Tôi đã từng gặp một bạn doanh nông trẻ mang trong mình sự băn khoăn rằng tại sao nông nghiệp nước ta không thể vượt qua Thái Lan hay một số nước lân cận. Nỗi băn khoăn đầy trách nhiệm của một doanh nông yêu nông nghiệp và yêu đất nước!
Từ khi cắp sách đến trường, trong những câu chữ đầu tiên mỗi người chúng ta đã được giáo dục rằng “Việt Nam là đất nước rừng vàng biển bạc”. Chúng ta say sưa, hạnh phúc giữa nguồn tài nguyên nội địa bao la ấy: đất, nước, khí hậu tuyệt vời của một nước thuần nông nghiệp. Tôi, các bạn, chúng ta đều được nuôi dưỡng, chở che từ đất mẹ để lớn lên và mang bao khát vọng xây dựng đất nước trở thành cường quốc. Để bắt đầu cho hành trình ấy, chúng ta bắt buộc phải chọn lựa giữa công nghệ, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục hoặc quay về với tài nguyên bản địa – nông nghiệp.
Sự cực nhọc, khó khăn của nông nghiệp dường như đã ăn sâu vào tâm khảm, hình ảnh bố mẹ thức khuya dậy sớm, lặn lội giữa khắc nghiệt của thời tiết: khi thì nắng gắt, khi thì lạnh đến tê tay buốt thịt, lúc được mùa thì may ra có cái ăn cái để; không thì phải “thắt lưng buộc bụng”… đã thành nỗi ám ảnh. Chính vì vậy, không mấy ai sau khi rời ghế giảng đường dám đánh cược cuộc đời vào nông nghiệp còn lắm nghèo nàn, lạc hậu.
Vậy nên thật may mắn và tự hào khi tôi được biết đến các bạn – nhóm doanh nông trẻ của tổ chức BSA vẫn luôn dành tình yêu bất tận, sự miệt mài và sáng tạo cho những sản phẩm của quê hương. Trò chuyện với các bạn, tôi như tìm được chính mình – anh chàng Lâm Viên ở độ tuổi 20 – 25. Ngày ấy, tôi không có nhiều vốn liếng, cũng như các bạn, điều thôi thúc tôi bắt đầu những bước chân không mỏi với nông nghiệp, đơn giản là trong tim có tình yêu với nông sản, trong đầu có sự quyết tâm và những nỗ lực không ngừng nghỉ. Không phải hô hào, với những gì đã trải qua, tôi tin bản thân mình hiểu rất rõ từng khó khăn mà người khởi nghiệp từ nông nghiệp mắc phải. Chính vì vậy, tôi không hề do dự mà đã quyết định đồng hành cùng BSA từ những ngày đơn vị này còn thai nghén cho đến khi lớn mạnh như hiện tại.
Nói về mối nhân duyên và mục đích tôi có mặt ở BSA, bên cạnh tình yêu đối với nông nghiệp, điều khiến tôi đau đáu chính là đặt bản thân mình vào vị thế “doanh nông của một đất nước giàu tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp”. Tài nguyên bao la là vậy nhưng làm sao để khai thác tài nguyên đó đúng và hiệu quả? Sản phẩm nông nghiệp nhiều vô kể nhưng làm sao để sản phẩm chất lượng, đúng với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng? Đó chính là những bài toán khó, đầy nan giải đối với một doanh nông. Và hiển nhiên rằng, tôi không thể tìm ra lời giải một cách hoàn hảo khi đơn độc; sự có mặt và góp sức của các “tân binh trẻ” chính là những bước đi đưa bài toán ấy dần tới đáp án. Tin chắc rằng, với một cộng đồng doanh nông ngày càng lớn mạnh như hiện tại, nền nông nghiệp của đất nước ta sẽ có những bước chuyển mình đầy mới mẻ, kịp thời cùng nhiều giá trị vượt trội đủ để góp phần thay đổi bộ mặt đất nước.
Nói về mối nhân duyên và mục đích tôi có mặt ở BSA, bên cạnh tình yêu đối với nông nghiệp, điều khiến tôi đau đáu chính là đặt bản thân mình vào vị thế “doanh nông của một đất nước giàu tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp”.
Tôi vẫn mong rằng, tối đa trong vài năm nữa, những sản phẩm được tạo ra từ mồ hôi nước mắt của nhà nông sẽ được đón chào hơn nữa ở thị trường trong nước và cả quốc tế; đặt dấu chấm hết cho những chiến dịch “giải cứu” như “giải cứu thanh long”, “giải cứu dưa hấu”, “giải cứu vải thiều”… Muốn làm được điều đó, trọng trách phần lớn được đặt lên vai các bạn – những doanh nông trẻ đầy “lửa” của nhiệt huyết và đam mê.
Bên cạnh đó, tài trợ của BSA chính là con đường ngắn nhất để nâng cao giá trị cho những người yếu thế nhưng thật thà, siêng năng và nhẫn nại. Người làm nông làm bạn với cây cối, ngọn hoa, thửa đất… có thể nói họ chính là kết tinh của tự nhiên: hiền lành, chất phác. Tất cả những phẩm chất ấy được tôi luyện như một cách để dung hòa từng giá trị mà thiên nhiên ban tặng nhằm tạo nên hương sắc cho cuộc sống. Thế nhưng, khi bước ra xã hội, phẩm chất ấy, con người ấy lại không được mấy ai trọng dụng bởi ngay cả chúng ta cũng thường bị thu hút, say đắm từ những hào nhoáng, vẻ đẹp của sự sang trọng, danh giá. Ấy vậy mà, người làm nông lại quá đỗi giản dị, khiêm nhường. Điều này đồng nghĩa với doanh nông nói riêng và người làm nông nói chung, bỗng chốc trở thành cái nghề để người khác tội nghiệp, thương cảm, thay vì coi trọng, cảm phục. Tôi đến với BSA để cùng các doanh nông trẻ thay đổi cái nhìn, thay đổi tư duy có đôi chút thiển cận. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một “tượng đài” nghề nông mới trong lòng mọi người bằng chính những phẩm chất ấy nhưng không còn yếu thế, nhỏ bé trước bất kỳ ai, bất kỳ khối ngành nào.
Đầu tư cho những doanh nông trẻ chính là đầu tư cho một thế hệ cầu thị, khiêm nhường – đức tính tiêu biểu cho một chủ nhân tương lai của đất nước. Sự thay đổi thất thường của thời tiết, mùa vụ và cả thị trường đã mài giũa cho người làm nông khả năng nhạy bén, chịu thương chịu khó để không ngừng thích nghi với thời thế.
Thật không ngoa khi nói người làm nông chính là người ham học hỏi hơn bất kỳ ai. Họ cần mẫn đi tìm cái mới, cái tốt của từng giống cây rồi điều chỉnh từ khâu canh tác cho tới cách chế biến phù hợp để cho ra đời sản phẩm ưu việt nhất. Toàn bộ quá trình đó, học ở sách vở, học ở thực tiễn, học ở đồng môn và học ở cả những lỗi sai của bản thân. Cả một đời của doanh nông là những bài học; mà để học được ắt hẳn họ phải có sự khiêm nhường và cầu thị. Khiêm nhường để nhận biết rằng những điều bản thân đang có còn quá hạn hẹp để tiếp tục tiếp thu, cố gắng; và luôn cầu thị nhằm theo kịp từng bước tiến của thời đại.
Ngoài ra, với sự chân thành, chất phác và hiền hòa, hơn ai hết những người làm nông nghiệp có thể xây dựng mạng lưới quan hệ gần gũi và chất lượng với các doanh nghiệp đầu ngành trong và ngoài nước. Điều này góp một phần quan trọng trong việc đẩy nhanh giá trị của nông sản bản địa trên thị trường quốc tế; đồng thời tạo thế đứng vững chắc cho nền nông nghiệp tương lai. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng nếu một doanh nông có được môi trường và định hướng tốt, họ hoàn toàn có thể phát triển, lớn mạnh nhờ tư duy và đức tính vốn có của họ. Đặt bản thân mình trong vai trò của người anh đi trước, tôi nghĩ mình cần đóng góp công sức trong việc tạo ra môi trường và định hướng đó.
Nói về người làm nông khởi nghiệp là nói đến sự bền bỉ, nói đến nguồn năng lượng tiềm tàng luôn chờ đợi thời cơ để được vươn mình, tỏa sáng theo cách riêng. Như những gì thuộc về nông nghiệp, sức bền – một bản tính mà bất kỳ doanh nông nào cũng đều được trang bị kỹ lưỡng. Sức bền tạo cho họ phẩm chất “thắng không kiêu, bại không nản”. Trên đầu là bầu trời, dưới chân là mặt đất – hai nhân tố quan trọng và không bao giờ mất đi của nông nghiệp. Có lẽ chính vì sở hữu sức bền và tài sản vô giá ấy, người doanh nông dường như có nhiều “vốn liếng” hơn để khởi nghiệp. Dùcóthấtbạithìsứcbềnvẫnởđó,bầutrờivàmặtđất vẫn còn nguyên vẹn – thì họ lại có thêm một động lực để bắt đầu. Tôi tin rằng, sức khởi nghiệp của doanh nông là bất tận và rất khó để đánh gục được điều đó.
Tôi đã từng gặp một bạn doanh nông trẻ mang trong mình sự băn khoăn rằng tại sao nông nghiệp nước ta không thể vượt qua Thái Lan hay một số nước lân cận. Nỗi băn khoăn đầy trách nhiệm của một doanh nông yêu nông nghiệp và yêu đất nước. Ở những năm 80-90 hầu như rất khó để tìm được một người trẻ có nỗi niềm băn khoăn ấy, khi phần đông chỉ trăn trở làm sao để chạy đua công nghệ, y tế, giáo dục… những khối ngành thường được xem là “thượng lưu” hơn so với nông nghiệp. Giữa năm 2023, nỗi băn khoăn của bạn doanh nông trẻ khiến tôi hạnh phúc, tôi tin rằng nông nghiệp sẽ được thay áo mới nhờ những doanh trẻ như bạn. Có thể nói, khát khao mang nông sản nội địa ra thế giới đã biến tình yêu sản vật quê hương biến thành tình yêu đất nước của những doanh nông trẻ.
Tôi đến với BSA và cảnh giác đừng để đóng góp của tôi trở nên “tư duy hội chợ” với các bạn. Hơn ai hết tôi hiểu giá trị của kiến thức, sự tiến bộ, tôi cũng có thể “dạy”, cũng có thể “học”. Sứ mạng của tôi là mang kiến thức và kỹ năng vào những lĩnh vực tôi nắm vững nhằm thay đổi những cái chưa đúng đắn nhằm hoàn thiện bản thân mình, tạo giá trị thực tế cho đất nước. Tôi hiểu rằng những gì tôi thực sự cần và đang tìm kiếm chính là tâm hồn của một doanh nông, tôi muốn có những doanh nông trẻ hoàn hảo, tạo bộ mặt mới cho nông nghiệp Việt Nam. Và để làm được điều đó, tôi đặt nhiệm vụ mình là làm sao để thấy thế giới mà tôi sống không chỉ xoay quanh tôi, mà nó còn xoay quanh người nông dân. Đó là điều tôi hằng mơ ước. Tôi tin rằng, với tinh thần và nghị lực của người Việt Nam, chúng ta sẽ làm được điều đó.
Tôi đến với BSA, đến với các “tân doanh nông” bằng tất cả kinh nghiệm được trau dồi trong suốt 35 năm gắn bó với nông nghiệp. Với tất cả những gì tích lũy được, tôi luôn sẵn lòng tài trợ, đồng hành cùng BSA; giúp đỡ những doanh nghiệp trẻ về mặt kiến thức quản trị kinh doanh, marketing, nhân sự, nghiên cứu và phát triển thị trường… Không giáo điều hay máy móc, những kiến thức tiếp tục là cầu nối giúp tôi và các bạn vững bước hơn trên công cuộc đổi mới nền nông nghiệp đất nước.
Tôi, bạn, chúng ta có mặt tại BSA, và chúng ta có quyền tự hào rằng: “Tôi là một doanh nông”.
Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Công ty Vinamit, Phó chủ tịch thường trực Hội DN HVNCLC
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)
Gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng tương lai