Bản tin công nghệ, từ 25/4 – 2/5/2024

Tổng thống Mỹ ký luật buộc TikTok ‘bán mình’ hoặc bị cấm: Ông Biden ngày 24/4 ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng, Hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025.
CEO TikTok Shou Zi Chew tin nền tảng sẽ giành chiến thắng trong nỗ lực pháp lý nhằm chặn đạo luật vừa được Tổng thống Biden thông qua. Các văn phòng thuộc quốc hội Mỹ hồi tháng trước tràn ngập cuộc gọi từ người dùng nhằm phản đối dự luật. Khi đó, phe ủng hộ dự luật cho rằng “chiến dịch gây áp lực” của TikTok càng cho thấy lệnh cấm là cần thiết.
Meta bị kiện tại Nhật Bản do đăng quảng cáo mạo danh người nổi tiếng: Ngày 25/4, nhiều nạn nhân tại Nhật Bản đã kiện Facebook sau khi “sập bẫy” các quảng cáo đầu tư trực tuyến lừa đảo trong đó sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng nhưng không có sự đồng ý của họ.
Luật sư đại diện cho các nạn nhân nêu rõ 4 người đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận Kobe yêu cầu Facebook Nhật Bản, thuộc sở hữu của tập đoàn Meta (Mỹ), phải bồi thường thiệt hại 23 triệu yen (148.000 USD). Trước đây, tỷ phú Maezawa đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hành động và cho biết ông đang làm việc với các luật sư ở Mỹ để khởi kiện Meta.
Hiện, Meta chưa bình luận về thông tin trên.
TSMC có thể ra chip tiến trình 1,6 nm: TSMC công bố công nghệ sản xuất mới A16, được cho là sẽ giúp tạo chip 1,6 nm và dự kiến trang bị trên iPhone 2026.
Công nghệ có tên A16 kết hợp kiến trúc Super Power Rail của TSMC với các bóng bán dẫn kích thước nano. Giải pháp giúp tăng mật độ cổng logic cũng như hiệu suất của sản phẩm. Chip được sản xuất trên công nghệ mới sẽ phục vụ cho các hệ thống tính toán hiệu năng cao, với khả năng cải thiện tốc độ hơn.
Ngoài công nghệ A16, TSMC cũng giới thiệu loạt giải pháp mới, như CoWoS, cho phép đóng gói nhiều bộ vi xử lý và bộ nhớ băng thông cao theo kiểu xếp chồng, nhằm tăng hiệu năng trên một đơn vị diện tích. Hay System-on-Wafer (SoW), giúp tạo các khuôn chip lớn trên tấm wafer, từ đó tăng năng lực tính toán của chip và giảm không gian chiếm dụng trong trung tâm dữ liệu.
Mỹ xem xét việc Trung Quốc dùng công nghệ chip RISC-V: Bộ Thương mại Mỹ cho biết “đang đánh giá rủi ro tiềm ẩn” về việc Trung Quốc sử dụng RISC-V cho các hoạt động sản xuất chip.
Bộ cũng lưu ý sẽ “hành động cẩn thận” để tránh gây tổn hại cho các công ty Mỹ đang là thành viên của các tập đoàn quốc tế có hoạt động trên công nghệ RISC-V. Là nguồn mở, RISC-V được đánh giá có thể cạnh tranh với công nghệ độc quyền từ Arm Holdings. RISC-V đang được nhiều công ty Trung Quốc như Alibaba, Huawei sử dụng, trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược về công nghệ chip tiên tiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với các công ty Trung Quốc, RISC-V đang nổi lên như một cơ hội để họ bắt kịp đối thủ nước ngoài, trong bối cảnh đang bị cấm sử dụng công nghệ Mỹ hoặc có nguồn gốc từ Mỹ.
ByteDance tuyên bố không có kế hoạch bán TikTok sau lệnh cấm tại Mỹ: Ngày 25/4, ByteDance cho biết không có ý định bán lại ứng dụng TikTok, sau khi Nhà Trắng thông qua luật buộc công ty phải thoái vốn khỏi ứng dụng chia sẻ video phổ biến.
Lời khẳng định nói trên được ByteDance đăng tải trên trang mạng xã hội Toutiao, đáp trả lại thông tin công ty đang cân nhắc bán lại TikTok không kèm thuật toán đề xuất video. Đạo luật mới của Mỹ cho TikTok thời hạn 9 tháng để tách khỏi công ty mẹ ByteDance, nếu không sẽ bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.
