Sống ở Mỹ dễ hay khó? – Phần 9: Sau giờ làm việc

Những hình ảnh rất phổ biến về cách nghỉ ngơi, thư giãn của người dân, có thể thấy ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Nguồn: Internet.

(Vietnamtimes) – Mấy tuần trước, gia đình tôi tổ chức một buổi tiệc nhỏ. Dự định mời nhiều bà con, bè bạn tới nhà, nhưng sau khi gọi, hỏi một vòng, danh sách chốt lại chỉ còn chưa đầy phân nửa, vì đang là giữa kỳ nghỉ hè, nên hết người này tới người kia mắc… đi chơi.

>> Phần 8: Hàng tiêu dùng và hàng “xách tay”

>> Kỳ 7: Vào bệnh viện Hoa Kỳ

Với những chuyến đi dài ngày, một số chọn khu vực Caribbean đầy nắng ấm, sang Châu Âu, xuống Nam Mỹ, hay về Việt Nam. Nhỉnh hơn một chút, họ có thể mua suất đi lòng vòng trên những siêu du thuyền khổng lồ, với chi phí không quá cao so với thu nhập. Tuy nhiên, lựa chọn nhiều nhất vẫn là du lịch nội địa Mỹ, bằng máy bay, hoặc trực tiếp lái xe…

Ở Mỹ, ngoài hệ thống biển, đảo, còn có 59 công viên quốc gia cùng các khu vực bảo tồn thiên nhiên, rải hầu khắp lãnh thổ. Với những địa danh lừng lẫy như: Yosemite, Grand Canyon, Yellowstone… Mỗi “khu vườn” như vậy bạn có thể đi hàng tháng không hết. Tuy nhiên, vào những mùa cao điểm, muốn cắm trại hay “định cư” ở đó vài ngày, bạn phải đăng ký từ khá sớm.

Mọi công viên quốc gia, khu bảo tồn đều là… của toàn dân, cũng như mọi du khách… Cảnh trí, dịch vụ ở những khu vực này hẳn các bạn đã thấy trên… internet, chắc khỏi phải mô tả thêm.

Nice weekend!

Trong một kỳ nghỉ, một gia đình có thể “lang thang” qua vài khu bảo tồn hay thắng cảnh như vậy. Lợi thế của dân Mỹ là gia đình nào cũng có xe hơi, ngoài xe nhỏ để đi làm, mỗi nhà thường có thêm một chiếc xe van, hoặc caravan để phục vụ cho việc đi chơi. Lịch nghỉ của trẻ em cũng rải đều trong năm, mùa nào cũng có những kỳ nghỉ khoảng 10 ngày, đủ thời gian để du ngoạn.

Hệ thống khách sạn, kể cả ở những thành phố du lịch nổi tiếng, giá cả không hề cao so với thu nhập. Lương một người làm trong một ngày là đủ để thuê khách sạn hạng khá ở một đêm. Cái cảnh cả gia đình trên một chiếc xe, lướt vèo vèo cao tốc liên bang, vợ chồng thay nhau lái, nó vô cùng… đã và cũng rất dễ thực hiện.

Nhà nào gần sông, hồ, biển… có thể mua thêm một chiếc xuồng, hay tàu nhỏ, chất lên mui hoặc kéo sau xe hơi đến điểm du ngoạn. Giá một chiếc xuồng cũng ngang ngang một chiếc xe, nên không phải thứ xa xỉ. Vì vậy, du lịch là việc… không phân chia đẳng cấp, anh là người lao động bình dân… tận đáy, hay “quý tộc” cao vời, khi trải nghiệm, hưởng thụ cuộc sống đều như nhau.

Cũng như việc lái xe xuyên bang, cái cảnh cả nhà ngồi trên một chiếc “du thuyền”, lướt trên mặt sóng, câu cá, phơi nắng, rồi tấp vô một cánh rừng, hạ trại, bày tiệc nướng, uống bia, đàn hát, nhảy múa thâu đêm, rồi chui vô lều ngủ là rất phổ biến.

Ngoài những cuộc đi chơi xa, trong bất kỳ khu vực nào, với bán kính mươi – mười lăm phút lái xe cũng đều có các công viên, khu cắm trại ở cấp độ nhỏ hơn, nhưng cũng đủ đi cả ngày không hết. Nói tới công viên ở Mỹ, sẽ có một hình dung khác với công viên ở các quốc gia khác. Ví dụ ở VN hay châu Âu, đó là các khu vườn được xây dựng, quy hoạch gọn gàng, với cây cối, hoa lá, lối đi…

Công viên ở Mỹ là các khu vực rừng cây, hồ nước, đầm lầy, sông ngòi… tự nhiên, được bảo tồn kỹ lưỡng. Họ chỉ xây những lối đi bộ, hay đạp xe vòng vèo giữa rừng. Lâu lâu lại có một cụm nhà trưng bày di tích, phòng triển lãm thực động vật, khu vui chơi thiếu nhi… nằm ẩn hiện trong tán rừng.

