?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi nghĩ rằng bắt đầu rồi. Đã có những chuyển động mặc dù có thể có địa phương đi nhanh hơn có địa phương đi chậm hơn nhưng đã có những người nông dân vượt lên, vượt ra khỏi những tư duy, những cách làm cũ.
Nhà báo Kim Hạnh: Như mô hình Hội quán Nông dân ở Đồng Tháp, đến bây giờ tinh thần mô hình đó đã lan tỏa ra sao? Ông có hài lòng về sự lan tỏa đó không?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khi tôi ra nhận nhiệm vụ thì bác Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng (Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – PV) có gặp tôi và nói rằng, “Anh cố gắng nhanh lan tỏa cái mô hình Hội quán của Đồng Tháp ra nhiều địa phương bởi vì tôi đã nghe và phân tích tôi hiểu được giá trị mà anh đã tạo lập cho Hội quán ở Đồng Tháp. Đó là tạo ra không gian cho người nông dân thay đổi. Hội quán là nơi tạo ra không để người nông dân thay đổi. Người ta không thể nào thay đổi khi chỉ một mình ngồi ru rú ở trong nhà. Người ta phải giao lưu chia sẻ thông tin, chia sẻ cơ hội. Chẳng hạn để những người nông dân đến nói chuyện với người nông dân, hay doanh nghiệp, hay các thầy cô trong các trường nông nghiệp cũng có thể đến đó để nói chuyện, chia sẻ với người nông dân”.
May mắn là khi tôi đi thì Đồng Tháp có khoảng 80 Hội quán, giờ thì đã có khoảng 130. Mô hình hội quán cũng đã phát triển đi nhiều nơi, hoặc là tự phát, hoặc là chính thức đến tham khảo mô hình của Đồng Tháp. Như Gia Lai thì đặt tên là Nông hội. Hà Tĩnh thì người ta làm nên các không gian gọi là Ngôi nhà Trí tuệ để tập hợp người nông dân lại cùng nhau chia sẻ kiến thức làm ăn.
Nhà báo Kim Hạnh: Cũng chính từ Đồng Tháp và ĐBSCL chúng ta đã làm mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp. Chính từ tài nguyên bản địa kết hợp với công nghệ chúng ta đã dần xây dựng được một lớp doanh nông trẻ rất năng động. Nhưng bài toán hiện nay là xây dựng thị trường. Hiện nay đi đến đâu hỏi nông dân cũng nói rằng “tôi cần bán hàng” thì góc độ của người “Tổng tư lệnh” của ngành Nông nghiệp ông thấy thế nào, có phải khi người nông dân sản xuất ra sản phẩm rồi thì sẽ cần đến “ông Công thương” đi bán hàng, “bà Y tế” đi kiểm tra an toàn hay không?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi nhớ trong quyển sách “Nền kinh tế xanh lam” tác giả Gunter Pauli có nói một câu mà tôi nghĩ là quá đúng với bối cảnh của mình hiện nay. Ông ấy nói rằng “Rào cản quản lý khiến cho chúng ta không tích hợp được những giá trị”.
Như chị nói bây giờ chúng ta vẫn cắt khúc nhiệm vụ, bên này sản xuất, bên kia bán hàng, rồi bên này bán hàng bên kia đi kiểm tra an toàn thực phẩm. Tức là những cái cắt khúc đó bị hành chính hóa bởi những con người mang trong mình tư duy hành chính. Mà thị trường thì không phải là hành chính, buôn bán không phải là chuyện hành chính. Quảng cáo không phải là chuyện hành chính. Đó là chuyện của cảm xúc. Đó là của những con người có một thái độ trân quý, yêu công việc của mình làm. Còn nếu quan niệm hành chính là chỉ là lấy những quy định là cho hay không cho, tài trợ bao nhiêu tiền, thủ tục quyết toán ra sao.
Mới đây thôi, 7 ông thống đốc của 7 tỉnh ở Nhật Bản qua thăm Bộ Nông nghiệp thì mỗi ông cầm theo một đặc sản để đi quảng cáo tiếp thị cho sản phẩm quê hương của ông. Ông Thống đốc tỉnh Yamanashi cầm và trao tận tay cho tôi một túi nhãn sấy khô kèm tờ rơi quảng cáo rồi ông đứng lên nói rất trọng: “Đây là thành quả của những người nông dân quê tôi. Và nông dân quê tôi không phải là ông nông dân nữa mà là ông nghệ nhân. Họ đã chăm chút bằng cả tâm hồn để ra dòng sản phẩm máu thịt của họ”.
