Bản tin thị trường, từ 21-27/3/2024

Intel chi 100 tỷ USD trong nỗ lực trở lại vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Livestream xuyên biên giới thúc đẩy thương mại Trung Quốc
Xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc bao gồm việc livestream bán hàng. Theo dữ liệu từ trang web quốc tế của Alibaba, số lượng người mua ở nước ngoài xem phát trực tiếp xuyên biên giới đã tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái kể từ năm 2023, mang lại mức tăng trưởng 156% về cơ hội kinh doanh cho các nhà xuất khẩu.
Một số tổ chức thương mại điện tử xuyên biên giới đã sử dụng phương pháp này, để tạo ra hướng đi mới trên toàn cầu trong việc tiếp thị thương hiệu của họ. Điều này cho phép nhiều nhà sản xuất Trung Quốc bán sản phẩm của họ ra thị trường Châu Âu thông qua việc phát trực tiếp. Phát trực tiếp đã trở thành một xu hướng mới trong việc tạo ra số lượng người truy cập sản phẩm cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Việc này cung cấp trải nghiệm mua sắm tương tác, tái tạo mô hình mua sắm trực tiếp ngoại tuyến.
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/livestream-xuyen-bien-gioi-thuc-day-thuong-mai-trung-quoc-post550327.html
2. Trung Quốc ồ ạt dựng tổng kho TMĐT sát biên giới gây sức ép lên các nhà bán hàng Việt
Sự xuất hiện của các tổng kho khổng lồ sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới đã mở ra cánh cửa giúp người bán Trung Quốc đổ bộ lên các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần Việt Nam như Shopee, TikTok Shop hay Lazada. Việc cải thiện tốc độ giao hàng thông qua các tổng kho sát biên cũng là nền tảng để sản phẩm Trung Quốc xuất hiện với mật độ dày đặc hơn.
Đây là tin tốt với nhiều người mua, nhưng với những người kinh doanh online, hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra áp lực cạnh tranh cũng như khiến thị trường TMĐT trong nước xáo trộn. Nếu không chịu thay đổi, các nhà bán hàng nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong nước sẽ rất dễ bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Hướng đi đúng đắn cho nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu năng lực nội tại, tập trung vào các thế mạnh của sản phẩm để thích ứng với làn sóng này cũng như có thể tồn tại và phát triển.
Nguồn: https://znews.vn/trung-quoc-o-at-dung-tong-kho-tmdt-sat-bien-hang-hoa-viet-se-ra-sao-post1466068.html
3. Các ông lớn ngành bán lẻ Hong Kong điêu đứng vì xu hướng “qua đại lục tiêu tiền”
Tập đoàn Hutchison đã báo cáo mức lợi nhuận giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, đang đánh giá lại các dịch vụ dành cho khách hàng vì các cửa hàng bán lẻ của họ ở Hong Kong đang phải chịu áp lực từ xu hướng “qua đại lục tiêu tiền” của người dân địa phương. Nhiều tập đoàn khác ở xứ Cảng Thơm – bao gồm Jardine Matheson và Henderson Land Development – cũng đang chứng kiến doanh số bán lẻ sụt giảm và các cửa hàng địa phương của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng dịch chuyển kỷ lục.
Henderson, công ty có thu nhập ròng cơ bản thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích, đã chứng kiến ​​lợi nhuận từ các cửa hàng bách hóa và siêu thị của mình trong năm 2023 giảm tới 42% so với năm trước. Thậm chí, tập đoàn nhà nước China Resources đã đóng cửa một nửa cửa hàng trong chuỗi siêu thị U Select ở Hong Kong do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thành phố lân cận ở đại lục, bao gồm thành phố Thâm Quyến.
Nguồn: https://vtcnews.vn/cac-ong-lon-nganh-ban-le-hong-kong-dieu-dung-vi-xu-huong-qua-dai-luc-tieu-tien-ar861028.html
4. Mùa nóng nhưng giá máy lạnh giảm
Một số siêu thị, trung tâm điện máy ở TP HCM cho biết do đang bước vào mùa nắng nóng nên mặt hàng máy lạnh được khách chọn mua nhiều hơn trước. Các nhà bán lẻ đã chuẩn bị số lượng lớn máy lạnh để dự phòng nhu cầu tăng nhưng thực tế, sức mua vẫn chưa khởi sắc. Từ tín hiệu thị trường chưa khả quan, các nhà bán lẻ lo lắng và tìm cách kích cầu bằng hàng loạt chương trình ưu đãi trong mùa nóng này.
Nguồn: https://nld.com.vn/mua-nong-nhung-gia-may-lanh-giam-196240323201632003.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Cuộc chiến ‘sống còn’ của doanh nghiệp nội địa trên thị trường F&B
Thị trường dịch vụ ăn uống (F&B) ở Việt Nam trong năm nay có thể đạt quy mô 22,72 tỷ USD, được ví như “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp (DN) khai phá. Tuy nhiên thời gian qua đã chứng kiến những đợt “thanh lọc” mạnh mẽ, với hàng loạt thương hiệu rời đi (ngay cả các DN lớn đến những chuỗi F&B lâu đời), rồi lại có những thương hiệu mới xuất hiện. Theo nhận định của ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn, cuộc chiến cạnh tranh trong ngành F&B trong năm 2024 sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn và không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các DN nội địa. Bởi vì các chuỗi F&B quốc tế sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, khiến cho thị trường ngày càng đa dạng và nhiều ẩn số thú vị.
