Bản Tin Thị Trường – 15/9/2020

Yoshihide Suga: Chánh văn phòng và sẽ là tân Thủ Tướng của Nhật Bản - Ảnh: Nikkei
Tiêu Điểm
Tân Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ tập trung giải quyết các vấn nạn của đại dịch Covid-19 bên cạnh các vấn đề nhức nhối của nền kinh tế Nhật Bản mà cựu thủ tướng Shinzo Abe chưa có cơ hội giải quyết dứt điểm.
Ngay sau khi thắng cuộc bầu cử nội bộ của đảng cầm quyền, ông Suga nói sẽ bổ nhiệm những nhân vật có tư tưởng cải cách vào nội các mới, thay vì dàn xếp để làm hài lòng các phe phái trong đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP). Ông cũng gợi ý về khả năng cải tổ nội các trong tương lai.
Ông cũng thừa nhận Nhật Bản còn chậm chạp so với các nước châu Á trong lĩnh vực số hóa. Ông nói rằng muốn cải tổ lại các bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, cắt giảm cước di động và củng cố mạng lưới các ngân hàng khu vực sau khi nhậm chức.
Xem thêm chi tiết tại:
Sứ mệnh của Suga
1/ Báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm nay 15/9, đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020, nhưng sẽ bật tăng lên mức 6,3% trong năm 2021. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay.
Trong khi đó, ADB cảnh báo rằng các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Châu Á năm nay có thể sẽ sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1961. ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống âm 0,7%. Chỉ số của năm ngoái là 5,1%. Dự báo trên không tính Nhật Bản và các nước phát triển khác trong khu vực. Hồi tháng 6, ADB dự báo tăng trưởng 0,1%. Dự báo mới nhất nói trên phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1961 khi kinh tế khu vực giảm 8%. Theo báo cáo, kinh tế Ấn Độ nơi đại dịch đang lan rộng có thể sẽ giảm 9% và nền kinh tế Đông Nam Á có thể giảm 3,8% do ngành du lịch sụt giảm.
Biểu đồ tăng trưởng của các nền kinh tế ở châu Á – Ảnh: Nikkei
2/ Sau ba năm bị cấm, thủy sản Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Saudi Arabia. Bộ Công thương hôm nay thông báo, Đại sứ quán Saudi Arabia vừa nhận được công hàm của Tổng cục  Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) cho phép 12 doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu trở lại một số mặt hàng thủy sản đánh bắt vào thị trường nước này.  Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cần lưu ý Saudi Arbia có yêu cầu, đòi hỏi cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
3/ Ngày mai 16/9, lô sản phẩm cà phê đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang một số nước Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7-11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ giảm 9-12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
4/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,10 – 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 250 ngàn đồng/lượng chiều mua vào và 100 ngàn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát hôm qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được thu hẹp xuống còn 550 ngàn đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1965,5 USD/ounce, tăng 25,4 USD, tương đương 1,31% giá trị so với chốt phiên trước.
5/ Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa cho biết, toàn đảo hiện còn khoảng 700 tấn tỏi khô trong dân chưa tiêu thụ được, chiếm hơn 38% tổng sản lượng vụ Đông Xuân 2019-2020. Ông Thành cũng cho biết thêm, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài cộng với tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ-Lý Sơn phải tạm ngừng hoạt động một thời gian để phòng, chống dịch khiến cho thị trường tỏi hết sức ảm đạm, nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể kéo theo lượng tỏi bán ra không lớn.
6/ Bộ Tài chính Trung Quốc hôm nay ngày 15/9 đã ra thông báo cho biết, Bắc Kinh sẽ kéo dài thời hạn miễn trừ thuế đối với 16 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ thêm một năm. Trong số này có các sản phẩm như dầu nhờn, bột Whey và thức ăn nuôi cá. Thời hạn miễn trừ sẽ được kéo dài tới ngày 16/9/2021. Quyết định này được thực hiện trong bối cảnh hợp tác thương mại Mỹ-Trung là điểm sáng hiếm hoi trong tổng thể quan hệ song phương đang xuống cấp. Dù Trung Quốc mới chỉ thực hiện được 50% cam kết mua hàng Mỹ trong năm 2020 theo quy định của Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng cả Bắc Kinh và Washington đều có ý giữ thỏa thuận này.
