1. Walmart đóng cửa tất cả các trung tâm y tế tại Mỹ
Ngày 30/4, Walmart thông báo kế hoạch đóng cửa toàn bộ 51 trung tâm y tế tại 5 bang của nước Mỹ, cũng như các trung tâm tư vấn sức khỏe trực tuyến do kém sinh lời. Trong bài đăng thông báo mới, Walmart cho biết hãng xác định đây không phải mô hình kinh doanh bền vững để tiếp tục theo đuổi. Nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ cho biết những hoạt động kinh doanh này không bền vững do nguồn thu ngày càng eo hẹp trong khi chi phí vận hành ngày càng tăng.
Kế hoạch của Walmart được đưa ra trong thời điểm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, với nhiều đối thủ mạnh như Walgreens Boots Alliance, CVS Health Corp và thậm chí cả Amazon.com cũng lao vào tranh giành thị phần. Những công ty này đã nhanh chóng mở rộng thị phần sau đại dịch COVID-19 với hy vọng tranh thủ được cơ hội khi cộng đồng ngày càng chú trọng chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thua lỗ ngày càng nhiều hơn.
2. Giới trẻ Hàn Quốc ngừng chi tiêu xa xỉ vì lạm phát
Giới trẻ Hàn Quốc dần từ bỏ những thói quen tiêu dùng xa xỉ và tập trung đến việc tìm kiếm công việc phụ vì chi phí sinh hoạt cao khiến áp lực kinh tế của họ càng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023 trong tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2/2024. Ngoài ra, sự biến động về giá cả toàn cầu do xung đột gia tăng ở Trung Đông, tỷ giá ngoại tệ và chi phí năng lượng được dự đoán sẽ làm tăng áp lực lạm phát.
Theo một phân tích của ứng dụng quản lý chi tiêu Bank Salad công bố hôm 21/4 nhằm nghiên cứu mô hình chi tiêu của một triệu người dùng, những người ở độ tuổi 20 đã chi 169 tỷ won (122,55 triệu USD) cho thực phẩm trong tháng 2, giảm 21,8% so với năm trước. Đối với những người ở độ tuổi 30, chi tiêu hàng năm cho thực phẩm giảm 24,2% xuống còn 111,8 tỷ won.
3. Sony lắp đặt camera AI để phân tích thói quen, hành vi người tiêu dùng
Các nhà bán lẻ lớn như chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang thúc đẩy chiến lược truyền thông bán lẻ tại cửa hàng. Nhà bán lẻ quảng cáo trực tiếp tới người tiêu dùng bằng bảng hiệu kỹ thuật số tại điểm mua hàng. Cho đến nay, cách duy nhất để đo lường hiệu quả của các hình thức quảng cáo là xem xét sự thay đổi trong xu hướng bán hàng trước và sau khi quảng cáo được triển khai.
Vừa qua, Sony đã đưa hệ thống camera có AI hỗ trợ để đo lường hiệu quả của các quảng cáo này tại 500 tiệm 7-Eleven ở Nhật Bản. Hệ thống sẽ đo lường hiệu quả của các bảng hiệu kỹ thuật số được lắp đặt phía trên máy tính tiền và kệ trưng bày đồ uống. Camera phát hiện vị trí khách hàng đang tìm kiếm để xác định xem họ đã xem biển hiệu chưa, đồng thời hệ thống theo dõi số lượng người đã xem biển hiệu và trong bao lâu.
7-Eleven Japan, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản, cho biết: “Bây giờ chúng tôi có thể hình dung được lượng người xem cho mọi quảng cáo và hành vi mua hàng sau khi xem. Những thông tin này trước đây rất khó xác định. Sony sẽ thu phí từ 7-Eleven bao gồm chi phí lắp đặt ban đầu và phí cố định khi sử dụng hệ thống. Công ty đặt mục tiêu cuối cùng là giới thiệu hệ thống này tới các nhà bán lẻ lớn khác cũng như lĩnh vực quảng cáo vận tải.
4. Mảng điện máy hồi phục, Thế Giới Di Động báo lãi đột biến
Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều cửa sáng và chính thức ngắt mạch 5 quý liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng âm. Theo đó, quý đầu năm công ty ghi nhận doanh thu thuần 31.486 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Cấn trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về gần 903 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cách xa so với con số 21,3 tỷ đồng đạt được cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý III/2022.
Kết quả trên có được nhờ ngành hàng điện máy tăng trưởng 2 chữ số và là động lực tăng trưởng chính cho toàn hệ thống, nổi bật là sản phẩm máy lạnh tăng khoảng 50% so với cùng kỳ khi nắng nóng kỷ lục lan rộng khắp cả ba miền. Nhờ đó, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận 21.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 7% so với cùng kỳ và chiếm 46% tổng doanh thu toàn hệ thống. Trong đó, doanh thu online khoảng 3.500 tỷ đồng và chiếm 16% tổng doanh thu của 2 chuỗi.
1. Người dân xứ Hàn chuộng thực phẩm trên chợ trực tuyến
Theo hãng tin Yonhap, các mặt hàng thực phẩm đứng đầu danh sách sản phẩm được người tiêu dùng tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đặt mua trực tuyến trong năm ngoái. Kết quả cuộc khảo sát do chính quyền thành phố Seoul thực hiện đối với 2.000 người tiêu dùng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử cho thấy 65,5% số người được hỏi cho biết thực phẩm là mặt hàng được họ ưu tiên số một khi đặt hàng trực tuyến.
