Những sản phẩm như mứt dừa, cơm dừa, hay dừa sấy khi người tiêu dùng nhìn vào thấy có màu trắng, đẹp mắt, thường người sản xuất cho vào đó một số chất. Trong chuyên môn người ta nói là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm.
Câu hỏi đặt ra chất đó gọi là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm? Việc phân biệt này rất quan trọng, bởi nếu gọi là phụ gia thực phẩm thì nó phải được ghi nhãn lên sản phẩm. Còn nếu là chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thì không cần ghi tên lên nhãn.
Bà Hồ Ngọc Phương Thảo, chuyên gia Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho biết như thế tại khóa đào tạo về: “Ghi nhãn thực phẩm thị trường nội địa và lập hồ sơ tự công bố thực phẩm”, tổ chức tại Hội DN HVNCLC trong hai ngày 10 – 11/4/2023.
Trong câu chuyện trên, bà Thảo cho biết, hỗ trợ cho sản phẩm gọi là phụ gia thực phẩm, còn chất hỗ trợ cho công nghệ chế biến được gọi là chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Chất này đôi khi được đưa vào trong thực phẩm và đi ra khỏi thực phẩm. Tuy nhiên có những chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vẫn còn lại trong thực phẩm.
Như vậy, doanh nghiệp phải hiểu thật rõ những phân biệt trên, để ghi như thế nào cho đúng với quy định trên nhãn… bởi nếu không chú ý khi người tiêu dùng cầm sản phẩm lên đọc được những chất này chất kia (không tốt cho sức khỏe) trên sản phẩm của mình họ sẽ không giám mua dùng.
Do đó, cần hiểu rằng, chất doanh nghiệp dùng hỗ trợ cho máy móc, công nghệ, tiệt trùng hay đóng gói… thì không cần đưa lên nhãn. Trong khi đó, chất phụ gia thì phải đưa lên trên nhãn sản phẩm.
Về hạn sử dụng ghi trên nhãn, bà Thảo nói rằng hạn sử dụng là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Như gạo chẳng hạn, không có quy định bắt buộc ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, chỉ ghi được sản xuất trong vụ đông xuân, hay hè thu…
“Nhưng khi được đóng gói trong một bao bì khác, thì gạo (lương thực) đã trở thành thực phẩm, cần phải ghi hạn sử dụng. Nếu bán kiểu bao lớn thì không cần ghi, chỉ cần ghi nên sử dụng trong vòng mấy tháng để đảm bảo chất lượng cho gạo”, bà Thảo nói.
Vị chuyên gia này cũng nói rằng nhiều doanh nghiệp hay bị mắc lỗi, bị phạt vì cùng một sản phẩm mà sản xuất ở hai nhà máy khác nhau, trên nhãn có hai địa chỉ khác nhau. Nhưng trên nhãn thì số lô lại không thể hiện sự khác nhau. Tức là người dùng không biết nó thuộc nhà máy nào sản xuất.
Như một doanh nghiệp có hai nhà máy sản xuất ở hai địa phương khác nhau, trong khi đó văn phòng chính lại ở TPHCM. Thì ghi ngày sản xuất ở đâu? Trường hợp này, trụ sở chính của công ty ở đâu, ở TPHCM thì công bố tại TPHCM.
Từ nhiều năm nay, Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập liên tục tổ chức các lớp về ghi nhãn thực phẩm cho các thị trường, tự công bố sản phẩm, nhằm giúp doanh nghiệp thành viên hiểu rõ hơn về các nội dung như:Thuật ngữ và định nghĩa về thực phẩm & Hàng hóa bao gói sẵn; Phân loại hàng hóa, thực phẩm & Cơ quan quản lý; Khung pháp luật Việt Nam theo nhóm chủng loại hàng hóa; Cấu trúc ghi nhãn thực phẩm thông dụng & Sự liên kết với hồ sơ công bố, tự công bố thực phẩm; Các tuyên bố về dinh dưỡng thực phẩm & các khuyến cáo dành cho nhóm thực phẩm đặc biệt; Phân loại sản phẩm thực hiện tự công bố; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 1 sản phẩm hàng hoá tiêu dùng tại Thị trường Việt Nam; Hướng dẫn lập hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm. |
Một số hình ảnh tại khóa học: