Thị trường 24/7: TP.HCM quảng bá du lịch tại Úc; Giá xăng giảm sốc, hơn 1.400 đồng/lít

Các tổ chức đầu tư Mỹ đã rót hơn 9 tỷ USD cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok

Giá xăng giảm sốc, hơn 1.400 đồng/lít: Ngày 9/5, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, từ 15 giờ cùng ngày, xăng E5RON92 giảm 1.288 đồng/lít, có giá bán mới là 22.623 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.411 đồng/lít, có giá bán sau khi giảm là 23.544 đồng/lít.

Tương tự, dầu diesel cũng giảm 759 đồng/lít, có giá bán là 19.847 đồng/lít; dầu hỏa giảm 843 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 19.701 đồng/lít; dầu mazut có giá bán 17.503 đồng/kg sau khi giảm 160 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành.

Tại kỳ điều hành giá này, Liên Bộ không trích lập, không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong các kỳ điều chỉnh giá gần đây, Liên Bộ đều không trích lập, không chi quỹ này. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng có 11 lần tăng, 8 lần giảm. Giá mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng, giảm đan xen.

Vàng miếng lập kỷ lục mới 89,1 triệu đồng/lượng: 14 giờ chiều 9/5, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được mua vào ở mức 86,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 89,1 triệu đồng/lượng. 

Hôm qua, sau khi phiên đấu thầu vàng kết thúc, giá vàng miếng tại SJC bật tăng và chốt phiên ở mức 85,2 – 87,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng miếng SJC đã tăng thêm 1,6 triệu đồng so với cuối phiên trước.

Tình trạng loạn giá vàng miếng cũng đang diễn ra trên thị trường. PNJ và Phú Quý đã bắt kịp giá của SJC. Tuy nhiên, DOJI mua vào đồng giá nhưng bán ra thấp hơn, chỉ 88,3 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu mua bán ở mức 86,9 – 89,05 triệu đồng/lượng. Eximbank niêm yết giá ở mức 87 – 89 triệu đồng/lượng. Mi Hồng niêm yết giá mua bán ở mức 87,7 – 88,9 triệu đồng/lượng.

Thế Giới Di Động giải thể 2 công ty con: CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc giải thể CTCP 4KFarm và CTCP Logistics Toàn Tín để tái cơ cấu lại nhóm công ty con, tối ưu việc vận hành.

4KFarm (tiền thân là Vifarm) là dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thế Giới Di Động từ năm 2020, với mô hình nuôi trồng nông nghiệp công nghệ theo tiêu chí 4 không: Không thuốc trừ sâu – không chất tăng trưởng – không chất bảo quản – không giống biến đổi gen.

Với Logistics Toàn Tín, công ty này được thành lập ngày 10/11/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Theo giới thiệu của Thế Giới Di Động, Logistics Toàn Tín là đơn vị cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Thegioididong.com, Nhà thuốc An Khang… trên toàn quốc. Như vậy, sau khi giải thể CTCP Logistics Toàn Tín và CTCP 4K Farm, Thế Giới Di Động còn lại 9 công ty con.

Trung Quốc là thị trường chủ lực của mực, bạch tuộc Việt Nam: Theo tin từ VASEP, trừ tháng 2 do rơi vào Tết Nguyên đán, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong trong tháng 1 tăng trưởng 3 con số và trong tháng 3 tăng trưởng 2 con số. Trung Quốc & Hong Kong được đánh giá là thị trường NK mực, bạch tuộc “sôi nổi” nhất của Việt Nam trong năm 2023 và trong quý đầu năm nay.

Các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam mà Trung Quốc tiêu thụ mạnh trong quý đầu năm nay gồm mực sống/tươi/đông lạnh (mã HS03) tăng 275% và bạch tuộc chế biến (mã HS 16) tăng 55%.

Quý I, giá trung bình XK bạch tuộc đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc dao động từ 3,5-4,9 USD/kg, giá trung bình XK mực đông lạnh dao động từ 1,8-3,4 USD/kg. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá bạch tuộc tăng kể từ tháng 1 trong khi giá mực lại có xu hướng giảm từ tháng 1.

