Trang trại nuôi bào ngư của công ty Rare Foods Australia (RFA) ở bang Tây Úc (Western Australia) đang thu hút những người sành vang với một sản phẩm độc đáo. Loại rượu được ủ dưới đáy đại dương xanh thẳm nằm ở bờ biển tây nam của nước Úc.
Tại địa điểm ủ rượu, cách thành phố Busselton 90 phút lái xe, nhiệt độ nước luôn ở mức thấp quanh năm, dao động từ 16oC đến 20oC, giống môi trường của hầm rượu. Rượu được ủ trong chai suốt 12 tháng ở độ sâu 15-20m dưới mặt biển. Sóng biển và áp suất khiến men tác động lên rượu khác với hầm rượu, tạo ra hương vị phức tạp và êm dịu hơn. Không phải sử dụng điện để kiểm soát nhiệt độ là một điểm cộng nữa của quá trình này.
Theo thời gian, các chai rượu bị hàu và các sinh vật biển khác bao phủ, tạo cho chúng một vẻ ngoài độc đáo. Nhiều người mua – phần lớn là những nhà sưu tập và những người yêu thích loại rượu này – thích chọn những chiếc chai vẫn còn hàu và sinh vật biển bám ở trên.
Ocean Signature được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2020 và được bán vào tháng 11-2023, với 2.300 chai đã được bán cho đến nay, nhiều chai được làm quà tặng. Giá bắt đầu từ 150 đô la Úc (96 đô la Mỹ) mỗi chai. Do nguồn cung hạn chế, RFA đã hạn chế quảng cáo.
Augusta, thị trấn nhỏ nơi RFA đặt trụ sở, có dân số khoảng 6.600 người. Nó nằm gần điểm cực nam và tây của đất nước và khách du lịch đổ về đó từ tháng 6 đến tháng 8 để ngắm cá voi. Theo truyền thông Úc, đây là khu định cư lâu đời thứ ba ở Tây Úc.
Được thành lập vào năm 2011, RFA chủ yếu là nhà sản xuất bào ngư và đặc biệt nổi tiếng với bào ngư môi xanh chất lượng cao, được đặt tên theo màu xanh của nó. Nhuyễn thể con từ trại giống của RFA được gắn vào các khối bê tông chìm trong vùng biển có cá mập và rùa biển sinh sống. Bào ngư sẽ được thu hoạch sau khi nuôi 4-5 năm.
“Chúng tôi không sử dụng đại dương để tạo ra sản phẩm mới, nhưng chúng tôi đang làm việc với đại dương để tạo ra sản phẩm độc đáo cho mọi người thưởng thức.” Simon Hanley, tổng giám đốc bán hàng và tiếp thị của RFA cho các sản phẩm từ hầm biển cho biết.
RFA mở rộng sang lĩnh vực rượu vang được ủ từ đại dương vì đã có sẵn đội thợ lặn và đội tàu của trang trại bào ngư. Nhóm thợ lặn khoảng 10 người phải lặn xuống đáy biển kiểm tra rượu mỗi ngày.
Tháng 5 này, RFA sẽ tiến hành đợt thử nghiệm mới cùng với một nhà rượu của Pháp. Những chiếc thùng vang nặng 300kg sẽ được thả xuống biển. Trong thùng đã có sẵn rượu đã lên men một lần, đợt lên men lần hai được hy vọng sẽ tạo nên hương vị mới. Sau sáu đến chín tháng, các thùng rượu sẽ được vớt lên, chiết xuất và đóng chai. Dự kiến sẽ có 13.000 chai vang mới từ đợt này.
RFA lấy nguồn rượu vang từ vùng rượu vang sông Margaret, cách Augusta nửa giờ lái xe. Công ty có kế hoạch mở một nhà hàng gần trụ sở chính, nơi khách hàng có thể thử cả rượu và bào ngư.
Kỹ thuật ủ rượu dưới đáy biển gợi nhớ về những rương gỗ màu sậm trong những chiếc tàu đắm dưới đại dương. Kể từ năm 2010, khi những chai vang gần 200 tuổi được chôn vùi dưới đáy biển được khai quật và vẫn giữ được mùi vị tuyệt hảo, các nhà vang trên thế giới lại càng chú ý đến kỹ thuật ủ rượu dưới đáy biển. Các nhà sản xuất rượu sake của Nhật Bản xem kỹ thuật này là cách giữ chân những khách hàng vẫn muốn thưởng thức hương vị sake truyền thống nhưng vẫn thích, nhưng vẫn thích những hương vị ngọt ngào mới được hình thành qua nhiều tháng ủ dưới đáy biển.
Theo Nikkei Asia, Club Oenologique
Ricky Hồ / BSA Media
https://bsa.org.vn/an-do-va-asean-thang-hang-trong-chuoi-cung-ung-quoc-te/