7/ Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận khoản vay bổ sung 1,5 tỷ USD do người đồng cấp Belarus đề xuất, trong bối cảnh Minsk đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất nhiều năm. Thông tấn Nga TASS ngày 15/9 cho biết khoản vay được ông Putin thông báo sau cuộc hội đàm ở Sochi với người đồng cấp Belarus Aleksandr Lukashenko. Nhà lãnh đạo Nga hy vọng rằng thông tin về khoản vay của Nga cho Belarus sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Tổng thống Nga cũng đề nghị với người đồng cấp Belarus rằng hai bên cần khôi phục thương mại trong bối cảnh dịch bệnh đã hạ nhiệt ở cả hai nước. Theo lời ông chủ Điện Kremlin, kim ngạch thương mại giữa Nga và Belarus đã giảm 21% thời gian qua.
Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko – Ảnh: TheMoscowTimes
8/ Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc Sinopec, tuần trước đã công bố mức lỗ ròng trong nửa đầu năm lên mức kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu yếu do đại dịch Covid-19 cản trở hoạt động công nghiệp và hạn chế du lịch. Công ty lọc dầu lớn nhất châu Á này cho biết trong một hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, công ty đã lỗ ròng 21,725 ​​tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,17 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2020 – giai đoạn nửa năm duy nhất công ty kết thúc trong màu đỏ trong dữ liệu của Refinitiv Eikon kể từ năm 2003.
9/ Nối gót Alibaba và ByteDance, hãng công nghệ Tencent Holdings quyết định chọn Singapore là đại bản doanh ở châu Á vì “gần nhà hơn, thân thiện hơn” sau các lệnh cấm đoán và tình trạng tẩy chay tại Mỹ và Ấn Độ.
Trong thông cáo gửi báo chí hôm qua, Tencent nói họ sẽ mở văn phòng mới ở Singapore để “hỗ trợ cho mảng kinh doanh ngày càng phát triển ở thị trường Đông Nam Á và xa hơn”. Hiện hãng này đã có văn phòng ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Hãng đang tuyển nhân viên ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm công nghệ và phát triển kinh doanh – Tencent viết trong thông cáo, nhưng không nói rõ. Tencent đang tuyển hàng chục vị trí làm việc ở Singapore, gồm thương mại xuyên biên giới, điện toán đám mây và thể thao điện tử (esport).
10/ Có đến 1,3 triệu người đang làm việc ở các “call centre” hay còn gọi là các trung tâm dịch vụ khách hàng thuê ngoài (BPO-business processing outsourcing) ở Philippines, mang lại cho nền kinh tế nước này 25 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng ngành công nghiệp hái ra tiền đang bị dịch Covid-19 và quá trình tự động hóa đe dọa xóa sổ.
Một vài nước như Malaysia và Singapore cũng có ý định nhảy vào cạnh tranh, nhưng không thắng nổi Philippines vì giá nhân công quá mắc. Trong khi đó, các call centre ở Việt Nam với sự đầu tư của Việt kiều cũng không thể qua mặt người Phi bởi không nhân viên không đủ đông. “Còn nếu khi đủ người giỏi tiếng Anh, các nhân viên người Việt thường có thái độ rất khác, không có tinh thần phục vụ”, một doanh nhân Việt kiều Canada từng mở call centre ở TPHCM cho biết. Các trung tâm ở thành phố lớn nhất Việt Nam đã chọn phân khúc cao hơn: phiên dịch Anh – Hoa – Việt cho dịch vụ tổng đài 911 của Mỹ.
Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA
Bản tin thế giới – ngày 15/9/2020