Đây là lần đầu tiên số lượt đặt hàng thực phẩm trực tuyến cao hơn mặt hàng thời trang. Lý do được đưa ra là ngày càng nhiều công ty cung cấp các dịch vụ giao hàng nhanh trên các nền tảng mua sắm trực tuyến và ứng dụng giao hàng. Về các “điểm đến” mua sắm, 89,4% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, 87,8% số ý kiến trả lời họ mua thông qua các ứng dụng giao hàng và 76,9% tại các trung tâm thương mại.
2. Hơn 100 cửa hàng KFC tại Malaysia phải đóng cửa
Sau nhiều tháng người dân Malaysia “quay lưng” với các doanh nghiệp liên kết với Mỹ để bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza, chuỗi đồ ăn nhanh KFC đã buộc phải giảm hoạt động tại nước này và tạm thời đóng cửa 108 nhà hàng.
Làn sóng tẩy chay bắt đầu vào tháng 10/2023. Từ đó đến nay, KFC đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu của mình, với các biển hiệu trên bảng thực đơn và tờ rơi nhấn mạnh rằng công ty thuộc sở hữu của Johor Corporation, thuộc chính quyền bang Johor, Malaysia. Trong quý 4/2023, QSR cũng thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng mang tính Hồi giáo hơn trên trang web của mình. Tuy nhiên nhiều người Malaysia vẫn tiếp tục quay lưng với thương hiệu này.
3. Masan sẽ IPO Masan Consumer, ra mắt sản phẩm cơm tự chín
Sáng 25/4, CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Chia sẻ ngay tại mở đầu đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan cho biết tập đoàn đã quyết định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Consumer (MCH) trong thời gian tới. Tại đại hội, ông Trương Công Thắng – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Consumer chia sẻ, con đường tương lai của MCH là phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.
Giống như đã ra mắt lẩu tự sôi Omachi vào ĐHCĐ năm trước, năm nay Masan sẽ cho ra mắt sản phẩm cơm tự chín cá hồi áp chảo sốt Teriyaki. Theo giới thiệu của bà Nguyễn Trương Kim Phượng – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng Thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer, sản phẩm cơm tự chín cá hồi áp chảo sốt Teriyaki được hút chân không, có thể bảo quản ở điều kiện thường trong 6 tháng, không dùng chất bảo quản. Khi sử dụng, chỉ cần một chai nước đổ vào, sản phẩm sẽ tự nóng lên và làm chín. Sản phẩm có giá từ 100.000 – 150.000 đồng.
4. Thêm một sản phẩm chế biến từ nông sản Việt Nam có mặt tại thị trường Mỹ
Tháng 2 vừa qua, lô hàng nước mía ép nguyên chất đóng lon của Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) Thanh Hóa, đã được ông Henri R. Chaumin, một doanh nhân người gốc đảo quốc Haiti, đưa vào phân phối tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị ở thành phố biển Miami, bang Florida (Mỹ). Kanpe Red là sản phẩm nước mía đóng lon do Công ty Lasuco Việt Nam sản xuất, được chứng nhận kiểm định đạt chất lượng của Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Ông Henri R. Chaumin – Chủ tịch Cty Mega 4’s Bottling Company LLC đã có nhiều năm nghiên cứu, sản xuất và trải qua nhiều thất bại các sản phẩm nước mía đóng chai. Đến năm 2019, ông Henri mới tìm được đúng sản phẩm nước mía đóng lon tiện lợi với đầy đủ tiêu chí như ông mong muốn từ Công ty Lasuco của Việt Nam, với 99% mía ép nguyên chất, chỉ có 1% hương vị của trái quất và thời gian bảo quản lên tới 1 năm.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cho biết giá heo hơi tăng tốt trở lại trong khoảng 2-3 tháng qua, hiện dao động 61.000 – 65.000 đồng/kg tùy loại, tăng 10.000-15.000 đồng so với mức thấp cuối năm ngoái. Với mức giá này, người dân đã huề vốn hoặc có lãi nhẹ. Tuy nhiên, nhiều người chưa mạnh tay tái đàn vì lo ngại dịch bệnh.
Giá heo hơi hiện nay đang ở mức 63.000-64.000 đồng/kg, dự báo sẽ còn tăng trong vài tháng tới. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thịt không khỏi lo lắng. Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Công ty Vissan – nói rằng, giá heo hơi biến động dữ đội ảnh hưởng đến kế hoạch của ngành chăn nuôi nói chung và Vissan nói riêng.
Ông An nói rằng, trước đây thực phẩm chế biến của Vissan tăng trưởng rất tốt, nhưng thời gian gần đây ghi nhận sụt giảm. Ngành thực phẩm tuy mang tính thiết yếu nhưng do khó khăn về việc làm ảnh hưởng thu nhập, người dân thắt chặt chi tiêu và chuyển đổi nguồn thực phẩm có giá rẻ hơn như thịt gà, cá…
6. Không gánh nổi nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, nhà hàng rục rịch tăng giá cà phê
Giá cà phê nguyên liệu liên tục tăng cao, phá vỡ các kỷ lục lịch sử đã khiến nhiều nhà hàng ở Hà Nội phải điều chỉnh giá bán lẻ để cầm cự. Không chỉ giá cà phê thành phẩm được điều chỉnh tăng mà giá mỗi ly cà phê được pha chế tại các hàng quán khi đến tay thực khách cũng đang đắt hơn trước. Không chỉ trong nhà hàng mà giá cà phê bán dạo ven đường ở Hà Nội cũng rục rịch tăng.
