Việt Nam là thị trường xuất khẩu sâm lớn thứ 5 của Hàn Quốc

(Vietnamtimes)- Đó là thông tin tại Hội thảo về nhân sâm Hàn Quốc do Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (aT) tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong các hoạt động thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc, nhằm cung cấp đầy đủ các tác dụng của nhân sâm đối với việc tăng cường sức khỏe.

Hiện Việt Nam là thị trường lớn thứ 5 của Hàn Quốc, với lượng sản phẩm từ nhân sâm được xuất khẩu năm 2016 đạt 11 triệu USD và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa từ năm 2018 khi hiệp định FTA giữa Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực.

Hiện, Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc aT có chức năng xúc tiến thương mại sản phẩm nông – thủy sản và thực phẩm giữa Hàn Quốc và Việt Nam, hỗ trợ kết nối nhà nhập khẩu Việt Nam và nhà xuất khẩu Hàn Quốc.

Theo tiếng Hàn, nhân sâm được gọi là insam, được mệnh danh là thuốc tiên của các loại thuốc. 

Theo tiếng Hàn, nhân sâm được gọi là insam, được mệnh danh là thuốc tiên của các loại thuốc. Theo truyền thuyết, nhân sâm bắt đầu được trồng trên núi Geumsan từ khoảng 1500 năm trước. Sau đó, nhân sâm được người dân đưa xuống trồng ở sườn núi, chân núi. Và ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhân sâm Hàn Quốc đã được người dân trồng và chăm sóc trên các cánh đồng. Tuy được trồng trên các cánh đồng, nhưng nhân sâm chất lượng nhất vẫn là nhân sâm được trồng ở Geumsan. Ở Geumsan, núi chiếm tới 2/3 diện tích, bên cạnh đó là khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ là điều kiện thuận lợi để nhân sâm phát triển và có chất lượng tốt nhất tại Hàn Quốc.

Sâm tươi

Sâm vừa thu hoạch, chưa qua sơ chế (vẫn còn đất trên thân sâm) được gọi là Sâm tươi. Sâm tươi được phân loại theo số năm trồng, phổ biến là loại sâm tươi 6 tuổi, 5 tuổi và 4 tuổi. Nhân sâm tươi có thể sử dụng làm: trà nhân sâm, rượu sâm, gà hầm sâm,…

Hồng Sâm

Được chọn lọc kỹ càng từ những củ sâm to, Sâm tươi được hấp chín trong khoảng 2 tiếng, sau đó được đem đi phơi hoặc sấy khô. Khi sâm được phơi/sấy khô còn khoảng 14% lượng nước trong sâm, thì ruột sâm chuyển sang màu hồng trong suốt nên được gọi với cái tên là Hồng sâm. Hồng sâm được chia thành các loại: Lương Sâm, Thiên Sâm, Địa sâm. So với nhân sâm tươi thì Hồng sâm được đánh giá cao hơn rất nhiều, bởi trong quá trình chế biến, Hồng sâm được tích tụ và tạo ra nhiều chất bổ dưỡng cho sức khỏe.

Bạch Sâm

Bạch sâm được chế biến từ những củ sâm tươi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hình dáng và chất lượng để làm Hồng sâm. Nhân sâm được bỏ lớp vỏ ngoài, trần qua nước sôi, sau đó ngâm qua đường một vài ngày rồi mang đi phơi đến khi lượng nước trong sâm còn khoảng 14%, và vỏ sâm chuyển sang màu trắng đục là lúc thành phẩm Bạch sâm hoàn thành. Bạch sâm được chia thành các loại như: bạch sâm khô nguyên củ, bạch sâm rễ, bạch sâm thân,… tùy theo hình dáng và nguyên liệu làm bạch sâm.

T.H