Giải thưởng danh giá Littérature-monde (văn học thế giới) đã được trao danh giá cho Anna Moi, nhà văn Pháp gốc Việt, với tác phẩm Le Venin du papillon (tạm dịch: Nọc bướm) hồi cuối tháng 5 vừa qua. Và Abdelaziz Baraka Sakin, nhà văn người Sudan, được trao giải Littérature-monde dành cho người nước ngoài với tác phẩm Le Messie du Darfour (tạm dịch: Đấng cứu thế của Darfour).
Trong bầu không khí ấm áp và thân thiện tại ngã tư phố Odéon (Paris, Pháp), ban giám khảo đã công bố tên của hai người chiến thắng giải thưởng văn học Littérature-monde. Chỉ mất một giờ mười lăm phút để các thành viên ban giám khảo quyết định công bố người đoạt giải trong số những ứng cử viên cuối cùng. Mặc dù đây là sự lựa chọn khó khăn, nhưng nhà văn Ananda Devi, thành viên ban giám khảo, cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng với sự lựa chọn này.”
Trên tầng một nhà hàng Les Editeurs tại phố Odéon, đằng sau một kệ sách đơn giản trưng bày đủ các loại tiểu thuyết của Balzac, Dan Brown hay cả của Michel Drucker, tiếng rượu vang chảy vào ly. Có bốn nhà báo ngồi cạnh các thành viên ban giám khảo. Nhưng ban giám khảo chỉ thì thầm một cái tên, không nghe được rõ.
Cuối cùng họ quyết định lên tiếng và khẳng định tin đồn lâu nay: Anna Moi là người đoạt giải Littérature-monde cho cuốn sách Le Venin du papillon (Nhà xuất bản Gallimard) và Abdelaziz Baraka Sakin giành giải Littérature-monde cho nhà văn nước ngoài với cuốn Le Messie du Darfour (NXB Zulma).
Niềm vui lan tỏa khắp những người tham dự buổi công bố. Nhà văn Ananda Devi cho biết bà rất vui khi đọc hai tác phẩm đoạt giải. Khi được hỏi “Điều gì quan trọng trong sách của Anna Moi?”, Ananda Devi không hề do dự: “Điều quan trọng trong sách là cách tác giả đưa chúng ta bước vào cuộc sống của một thiếu niên, vào cuộc khám phá về giới tính của cô ấy. Nghệ thuật của tiểu thuyết gia là cho chúng ta thấy mẩu chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn. Và Anna Moi hiểu rất rõ điều này”.
Bỗng nhiên từ phía cửa, người quan trọng nhất buổi lễ trao giải bước vào. Đôi mắt sáng rực, Anna Moi ngồi xuống giữa tràng dài pháo tay. Mọi ánh nhìn đều hướng về phía bà. Mái tóc nâu, khuôn mặt nhỏ nhắn, Anna Moi mang vừa vặn chiếc vòng nguyệt quế vừa được ban giám khảo trao tặng. Những cuộc trao đổi xoay quanh nhà văn đoạt giải, trước khi chuyển dần sang các chủ đề khác. Từ những đề tài quen thuộc cho đến các vấn đề gây tranh cãi, mọi người tranh luận về đủ thứ chuyện trên đời.
Dùng tiếng Anh
Sau khi nhấm nháp đồ tráng miệng, Anna Moi đã sẵn sàng trả lời câu hỏi của các phóng viên. Nụ cười thường trực trên môi, nhà văn nữ này bày tỏ cảm xúc có chút men say khi biết tin mình đoạt giải. Bà cho biết đây là phần thưởng cho mười năm làm việc, bởi vì bà không xuất bản bất kỳ tác phẩm nào trong thời gian đó. “Một phần thưởng tuyệt vời”, bà nói.
