Tối ngày 25/09/2021, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam (VATFI) cùng Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) phối hợp tổ chức, tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nước mắm truyền thống – minh bạch và vượt khó”. Tại đây, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã đưa ra nhiều bài học ứng phó trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.
Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống không còn bán trên thị trường
Bà Ong Thị Kim Ngân – Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác hải sản & Chế biến nước mắm Thanh Hà, cho biết hiệp hội đã khảo sát về tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống Phú Quốc.
“Doanh nghiệp nước mắt truyền thống Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19, như chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng hóa sản xuất ra không giao được cho khách hàng. Nguyên vật liệu, bao bì không về được nhà máy do việc “ngăn sông cấm chợ”, giấy đi đường, giấy phép… hoặc do nhà cung cấp, đối tác bị phong tỏa, ngừng sản xuất”, bà Kim Ngân cho biết.
Cùng với đó, một số loại chi phí, và việc thiếu hụt nguyên liệu trên thế giới đã đẩy giá tăng cao. Cụ thể, giá bao bì tăng từ quý 4/2020, trung bình mỗi quý đến nay tăng từ 10 – 15%. Nhất là các loại bao bì liên quan về nhựa và giấy.
Bà cũng cho biết doanh thu của các doanh nghiệp Phú Quốc sụt giảm từ 30 – 50% từ tháng 1/2021 đến nay. Đặc biệt, khi dịch bùng mạnh từ đầu tháng 7, có những hộ sản xuất nước mắm truyền thống chỉ cung cấp nguyên liệu là chính, không có thương hiệu phân phối ra thị trường, không có doanh thu nào. Lý do bởi các chợ truyền thống bị đóng cửa và nhiều siêu thị bị phong tỏa.
Trong khi đó, chương trình bán hàng theo combo tại TPHCM, nước mắm truyền thống khó bán vì mặt hàng trong combo là hàng bình dân, giá rẻ. Trong khi nước mắm truyền thống là mặt hàng đặc sản, giá cao hơn, nên ít người lựa chọn. Nên nước mắt truyền thống không nằm trong gói bán hàng này.
Với các doanh nghiệp nhà thùng nhỏ, cung cấp nguyên liệu cũng gặp khó vì khách hàng ngừng hoạt động do không đáp ứng được các quy định 3 tại chỗ. Hoặc chính doanh số của khách hàng cũng bị giảm, nên họ không nhập hàng, bà Kim Ngân cho hay.
Doanh thu giảm, nhưng chi phí hoạt động lại tăng cao, bởi doanh nghiệp nào hoạt động phải đáp ứng được những quy định, điều kiện về 3 tại chỗ, xét nghiệm định kỳ với cán bộ nhân viên. Riêng với nhân viên giao nhận thì phải test 3 ngày mỗi lượt nên đội chi phí rất cao.
Đồng tình với bà Kim Ngân về những khó khăn trên, ông Lê Trần Phú Đức – Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Nước mắm Phan Thiết chia sẻ.
Các nhà sản xuất nước mắm Phan Thiết thường mua cá vào 3 tháng vụ chính trong năm. Khi Covid -19 xảy ra, Phan Thiết ra chỉ thị 16 đúng vụ đánh bắt cá, nên việc phong tỏa kiểu chặt cứng không đi làm được.
“Nên trong hai tháng liên tiếp chúng tôi không thể mua nguyên liệu. Tháng 9 mới nới lỏng cũng là cuối mùa thu mua cá, nên sản lượng mua được không đáng kể để ủ chượp cho vụ cá tới đây”, ông Đức cho biết.
Linh động biện pháp ứng phó của doanh nghiệp nước mắm truyền thống
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Vũ Văn Cao – nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Dịch vụ Thủy sản Cát Hải cho biết, nước mắm Cát Hải có 3 đặc điểm chính: cho muối nhiều lần, phơi nắng đánh khuậy, và bổ sung thêm nước lã. Trong mùa Covid này cũng bị ảnh hưởng, nhưng chỉ khoảng 10%.
“Chúng tôi luôn phải thích ứng với cơ chế của các tỉnh để đưa hàng đi trong mùa dịch”, ông Cao nói.
Trong khi đó, bà Kim Ngân kể lại kinh nghiệm của Thanh Hà: “Covid -19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ, thành lập một Ban an toàn Covid tại doanh nghiệp. Ban này phụ trách các vấn đề về phòng chống dịch. Đồng thời cũng chăm lo cho công nhân, từ cung cấp thực phẩm, thuốc men…”.
Để giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu, nước mắm Thanh Hà đã điều chỉnh kế hoạch thu mua và tồn kho.
“Trước đây, khi nào cần thì mới mua, nhưng từ năm 2020 đã thay đổi, tăng tỉ lệ tồn kho dự trữ để đảm bảo cho sản xuất luôn được duy trì. Đồng thời lập thêm một kho phụ và tách bộ phận giao nhận ra khỏi khu vực sản xuất. Vì giao nhận là bộ phận có rủi ro nhiễm bệnh, nếu vào trong phân xưởng sẽ nguy cơ cao”, bà Kim Ngân nói.
Với ông Lê Trần Phú Đức lại có cách làm riêng. Thời gian dịch, doanh nghiệp ông tập trung vào chiều sâu, chăm lo chất lượng bao bì sản phẩm.
“Chúng tôi làm chai tốt hơn cho phù hợp với quy trình tự động, thay đổi nắp chai để sau này khách hàng thấy rằng, dù dịch bệnh nhưng công ty vẫn chỉn chu chăm lo cho sản phẩm tốt nhất. Qua đây, người tiêu dùng thấy họ được quan tâm hơn và họ tin dùng, quảng bá cho sản phẩm của mình sau này. Mùa dịch chúng tôi cũng khuyến khích cho nhân viên, cộng tác viên đưa hàng lên bán hàng online”, ông Đức cho hay.
Cần ứng dụng chuyển đổi số cho nước mắm truyền thống
Có một thực tế được doanh nghiệp nêu ra trong buổi tọa đàm, là họ còn yếu và thiếu trong việc áp dụng chuyển đổi số, số hóa hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh trong ngành nước mắm.
Về vấn đề chuyển sang ứng dụng số hóa, ông Lê Trần Phú Đức cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc công ty làm ghi chép thủ công là chính, theo hướng dẫn từ ngành nông nghiệp.
Cũng như vậy, ông Vũ Văn Cao nhìn nhận rằng, ứng dụng số hóa của nước mắm Cát Hải hiện nay đang chậm so với các doanh nghiệp khác, có làm nhưng rất khiêm tốn và vẫn làm thủ công nhiều.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nghệ An đem tới cho doanh nghiệp nhiều động lực làm chuyển đổi số trong ngành nước mắm.
Ông Thanh Hùng nói: “Hiện chúng tôi đã ứng dụng một số giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học bằng thảo dược, giúp tận thu được axit amin và chất dinh dưỡng trong chượp cá. Ứng dụng truy xuất nguồn gốc bằng QR Code, biết được cá khai thác ở ngư trường nào, tàu khai thác, có cấp phép từ chính quyền không, hình thức khai thác… Ngoài ra chúng tôi còn áp dụng mã vạch từ nhiều năm nay (1998), và có bảo hộ SHTT độc quyền. Người dùng chỉ cần điện thoại thông minh quét mã vạch là biết được hết thông tin sản phẩm, nhà sản xuất”.
Từ những chia sẻ trên, Tiến sĩ Trần Thị Dung – Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cho hay, doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống còn lạc hậu trong việc chuyển đổi số. Sắp tới Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ phối hợp với các Hội, mời thêm chuyên gia, chia sẻ về cách chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành viên.
Hiệp hội đã làm tiêu chuẩn cơ sở cho các công ty nước mắm truyền thống và đang đẩy mạnh làm tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm truyền thống. Về phía người tiêu dùng, sau khi đăng ký thành công bảo hộ về logo, sẽ đưa ra một chuẩn chung để những ai là hội viên làm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn được dùng logo này. Hiệp hội cũng đang xây dựng trang web riêng của Hiệp hội.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh