Dù ông Trump hay ông Biden, Việt Nam phải đối diện thực tế mới
Không chỉ ở Hoa Kỳ, mà cả thế giới đang nín thở theo dõi và chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống nước này, trong đó có Việt Nam và các nước châu Á khác.
Trái ngược với mối quan hệ đối đầu giữa hai nước mà Tổng thống Donald Trump chủ trương, người Trung Quốc lại mong mỏi ông Trump thắng. Ngay cả giới doanh nhân và du học sinh cũng vậy, và họ cũng hy vọng các chính sách về visa sẽ được nới lỏng. Họ cũng tin chính sách hiện nay của ông Trump sẽ giúp người tài Trung Quốc quay trở về đại lục, làm người Trung Quốc tự tin hơn và xé toạc liên minh chống Trung Quốc mà Hoa Kỳ lãnh đạo bấy nay.
Nhưng có lẽ chúng ta phải quan tâm hơn chuyện Trung Quốc, đến chiến lược, kế hoạch 5 năm tới của nước này vì chiến lược này ảnh hưởng trực tiếp lên kinh tế cũng như xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
“Tuần hoàn kép” và viễn cảnh phát triển năm 2035
Từ ngày 26 – 29/10, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gần 400 Ủy viên Trung ương.
Kết quả hội nghị: giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc phải thành công trong 6 lĩnh vực chính là phát triển kinh tế, cải cách mở cửa, văn minh xã hội, văn minh sinh thái, phúc lợi cho người dân và quản trị quốc gia hiệu quả. Và 12 giải pháp được đề ra, trong đó sáng tạo và tự lực tự cường về khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu, để hiện đại hóa và phát triển Trung Quốc.
Họ cũng chính thức đưa khái niệm “tuần hoàn kép” chỉ đạo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới. Nội hàm của khái niệm này gồm hai phần: “tuần hoàn trong nước” và “tuần hoàn quốc tế”, trong đó tuần hoàn trong nước tập trung vào thị trường nội địa và tuần hoàn quốc tế là giao thương với bên ngoài. Trung Quốc tập trung đẩy mạnh nhu cầu nội địa và tận dụng thị trường trong nước, tập trung nâng cao năng lực tự cung tự cấp.
Rõ ràng, kế hoạch 5 năm tới là đầy tham vọng với chủ trương “tập trung đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và mở cửa hơn nữa với bên ngoài”. Kể cả trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cũng như Tầm nhìn đến năm 2035, các vấn đề về đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và mở cửa đều được Trung Quốc hết sức quan tâm. Trong 12 nhóm giải pháp thì sáng tạo và tự lực tự cường về khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu. Nhóm giải pháp thứ ba được nhấn mạnh là: hình thành thị trường trong nước lớn mạnh, thiết lập cục diện phát triển mới với nền tảng chiến lược là mở rộng nhu cầu nội địa, thúc đẩy “tuần hoàn kép”, tức nâng cao năng lực tự cung tự cấp.
Điều đó cho thấy, trước những khó khăn do quan hệ với Hoa Kỳ và các nước có những căng thẳng phức tạp, hiện nay, Bắc Kinh đã có “nhận thức chuẩn xác sự thay đổi, đối phó khoa học với thay đổi và chủ động thay đổi”.
Ba từ khóa cho 5 năm tới
Đầu tiên là “tự lực cánh sinh”. Trong kế hoạch 5 năm này, Trung Quốc sẽ tăng tốc thúc đẩy một mô hình phát triển mới, trong đó thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy lẫn nhau trong khi thị trường trong nước vẫn là trọng tâm. Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang phát triển trong nước và đặt trọng tâm mới vào việc theo đuổi tự lực . Đây là một sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược từ cách tiếp cận “cải cách và mở cửa” vốn là trọng tâm trong bốn thập kỷ.
Từ khóa thứ hai là “công nghệ”. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nói rõ rằng ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì vai trò trung tâm của đổi mới trong quá trình hiện đại hóa đất nước và thực hiện chiến lược phát triển dựa trên đổi mới. Trung Quốc quyết tâm trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới với sức thống trị trong các công nghệ cốt lõi là điều cốt yếu để đảm bảo ưu thế.
Từ khóa thứ ba là “chất lượng”. Không có mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong kế hoạch 5 năm nữa. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có tham vọng lớn. Các nhà lãnh đạo nước này đã dự đoán rằng GDP bình quân đầu người của đất nước sẽ đạt mức của các nước phát triển vừa phải vào năm 2035. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ nỗ lực rất nhiều để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Việc chú ý ông Trump hay ông Biden thắng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam thế nào, có lẽ, cũng không quan trọng và bức bách bằng câu hỏi lớn: “Nếu Trung Quốc đẩy mạnh tự cung tự cấp cho thị trường nội địa, giảm mạnh nhập khẩu, nhất là những sản phẩm ít hàm lượng công nghệ, thì nền xuất khẩu của ta, trong đó 80% thị trường xuất khẩu nông sản của ta là Trung Quốc sẽ ra sao? Việc mua nguyên liệu Trung Quốc sắp tới cho công nghiệp sẽ thay đổi ra sao?…”