Lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết tại Nhật Bản đã được cải thiện trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung thị trường trong nước được hưởng lợi từ giá cao và du lịch hồi sinh mạnh. Du khách tăng vọt hơn sáu lần so với năm 2022, nhiều doanh nghiệp Nhật cũng đưa ra các dịch vụ, tiện ích mới.
Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) hôm 15-1 loan báo Nhật Bản đón 25 triệu khách du lịch trong năm 2023, thấp hơn 20% so với con số 31,88 triệu lượt du khách của năm 2019. JNTO nói đây là con số cao nhất kể từ năm 2019, tăng hơn sáu lần con số 3,8 triệu lượt khách của năm 2022, chủ yếu do đồng yen yếu thu hút du khách nước ngoài. Tháng 12 vừa rồi là tháng thứ bảy liên tiếp số lượng du khách nước ngoài vượt quá 2 triệu mỗi tháng. Thu nhập do du khách mang lại là 5.300 tỉ yen (35,72 tỉ đô la). cao hơn 10% so với doanh thu năm 2019. Lượng du khách từ Trung Quốc đang dần phục hồi, nhưng lượng du khách đến từ Mỹ và Australia đang tăng mạnh.
Lợi nhuận ròng tăng 70%
Một phân tích của Nikkei cho thấy, tính đến hôm 31-1, khoảng 61% trong số khoảng 270 công ty trên thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã công bố kết quả, với lợi nhuận ròng tăng 70% trong năm. Đây là tỷ lệ cao nhất trong ba quý đầu của năm tài chính kể từ năm tài chính 2021 khi có 73% công ty có lợi nhuận phục hồi sau khi chịu tác động nặng nề của Covid trong năm trước.
Các công ty dựa vào nhu cầu trong nước có sức bật lớn hơn. Hai phần ba số công ty phi sản xuất báo cáo lợi nhuận cao hơn, bao gồm cả trong các lĩnh vực như đường sắt, vận tải hàng không, điện và thực phẩm.
East Japan Rail hôm 31-1 đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31-3 sắp tơi lên 165 tỉ yen (1,1 tỉ đô la), tăng 66% so với năm trước đó. Hãng đường sắt đã chứng kiến sự phục hồi lưu lượng hành khách từ khách hàng ngày và du khách đi lại trong nước.
Central Rail Japan, hay JR Tokai, đã đạt lượng hành khách đi tàu cao tốc shinkansen đông đúc trong ba quí vừa qua. Doanh thu liên quan đến du lịch nội địa của hãng đã tăng 77% so với cùng kỳ năm 2018, đạt khoảng 60 tỉ yen.
ANA Holdings, tập đoàn mẹ của hãng bay All Nippon Airways, đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm của tập đoàn lên 130 tỉ yen, tăng 45% so với năm trước. Tháng 6 vừa rồi, ANA tăng giá vé máy bay nội địa. Hãng cũng đạt số khách kỷ lục trên các chuyến bay đến và đi Hawaii vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Nhiều công ty đã thực hiện thành công việc tăng giá. Mức lợi nhuận ròng của nhà điều hành Tokyo Disney Resort Oriental Land đạt 99,8 tỉ yen, tăng 66% trong giai đoạn đã nói. Đây cũng là kỷ lục trong năm năm của công ty. Tokyo Disney đã tăng mức giá tối đa cho vé công viên một ngày từ 1.500 yen lên 10.900 yen (hơn 7 lần) vào tháng 10 vừa rồi, nhưng lượng khách vẫn tăng.
Hãng thực phẩm Toyo Suisan Kaisha công bố lợi nhuận ròng tăng 57%, nhờ tăng giá mì ăn liền, chủ yếu ở Bắc Mỹ.
Trong khi đó, công ty mẹ của Sagawa Express là SG Holdings bị giảm 55% lợi nhuận ròng xuống còn 48,3 tỉ yen. Dù phí giao hàng giảm, nhưng lượng hàng giao của SG vẫn giảm do mọi người đã ra ngoài đi làm và giải trí, ít ở nhà hơn.
Những người phân tích thị trường hiện đang sự chú ý sang các hãng sản xuất xe hơi và các doanh nghiệp khác dự kiến sẽ được hưởng lợi từ đồng yen yếu. Toyota Motor, Tokyo Electron và Sony sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần tới.
Chiến lược gia trưởng Fumio Matsumoto của hãng chứng khoáni Okasan Securities cho rằng: “Thu nhập doanh nghiệp phần lớn phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những gì mà lãnh đạo nói về kỳ vọng kết quả cho năm tài chính tiếp theo”.
“Du lịch không hành lý”
Hãng dịch vụ đường sắt Tobu hợp tác với hãng hậu cần Operation System Service (OSS) có trụ sở tại Osaka cung cấp dịch vụ tại Khách sạn Asakusa Tobu ở Tokyo. Khách hàng báo kích thích và số cân hành lý, sau đó thông báo đo và cân hành lý của mình, sau báo tên khách sạn nơi họ muốn giao hành lý đến. Khách sạn nhập thông tin vào website, bưu điện địa phương đến nơi lấy hành lý. Khách trả phí và có thể đi lại thong dong bởi OSS đảm nhận dịch vụ giao hàng, thậm chí ra nước ngoài.
Phí dịch vụ khác nhau tùy thuộc vào điểm đến và trọng lượng hành lý, dao động từ 10.000-40.000 yen (67-270 đô la) với điểm châu Á và 15.000-50.000 với Mỹ. Thời gian giao hàng khoảng một tuần.
Dịch vụ này được thí điểm đến cuối tháng 3. Tobu hy vọng các hoạt động suôn sẻ và sẽ quyết định triển khai diện rộng hay không.
Trong khi đó, Tobu cho biết số lượng hành khách sử dụng thẻ đi lại của hãng vẫn ở mức khoảng 80% so với mức trước đại dịch, do hoạt động làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vì việc sử dụng thẻ đi lại được dự đoán sẽ vẫn ở mức dưới mức trước đại dịch, Tobu muốn liên kết với các khách sạn dọc tuyến đường sắt của Tobu.
East Japan Rail cũng đang cung cấp dịch vụ giao hành lý cho khách lưu trú tại các khách sạn thuộc tập đoàn tại thành phố Niigata và Morioka. Hành lý sẽ theo tàu cao tốc và chuyển đến Ga Tokyo cùng ngày với phí là 2.000 yen mỗi món. Du khách có thể lấy hành lý tại khu vực giữ hành lý của Ga Tokyo từ chiều muộn đến 8 giờ tối cùng ngày. Hãng cũng cho thuê ống nhòm, máy ảnh và tai nghe tại các tủ khóa hoạt động bằng tiền xu bên trong nhà ga. Mức phí dao động từ 1.980-2.480 yen trong 24 giờ.
Hiện dịch vụ đang được thí điểm tại các ga Tokyo và Sendai cho đến cuối tháng 2, trước khi triển khai toàn diện.
Theo Nikkei Asia, Japan Times
Ricky Hồ / BSA Media