TP.HCM quảng bá du lịch tại Úc: Sở Du lịch TP.HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức sự kiện Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TP.HCM tại 2 bang của Úc gồm bang New South Wales và bang Victoria. 

Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp thông tin mới nhất về sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam – TP.HCM, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam gặp gỡ các đối tác Úc (các nhà tổ chức tour đi nước ngoài và các công ty du lịch, nhà tổ chức sự kiện MICE, truyền thông …) và người dân tại Úc để tăng cường tương tác và mở rộng cơ hội hợp tác trong ngành du lịch gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về cơ hội hợp tác du lịch.

Thị trường khách du lịch Úc là một trong những thị trường vẫn giữ mức độ tăng trưởng đến Việt Nam và đầy tiềm năng phát triển khi liên tục nằm trong 10 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Việt Nam và TPHCM trong những năm gần đây.

Việt Nam đã góp mặt trong 10 điểm đến hàng đầu của người Úc sau 9 tháng đầu năm 2023.

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh: Theo Tân Hoa Xã, trong thời gian gần đây, sầu riêng được mệnh danh là “Vua trái cây” đã bước vào mùa thu hoạch cao điểm và đang được đưa vào thị trường Trung Quốc với số lượng ngày càng nhiều. Do nguồn cung ngày càng lớn và giá dần “giảm nhiệt”, sầu riêng ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, quý I/2024, Trung Quốc thông qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan đã nhập khẩu 48.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,85 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2,56 triệu USD). Trong đó, lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam có đà tăng mạnh, đạt 35.000 tấn, trị giá 1,28 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,77 triệu USD).

Phó Viện trưởng Học viện Quản lý Công thương Đại học Quảng Tây Lưu Dân Khôn cho rằng, mặt hàng sầu riêng của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chất lượng cao, ưu thế chuỗi cung ứng nổi bật, quan hệ hữu nghị tốt đẹp cũng như sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử và hệ thống logistics… đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sầu riêng bán chạy tại Trung Quốc.

Google đối mặt với vụ kiện 17 tỷ USD về quảng cáo tại Anh: Công ty mẹ Alphabet của Google đã hối thúc một tòa án ở London bác bỏ vụ kiện tập thể cáo buộc công ty này lợi dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến. 

Đây là vụ kiện mới nhất nhằm vào các hoạt động kinh doanh của “gã khổng lồ” trong mảng tìm kiếm này.

Vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 13,6 tỷ bảng Anh (16,9 tỷ USD) thay mặt cho các nhà xuất bản website và ứng dụng có trụ sở tại Vương quốc Anh. Các bên này cho rằng họ đã bị thiệt hại do hành vi được cho là chống cạnh tranh của Google.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý, trong đó có Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh (CMA) của Anh và Ủy ban châu Âu (EC), đang tiến hành các cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số của Google.

Ấn Độ và ASEAN thăng hạng trong vị trí ưu tiên về chuỗi cung ứng: Một cuộc thăm dò của công ty kiểm toán PwC công bố hôm 9/5 cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng tìm đến Ấn Độ và Đông Nam Á như những điểm đến thay thế cho chuỗi cung ứng, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có sự trầm lắng.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát – dựa trên ý kiến của 150 giám đốc điều hành cấp cao trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ- cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này sẽ không tách rời hoàn toàn khỏi hai cường quốc trong những năm tới. Cuộc thăm dò ý kiến do công ty quản lý tài sản Eastspring Investments ủy quyền thực hiện vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024 cho thấy trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ trở thành “mắt xích” quan trọng thứ ba trong chuỗi cung ứng của các công ty, tăng từ vị trí thứ tư hiện tại.

Đông Nam Á cũng sẽ dịch chuyển lên một bậc trong thứ hạng chuỗi cung ứng quan trọng toàn cầu, lên vị trí thứ năm. Ngược lại, Đức sẽ tụt xuống một bậc, xuống vị trí thứ tư, và Nhật Bản cũng chịu chung cảnh ngộ, rơi xuống vị trí thứ sáu.