Theo ông Hùng, thích ứng vẫn là cụm từ quan trọng cho các DN nội địa trong ngành hàng này. Mặc dù ngành F&B đã vượt qua đáy, nhưng các tín hiệu khởi sắc chưa thực sự rõ ràng. Trong thời điểm này, các DN F&B tiếp tục phải tối ưu thêm vận hành và cải thiện dịch vụ để tăng trải nghiệm thực cho khách hàng. Trước mức độ cạnh tranh gay gắt như hiện tại vốn được ví như cuộc chiến “sống còn”, yêu cầu đặt ra cho các DN nội địa trong ngành hàng F&B là cần xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình trước các đối thủ ngoại, tìm hiểu kỹ nhu cầu, xu hướng của thị trường, để từ đó đưa ra các sách lược phù hợp nhằm thoát khỏi nguy cơ bị đào thải và đứng vững trên chặng đường dài.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/cuoc-chien-song-con-cua-doanh-nghiep-noi-dia-tren-thi-truong-f-b-1098908.html
2. Nhượng quyền trà sữa giá rẻ ‘len lỏi’ và phân nhánh tốt trong thị trường F&B
Nhiều chủ đầu tư nhìn nhận thị trường F&B có biến động khi suy thoái kinh tế tác động mạnh từ 2023 đến nay. Tuy vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại các chuỗi trà sữa giá rẻ vẫn đang “len lỏi” và phân nhánh tốt trong thị trường rộng lớn này. Nếu nắm bắt được xu hướng, tính toán quy mô phù hợp các chủ kinh doanh có thể đi trong ngách nhỏ của thị trường một cách hiệu quả và lâu dài. Theo dữ liệu của Hiệp hội Cà phê Việt Nam và F&B Việt Nam, tổng giá trị thị trường trà sữa tại Việt Nam tính đến giữa năm 2023 đạt khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với năm 2019.
Theo ông Hoàng Tùng, chủ tịch F&B Investment, chuyên đầu tư và tư vấn trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, mới chỉ 1-2% trong khi ở các quốc gia phát triển thì thị trường nhượng quyền có thể đạt ở mức ổn định 10-12% GDP quốc gia. Xu hướng F&B phát triển theo chuỗi và nhượng quyền tinh gọn sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn cho các thương hiệu F&B của Việt Nam có cơ hội đóng gói mô hình kinh doanh của mình hiệu quả hơn, sau đó nhân bản nhượng quyền để gia tăng sức mạnh và trở thành những thương hiệu lớn hơn cho ẩm thực Việt
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/nhuong-quyen-tra-sua-gia-re-len-loi-va-phan-nhanh-tot-trong-thi-truong-fb/

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. EU thông qua việc nới lỏng Chính sách Nông nghiệp chung
Tại cuộc họp Ủy ban Nông nghiệp đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/3 ở Brussels (Bỉ), các bộ trưởng phụ trách nông nghiệp của 27 quốc gia đã thông qua việc điều chỉnh một số điều kiện môi trường liên quan đến Chính sách Nông nghiệp chung (CAP). Điều này được thực hiện sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các biện pháp nới lỏng vào giữa tháng 3 nhằm đối phó với sự phản đối của nông dân. Nghị viện châu Âu (EP) có thể thông qua các biện pháp này trong phiên họp toàn thể vào cuối tháng 4 để có hiệu lực trước cuối mùa xuân.
Một trong những thay đổi chính của gói biện pháp này là cho phép các quốc gia thành viên cấp phép miễn trừ tạm thời và có mục tiêu đối với một số điều kiện CAP nhất định trong trường hợp xảy ra các hiện tượng khí hậu không lường trước được. Các ngoại lệ khác liên quan đến độ che phủ của đất trong những giai đoạn được gọi là nhạy cảm. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ có sự linh hoạt hơn trong việc quyết định loại đất nào cần bảo vệ và vào mùa nào, tùy thuộc vào đặc điểm quốc gia và khu vực. Ngoài ra, văn bản sửa đổi được thông qua cũng miễn cho các trang trại nhỏ có diện tích dưới 10 ha không phải chịu các biện pháp kiểm soát và phạt liên quan đến việc tuân thủ các yêu cầu tuân thủ chéo theo CAP.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-thong-qua-viec-noi-long-chinh-sach-nong-nghiep-chung-20240326191003861.htm
2. Thanh long vàng giá cao nhưng khó bán
Vài năm gần đây, do đầu ra và giá cả trái thanh long vỏ đỏ ruột trắng truyền thống bấp bênh, một số nhà vườn đã xúc tiến các giống mới để thay thế, như thanh long vỏ vàng, thanh long Ecuador, thanh long tím hồng, đỏ…Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ loại trái cây này lại khá kén chọn. Trái thanh long vàng chưa được bán nhiều qua Trung Quốc, mà chủ yếu xuất sang các nước Phật giáo phát triển mạnh, như Thái Lan, Myanmar, Campuchia… người tiêu dùng mua để đơm cúng. Còn lại chủ yếu được tiêu thụ trong nước
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, địa phương hiện có khoảng 100 ha thanh long vỏ vàng, ruột trắng được người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch. Giống thanh long này ban đầu được một số doanh nghiệp địa phương nhập từ nước ngoài về trồng thử nghiệm, sau đó nhiều hộ dân mua lại giống đưa về trồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa ưa chuộng loại thanh long này nên đầu ra bấp bênh. “Địa phương chưa có cơ chế khuyến khích phát triển giống thanh long này nên người dân cần cẩn trọng, không phát triển ồ ạt” – ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, khuyến cáo.