Giá cà phê nguyên liệu ở trong nước vẫn đang tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 – 2024 cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước. Tình hình thời tiết khô hạn ở những vùng trồng cà phê đang diễn ra không chỉ riêng với Việt Nam mà ở tất cả các vùng cà phê trên toàn cầu, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
1. Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản
Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản (ILDEX VietNam 2024) sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31-5, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (TP HCM). Theo ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ILDEX VietNam 2024 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến hơn 200 công ty hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới và hơn 10.000 khách tham quan thương mại tại sự kiện này.
Điểm mới năm nay của triển lãm là Cục Chăn nuôi phối hợp với Ban tổ chức sẽ có các chương trình hỗ trợ đặc biệt để quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt: Khu Gian hàng quốc gia – gian hàng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chương trình bình chọn “Sản phẩm Vàng chăn nuôi Việt Nam” nhằm tôn vinh, động viên khích lệ đối với các tập thể, cá nhân có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thời điểm này thanh long vụ nghịch tại Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đang vào cuối vụ sản xuất, giá bán thanh long đang tăng khá cao, tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến sản lượng thanh long giảm mạnh. Do vậy, dù có giá cao nhưng người trồng thanh long không được hưởng lợi nhiều. Hiện, thanh long ruột trắng đang được thương lái thu mua khoảng 15.000-18.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ từ 30.000-35.000 đồng/kg (tăng từ 10.000 – 13.000 đồng/kg) so với cách đây 2 tuần.
Tỉnh hiện có khoảng 712 ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc. Nhiều diện tích thanh long ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cũng trong tình cảnh giảm sản lượng do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nguồn nước giảm.
Theo nông dân trồng thanh long, một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn cung là do tình hình hạn hán, thiếu nước diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến việc nông dân xử lý chong đèn trái vụ.
1. Xuất khẩu rau quả đạt gần 2 tỉ đô la trong 4 tháng đầu năm 2024
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo TTXVN, đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam vượt 1 tỉ đô la Mỹ trong những tháng đầu năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành rau quả đang được kỳ vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang dần có những quy định khắt khe hơn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong cạnh tranh.
Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kỹ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản tiếp cận được vào các thị trường lớn, hướng đến đạt mục tiêu xuất khẩu 6-6,5 tỉ đô la rau quả trong năm nay.
2. Thị trường gạo thế giới có thể lại nóng lên vào quý 3
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu chậm lại. Tuy nhiên, mối lo ngại lại dấy lên khi thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Giá gạo trên thị trường toàn cầu hiện đã giảm xuống mức từ 600 USD/tấn trở xuống nhưng có thể sẽ tăng vào khoảng tháng 6-tháng 7 khi bức tranh sản xuất và diễn biến mưa ở châu Á trở nên rõ ràng hơn.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết miễn là Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, các doanh nghiệp nên lạc quan rằng giá gạo Thái Lan sẽ duy trì tương đối cao trong nửa đầu năm nay. Ông dự đoán giá gạo có thể tăng ngay từ quý 2 này.
3. Dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải có nguồn gốc xuất xứ
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam. Theo đó, tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói dưa hấu tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã.
Vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và phải đảm bảo giám sát vườn trồng, giám sát quy trình đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả dưa hấu tươi xuất sang Trung Quốc có thể truy xuất được đến vùng trồng đã được cấp mã số. Cùng đó, dưa hấu tươi của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc không được nhiễm 5 đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, bao gồm 3 loại ruồi đục quả, 1 loài rệp và 1 loài vi khuẩn.
1. Lần đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ Carbon từ trồng lúa
Sau 4 tháng triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krong Ana, địa phương cho biết đã có thể thực hiện mua tín chỉ Carbon từ diện tích lúa canh tác này. Đơn vị thu mua tín chỉ Carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ.
Giải pháp canh tác lúa được áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 hecta. Năng suất dự kiến đạt 11 tấn/hecta. Theo người dân, không những năng suất tăng lên mà chi phí đã giảm khoảng 15% so với canh tác kiểu cũ. Đặc biệt khi áp dụng mô hình này, mỗi hecta sẽ tạo ra 3 tín chỉ Carbon, được thu mua với giá 20 USD/tín chỉ, như vậy là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/hecta. Dự kiến, vụ hè thu tỉnh Đắk Lắk sẽ nhân rộng mô hình này .
1. Fast fashion trở thành đích nhắm của các nhà làm luật
Thời trang nhanh giá rẻ (fast fashion) chính là ví dụ hoàn hảo để minh họa cho xã hội siêu tiêu dùng hiện nay. Hậu quả lớn nhất của nó chính là tác động tiêu cực tới môi trường. Chính vì thế, tháng 3-2024, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật nhằm giảm tác động xấu của ngành công nghiệp thời trang tới môi trường. Dự thảo luật này nhắm trực tiếp tới “thời trang nhanh”, “thời trang dùng một lần” với giá thành đặc biệt rẻ, ví dụ cấm quảng cáo bán các sản phẩm thời trang “phá giá” hay quy định nghĩa vụ thông báo cho người tiêu dùng về tác động tới môi trường của hành vi tiêu dùng các sản phẩm nói trên. Một khi Thượng viện Pháp thông qua, dự thảo này sẽ thành luật được áp dụng ở Pháp – một trong những luật đầu tiên trên thế giới liên quan đến tác động tới môi trường của ngành công nghiệp thời trang.