TikTok trong nhiều năm đã nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền Mỹ.
Trung Quốc ra mắt mô hình AI lớn chuyển văn bản thành video: Ngày 27/4, Vidu, một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) lớn chuyển văn bản thành video đã được ra mắt tại Diễn đàn Trung Quan Thôn 2024 ở Bắc Kinh. Mô hình này có khả năng tạo video độ phân giải cao, dài 16 giây ở độ phân giải 1080p chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Là sản phẩm của Đại học Thanh Hoa và công ty AI ShengShu Technology, Vidu là mô hình AI video lớn đầu tiên của Trung Quốc với “thời lượng kéo dài, tính nhất quán đặc biệt và khả năng linh hoạt”.
Theo ông Zhu Jun, Phó Giám đốc Viện AI Thanh Hoa, Vidu có thể hiểu và tạo ra các nội dung tiếng Trung. Công ty cho biết cấu trúc cốt lõi của Vidu đã được đề xuất sớm nhất là vào năm 2022.
Lý do thuật toán TikTok hấp dẫn giới công nghệ: Thuật toán TikTok có nhiều ưu thế so với sản phẩm của Meta và Google, khiến nó thường xuyên rơi vào tầm ngắm của giới công nghệ và quan chức Mỹ.
TikTok cho thấy việc vận hành dựa trên hiểu biết về sở thích và mối quan tâm của người dùng mang đến ưu thế lớn hơn nhiều và xây dựng thuật toán dựa trên “những tín hiệu quan tâm”. Định dạng video ngắn giúp Tik Tok tìm hiểu sở thích người dùng nhanh hơn nhiều so với các đối thủ và thường xuyên đề xuất nội dung nằm ngoài sở thích người dùng, điều mà ban lãnh đạo công ty tin rằng sẽ đóng vai trò thiết yếu với trải nghiệm của mỗi người. TikTok là khuyến khích người dùng tập trung vào các nhóm công khai thông qua hashtag.
OpenAI bị kiện tại châu Âu do vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung: ngày 29/4,  Tổ chức bảo vệ dữ liệu châu Âu – Noyb, cùng với một công dân châu Âu bị ảnh hưởng đã đề đơn kiện OpenAI vì đã vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR).
Tổ chức này, đã cáo buộc OpenAI cung cấp thông tin sai lệch về dữ liệu cá nhân của một “nhân vật của công chúng” giấu tên nhưng không cho phép chỉnh sửa hoặc xóa theo quy định. Mặc dù quy định GDPR cho phép người dùng quyền yêu cầu cung cấp bản sao của tất cả dữ liệu cá nhân nhưng OpenAI không tiết lộ dữ liệu được xử lý, nguồn hoặc người nhận.
Trong tranh chấp với OpenAI, Noyb cáo buộc công ty Mỹ này từ chối quyền của người dân ở châu Âu theo quy định trong GDPR. Noyb còn cáo buộc OpenAI đã không phản hồi thỏa đáng yêu cầu cung cấp thông tin của người khiếu nại. Noyb đã kêu gọi Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Áo (DSB) điều tra các hoạt động xử lý dữ liệu của OpenAI.
EU điều tra Facebook và Instagram trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu: Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/4 đã mở cuộc điều tra đối với Facebook và Instagram của tập đoàn công nghệ Meta do nghi ngờ những nền tảng này không thực hiện đầy đủ các biện pháp chống tin giả trên mạng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6 tới.
Thierry Breton cho biết cuộc điều tra nhằm “đảm bảo rằng các hành động hiệu quả được thực hiện, đặc biệt là để ngăn chặn việc lợi dụng các lỗ hổng của Instagram và Facebook do sự can thiệp từ nước ngoài.” Mối lo ngại của EU về tác hại của công nghệ deepfake tăng lên, đặc biệt là nguy cơ thông tin sai lệch về cuộc bầu cử EP diễn ra tại 27 quốc gia thành viên của khối từ ngày 6-9/6 tới.
EU tuyên bố nếu các cơ quan quản lý nghi ngờ rằng các công ty công nghệ không tuân thủ đầy đủ, họ có thể tiến hành các cuộc điều tra và có thể dẫn đến các khoản tiền phạt khổng lồ./.
Microsoft đầu tư thêm 1,7 tỉ USD vào Indonesia: Microsoft sẽ đầu tư thêm 1,7 tỉ USD vào Indonesia trong 4 năm tới, để xây dựng cơ sở hạ tầng cho dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).
Số tiền 1,7 tỉ USD cũng được Microsoft dùng để đào tạo 840.000 người Indonesia về kỹ năng sử dụng AI và hỗ trợ các cộng đồng các nhà phát triển công nghệ tại địa phương. Microsoft cũng cho biết, họ sẽ hợp tác với các chính phủ, tổ chức và cộng đồng để cung cấp cơ hội nâng cao kỹ năng AI cho 2,5 triệu người tại các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025.
“Gã khổng lồ” công nghệ cho biết, khoản đầu tư của Microsoft sẽ cho phép hãng tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ điện toán đám mây ở Indonesia, cũng như cho phép quốc gia này nắm bắt các cơ hội kinh tế và năng suất phát sinh từ AI.
EU buộc Apple “mở cửa” hệ điều hành iPadOS: Phán quyết mới đồng nghĩa EU cho rằng người dùng đã “bị khóa” vào hệ sinh thái iPadOS, khiến mọi người không thể chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Công ty có thời hạn 6 tháng để tuân thủ các quy định để tránh khoản phạt lên tới 38 tỷ USD.
DMA quy định các thực thể trong danh sách bị cấm ưu tiên dịch vụ của họ hơn đối thủ và khóa người dùng để bảo vệ hệ sinh thái. Các phần mềm phải cho phép bên thứ ba tương tác với các dịch vụ nội bộ. Đây là lý do tại sao Apple gần đây buộc phải phải cho phép người dùng cài ứng dụng bên ngoài App Store riêng tại châu Âu.
Theo Forbes, Apple cho biết sẽ “tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban châu Âu” để để đảm bảo các dịch vụ được chỉ định của mình tuân thủ DMA, bao gồm cả iPadOS. Tuy nhiên, công ty tỏ ra không hài lòng và cáo buộc luật này “tạo ra rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu”.
Samsung dẫn đầu doanh số bán smartphone đầu năm 2024: Theo thống kê do công ty nghiên cứu thị trường Canalys đưa ra hôm 30.4, trong quý 1 năm 2024, đã có gần 300 triệu điện thoại thông minh (smartphone) được bán ra trên toàn thế giới, trong đó Samsung dẫn đầu với 60 triệu chiếc.
3 tháng đầu năm 2024 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường smartphone toàn cầu, khi doanh số bán ra đạt 296,2 triệu chiếc, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Samsung chiếm vị trí số 1 về doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu được thúc đẩy lớn bởi việc hãng cho ra mắt mẫu Galaxy S24 được trang bị AI.
Nhiều tờ báo Mỹ kiện OpenAI và Microsoft vi phạm bản quyền: Ngày 30/4, 8 tờ báo ở Mỹ đã đệ đơn kiện OpenAI – công ty mẹ của ChatGPT, và “ông lớn” công nghệ Microsoft với cáo buộc vi phạm bản quyền. Đơn kiện cáo buộc OpenAI và Microsoft đã đánh cắp hàng triệu tin bài có bản quyền hoặc không trả tiền sử dụng tin bài cho việc huấn luyện cho các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của các công ty này.
Microsoft từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi đó, OpenAI cho biết công ty này trước đó chưa biết đến các mối quan ngại của Alden Global Capital và OpenAI đã tiếp xúc với nhiều tổ chức tin tức trên khắp thế giới để tìm kiếm cơ hội, thảo luận các mối quan ngại và đưa ra các giải pháp.
Bên cạnh đó, hai công ty công nghệ này cũng đang bị kiện tại một tòa án liên bang ở San Francisco.
Apple chiêu mộ hàng chục kỹ sư AI của Google: Theo FT, Apple đã tuyển dụng ít nhất 36 chuyên gia từ Google kể từ năm 2018, sau khi John Giannandrea trở thành giám đốc trí tuệ nhân tạo.
Đội ngũ AI hàng đầu của Apple đang có những chuyên gia nổi tiếng từ Google như Giannandrea, cựu giám đốc Google Brain. Samy Bengio, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu AI và ML tại Apple, trước đây là nhà khoa học AI hàng đầu tại Google. Ruoming Pang, lãnh đạo nhóm Mô hình nền tảng Apple, cũng từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhận dạng giọng nói AI tại công ty đối thủ.
Ngoài Google, Apple cũng tuyển dụng các chuyên gia AI từ Microsoft. Điều này cho thấy cuộc chiến nhân sự AI đang diễn ra khốc liệt giữa các gã khổng lồ công nghệ.
Dinh Lê/BSA Media (tổng hợp)