Ban đầu bà viết tiểu thuyết này bằng tiếng Anh, bởi cảm thấy khó khăn khi viết về tình dục bằng tiếng Pháp (sau đó thì được dịch ra tiếng Pháp). Xuân, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, là một cô gái táo bạo, sống giữa bối cảnh nặng nề của thời cuộc. Người đọc sẽ được khám phá về hành trình từ lúc còn ở tuổi 13 cho đến khi trưởng thành của cô với những giai đoạn biến chuyển vẫn thường gặp ở lứa tuổi này.
Dù trong sách không hề nói rõ về nơi diễn ra câu chuyện, người đọc vẫn thấy rõ cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, qua những chi tiết, những mảnh đời mà tác giả mô tả. Cuốn tiểu thuyết đưa độc giả tiếp cận một nền văn hóa, một giai đoạn biến động của cả một dân tộc. Nhưng đó không phải là vấn đề. Anna Moi cho biết về nhân vật của mình:”Cô gái này (Xuân) sống với câu chuyện tình yêu, tình bạn của mình. Giống như những người khác. Họ cứ làm việc của họ, không bận tâm đến những gì xảy ra xung quanh và những người có thể cản bước họ”.
Khi được hỏi vì sao trong cuốn sách, tác giả không xác định rõ về không gian và thời gian câu chuyện, Anna Moi giải thích đó là vì bà muốn giải phóng mình khỏi giới hạn về ngày tháng. Anna Moi nói: “Công cuộc khám phá văn chương, hay rộng lớn hơn là khám phá cuộc sống, đó chính là sự tự do lớn nhất”.
Có tố chất văn chương từ nhỏ, Anna Moi cho biết từ năm 16 tuổi bà từng có thơ bằng tiếng Anh được in trên tạp chí Seven Teen của Mỹ. Tuy nhiên sau đó, cuộc đời lại đưa bà đi theo những hướng khác nhau: học ngành lịch sử, nhưng rồi lại trở thành nhà thiết kế thời trang.
Tuy nhiên, với ngọn lửa văn chương vẫn cháy trong mình, năm 1992, khi Anna Moi quay lại Việt Nam, bao nhiêu cảm xúc tuổi thơ ùa về thôi thúc bà phải viết. Đó cũng là lý do trong các tác phẩm của bà, hình bóng đất nước Việt Nam luôn hiện diện.
Mang trong mình cả hai bản sắc của nền văn hóa Đông và Tây, bà tự coi mình là một người nghệ sĩ không quốc tịch, một sợi dây nối giữa hai nền văn hóa Việt – Pháp. Như một sự khẳng định cho tài năng của bà, Anna Moi đã được chính phủ Pháp trao tặng danh hiệu “ Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật”.
Sinh năm 1955, suốt thời thơ ấu, nhà văn Anna Moi (tên Việt là Trần Thiên Nga) đã đi và sống ở nhiều vùng đất như Sài Gòn, Buôn Mê Thuột và Hội An. Sau khi đỗ tú tài tại trường Pháp Marie Curie Sài Gòn, bà sang Paris học lịch sử tại trường đại học Nanterre vào những năm 1970. Tuy nhiên, cuộc gặp với những nhà tạo mẫu Agnès Troublé (Agnès B.) và Philippe Guibourgé (Dior, Chanel) đã khiến cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác là trở thành nhà tạo mẫu thời trang. Anna Moi cho biết, bà đã tập viết văn từ năm 16 tuổi với tác phẩm đầu tay là một bài thơ bằng tiếng Anh được in trên tạp chí Seven Teen.
Sinh sống ở khắp nơi như Paris, Bangkok, Tokyo… và có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ như Pháp, Thái, Nhật, Anh hay Đức, nhưng Anna Moi vẫn thành thạo tiếng Việt. Đặc biệt, ngay cả khi viết văn bằng thứ ngôn ngữ mang tính chất thơ ca như tiếng Pháp, tâm hồn và lối viết của bà vẫn luôn đậm chất Việt Nam.
Ngọc Trung (Theo Thời Đại)