Sau 3 năm xin phép, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã được thành lập
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam chính thức có hiệp hội riêng từ đầu tháng 9 này.
Sáng 4-9, ông Lê Ngọc Anh (chủ thương hiệu nước mắm Lê Gia), ủy viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết Bộ Nội vụ ngày 3-9 đã ban hành quyết định số 609/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.
Theo quyết định này, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ ngành khác có liên quan về lĩnh vực hiệp hội hoạt động.
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.
Đầu bếp Didier Corlou – ông Tây nước mắm (bên trái) trò chuyện cùng chuyên gia về nước mắm Vũ Thế Thành – ủy viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam trong Triển lãm nước mắm truyền thống Việt Nam tại TP HCM năm 2019
Ông Ngọc Anh cho hay để Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam chính thức đi vào hoạt động còn phải chờ tổ chức đại hội, bầu ban chấp hành, chủ tịch và cơ quan chức năng phê duyệt điều lệ hoạt động, tuy vậy đây là tin rất vui cho các DN nước mắm truyền thống Việt Nam. Bởi, sau hơn 3 năm kể từ ngày Ban vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nộp hồ sơ xin thành lập hiệp hội đến nay mới có kết quả.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân hồ sơ xin thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam chậm xử lý là do trong thời gian trên cũng có hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gửi lên Bộ Nội vụ với lĩnh vực hoạt động tương tự.
Sau 3 năm hiệp thương hợp nhất 2 hiệp hội nước mắm bất thành, Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam riêng.
Sáng 4-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS.TS Trần Đáng, Ủy viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, cho biết ông có nghe thông tin về quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhưng chưa nhận được văn bản chính thức.
“Tôi cho rằng 2 hiệp hội về ngành nghề nước mắm cùng hoạt động không có vấn đề gì mà còn cạnh tranh nhau giúp toàn ngành phát triển. Do các hiệp hội tự chủ tài chính, không sử dụng tiền ngân sách nên tôi cho rằng không cần phải “độc quyền” trong việc thành lập hiệp hội nước mắm” – PGS.TS Trần Đáng nêu quan điểm.
Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường, hiện thị phần nước mắm truyền thống chỉ còn dưới 30%, còn lại là nước mắm công nghiệp (pha chế từ nước mắm truyền thống).
Được biết, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam gồm các DN sở hữu các thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng như: Khải Hoàn, Thanh Quốc (nước mắm Phú Quốc), nước mắm Nha Trang, Cát Hải, Phan Thiết… Còn Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sở hữu các thương hiệu nước mắm quen thuộc với người tiêu dùng như: Chinsu, Nam Ngư (Tập đoàn Masan) và một số công ty muối.