Ở các công viên này thường có hồ, sông… bạn có thể mua ở siêu thị những chiếc xuồng chèo tay hai người ngồi, giá tầm hơn một trăm đến hai trăm đô một chiếc. Mỗi nhà hai ba chiếc, cùng nhau chèo thuyền lắt léo vô sông suối. Hoặc bạn cũng có thể thuê xuồng chèo trong vài giờ, với giá mềm.

Khung cảnh ở những công viên này đã hoàn toàn khiến bạn có thể… ngất ngây, chớ chẳng cần đi đâu xa, nhất là vào những ngày xuân với hoa dại nở bạt ngàn, hay mùa thu vàng lá. Ngoài công viên còn có các khu giải trí theo chủ đề, các khu phố cổ, trang trại, hoặc đơn giản là những cánh đồng mênh mông ven đường… Chỗ nào cũng có thể lựa chọn để rong chơi, thư giãn…

Từ công viên quốc gia, tới công viên khu vực, rồi tới chính… khu nhà của mình. Ở hầu khắp các khu, kể cả các khu chúng cư, đều có các công viên nhỏ, với các mảnh rừng, hồ nước, nhà cộng đồng, khu tập thể thao, hồ bơi, sân chơi thiếu nhi… Bạn có thể dạo bộ, đạp xe, vận động thư giãn trong bầu không khí tĩnh lặng, trong trẻo…

Và cuối cùng là đến chính căn nhà của mình. Cấu trúc mỗi căn nhà biệt lập luôn có khoảng không gian quan trọng ở phía sau, với mảng cỏ, cây xanh, vườn hoa và mái hiên (patio) rộng đủ chỗ cho hàng chục bạn bè tới chơi. Nhiều nhà còn có rừng nối tiếp sân sau (ngay nhà mình, mới nhập cư, nghèo vậy mà cũng có, hihi), hoặc hồ bơi riêng. Dân Mỹ luôn coi trọng những ngày nghỉ cuối tuần.

Câu chúc rất dễ nghe thấy là: Nice weekend – Cuối tuần vui vẻ! Vào ngày cuối tuần, không lạ nếu thấy trước một căn nhà nào đó, xe hơi đậu dày đặc, tràn sang trước các nhà hàng xóm, không khí náo nhiệt hơn bình thường, có thể nghe tiếng nhạc văng vẳng, tiếng… cụng ly, đàn hát tới khuya.

Và hầu hết đều được thông cảm, nhà bạn vui bữa nay, nhà tui vui bữa mai, weekend mà. Trong một cuộc vui cuối tuần thường có món thịt nướng, vì vậy nhà nào cũng có một cái lò nướng để cố định nơi sân sau.

Bia Mỹ có giá ngang bia ở VN và dân Mỹ uống bia thuộc hàng vô địch thế giới, không phân biệt nam nữ. Tuy nhiên, nhà nào đi dự tiệc cũng phải chừa lại một thành viên… không uống nhiều, hoặc uống đủ… ít, để… lái xe ra về. Vào mùa có bóng đá, hay các sự kiện thể thao vào buổi chiều, ngồi nơi sân sau với tiệc nướng, bia lạnh, coi sự kiện trên màn hình tivi lớn với bạn bè, nó… đã gì đâu! Hihi…

Chiếu phim tại gia

Ngoài cách giải trí như du lịch, dã ngoại, nhậu weekend, dân Mỹ còn rất nhiều lựa chọn giải trí khác như nghe hòa nhạc, xem kịch, đến thư viện, tới bảo tàng… mấy vụ này không nói làm gì, điều mình muốn kể đó là một cái thú khá phổ biến: Coi phim.

