Sau 5 năm bán cho đối tác ngoại, KIDO tái xuất đúng mùa trung thu, kèm mục tiêu ngay năm sau sẽ đứng thứ hai thị trường bánh Việt Nam.
Cuối năm 2014, KIDO chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Mondelēz International (Mỹ) – một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ. Cũng như phần lớn các thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực này, hợp đồng có điều khoản bên bán không được gia nhập trở lại cùng lĩnh vực trong thời hạn nhất định.
Đến tháng 7 năm nay, thời hạn đó kết thúc. Và tuần tới, 4 triệu chiếc bánh trung thu Kingdom được bán ra thị trường sẽ đánh dấu sự tái xuất của KIDO ở lĩnh vực này.
Bánh kẹo là cơ duyên đưa thương hiệu KIDO lần đầu đến với người tiêu dùng. CEO Tập đoàn KIDO Trần Lệ Nguyên kể lại, bán rồi nhưng ông vẫn trăn trở nên luôn dõi theo từng bước đi của thị trường. Nhìn lại 5 năm qua, ông cho rằng thị trường không có nhiều mới mẻ và đột phá. Nhiều lần ở các đại hội cổ đông, ông liên tục được đề nghị quay lại làm bánh.
“Không chỉ nhà đầu tư thúc giục mà các đối tác trước đây còn cổ vũ và dang rộng vòng tay khi KIDO quay trở lại mảng bánh kẹo. Họ nói sẵn sàng đồng hành cùng công ty dù bị sức ép từ các đối thủ khác”, ông Nguyên kể về động lực tái xuất.
“Nước cờ” để trở lại thị trường lần này của KIDO, theo ông Nguyên, sẽ là những sản phẩm lạ. Thay vì làm ồ ạt, ông sẽ chọn những sản phẩm có quy mô thị trường lớn, giá tốt cho phân khúc trung và cao cấp. Sau dòng bánh trung thu, công ty sẽ tập trung vào bánh tươi làm từ nông sản – sản phẩm mà ông đánh giá hàng nhập khẩu khó vào còn trong nước mới dừng ở các cửa hàng nhỏ.
“Tôi vào ngành bánh kẹo từ 1990. Giờ tôi vẫn trực tiếp chỉ đạo việc pha chế làm bánh, kem…. KIDO tự tin làm bánh ngon hơn thị trường”, ông Nguyên nói. Đến hết 2021, mục tiêu của KIDO là đứng thứ hai về ngành bánh tại Việt Nam.
Sự trở lại này với KIDO khá nhẹ nhàng vì đã có kinh nghiệm làm bánh và am hiểu thị trường tiêu dùng Việt 20 năm. Đặc biệt, nguồn lực, hậu cần và mảng lưới phân phối của công ty có sẵn từ ngành kem và dầu ăn chính là “bệ đỡ”, giúp mảng bánh không phải chịu áp lực nhiều về chi phí.
Nhưng Covid-19 cũng mang đến những thử thách không nhỏ cho họ. Công ty từng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 8 triệu bánh trung thu với doanh số khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại nên họ giảm một nửa, chỉ sản xuất khoảng 4 triệu bánh và doanh số kỳ vọng đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến thu về cho mùa trung thu khoảng 50 tỷ đồng.
Chưa hết, lần này KIDO lựa chọn dây chuyền, thiết bị sản xuất đặt mua từ Nhật, châu Âu nhưng cũng vì dịch bệnh nên chưa về kịp. Do đó, KIDO sản xuất bánh theo hình thức gia công dưới công thức và giám sát của mình. Đây là một hạn chế nhưng có thể giúp họ chưa phải chịu gánh nặng về chi phí hay khấu hao máy móc.
Với ngành bánh kẹo, tuỳ sản phẩm, tỷ trọng lợi nhuận trên doanh thu theo ông Nguyên có thể từ 15–30%. Tăng trưởng mỗi năm của ngành này đang duy trì ở mức 7-10%. Theo Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2020, ngành sản xuất bánh kẹo sẽ đạt sản lượng 2,2 triệu tấn và sẽ còn tăng dần qua các năm.