Không chỉ là vấn đề môi trường hay xã hội, quyền tài sản trí tuệ cũng là đề tài để nhiều người phản đối thời trang nhanh giá rẻ. Vào đầu tháng 4-2024, Alan Giana, một nghệ sĩ người Mỹ đã phát đơn kiện Shein vì hành vi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định khuynh hướng sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tìm kiếm hình ảnh, mẫu mã hợp nhu cầu người tiêu dùng để sản xuất các sản phẩm thời trang. Trước đó, vào tháng 7-2023, Shein cũng bị ba nghệ sĩ người Mỹ khác khởi kiện ra tòa vì cho rằng AI của hãng thời trang này đã sử dụng các tác phẩm sáng tạo được Luật Bản quyền bảo hộ để xác định khuynh hướng thời trang của người tiêu dùng.
Hiện nay, không ngạc nhiên khi các hãng thời trang nhanh giá rẻ đang trong tầm ngắm của các nhà làm luật. Rõ ràng là phát triển bền vững, tôn trọng các quy định về tài sản trí tuệ cũng cần là một mục tiêu của lĩnh vực đầy màu sắc và sáng tạo này.
1. Nhật Bản thu hút khách giàu có bằng dịch vụ y tế và ẩm thực cao cấp
Các công ty Nhật Bản đang cố gắng thu hút khách du lịch nước ngoài giàu có bằng các dịch vụ y tế độc quyền, ẩm thực sang trọng hoặc các cơ hội trải nghiệm thiên nhiên độc đáo. Họ nhắm tới những vị khách có thể chi hơn 1 triệu yen (6.700 USD) mỗi người trong một chuyến đi, tức là gấp chín lần so với du khách thông thường. Hãng lữ hành JTB đã hợp tác với FonesLife, hãng con của tập đoàn NEC, để cung cấp xét nghiệm máu có thể xác định nguy cơ mắc bệnh ung thư và đau tim của khách. Số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch y tế thông qua JTB đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 9. Số lượng du khách đến Nhật Bản chữa bệnh đã hồi phục gần 80% mức độ năm 2019.
Các doanh nghiệp Nhật cũng nỗ lực “móc túi” du khách ở mảng ăn uống. Ngân hàng Yokohama đã phát triển một số tour ẩm thực và lịch sử với sự hợp tác của Tablecross có trụ sở tại Tokyo. Tour gồm có mặc áo giáp chụp ảnh lưu niệm tại lâu đài cổ Odawara và thưởng thức ẩm thực kaiseki truyền thống khi các geisha đang biểu diễn. Với thiên nhiên hùng vĩ, đảo Hokkaido đang tập trung thúc đẩy du lịch mạo hiểm, và tệp khách giàu có được chú trọng phục vụ.
Theo kế hoạch xúc tiến du lịch mà nội các Thủ tướng Fumio Kishida thông qua vào cuối tháng 3-2023, Nhật Bản có khoảng 290.000 du khách giàu có đã chi hơn 1 triệu yên, chỉ bằng 1% tổng số du khách vào năm 2019. Nhưng họ lại chiếm tới 11,5% tổng số tiền chi tiêu, khoảng 550 tỉ yen.
1. Meta mất 200 tỷ USD vốn hóa vì tham vọng của Mark Zuckerberg
Meta vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu tăng 27% lên 36,46 tỷ USD, thu nhập ròng tăng hơn gấp đôi lên 12,37 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Một lý do giúp thu nhập ròng tăng mạnh là chi phí tiếp thị và bán hàng giảm 16%. Quy mô nhân sự giảm 10% xuống 69.329 người.
Bộ phận Reality Labs, phụ trách phần cứng và phần mềm để phát triển vũ trụ ảo, báo cáo doanh thu 440 triệu USD và lỗ 3,85 tỷ USD, nâng tổng số lỗ từ cuối năm 2020 lên hơn 4,5 tỷ USD. Việc bán tháo cổ phiếu Meta diễn ra vào đầu cuộc họp bàn kết quả kinh doanh của CEO Mark Zuckerberg, khi ông thảo luận về đầu tư, chủ yếu trong các lĩnh vực như thiết bị đeo thực tế hỗn hợp, nơi công ty chưa kiếm ra tiền.
Theo CNBC, CEO Meta dành phần lớn thời gian của phần mở đầu để nói về những thứ đang làm cho công ty mất tiền. Các nhà đầu tư đã thể hiện quan điểm của họ bằng hành động bán tháo cổ phiếu. Với việc cổ phiếu giảm 19%, vốn hóa Meta “bốc hơi” hơn 200 tỷ USD trong một ngày.
2. Tesla bước vào thời kỳ đen tối: Lợi nhuận giảm 55%, sa thải 28.000 nhân viên
Căn cứ theo thông tin mới nhất vừa được thương hiệu Mỹ công bố; Tesla đã giảm tới 8,5% doanh số trong quý I 2024. Như vậy, mức doanh thu của công ty chỉ đạt 21,3 tỷ USD – giảm tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái và kéo theo đó; lợi nhuận tương ứng cũng đã giảm 55%, chỉ đạt mức 1,1 tỷ USD.