Tôi mới nói, thật bất ngờ về tư duy thị trường, tư duy bán hàng của người ta. Có lẽ là người ta đã đi quá nhiều năm rồi.
Hay câu chuyện OCOP, mình gọi là “Mỗi làng một sản phẩm”, người Nhật gọi là “Nhất thôn nhất phẩm” dựa trên một câu chuyện là một ông Thống đốc thấy rằng vùng đó làm nông nghiệp mà cứ trồng lúa. Mà trồng lúa thì lúc đó chính phủ Nhật cũng quy định giống một thời mình là phải giữ đất lúa. Nhưng ông Thống đốc thấy rằng nếu cứ trồng lúa thì nông dân cứ nghèo hoài. Vậy là ông là người đột phá, ông nói phải trồng cam, trồng cái gì có giá trị cao hơn và ông sẽ chịu trách nhiệm với chính phủ về việc đó. Tất nhiên ông cũng phải giữ lại một phần đất lúa. Nhưng khi chuyển qua rồi thì ông mới suy nghĩ tiếp là phải tạo ra được cái gì có giá trị gia tăng hơn nữa. Mình đã khuyến khích nông dân trồng cam rồi thì mình phải tìm đầu ra cho họ. Khi đó chính ông là người đem quả cam của quê ông lên Tokyo, đứng ở nhà ga Tokyo để bán.
Tôi nghĩ rằng cái đó cảm xúc nó ghê gớm lắm. Nó thực sự tạo ra được niềm tin cho người nông dân khi mà họ muốn chuyển đổi. Họ thấy họ có được người lãnh đạo dẫn dắt được vòng tròn thị trường cho mình thì người nông dân họ yên tâm lắm. Thành ra đó là một cấu trúc, ở đó người lãnh đạo địa phương với người nông dân gần gũi, gắn bó với nhau. Khi đã gần gũi như vậy rồi thì họ muốn thuyết phục gì với người nông dân cũng rất là dễ. Bởi vì tôi không phải là chỉ thuyết phục, yêu cầu anh làm mà tôi còn đi bán hàng cho anh nữa. Bởi vì khi tôi đi bán hàng thì tôi mới biết được tín hiệu của thị trường như vậy tôi sẽ về tôi nói lại với anh làm sao mình sản xuất cho nó phù hợp với tiêu chuẩn, với thị trường. Như vậy OCOP không chỉ là tạo ra một sản phẩm mànó tạo ra được một cấu trúc xã hội ở nông thôn.
Trong khoảng nửa tháng nữa tôi sẽ tiếp khoảng 20 doanh nông là những người dân tộc, các bạn trẻ dân tộc. Tôi muốn làm sự kiện đó để truyền đi thông điệp, đó là “Không có nơi nào là không có những con người có ý chí vươn lên mạnh mẽ.” Tôi hi vọng các lãnh đạo các địa phương hiểu rằng sức mạnh nội tại của địa phương chính là những con người ở trong địa phương mình. Nhiều khi mình cảm xúc rằng dân tộc mình không có năng động gì thì tôi sẽ ra rằng có rất nhiều bạn trẻ năng động. Như Khang A Tủa, một người Mông ở Mù Cang Chải, vừa mới tốt nghiệp Fulbright đó thôi.
… Đến hái sao trên trời
Nhà báo Kim Hạnh: Là một người khởi xướng và gắn bó với các doanh nông trẻ từ những ngày đầu phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở ĐBSCL cho đến nay, ông thấy có gì còn đang thiếu hay cần phải thay đổi hay không?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi ước mơ rằng làm sao mình có thể tạo nên một không gian khởi nghiệp đầy đặn hơn. Vừa rồi tôi có gặp một nhóm bạn trẻ TP.HCM đi xuống Đồng Tháp, tới câu lạc bộ Đàn Sếu Khởi Nghiệp, để hướng dẫn kỹ năng gọi vốn. Sau đó tôi lên tôi nói rằng, tôi không biết kỹ năng gọi vốn, nhưng tôi có kỹ năng gọi tri thức trước. Tức là chúng ta phải có sự chuẩn bị tri thức cho các bạn khởi nghiệp. Đó là một hành trình tiền đề, là việc chúng ta đắp một cái nền cho vững chắc.
Vừa rồi tôi đọc hai quyển sách của Trung Quốc là “Tư duy cộng đồng” và “Đúng việc – Đúng thời điểm”, tôi thấy bây giờ ở Trung Quốc họ có rất nhiều không gian để họ kích hoạt khởi nghiệp. Họ có rất nhiều doanh nghiệp thành đạt đến để nói chuyện về giá trị cộng đồng, nói về sứ mệnh của người khởi nghiệp như thế nào. Câu chuyện khởi nghiệp nó rủi ro như thế nào. Tôi rất tiếc là các doanh nhân của mình ít chịu viết sách quá. Các doanh nhân của Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc họ viết sách rất nhiều. Họ viết sách để kích hoạt, để truyền đi đam mê, cảm hứng, thậm chí họ viết sách về con đường thất bại của họ. Tất cả sẽ tổng hợp thành cái nền để cho các bạn khởi nghiệp.
Nhà báo Kim Hạnh: Ông nói làm tôi nghĩ đến Israel thì tôi thấy quán cà phê vắng hoe. Tôi hỏi thì người ta mới nói: “Tại sao tôi phải ngồi ở quán cà phê? Trong khi người ta ngồi ở quán cà phê thì tôi đã ra được những đề án, ra được những kế hoạch để phát triển rồi”. Hay khi tôi đi dự tiệc của họ, họ bật nhạc nhảy đầm 15 phút sau đó, dừng, cho một dự án lên thuyết trình gọi vốn. Sau đó là tiếp tục tiệc rồi 15 phút sau lại một dự án khác lên. Và như thế có nghĩa là câu chuyện khởi nghiệp họ đã đi rất sâu vào đời sống bình thường của thanh niên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đúng thế. Tôi muốn nói đến khía cạnh là có lẽ chúng ta đang hành chính hóa chuyện khởi nghiệp. Khởi nghiệp là không gian ý tưởng. Khởi nghiệp là hành động. Chính vì thế tôi rất cảm ơn chị vì có những không gian nhỏ, bình dị như thế này (Chương trình 5W1H của MaybeGroup – PV). Tôi mong muốn nước mình có thêm thật nhiều không gian nhỏ, bình dị như thế này. Ở Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào, không cần lớn lao lắm, quan trọng là thông điệp chúng ta gửi gắm đi. Trở lại với hai quyển sách tôi nhắc lúc trước, có đọc mới thấy họ đã đi đến thế hệ thứ hai rồi. Thế hệ mình bây giờ gọi là doanh nghiệp kinh tế, doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp thông tin, kể cả chuyển đổi số hay thương mại điện tử. Bây giờ họ đã tiến lên nấc khác rồi, là mua bán tinh thần, cấu kết người bán và khách hàng là một cộng đồng. Bởi vì chỉ có cộng đồng là bền chặt. Khi quan hệ bằng giá cả thì sẽ đến một ngày sẽ ngang bằng tất cả và trở thành hàng hóa phổ thông, còn với quan hệ bằng tư duy cộng đồng ở tinh thần thì lúc đó người ta đã bán một cái hàng hóa đặc biệt.
Tôi đọc cuốn sách mà tôi ước mơ sao các bạn trẻ khởi nghiệp đọc được những cuốn sách như thế này. Nhưng tôi cũng không trách các bạn trẻ, giờ mình phải dẫn dắt. Do đó, tôi gửi sách cho câu lạc bộ doanh nhân ở Bình Phước, câu lạc bộ khởi nghiệp ở Long An, Nghệ An…
Còn một chuyện nữa, tôi hay nói với anh em là người Việt mình lạ lắm. Chưa ra ngõ đã sợ trời mưa rồi. Hãy cứ ra ngõ đã khi đó mưa nhỏ thì mình đội mũ, mưa lớn thì mình mặc áo mưa, chừng nào bão bùng dữ lắm thì mình hãy quay về. Như vị bộ trưởng giáo dục Israel từng nói về khởi nghiệp: “Người Israel chúng tôi muốn vào nhà là phải vào cho bằng được, cửa chính không được thì đi bằng cửa sổ. Cửa chính đóng, cửa sổ đóng thì trổ nóc nhà đi xuống”. Hay ông cũng nói rằng: “Nếu có một học sinh nào đó nói với tôi rằng, bộ trưởng ơi em muốn hái một vì sao trên trời. Tôi sẽ nói với bạn đó, ok, ngồi đây cùng với bác, mình lập kế hoạch”.
Đó là tinh thần tôi ước và tôi muốn chúng ta, các bạn trẻ khởi nghiệp của chúng ta có được.

BSA Media lược thuật

(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)