Thông xe cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đưa vào hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước qua cặp Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav sẽ đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội của hai nước và của khu vực. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Sáng 19/7, tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai)-Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Campuchia), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Kim Ke Yan đã chủ trì lễ thông xe vận tải đường bộ giữa hai nước.­

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, cũng lãnh đạo một số tỉnh biên giới giữa hai nước.

Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 1/6/1998 và Nghị định thư thực hiện Hiệp định ký ngày 10/10/2005 đã được triển khai từ cuối năm 2006. Theo thoả thuận hiện tại, số lượng phương tiện thương mại được phép qua lại của mỗi bên là 500 xe, tại 7 cặp cửa khẩu, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav.

Do điều kiện vật chất tại một số cửa khẩu chưa bảo đảm, thời gian qua, phương tiện vận tải mới chỉ qua lại được 5/7 cặp cửa khẩu.

Đối với Cửa khẩu Lệ Thanh-Oyadav, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia vốn tín dụng ưu đãi để hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường 78 tại Campuchia và đoạn nối giữa hai trạm kiểm soát. Tới nay, với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, phương tiện và người dân đã có thể qua lại khu vực cửa khẩu một cách dễ dàng, thuận lợi.

Việc tổ chức lễ thông xe vận tải đường bộ tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav cũng là kết quả quan trọng mà hai nước đạt được từ nỗ lực hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền.

Kết quả này cho thấy việc sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hai nước, nhất là đối với những địa phương, với mỗi người dân sinh sống ở khu vực biên giới hai nước.

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Campuchia Ke Kim Yan bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ Campuchia trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để hai nước sớm khánh thành, đưa vào hoạt động cặp Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav kết nối tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ratanakiri của Campuchia.

Phó Thủ tướng Campuchia Ke Kim Yan cho rằng, nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia có truyền thống hữu nghị, gắn bó lâu đời. Chính phủ, nhân dân Campuchia luôn biết ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã không tiếc máu xương, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, giành độc lập cũng như xây dựng, phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Ke Kim Yan cho rằng, việc thông xe tại 6/7 cặp cửa khẩu được hai bên thống nhất trong Hiệp định hợp tác về giao thông vận tải đã ký kết đã giúp các cặp cửa khẩu phát huy được hiệu quả, biến các vùng biên giới trở thành vùng đệm bảo đảm an ninh hợp tác và phát triển, bảo đảm lợi ích của nhân dân, nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước. Từ quy mô 40 xe của mỗi bên được phép đi qua cửa khẩu, đến nay đã nâng lên 500 xe của mỗi bên.

Phó Thủ tướng Campuchia cũng cho rằng, việc cho phép thông xe tại các cặp cửa khẩu cũng là thể hiện khả năng liên kết giữa các công trình giao thông đường bộ cũng nhưng các công trình phục vụ dân sinh khác của hai nước.

“Tôi tin tưởng sau buổi lễ thông xe hôm nay, việc vận tải hành khách, hàng hoá giữa hai nước sẽ được mở rộng hơn nữa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, từ đó nâng cao đời sống người dân của mỗi nước”, Phó Thủ tướng Ke Kim Yan nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đưa vào hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước qua cặp Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Oyadav cùng với các cặp cửa khẩu đã được thông xe trước đây sẽ góp phần làm giảm chi phí vận tải, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa qua lại giữa hai nước nói riêng và của khu vực nói chung, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của hai nước và của khu vực.

Sau khi tuyến đường chính thức được thông xe, các hoạt động hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri; giữa các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam và các tỉnh Đông Bắc của Campuchia sẽ ngày càng nhộn nhịp hơn. Đây chính là điều kiện, là cơ sở để góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân hai nước và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước sinh sống ở khu vực biên giới.

Theo chinhphu.vn