Đây là mức suy thoái lớn nhất của Tesla suốt một thập kỷ trở lại đây, nhiều hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song ba yếu tố chính là: Tranh chấp tại Biển Đỏ làm gián đoạn chuỗi cung ứng logistic; đại nhà máy ở Berlin bị phá hoại và chậm cập nhật dòng sản phẩm Model 3.
Tesla đưa ra lý do khiến con số suy giảm lớn đến vậy; là bởi trong quý I vừa qua, hãng đã đầu tư tới 2,8 tỷ USD vào các mảng AI (phục vụ xe tự lái), gia tăng năng lực sản xuất, mở rộng chuỗi trạm sạc nhanh Supercharger và đổ tiền vào nghiên cứu sản phẩm mới.
3. Tốc độ phủ sóng chậm lại, thị trường xe điện Canada gặp khó
Theo Financialpost các nhà sản xuất ô tô tại Canada liên tục trì hoãn kế hoạch sản xuất xe điện và báo cáo doanh số bán hàng thấp hơn dự kiến. Điều này khiến cho mục tiêu bán ra ít nhất 20% lượng xe mới vào năm 2026 tại đất nước này khó có thể hoàn thành. Đầu tháng 4/2024, Tesla đã báo cáo về sự sụt giảm doanh số (quý 1/2024) lần đầu tiên sau gần 4 năm, theo hãng nguyên nhân của sự sụt giảm này tới từ các vấn đề logistics, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng sự giảm tốc của nhu cầu xe điện cũng góp phần không nhỏ.
Theo số liệu đăng ký xe mới ở Canada, số lượng phương tiện không phát thải (ZEV) ngày càng tăng. Tuy nhiên, dữ liệu phân tích của J.D. Power lại cho thấy tốc độ tiêu thụ đã giảm một nửa. Dù doanh số xe điện đã tăng gấp đôi mỗi năm trong năm năm qua với phần lớn khách hàng là những người có điều kiện kinh tế, sở hữu gara riêng, việc tiếp cận khách hàng phổ thông vẫn gặp nhiều khó khăn do giá bán cao và hiệu quả thực tiễn chưa tốt.
4. EU có thể áp thuế lên tới 55% đối với xe điện Trung Quốc
Phân tích mới nhất của công ty nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải đánh thuế cao hơn dự kiến, có thể lên tới 55%, để hạn chế xe ô tô điện Trung Quốc tràn vào thị trường nội khối. Theo Rhodium Group, mẫu Seal U của BYD, được bán với giá 20.500 euro/xe ở Trung Quốc và 42.000 euro/xe ở EU, ước tính mang lại lợi nhuận 1.300 euro cho mỗi sản phẩm tại thị trường nội địa, so với mức 14.300 euro tại châu Âu. Thậm chí, ngay cả sau khi áp thuế 30%, một công ty như BYD vẫn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn tại thị trường EU.
Tuy nhiên, Rhodium Group cho biết thêm rằng EU có thể sử dụng các phương tiện khác nhau để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của châu Âu, chẳng hạn như hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia hoặc tăng trợ cấp cho người tiêu dùng lựa chọn xe sản xuất tại EU.
5. GM đóng cửa nhà máy sản xuất tại Colombia và Ecuador
Công ty sản xuất ô tô General Motors (GM) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tại Colombia và Ecuador. GM cho biết việc giải thể nhà máy tại Colombia sẽ diễn ra ngay mà không có sự trì hoãn, trong khi đó nhà máy tại Ecuador sẽ hoạt động cầm chừng trước khi dừng hoàn toàn vào cuối tháng 8/2024.
GM nêu rõ hoạt động của doanh nghiệp này tại hai nước trên sẽ chuyển giao sang mô hình kinh doanh nhằm hỗ trợ việc giới thiệu những ô tô thế hệ mới. Theo GM, các nhà máy này đã không hoạt động đủ công suất và GM sẽ duy trì sự hiện diện tại hai nước trên thông qua thương hiệu Chevrolet.
6. Intel “vật lộn” để xây dựng lại niềm tin khách hàng
Intel, từng là hãng sản xuất chip lớn nhất và giá trị nhất nước Mỹ, đã bị nhiều đối thủ vượt mặt trong những năm gần đây do hàng loạt quyết định sai lầm trong nội bộ. Sự thay đổi được chờ đợi từ lâu của Intel dường như còn xa vời hơn bao giờ hết sau khi công ty báo cáo thu nhập quý đầu tiên ảm đạm. Cổ phiếu Intel giảm 9% vào phiên 26/4 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Intel hiện có quy mô chỉ bằng 1/16 Nvidia tính theo vốn hóa thị trường. Nó cũng nhỏ hơn Qualcomm, Broadcom, Texas Instruments và AMD.
Nhiều nhà phân tích bình luận rằng Intel đã rất “lóng ngóng” trong nhiều năm. Công ty đã bỏ lỡ thời kỳ bùng nổ chip di động với sự ra mắt của iPhone vào năm 2007. Và giờ Intel hiện cũng đứng bên lề cơn sốt AI trong khi các công ty như Meta, Microsoft và Google cố gắng đặt mua càng nhiều chip Nvidia càng tốt. Giờ đây, trong một mục tiêu mới, Intel đã phải chi hàng tỷ USD mỗi quý để lấy lại vị thế của mình.
CEO Pat Gelsinger đang đặt cược vào sự thay đổi mô hình kinh doanh đầy rủi ro. Intel không chỉ sản xuất bộ vi xử lý mang nhãn hiệu riêng của mình mà công ty còn hướng tới việc hoạt động như một nhà máy cho các công ty sản xuất chip khác thuê ngoài. Và thành công trong việc thu hút khách hàng sẽ phụ thuộc vào việc Intel có giành lại được vị trí dẫn đầu về quy trình như cách công ty hay nhắc tới hay không.
7. Nvidia mua lại công ty trí tuệ nhân tạo Run:ai của Israel
Theo thông báo được công bố ngày 25/4, “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia của Mỹ đã ký thỏa thuận mua lại công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Run:ai của Israel. Các bên không tiết lộ giá trị của thương vụ này nhưng một số phương tiện truyền thông Israel ước tính thương vụ này có giá trị khoảng 700 triệu USD.
Nvidia cho biết họ đã ký thỏa thuận để giúp khách hàng sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên máy tính AI của họ. Được thành lập vào năm 2018 và có trụ sở tại thành phố ven biển Tel Aviv, Run:ai đã xây dựng một hệ điều hành phù hợp với bộ xử lý AI mới nhất, tận dụng các công nghệ ảo hóa tiên tiến. Khách hàng của Run:ai bao gồm các công ty toàn cầu khổng lồ và các công ty khởi nghiệp sử dụng AI trong các lĩnh vực như tài chính, ô tô và y tế, cùng với các tổ chức học thuật hàng đầu.
8. Thỏa thuận đầu tư vào AI của Microsoft và Amazon “vào tầm ngắm” của Cơ quan quản lý cạnh tranh
Ngày 24/4, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã tham vấn về việc Microsoft thuê nhân tài chủ chốt từ Inflection AI và khoản đầu tư thiểu số của họ vào công ty khởi nghiệp Mistral của Pháp, cũng như khoản đầu tư 4 tỷ USD của Amazon vào Anthropic có trụ sở tại Mỹ, đối thủ hàng đầu của OpenAI. Các nhà quản lý lo ngại rằng các công ty Big Tech có thể đang lợi dụng nhu cầu vô độ của các công ty AI về sức mạnh tính toán để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn, bằng cách thu hút các công ty khởi nghiệp đang thiếu tiền mặt sử dụng dịch vụ đám mây của họ để đổi lấy cổ phần có thể mang lại cho họ tầm ảnh hưởng lớn những doanh nghiệp non trẻ.
Trong một tài liệu vào tháng này, CMA cho biết, họ đã tìm thấy một “mạng lưới liên kết” gồm hơn 90 quan hệ đối tác và đầu tư cùng liên quan đến 6 tập đoàn Big Tech – Google, Apple, Microsoft, Meta, Amazon và nhà sản xuất chip Nvidia – tạo ra rủi ro về “sự phụ thuộc quá mức vào số ít các công ty lớn”. Bà Sarah Cardell, Giám đốc CMA, cho biết, cơ quan quản lý đã “quyết tâm áp dụng các bài học lịch sử” sau khi một số ít công ty chủ yếu có trụ sở tại Mỹ thống trị ngành quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây và di động.
9. Thái Lan thành lập Ủy ban AI Quốc gia mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng
Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật Số Thái Lan (DES) đang chuẩn bị thành lập Ủy ban Trí tuệ Nhân tạo (AI) Quốc gia mới để đẩy nhanh chiến lược phát triển AI. Động thái này là một phần trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm AI và nền kinh tế kỹ thuật số của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời sử dụng kinh tế kỹ thuật số như một động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Một trong những bước đi quan trọng trong chính sách này là việc thành lập một ủy ban với tên gọi “Cloud First” với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước có liên quan. Ủy ban này sẽ thành lập và hướng dẫn việc triển khai các chính sách, tiêu chuẩn cho đám mây, cũng như các quy tắc mua sắm và bảo mật để hỗ trợ mô hình sử dụng đám mây.
Một chính sách hàng đầu khác của Thái Lan trong chiến lược phát triển AI là việc phát triển nền tảng dịch vụ quốc gia, mô hình ngôn ngữ lớn của Thái Lan và chuẩn bị các hướng dẫn về luật, quy định liên quan trong lĩnh vực AI. DES đặt mục tiêu 50% công dân Thái Lan sử dụng ID kỹ thuật số vào năm 2024 và 100% vào năm 2025. Đến quý 3 năm nay, DES dự kiến sử dụng ứng dụng ID kỹ thuật số cho đề án ví kỹ thuật số. Bộ này cũng sẽ thúc đẩy chương trình thị thực với tên gọi “Tài năng kỹ thuật số toàn cầu,” nhằm thu hút 50.000 chuyên gia kỹ thuật số đến làm việc tại Thái Lan.
10. Số lượng nhà cung ứng cho Apple tại Việt Nam tăng 40%
Apple vừa công bố danh sách các nhà cung ứng toàn cầu năm 2023, cho thấy quan hệ với Trung Quốc ngày càng được củng cố, đồng thời mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo Nikkei, nó nhấn mạnh “táo khuyết” đang cố gắng cân bằng giữa chính trị và kinh doanh. Trung Quốc chiếm phần lớn (52/187 nhà cung ứng, 286 nhà máy), tăng từ 48 năm 2022.
Theo số liệu chính thức từ Apple, số lượng nhà cung ứng cho công ty này tại Việt Nam tăng 40%, lên 35 vào năm 2023. Theo phân tích, 37% trong số 35 nhà cung ứng tại Việt Nam đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm Luxshare, Goertek, BYD. Cả ba đều đã mở rộng công suất để phục vụ Apple.
1. Xung đột ở Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt kéo giá dầu giảm
Giá dầu thế giới để mất hơn 1 USD/thùng trong phiên 29/4, khi đề xuất ngừng bắn của Israel đã làm dịu bớt lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông. Cùng với đó, số liệu lạm phát của Mỹ đã làm mờ đi kịch bản lãi suất sắp được cắt giảm.
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 6/2024 giảm 1,10 USD hay 1,2% xuống 88,40 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết phiên ở mức 82,63 USD/thùng, giảm 1,22 USD tương đương 1,5%.
Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng Anh Andrew Bowie cho biết, G7 sẽ loại bỏ dần than trong sản xuất điện trong nửa đầu những năm 2030. Theo ông, đây là một thỏa thuận lịch sử, điều mà G7 không thể đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc (COP28) ở Dubai năm 2023.
Theo thỏa thuận này, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Thỏa thuận này cũng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn đối với một số quốc gia thành viên như Nhật Bản – có tỷ lệ điện chạy than chiếm 32% tổng sản lượng điện, Đức (27%), Mỹ (16%). Bốn thành viên còn lại gần như loại bỏ hoàn toàn điện từ than gồm Pháp (0,4%), Anh (1,4%), Canada (5%) và Italy (5,3%).
Thỏa thuận nói trên không bao gồm cấm sử dụng khí tự nhiên để chạy điện. Không phải lúc nào cũng dễ dàng mở rộng quy mô năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu gia tăng, do đó khí tự nhiên vẫn là lựa chọn hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia khác. Do vậy, việc loại bỏ dần điện than cũng là bước đi rất đáng khen. Kết hợp với ô tô điện và các chiến lược khác, kế hoạch này sẽ kéo giảm một lượng khí thải không nhỏ.
3. Giá gas bán lẻ trong nước giảm tháng thứ hai liên tiếp
Theo đó, các hãng gas sẽ giảm giá với loại bình gas 12kg, với mức giảm hơn 7.000 đồng/bình. Nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5 ở mức 582,5 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với tháng 4 và cũng như biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Reuters đưa tin, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh giảm vào phiên giao dịch hôm thứ Hai (29/4) do thời tiết ấm hơn làm giảm nhu cầu.
Giá dầu châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp trong ngày 1/5 do lượng dầu dự trữ và sản lượng tại Mỹ tăng lên, cùng với hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông ngày càng tăng.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 30/4, lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã tăng 4,906 triệu thùng trong tuần trước. Còn dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm lần lượt là 1,483 triệu thùng và 2,187 triệu thùng.
EIA cho hay nguồn cung dầu thô của Mỹ cũng đang có dấu hiệu tăng mạnh, với sản lượng tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2024 so với mức 12,58 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong khoảng 3 năm rưỡi.
1. Trung Quốc hiện có 369 startup kỳ lân với giá trị trung bình lên tới 3,8 tỉ USD
Theo một báo cáo mới, Trung Quốc hiện có tới 369 startup kỳ lân – các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỉ USD – với hơn 1/4 số công ty này tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn của quốc gia.
Báo cáo cho biết, trên 16 lĩnh vực kinh doanh, các công ty AI có giá trị cao nhất, trung bình 6,76 tỉ USD, tiếp theo là các công ty công nghệ tài chính với 6,57 tỉ USD. Số lượng startup kỳ lân trong lĩnh vực AI và bán dẫn lần lượt chiếm 14,1% và 12,2% trong tổng số 369. Tuy nhiên, theo báo cáo, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng sau Mỹ về tổng số startup kỳ lân.
2. Các startup AI đối mặt hiện thực tài chính khắc nghiệt
“Đốt” hàng tỉ đô la Mỹ để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng hầu hết các công ty khởi nghiệp (startup) AI hàng đầu trên thế giới hiện nay vẫn chật vật kiếm doanh thu. Do vậy, các nhà đầu tư mạo hiểm đang ngần ngại rót thêm tiền cho họ.
Các nhà đầu tư đã rót 330 tỉ đô la Mỹ vào khoảng 26.000 startup AI và machine learning trên thế giới trong 3 năm qua, theo PitchBook. Con số này nhiều hơn 2/3 số tiền họ đã chi để tài trợ cho 20.350 công ty AI trong giai đoạn 2018-2020. Một số startup nhận ra cuộc cạnh tranh trực diện với những người khổng lồ như Google, Microsoft và Meta sẽ tiêu tốn hàng tỉ đô la nhưng có thể vẫn chưa đủ.
3. Microsoft công bố khoản đầu tư 1,7 tỷ USD tại Indonesia
Trong chuyến thăm tại Indonesia, Satya Nadella, CEO Microsoft cho biết sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD vào hạ tầng điện toán đám mây, AI tại nước này. Ông Nadella cũng nói rõ khoản đầu tư này sẽ được thực hiện trong 4 năm. Đây là công bố đầu tiên của Microsoft trong chuyến thăm của CEO công ty này tới 3 nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Ông Nadella đã gặp Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, vào sáng 30/4.