Trước đây, tôi khá lạ khi biết, hệ thống rạp chiếu phim ở Mỹ có phần không mấy hiện đại, so với ở… VN. Công nghệ chiếu phim vô địch cũng ở Hàn Quốc chớ không phải Mỹ. Việc tới rạp coi phim cũng không phải là lựa chọn… rộn ràng của dân Mỹ…

Khi sang Mỹ tôi mới hiểu, bởi các căn nhà ở Mỹ quá rộng, hệ thống chiếu phim tại gia ở Mỹ vô cùng phổ biến. Với khoản kinh phí khoảng… 2 tháng lương lao động bình dân, bạn đã có thể “cài đặt” một “rạp” chiếu phim “khủng” ngay tại nhà. Mình đã từng tới nhà một anh bạn, hai vợ chồng nằm ghếch giò trên một “vật thể” nửa giường nửa ghế, với… bia và mồi cạnh bên.

Trước mặt là một màn ảnh rộng khoảng 5 mét bề ngang, 3 mét chiều cao… đang chiếu một cuốn phim cực nét, với giàn âm thanh đánh… rung tim phổi (nhưng ở phòng bên cạnh vẫn không ồn). Với cách thức coi phim như vậy, người ta đến rạp làm chi nữa?

Tóm lại, dân Mỹ làm việc hết mình, nhưng mức độ giải trí, thư giãn, hưởng thụ cũng “hết ga”. Phạm vi một bài viết không sao đề cập đủ.

>> Phần 6: Mua nhà

>> Phần 5: Kiếm tiền


Chớ cưỡi ngựa xem hoa

Hầu như không ai có thể tự mình lập một bộ hồ sơ cho mình, cũng như gia đình để di trú sang Mỹ. Các bạn hầu như chắc chắn phải thông qua sự tư vấn của một văn phòng di trú, hay luật sư. Tuy nhiên, để tìm được một nơi xứng đáng “chọn mặt gửi vàng” lại không hề đơn giản. Thay đổi cuộc sống của cả một gia đình, với những hy sinh rất lớn, dồn vốn liếng cả cuộc đời vào một sự lựa chọn.

Nếu “thắng” cũng chưa hẳn đã “ngon ăn”, với vô vàn khó khăn còn đợi chờ trước mặt; còn nếu “thua” tất cả sẽ giống như một cơn lốc thổi qua mái nhà của bạn, không biết tái khởi động cuộc sống trên nền đổ nát cũ – cả tinh thần lẫn vật chất như thế nào?… Vì vậy, phải thực sự cẩn trọng hết-hết-hết mức.

Có một thuận lợi, đó là hôm nay chúng ta có internet, có vô vàn các nhóm, các “kênh” để điều nghiên kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ, để lắng nghe, cân nhắc trước mọi nguồn thông tin. Nếu có điều kiện hơn nữa, chúng ta hãy tìm cách sang Mỹ thực địa một chuyến. Không đi theo kiểu du lịch, cưỡi ngựa xem hoa, mà hãy ở lại ít ra vài tuần lễ. Tự mình thử… lang thang đi tìm việc làm, đi gõ cửa hỏi mua nhà, đi thăm kiếm trường học cho con cháu…

Hoặc chúng ta có bà con, họ hàng, anh em, bè bạn thật thân thiết, hãy gặt hái mọi thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực từ họ. Sau khi xác định mọi thứ rõ ràng rồi, chúng ta cũng cần xác định cho mình một phương cách cân bằng tâm lý: Nếu đi được thì tốt, còn nếu hồ sơ bị từ chối, hãy coi đó là một lần… thi rớt học kỳ.

Vì vậy, để khởi đầu, các bạn hãy lên Goolge cụm từ khóa: “Các loại visa di trú Mỹ”. Kết quả sẽ hiện ra ngay, từ E, B, C, F, L… Và trong mỗi “chữ cái” ấy lại kèm theo số hiệu chia nhỏ phía sau. Và đừng mất kiên nhẫn, bạn hãy bỏ có thể vài tuần, vài tháng, lần theo từng diện chia nhỏ ấy và tìm hiểu tất cả. Cùng đó, bạn hãy lập một bảng biểu, lọc ra những điểm cần nhớ.

Sau đó bạn ghi chú những diện có vẻ gần nhất với khả năng đi của mình. Đừng nghĩ việc này là lẩn thẩn. Phải tuyệt đối biết hầu đủ các thông tin, rành rẽ diện đi của mình qua nhiều nguồn, nhiều nhân vật, nhiều bè bạn. Tuyệt đối không “đặt số mệnh” theo kiểu… chỉ nghe nói và không biết gì nhiều!

Có rất nhiều văn phòng di trú, luật sư, trong nước và phía Mỹ giỏi về vấn đề di trú. Chắc chắn bạn phải cần đến sự giúp đỡ của họ, không ít thì nhiều.

— Nguyễn Danh Lam