Đồng Tháp và An Giang bắt tay thí điểm mô hình hợp tác mới
Tại Diễn đàn Mekong Connect ngày 24/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã giới thiệu một mô hình hợp tác mới giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang từ công tác quy hoạch đến kêu gọi đầu tư. Một mô hình gợi mở nhiều tiềm năng cho ABCD Mekong và TP.HCM nói riêng cũng như cả vùng ĐBSCL nói chung.
Dẫn lại câu cách ngôn nổi tiếng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định lại một lần nữa: “Liên kết” là chìa khóa quan trọng, là xu thế tất yếu để đi tới thành công. Diễn đàn Mekong Connect là một minh chứng cho nỗ lực liên kết này giữa các tỉnh ABCD Mekong và TP.HCM cũng như toàn vùng ĐBSCL.
Nằm trong xu thế liên kết, phát triển đó hai tỉnh láng giềng thượng nguồn sông Mekong Đồng Tháp và An Giang quyết định bắt tay nhau trong một mô hình hợp tác mới để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế và giá trị tài nguyên sẵn có của hai địa phương. Vào ngày 29/4/2022 lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang thực hiện ký kết “Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đây sẽ là bước mở đầu cho các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang trong các lĩnh vực như: Hợp tác phát triển liên kết vùng, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Hợp tác đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển chung cho các tỉnh trong vùng và cho vùng; Hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư khu vực biên giới; Hợp tác phát triển logistics, công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại; Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, OCOP; đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác phát triển trên các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường…
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, để cụ thể hóa chương trình hợp tác này, đến nay UBND tỉnh Đồng Tháp đã đẩy nhanh công tác thực hiện quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, khẩn trương triển khai thực hiện các liên kết vùng theo định hướng của Chính phủ (trung tâm vùng, quy hoạch vùng, Hội đồng vùng) nhằm đầu tư kết nối trục phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Chú trọng đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng trọng điểm về kinh tế: TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ… trong đó đang khẩn trương triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.
Về hoạt động hợp tác kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, hiện hai địa phương đang nghiên cứu đầu tư các dự án trọng điểm, quy mô lớn tác động kinh tế – xã hội, cụ thể đã kết nối, mời gọi Công ty Cổ phần NovaGroup và Tập đoàn Sokimex đến nghiên cứu đầu tư một số dự án trọng điểm tại khu vực kinh tế biên mậu, bước đầu các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City) thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) và huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng như đồng hành trong ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Novagroup và Tập đoàn Sokimex để cùng nhau triển khai thực hiện các dự án tại khu kinh tế biên mậu giữa Đồng Tháp, An Giang và Campuchia. Trong đó, Dự án thành phần “Khu đô thị thông minh Rồng Xanh” thuộc Dự án Mekong Smart City là một trong những dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của Tỉnh có thể triển khai thực hiện các thủ tục về đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm 2023.
“Để Nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật, từ đó tạo nên những lý do để nhà đầu tư chọn đầu tư vào khu vực kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp nói riêng và khu kinh tế biên mậu Đồng Tháp – An Giang nói chung, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư để nắm bắt mong muốn, nhu cầu thực tế và tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới để kịp thời kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét” – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.
Nằm trong nhóm ABCD Mekong, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang được biết đến là hai tỉnh láng giềng có vị trí ở thượng nguồn sông Mekong, là trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn: TP.HCM, TP Cần Thơ và Thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia, cửa ngõ giao thương có từ lâu đời giữa vùng ĐBSCL. Cả hai địa phương đều là những vùng đất trù phú của ĐBSCL với nhiều lợi thế và tiềm năng về nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản dồi dào, phù hợp cho việc phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và phát triển các chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp. Nếu như tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều nông sản đặc trưng như gạo, mận, xoài, sen, hoa kiểng,…. thì tỉnh An Giang lại được biết đến là một trong những tỉnh dẫn đầu về lượng rau màu cung ứng cho thị trường khu vực.