Về phía chính phủ Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Panjaitan cho biết sẵn sàng đưa ra mức ưu đãi tốt hơn mức mà Microsoft nhận được từ Ấn Độ hoặc Thái Lan. Indonesia cũng đề xuất Microsoft đặt trung tâm nghiên cứu, trung tâm dữ liệu tại đảo Bali hoặc thủ đô mới Nusnatara, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Budi Arie Setiadi. Chính phủ nước này còn công bố kế hoạch công nhận quốc tịch kép với những nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực.
4. Startup Mỹ giải quyết vấn đề kế nghiệp tìm được thị trường lớn ở Nhật Bản
Thành lập năm 2019 ở New York, Teamshares đã thực hiện 90 vụ thâu tóm ở 31 tiểu bang, 42 ngành công nghiệp ở Mỹ như sản xuất, bán lẻ và thực phẩm, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Năm ngoái, Teamshares đã thành lập một đơn vị ở Nhật Bản. Đây là bước đột phá đầu tiên bên ngoài nước Mỹ của công ty khởi nghiệp. Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thế hệ doanh nhân kế nghiệp tại các công ty nhỏ và vừa. Theo Teikoku Databank, tính đến tháng 11-2023, Nhật Bản có 509 vụ phá sản do thiếu người kế nghiệp. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Teamshares có cách tiếp cận khác biệt và nổi bật là chuyển dần quyền sở hữu các công ty trong danh mục đầu tư sang cho nhân viên bằng cách chia cổ phần. Điều này giúp việc duy trì hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn mà không gặp rủi ro khi tìm kiếm chủ sở hữu mới. Teamshares sẽ mua toàn bộ 100% cổ phần từ chủ sở hữu doanh nghiệp để họ an tâm nghỉ hưu. Startup này sẽ thuê hội đồng quản trị mới để vận hành công ty và nâng dần tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhân viên từ 10% sau lần bán đầu tiên lên 80% trong vòng 20 năm. Số cổ phần này cho phép nhân viên nhận thêm cổ tức bên cạnh tiền lương. Mục đích để nhân viên, ban quản trị và Teamshares cùng hợp tác để cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.
Teamshares kiếm được lợi nhuận từ cổ tức, cổ phần trong các công ty trong danh mục đầu tư. Điều này có nghĩa là Teamshares phải tìm kiếm các mục tiêu chất lượng cao và giúp doanh nghiệp mục tiêu sinh lời nhiều hơn. Startup đặt mục tiêu đưa 10.000 doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản vào hệ sinh thái của công ty trong thời gian tới.
5. Ngân hàng Quốc gia Australia mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Ngày 25/4, Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) Innovation Centre Vietnam khai trương trụ sở văn phòng mới tại TP HCM, chính thức mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ông Howard Silby, Tổng Giám đốc NAB Innovation Centre Vietnam cho biết, chiến lược mở rộng này sẽ giúp NAB tiếp tục thu hút nhiều tài năng công nghệ, hỗ trợ cho nguồn nhân lực trên toàn cầu.
Song song với việc khai trương văn phòng mới, NAB Innovation Centre Vietnam cũng cung cấp cho nhân viên nhiều cơ hội đào tạo và phát triển như chứng chỉ chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng thông qua chương trình Chứng nhận hành nghề Ngân hàng (CQiB) được cấp bởi FINSIA.
6. Xu hướng kết hợp giữa Blockchain và AI đang thu hút các nhà đầu tư
Trong phiên thảo luận “Thị trường vốn cho startup và các doanh nghiệp ngành công nghệ blockchain và AI”, các chuyên gia cho biết tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu có chiều hướng sụt giảm rõ rệt so với trước đây, dẫn đến các nhà đầu tư có phần dè dặt và cẩn trọng khi mở hầu bao cho lĩnh vực này. Những con số gọi vốn 100 hay 120 triệu USD ở thời điểm hiện tại là cực kì khó khi nền kinh tế của các quốc gia lớn trên thế giới đều đang “te tua” vì khủng hoảng.
Một trong những lĩnh vực đang thu hút nhà đầu tư hiện nay chính là DePIN (Decentralized Physical Infrastructure Network) – Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung, là lĩnh vực giao thoa giữa blockchain và AI. Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng sự kết hợp giữa blockchain và AI sẽ là sự kết hợp vô cùng đặc biệt. Một số startup hiện nay đã kết hợp nền tảng blockchain và AI đã gọi được 30 triệu USD, thậm chí là 120 triệu USD.
Chiều 26/4, giá vàng miếng SJC đã vượt 85 triệu đồng/lượng, cũng là mức cao nhất lịch sử. Lúc 15h chiều cùng ngày, giá vàng thế giới ở mức 2.344,8 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,96 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hiện tại cũng thấp hơn đến 55 USD/ounce so với mức đỉnh đã xác lập vào ngày 12-4, nhưng giá vàng miếng SJC lại lên mức kỷ lục mới.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 13,14 triệu đồng/lượng. Trong khi thời điểm cuối tuần trước, trước khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng, mức chênh là 10,53 triệu đồng/lượng. Như vậy sau đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC – giá vàng thế giới quy đổi không giảm mà còn tăng thêm.
2. Lãi suất chạm đáy, người dân rút tiền khỏi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm. Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1/2024 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Ghi nhận trên thị trường từ tháng 1 đến tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã xuống dưới 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, nhiều nơi chỉ huy động với lãi suất 4,5%/năm. Từ đầu tháng 4/2024, lãi suất huy động mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, thống kê có 16 ngân hàng điều chỉnh tăng, có nơi tăng đến 0,9 điểm phần trăm. Theo TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, do lãi suất thấp, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán…