Chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men” diễn ra chiều 19/4, do Hội DN HVNCLC phối hợp cùng công ty Sông Hương Foods tổ chức, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods “bật mí”, dự kiến trong tháng 5 này một container với 20 dòng sản phẩm như mắm cà pháo, mắm ruốc Huế, mắm nêm pha, mắm tôm Bắc, mắm cá sặc, mắm cá lóc, kim chi, dưa món…. sẽ được Sông Hương Foods xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods cho biết.
“Container với 20 dòng sản phẩm này được xuất khẩu qua công ty CTWS Group”, ông Tuấn nói.
Theo Tổng giám đốc Sông Hương Foods, hiện nay, riêng cà pháo, đội ngũ của Sông Hương Foods đã nghiên cứu, chế biến và sản xuất được 6 dòng sản phẩm: cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay. Đây là những món được lên men tự nhiên, bằng quy trình lên men truyền thống cải tiến, với thời gian lên đến 21 ngày để đảm bảo tạo ra sản phẩm cà pháo an toàn, ngon vị, có độ chua, ngọt, giòn đậm đà từ gia vị thiên nhiên.
Ông Tuấn còn cho biết, từ khi đại dịch bùng phát năm 2020 đến năm 2021, lượng hàng tiêu thụ cà pháo tăng vọt so với ngày thường, do sự tiện lợi, an toàn, dễ ăn. Cụ thể, trong một năm, doanh thu từ cà pháo của Sông Hương Foods là 30 tỷ đồng. Hiện tại đơn vị này đã đầu tư nhà máy chuyên sản xuất và chế biến những món liên quan đến cà pháo và nhà máy đang chuẩn bị khởi công xây dựng ở tỉnh An Giang.
Kỳ vọng cà pháo vươn tầm như kim chi Hàn Quốc
Trong khi đó, thông tin tại tọa đàm, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương kỳ vọng rằng, tương lai cà pháo sẽ trở thành món ăn được cả thế giới biết đến như kim chi của Hàn Quốc. Cà pháo muối, cà pháo lên men là một món ăn dân dã, quen thuộc của người Việt. Khi xã hội phát triển, dù có nhiều món ngon, vật lạ, nhưng những món ăn lên men như cà pháo vẫn hiện diện trong không ít trên mâm cơm mỗi gia đình người Việt.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho biết cà pháo muối chua hay lên men là một món ăn tổng hòa của chất đạm, béo, đường bột, vitamin… Quả cà không chỉ là một món ăn mà còn là hình ảnh nói lên tình cảm gia đình.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cũng chỉ ra cách phân loại cà, chọn cà pháo, các phương pháp chế biến nào được áp dụng, yếu tố giúp cho quả cà muối chua được trắng, giòn, không bị mốc và cách giữ vại cà được lâu mà không bị hư. Cụ thể, nếu chọn quả non quá thì chất dinh dưỡng chưa được tạo thành đầy đủ, hàm lượng tinh bột, đường nhất là xơ chưa đủ thì quả cà sẽ bị mềm ăn không ngon. Quả cà pháo già quá thì có nhiều hạt cứng, khó tiêu hoá, ăn sẽ dai vì xơ nhiều, chưa kể chất dinh dưỡng cũng bị giảm sút.
Món cà pháo muối chua nên dùng nước để muối cà cho nhanh là nước ấm (bởi vi khuẩn lên men chua là vi khuẩn lactic có nhiệt độ sống thích hợp khoảng 30 độ C). Nếu dùng nước lạnh thì vi khuẩn này sẽ hoạt động chậm, còn nếu nước nóng quá sẽ làm chết vi khuẩn lactic và sự lên men khó xảy ra.
Bà Sương cũng cho hay theo kinh nghiệm dân gian khi muối cà pháo thường cho thêm một ít gia vị có tinh dầu thơm như tỏi, riềng… Nguyên nhân là khi dưa cà đã chua thì tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, chất kháng sinh có sẵn trong tỏi là alicin sẽ ngăn không cho nấm mốc tự do phát triển.
Tôi thường hay dùng mắm ruốc của Sông Hương Foods nấu cho các nhà hàng nước ngoài, nay được nghe về quy trình sản xuất cũng như những giá trị dinh dưỡng tôi thấy rất yên tâm, nhưng lại thấy hơi tiếc vì sản phẩm chưa đến được với nhiều nhà hàng, đầu bếp. Tôi hy vọng làm sao Sông Hương Foods có thêm các chương trình phổ biến, tiếp thị để sản phẩm tiếp cận tốt hơn đến tận các tay các nhà hàng và các đầu bếp”, bà Sương cho hay.
Trong khi đó, với PGS.TS Trịnh Khánh Sơn – Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, cà pháo và nhiều nông sản khác khi lên men mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
Theo ông Sơn, cà pháo là món ăn có nhiều ý kiến trái chiều khi ăn, người nói tốt, người nói không. Tuy nhiên, tốt hay không tốt, phải có nghiên cứu, phải có số liệu, phải dựa trên sự lâu đời sản phẩm.
PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn cho rằng trên phương diện truyền thống, sản phẩm nào lâu đời thường sản phẩm đó tốt nhiều hơn xấu. Vì tốt nên lâu đời, mà cà pháo và những sản phẩm lên men đã có từ xa xưa.
Mặt khác, với những thống kê nghiên cứu khoa học chính thống, cà pháo có những dưỡng chất tốt và cà lên men giúp loại bỏ những chất không tốt trên cà pháo thông qua việc lên men, trở thành sản phẩm có lợi cho người sử dụng. Chẳng hạn, hạt đậu nành, khi ăn sống không tốt, nhưng nấu chín và lấy sữa hay lên men làm khuông đậu non lại rất tốt.
Công ty Chế Biến Thực Phẩm Công Nghệ Sông Hương – Sông Hương Foods
Sông Hương Foods (SHF) là nhãn hiệu thực phẩm đóng gói với hơn 25 năm mang tâm niệm trân quý và bảo giữ bản sắc ẩm thực truyền thống quê hương Việt. Tiền thân là cơ sở chế biến thực phẩm Sông Hương ra đời năm 1996 với 03 nhân công đầu tiên. SHF đã liên tục đổi mới, phát triển trở thành Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Công Nghệ Sông Hương với hơn 200 công nhân và một nền tảng các mạng lưới phân phối rộng khắp, thông qua hệ thống kênh siêu thị (Co-op mart, Big C, Aeon, Metro, Lotte Mart, Citimart, KingFood); hệ thống các cửa hàng tiện lợi (Bách Hoá Xanh, Vin Mart,..) cùng hệ thống các đại lý & nhà cung cấp thực phẩm trải dài 62 tỉnh thành Việt Nam.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, bữa-ăn càng ngày càng có ý nghĩa, mang đậm tính đoàn viên, mở lòng, chia sẻ, bày tỏ thân tình giữa các thành viên trong gia đình, trong công sở, trong nhóm thân hữu,hội, đoàn… Sông Hương Foods (SHF) lại chuyển mình, tích cực trong ý thức đổi mới để trở thành một thương hiệu thực phẩm An Toàn, Ngon Vị và Tiện Lợi; đem đến sự Yên tâm, Mãn Nguyện và Thoải mái; giúp người tiêu dùng thắt chặt những mối quan hệ thân tình qua từng bữa-ăn…
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
Trần Quỳnh