Nguồn:  https://nld.com.vn/thanh-long-vang-gia-cao-nhung-kho-ban-196240322215653497.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Giá gạo Ấn Độ giảm tuần thứ hai liên tiếp
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu từ châu Phi thấp, trong khi giá gạo Việt Nam tăng nhờ Indonesia đấu thầu để tăng nguồn cung. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đứng ở mức 543-550 USD/tấn trong tuần qua, so với mức 548-555 USD/tấn của tuần trước đó, ngày một rời xa mức cao kỷ lục 560 USD/tấn được xác lập hồi đầu tháng này.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 590-595 USD/tấn, so với mức 585 USD/tấn của một tuần trước đó. Còn gạo 5% tấm của Thái Lan đứng ở mức 598 USD/tấn vào ngày 21/3, giảm so với mức 615 USD/tấn của tuần trước.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-gao-an-do-giam-tuan-thu-hai-lien-tiep-20240323165742439.htm
2. Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ bị truy thu thuế bổ sung
Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ phải đối mặt với khó khăn mới sau yêu cầu từ cơ quan hải quan về việc nộp thuế bổ sung. Bốn nhà xuất khẩu được dẫn lời cho biết họ đã nhận được thông báo yêu cầu thanh toán chênh lệch thuế đối với số gạo được xuất khẩu trong 18 tháng qua. Yêu cầu thuế bất ngờ này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các chuyến hàng gạo từ Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Trước đây, các nhà xuất khẩu phải nộp mức thuế 20% dựa trên giá gạo tại cửa khẩu bên Ấn Độ (FOB), đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan hải quan nước này yêu cầu phải xem xét trị giá giao dịch, dẫn đến việc phải nộp thuế bổ sung. Các nhà xuất khẩu bày tỏ lo ngại về khả năng thanh toán chênh lệch thuế trong gần hai năm. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Ấn Độ có kế hoạch kiến nghị với chính phủ để giải quyết tình trạng không thực tế của yêu cầu thuế nói trên. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đang xem xét hành động pháp lý thay vì phải tuân thủ gánh nặng thuế bất ngờ, với lý do lợi nhuận vốn trong ngành xuất khẩu gạo ít.
Nguồn: https://bnews.vn/cac-nha-xuat-khau-gao-an-do-bi-truy-thu-thue-bo-sung/327945.html
3. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam dự kiến giảm
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dẫn thông tin từ báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay ở mức 4 triệu tấn thay vì mức dự báo 4,1 triệu tấn trước đó. Nguyên nhân là do sản xuất lúa trong nước của Philippines hy vọng sẽ đáp ứng được mức tăng nhẹ của nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo số liệu từ Cục Thực vật, Bộ Nông nghiệp Philippines, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 7/3/2024, Philippines nhập khẩu tổng cộng 793.753,49 tấn gạo. Trong đó, Việt Nam chiếm phần lớn nhất với 431.846,72 tấn, chiếm 54,41%. Đứng sau là thị trường Thái Lan với 210.127,38 tấn, chiếm 26,47%. Quý 1/2024 đã chứng kiến lượng gạo Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây. Đây là tín hiệu và là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines.
Nguồn: https://mekongasean.vn/thi-truong-xuat-khau-gao-lon-nhat-cua-viet-nam-du-kien-giam-post33057.html
4. DOC công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador
Theo Undercurrent News, ba trong số bốn nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ dưới 2% đến tối đa 196% ngay trong cuối tuần này. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã bắt đầu triệu tập danh sách các nhà xuất khẩu trong khi chờ kết quả điều tra đầy đủ liên quan đến việc ba quốc gia trên có đang hỗ trợ các chương trình trợ cấp cho phép họ đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Mỹ, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thuế suất sẽ có hiệu lực ngay khi DOC công bố chúng lên Công báo liên bang (Federal Register), việc này dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Thuế sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định các nước xuất khẩu không vi phạm cung cấp hàng trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây hại cho ngành tôm của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí cho phần lớn thời gian còn lại của năm. Ngay sau khi quyết định từ phía Mỹ được công bố chính thức, các nhà nhập khẩu tôm từ Việt Nam sẽ phải đặt cọc 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.
Nguồn: https://mekongasean.vn/doc-cong-bo-thue-chong-tro-cap-so-bo-voi-tom-viet-nam-an-do-va-ecuador-post33068.html
5. Xuất khẩu thép Trung Quốc tăng vọt lên cao nhất 8 năm
Quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới gia tăng xuất khẩu thép ra bên ngoài khi tiêu thụ trong nước suy yếu. Động thái này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung toàn cầu. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 15,9 triệu tấn thép, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất kể từ năm 2016. Do thị trường bất động sản khó khăn, nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước khác phục hồi chậm dẫn đến dư cung thép.
Khi bất động sản khó khăn, tăng trưởng dựa vào thâm dụng đầu tư xây dựng hạ tầng gặp khó nên nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài. Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản thép của thế giới nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác. Một số chuyên gia dự báo, năm 2024, nhiều nhất ước tính Trung Quốc có thể xuất khẩu 90 – 95 triệu tấn thép, cao nhất 7 năm. Ngay cả bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi yếu, Trung Quốc vẫn xuất 75 – 80 triệu tấn thép năm nay.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xuat-khau-thep-trung-quoc-tang-vot-len-cao-nhat-8-nam-20240323110401256.htm
6. 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiễm cadimi vượt ngưỡng
Ngày 18-3, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động – thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị 30 doanh nghiệp vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định tại thông tư số 17-2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đồng thời, thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm và gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1-4.
Nguồn: https://tuoitre.vn/30-lo-hang-sau-rieng-viet-nam-xuat-khau-sang-trung-quoc-nhiem-cadimi-vuot-nguong-20240322174128792.htm
7. Nỗ lực xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD
Nhờ giá tăng cao, ngành cà phê liên tục lập nhiều kỷ lục về giá trị xuất khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, mang về giá trị khoảng 1,25 tỉ USD. Tại Đắk Lắk, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,6 tỉ USD, trong đó cà phê mang về tới 900 triệu USD. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2024 tính đến ngày 15-3 đạt hơn 71 triệu USD, trong đó cà phê đạt gần 40,5 triệu USD (chiếm 57%).
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,08 tỉ USD – mức cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn: https://nld.com.vn/no-luc-xuat-khau-ca-phe-dat-5-ti-usd-196240324201848407.htm
8. Thị trường ‘ấm dần’, xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc
Trong 2 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 2 tháng năm 2024 tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 5,1 tỷ USD. Sức mua hàng may mặc tăng lên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã ký được đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí hết quý 3. Sự hồi phục tích cực của thị trường sẽ tạo thêm xung lực mới giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6/2024, trong đó một số đơn vị may đã có đơn hàng đến hết năm nay.
Mặc dù quý 1/2024 đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực, tuy nhiên trước những diễn biến khó lường của thị trường, bao gồm nhiều thách thức mới từ “hàng rào kỹ thuật” của các nước nhập khẩu, cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh ngày càng gay gắt sẽ là bài toán tiếp theo mà ngành dệt may phải sẵn sàng ứng phó. Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-am-dan-xuat-khau-nganh-hang-det-may-don-co-hoi-de-tang-toc-post936673.vnp
https://petrotimes.vn/su-khoi-dau-tich-cuc-cho-nganh-det-may-viet-nam-708176.html

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Bao bì mới của Coca-Cola và cuộc đua chuyển đổi xanh của các nhãn hàng toàn cầu
Thường bị chỉ trích vì là một trong những “ông trùm” gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới, Coca-Cola đang thực hiện những bước cải cách mạnh mẽ nhằm thân thiện với môi trường hơn. Đây cũng chính là xu thế mới của nhiều nhãn hàng lớn trên toàn cầu.Trong tuần này, tất cả các phiên bản Coca-Cola 591ml được giao đến các đại lý bán lẻ ở Mỹ sẽ có phần vỏ được làm từ 100% nhựa tái chế. Đây là cột mốc quan trọng mới của gã khổng lồ nước giải khát trên hành trình đạt mục tiêu đến năm 2030, có một nửa danh mục sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế.
Theo ông Kurt Ritter, phó chủ tịch phụ trách phát triển bền vững của Coca-Cola ở Bắc Mỹ, Coca-Cola ước tính các mẫu chai mới sẽ giảm khoảng 37 triệu kg nhựa được sử dụng trong chuỗi cung ứng của hãng tại Mỹ, tương đương với khoảng hai tỷ chai nhựa bình thường. Coca-Cola đặt mục tiêu hoàn thành việc triển khai mẫu chai mới trên toàn nước Mỹ vào cuối mùa hè này. Bên cạnh đó, thương hiệu nước suối Smartwater của công ty cũng có kế hoạch ra mắt những mẫu chai làm từ 100% nhựa tái chế tại New York và California vào quý IV năm nay.
Không chỉ Coca-Cola, những năm gần đây, nhiều nhãn hàng lớn đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm thay đổi trong khâu sản xuất và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Tháng 4/2022, PepsiCo đã cho ra mắt dòng chai mới làm từ 100% nhựa tái sinh với sản phẩm nước ngọt Pepsi tại thị trường Việt Nam. Một ông lớn khác của ngành hàng tiêu dùng – Unilever cũng đã đẩy mạnh chiến lược quản lý rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của hãng như Dove, Lifebuoy, Sunsilk, Comfort, v.v. đều sử dụng nhựa tái chế trong bao bì sản phẩm.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/bao-bi-moi-cua-coca-cola-va-cuoc-dua-chuyen-doi-xanh-cua-cac-nhan-hang-toan-cau-20180504224296722.htm
2. Hàng tỷ USD vốn FDI đổ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh
Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) hôm nay (26/3) công bố báo cáo thường niên FDI năm 2023. Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE – Chủ biên, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023, đạt mức 1.370 tỷ USD. Đáng lưu ý, FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Trên thị trường vốn toàn cầu, tài chính xanh tăng trưởng mạnh, trái phiếu bền vững tăng 5 lần trong 5 năm từ 2018-2023.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh, như: năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh, chiếm khoảng 2% GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10-13%.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hang-ty-usd-von-fdi-do-vao-linh-vuc-tang-truong-xanh-2263894.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Tập đoàn hàng xa xỉ Kering dự báo doanh thu giảm 10%
Kering, chủ sở hữu nhiều thương hiệu đình đám của Pháp, vừa đưa ra dự kiến doanh thu trong quý I/2024 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động kinh doanh của thương hiệu hàng đầu – nhà sản xuất túi xách Gucci, sụt giảm.
Kết quả này chủ yếu phản ánh sự sụt giảm doanh số bán hàng mạnh mẽ của Gucci, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Doanh thu của Gucci trong quý I/2024 dự kiến sẽ giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://bnews.vn/tap-doan-hang-xa-xi-kering-du-bao-doanh-thu-giam-10/327256.html
2. Đa số người tiêu dùng tại Anh chọn phong cách thời trang bền vững thay vì chạy theo xu hướng
Theo một cuộc khảo sát của thương hiệu thời Anh Blakely Clothing cho biết, 58% những người mua sắm ở Anh trong độ tuổi từ 18 đến 35 nói rằng, họ không có ý định theo đuổi các xu hướng thời trang nổi bật của năm nay. Được biết, cuộc khảo sát của thương hiệu thời Anh Blakely Clothing ghi nhận, 75% ưu tiên phong cách vượt thời gian hơn là chạy theo xu hướng, 85% ủng hộ việc mặc thoải mái. Báo cáo cũng nói thêm, số lượng người tìm kiếm trên Google liên quan đến các xu hướng thời trang tại Anh giảm 15% mỗi tháng so với 5 năm trước.
Ngoài ra, 78% người cho biết, họ sẵn lòng chi tiền nhiều hơn cho quần áo nếu đó là sản phẩm có chất lượng và độ bền tốt, 67% nói rằng, họ có nhiều khả năng để đầu tư vào mặt hàng vượt thời gian, 77% chia sẻ rằng tuổi thọ của quần áo quan trọng hơn là xu hướng thời trang. Báo cáo cũng nói thêm, số lượng người tìm kiếm trên Google liên quan đến các xu hướng thời trang tại Anh giảm 15% mỗi tháng so với 5 năm trước. Trong khi, lượt tìm kiếm quần áo thoải mái đã tăng đột ngột lên 32% trong tháng qua.
Tất cả những con số trên đã chứng minh được việc quần áo thể thao được ưa chuộng hiện nay. Bởi nó có thể coi là một phần của phong cách bền vững. Mặt hàng này thường được thiết kế để thoải mái, linh hoạt, chịu được sự mòn và có tính ứng dụng cao. Được biết, sự quan tâm trên các kênh trực tuyến đối với sản phẩm thể thao đã tăng 25% chỉ trong quý vừa qua. Để đáp ứng mong đợi về sự tăng trưởng của ngành thời trang trong những năm tiếp theo, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần chú ý vào việc sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị bền vững hơn là theo đuổi các xu hướng ngày càng đa dạng và phức tạp.
Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/da-so-nguoi-tieu-dung-tai-anh-chon-phong-cach-thoi-trang-ben-vung-thay-vi-chay-theo-xu-huong-post550417.html
3. Giá vàng miếng SJC lao dốc sau tin đề nghị xóa độc quyền
Một số chuyên gia trong ngành vàng cho biết sở dĩ giá vàng miếng SJC không còn tăng mạnh vì thông tin sắp tới sẽ có hàng loạt thay đổi quan trọng với thị trường vàng. Cụ thể, chiều tối 20-3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng.
Trong đó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Một trong các phương án đang được cân nhắc là thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-vang-mieng-sjc-lao-doc-sau-tin-de-nghi-xoa-doc-quyen-20240321144854661.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Singapore dẫn đầu lượng khách Trung Quốc tại Đông Nam Á
Tỷ lệ phục hồi khách Trung Quốc của Singapore đã đạt 96%, vượt xa các thị trường láng giềng như Thái Lan (đạt 63%) và Indonesia (48%). Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore (STB), hơn 327.000 lượt khách Trung Quốc đã đến Singapore trong tháng 2, bằng 96% so với cùng kỳ 2019. Dữ liệu từ Cicium cho thấy lượng khách Trung tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Quyết định của Singapore khi loại bỏ yêu cầu thị thực cho du khách từ Trung Quốc, tập trung vào du lịch an toàn và tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí độc đáo… đã đưa quốc gia này trở thành lựa chọn hàng đầu của các du khách Trung Quốc. Ngoài ra, đường bay giữa Singapore – Trung Quốc cũng phục hồi, kết nối tốt. Công suất ghế dự kiến giữa 2 nước phục hồi lên đến hơn 101% trong quý 1, so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Nguồn: https://1thegioi.vn/singapore-dan-dau-luong-khach-trung-quoc-tai-dong-nam-a-215285.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Boeing mất 2 đơn hàng lớn ở châu Á vào tay Airbus
Hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết sẽ mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo của Airbus. Đơn đặt hàng từ hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản cho phép Airbus tăng thị phần tại thị trường lâu năm của Boeing. Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng cho biết sẽ đặt mua 33 máy bay A350 theo hợp đồng trị giá 13,7 tỷ USD với Airbus.
Hiện, cả Boeing và Airbus đều đang gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hạn do gặp phải sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ nợ nhiều đơn hàng do thiếu phụ tùng, thiếu lao động lành nghề.
Nguồn: https://znews.vn/boeing-mat-2-don-hang-lon-o-chau-a-vao-tay-airbus-post1466370.html
2. Intel chi 100 tỷ USD trong nỗ lực trở lại vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn
Intel đang lên kế hoạch chi 100 tỷ USD tại 4 bang của Mỹ để xây dựng và mở rộng các nhà máy sau khi nhận được 19,5 tỷ USD tiền tài trợ và khoản vay liên bang. Trọng tâm trong kế hoạch chi tiêu 5 năm của Intel là biến những cánh đồng trống gần Columbus, bang Ohio (Mỹ) thành “nơi sản xuất chip AI lớn nhất thế giới” bắt đầu từ năm 2027.
Kế hoạch của Intel cũng sẽ liên quan đến việc cải tạo các điểm sản xuất ở bang New Mexico và Oregon, đồng thời mở rộng hoạt động ở bang Arizona, nơi Intel cũng đang xây dựng một nhà máy lớn. Số tiền từ kế hoạch của ông Biden cung cấp cho sự phục hưng ngành sản xuất chip của Mỹ sẽ giúp Intel khắc phục được mô hình kinh doanh.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-935673.vnp
3. Nvidia tung chip AI giá phải chăng để thu hút khách hàng
Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, cho biết thế hệ chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo sẽ có giá phải chăng để thu hút khách hàng khi ông đưa ra quan điểm lạc quan về sự phát triển của AI. Dòng chip mới, mang tên Blackwell, là sự kế thừa cho dòng chip Hopper cực kỳ thành công của Nvidia, dẫn đầu là H100. Ông Huang cho biết, Nvidia có thể thu được một phần lớn chi tiêu mới vì công ty đang sản xuất số lượng thiết bị và phần mềm ngày càng lớn cho các trung tâm dữ liệu, từ GPU đến chip mạng và bộ xử lý trung tâm.
Ông Huang cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC ngày 18/3 rằng những con chip kế nhiệm chip H100 sẽ có giá bán từ 30.000 đến 40.000 USD – thấp hơn mức mà một số nhà phân tích đã dự báo. Ông Huang sau đó nói với các nhà phân tích rằng ông muốn định giá chip mới ở mức thu hút lượng khách hàng rộng nhất có thể.
Nguồn: https://bnews.vn/nvidia-tung-chip-ai-gia-phai-chang-de-thu-hut-khach-hang/327324.html
4. Trung Quốc coi robot hình người là sự đổi mới mang tính đột phá sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trung tâm robot mới ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) đã tiết lộ ý định tung ra một nguyên mẫu robot hình người đa dụng được quảng bá là “biểu tượng quan trọng” của sự đổi mới công nghệ và sản xuất cao cấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc như Fourier Intelligence, UBTech Robotics và Xiaomi cũng thâm nhập vào ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này. Báo cáo tháng 11.2023 của Viện Nghiên cứu thuộc Nhân dân Nhật báo cho biết Trung Quốc là nước nắm giữ bằng sáng chế robot hình người lớn thứ hai (1.699), chỉ sau Nhật Bản.
 Theo MIIT, Trung Quốc có ý định biến lĩnh vực robot hình người thành “động cơ tăng trưởng kinh tế mới quan trọng” vào năm 2027. Tuy nhiên, các báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuỗi cung ứng nội địa của Trung Quốc cho các thành phần cốt lõi robot hình người vẫn còn hạn chế, trong khi các nhà sản xuất nước ngoài đang thống trị thị trường toàn cầu. Xu Lijin, đại biểu của cơ quan tham vấn hàng đầu Trung Quốc, nói tại cuộc họp lưỡng hội gần đây rằng chi phí cao và thiếu các kịch bản ứng dụng đang cản trở tiến trình công nghiệp và thương mại của lĩnh vực robot hình người trong nước.
Nguồn: https://1thegioi.vn/trung-quoc-coi-robot-hinh-nguoi-la-su-doi-moi-mang-tinh-dot-pha-se-thuc-day-tang-truong-kinh-te-215320.html
5. Microsoft trả hơn nửa tỷ USD chiêu mộ nhân tài AI
Microsoft khiến giới công nghệ choáng váng khi tuyên bố đã tuyển dụng hầu hết trong số 70 nhân viên của startup Inflection AI, bao gồm cả hai nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman và Karen Simonyan. Theo Reuters, đội ngũ Inflection AI chuyển sang Microsoft sẽ làm việc cho bộ phận AI mới được Microsoft thành lập có tên Microsoft AI.
Là một phần của thỏa thuận, Microsoft sẽ trả 620 triệu USD để có quyền sử dụng các mô hình AI của Inflection và khoảng 30 triệu USD để không phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc tuyển dụng hàng loạt.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/microsoft-tra-hon-nua-ty-usd-de-chieu-mo-nhan-tai-ai-2262637.html
6. TSMC chạy đua đào tạo nhân sự cho sản xuất chip
Đài CNN cho biết nhu cầu toàn cầu không ngừng tăng là “cơn đau đầu” với đơn vị sản xuất chip số 1 thế giới TSMC (Đài Loan). Tập đoàn đang phải chạy đua đào tạo nhân sự cho tất cả các nhà máy của mình. Bà Lora Ho thừa nhận TSMC đang đối mặt với khó khăn thiếu lao động tay nghề cao. Tập đoàn hiện có khoảng 77.000 nhân viên trên khắp thế giới, vài năm tới có thể tăng lên 100.000. Không chỉ thiếu lao động tay nghề cao, văn hóa làm việc khác biệt giữa phương Đông và phương Tây cũng là vấn đề với TSMC.
Tháng trước, nhà máy TSMC đầu tiên tại Nhật chính thức khai trương. Cơ sở này dự kiến bắt đầu sản xuất loạt chip có công nghệ hoàn thiện (gồm cả chip 12 nanomet dùng cho ô tô và thiết bị công nghệ) từ quý 4 năm nay. Một nhà máy nữa tại bang Arizona phải vài năm mới hoàn thành. Tập đoàn TSCM còn cam kết đầu tư 3,8 tỉ USD xây nhà máy tại thành phố Dresden (Đức) – cơ sở sản xuất TSMC đầu tiên tại châu Âu.
Nguồn: https://1thegioi.vn/tsmc-chay-dua-dao-tao-nhan-su-cho-san-xuat-chip-215365.html
7. Xu hướng chạy đua phát triển sản phẩm công nghệ bảo vệ sức khỏe
Vài năm gần đây, người dân ngày càng quan tâm các vấn đề sức khỏe cá nhân nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đáp ứng nhu cầu mới. Nắm bắt nhu cầu thị trường, các công ty sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới đã ráo riết phát triển các sản phẩm mới như đồng hồ thông minh, vòng đeo tay theo dõi các chỉ số sức khỏe quan trọng như nhịp tim, lượng calo, giấc ngủ… hoặc cung cấp những khuyến nghị, hướng dẫn người dùng cải thiện sức khỏe nhờ lối sống lành mạnh.
ThS Đinh Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trưởng Ban Truyền thông và Đào tạo Hội Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ y – sinh Việt Nam, cho rằng xu hướng sử dụng sản phẩm công nghệ phục vụ chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng phổ biến. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe cá nhân tăng cao mà còn cho thấy sự tiến bộ của công nghệ khi giúp tạo ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho cuộc sống. Theo ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, các sản phẩm công nghệ theo dõi sức khỏe người dùng sẽ là xu thế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, dựa trên thực tế người dân ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe.
Nguồn: https://nld.com.vn/chay-dua-phat-trien-san-pham-bao-ve-suc-khoe-196240323200218171.htm
8. Tiêu thụ ô tô liên tục lao dốc
Tháng chạp năm Quý Mão 2023, tức tháng 1-2024, lại ghi nhận doanh số giảm sâu khi chỉ hơn 19.000 xe được bán ra, giảm 50% so với tháng 12-2023. Đến tháng 2-2024, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ bán ra được 11.500 chiếc, tiếp tục giảm hơn 40% so với tháng trước.
Nguồn: https://nld.com.vn/tieu-thu-o-to-lien-tuc-lao-doc-196240323201503301.htm

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Ai Cập đầu tư hàng tỷ USD để khai thác tiềm năng dầu khí
Ngày 26/3, Công ty dầu mỏ OSOCO Oil Company của Ai Cập đã ký kết 2 thỏa thuận thăm dò và sản xuất dầu mỏ ở Vịnh Suez với liên minh gồm các công ty ADES Holding Co. của Saudi Arabia Gharib Integrated Oil Services Co. (Ai Cập) và SUCO Oil Company (Ai Cập). Các thỏa thuận trên, được ký trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla, là kết quả của kế hoạch chào thầu quốc tế đầu tiên do Tổng Công ty Dầu khí Ai Cập khởi động vào tháng 9/2023 tại Vịnh Suez. Theo kế hoạch này, Ai Cập chào thầu thăm dò và khai thác 23 khu vực mới, bao gồm 10 khu vực ở vùng Sa mạc phía Tây, 2 khu vực ở Sa mạc phía Đông, 7 khu vực ở Vịnh Suez và 4 khu vực ở Biển Đỏ.
Trong năm 2024, Ai Cập dự kiến sẽ khởi động các cuộc đấu thầu quốc tế mới để thăm dò dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và vàng. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập đang tích cực theo đuổi các biện pháp nhằm tăng trữ lượng dầu mỏ, khám phá những tiềm năng chưa được khai thác và đẩy mạnh hoạt động sản xuất năng lượng. Theo ông El-Molla, các công ty dầu khí nhà nước của Ai Cập dự kiến sẽ đầu tư hơn 23 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 490 triệu USD) vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong năm tài chính 2024-2025. Tổng vốn đầu tư của Ai Cập vào ngành dầu khí dự kiến sẽ tăng lên 277 tỷ bảng Ai Cập (10,2 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 6/2024.
Nguồn: https://bnews.vn/ai-cap-dau-tu-hang-ty-usd-de-khai-thac-tiem-nang-dau-khi/327949.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào các startup bán dẫn
Sau lệnh kiểm soát xuất khẩu chip AI của Mỹ, Trung Quốc đang bận rộn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Theo một báo cáo gần đây từ PitchBook, một công ty nghiên cứu thị trường, vào năm 2023, tỷ lệ tài trợ cho các công ty khởi nghiệp bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ chỉ là 11%, trong khi đó, tỷ lệ này của Trung Quốc là 75%. Thậm chí, Trung Quốc được cho là đang giới thiệu một phương tiện đầu tư mới được nhà nước hậu thuẫn, được gọi là Big Fund, nhằm mục đích huy động khoảng 40 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip.
Theo PitchBook, các công ty khởi nghiệp chip đáng chú ý của Trung Quốc bao gồm SJSemi, công ty đã huy động được 1 tỷ USD cho đến nay và Biren Technology, có 921 triệu USD tài trợ, bao gồm khoản đầu tư 280 triệu USD của chính phủ. Nhà phân tích Ali Javaheri của PitchBook viết trong báo cáo: “Mô hình này không khác lắm so với việc Hoa Kỳ sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo ra những gã khổng lồ như Intel và Fairchild Semiconductor trong những năm 50 và 60”.
Nguồn: https://vneconomy.vn/trung-quoc-vuot-xa-hoa-ky-ve-so-thuong-vu-dau-tu-mao-hiem-vao-cac-startup-ban-dan.htm
2. Thị trường IPO Hồng Kông chờ được ‘hâm nóng’ bởi các chuỗi trà sữa
Sau nhiều năm suy giảm, thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Hồng Kông trông chờ vào các thương vụ niêm yết sắp tới của nhiều chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu ở Trung Quốc để lấy lại sức sống. Ít nhất bốn chuỗi trà sữa trân châu của Trung Quốc chuẩn bị IPO ở Hồng Kông trong năm nay. Nổi bật trong số này là chuỗi cửa hàng trà và kem Mixue Group, với mục tiêu huy động 1 tỉ đô la Mỹ để mở rộng kinh doanh và tăng doanh thu tăng gấp 3 lần. Theo các nguồn thạo tin, hai chuỗi trà sữa trân châu khác là Guming và Chabaidao được xem là những đối thủ gần nhất của Mixue cũng muốn huy động tới 300 triệu đô la mỗi công ty.
Tuy nhiên, các chuỗi trà sữa trên sẽ cần phải thuyết phục các nhà quản lý danh mục đầu tư vốn đang thận trọng với xu hướng tiêu dùng ở Trung Quốc. Theo FactSet, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông đã mất hơn 40% giá trị trong 3 năm qua và hiện đang giảm trong năm thứ 5 liên tiếp. Thị trường IPO của Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ 9 thế giới trong năm nay, dựa trên bảng xếp hạng các sàn giao dịch theo số tiền huy động được từ các đợt niêm yết mới. Chỉ 471,8 triệu đô la Mỹ được huy động thông qua hoạt động niêm yết ở Hồng Kông kể từ đầu năm 2024. Con số này thấp hơn nhiều so với 8,7 tỉ đô la huy động được ở các sàn chứng khoán ở Mỹ.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-ipo-hong-kong-cho-duoc-ham-nong-boi-cac-chuoi-tra-sua/
3. Vốn mạo hiểm chảy nhanh vào các startup tiền mã hóa
Đà tăng giá bùng nổ của bitcoin đang thúc đẩy các quỹ mạo hiểm tăng tốc rót tiền vào các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực tiền mã hóa. Các quỹ này cũng đang chứng kiến mối quan tâm gia tăng từ các đối tác góp vốn đầu tư. Theo CryptoRank, vốn huy động của các startup tiền mã hóa trên toàn cầu tăng trong tháng thứ hai liên tiếp. Trong tháng 3, tính đến hôm 14-3, họ nhận được 735 triệu đô la. Dù vậy, số tiền này vẫn kém xa so với tháng 4-2022 khi các startup tiền mã hóa huy động được khoảng 7 tỉ đô la.
Giá bitcoin gắn chặt với hoạt động khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm vào thị trường tiền mã hóa. Theo báo cáo của Công ty đầu tư mạo hiểm Electric Capital, số lượng doanh nhân tham gia vào lĩnh vực này có xu hướng gắn liền với sự biến động giá của bitcoin. Rob Hadick, đối tác của Dragonfly, một công ty đầu tư tiền mã hóa, cho biết, khi giá bitcoin tăng mạnh, các đối tác đầu tư của các quỹ mạo hiểm cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với thị trường tiền mã hóa. Ngược lại, điều đó giúp các nhà quản lý quỹ mạo hiểm tự tin hơn vào khả năng huy động thêm vốn cũng như triển khai vốn mới cho các startup.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/von-mao-hiem-chay-nhanh-vao-cac-startup-tien-ma-hoa/
4. Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10
Ngày 21/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hơp với các đơn vị đã phát động cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 10/2024. Sau gần 11 năm triển khai chương trình “KHỞI NGHIỆP XANH” và 09 lần tổ chức Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo”, Trung tâm BSA đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước, với gần 1.000 mô hình khởi nghiệp.
Chương trình KHỞI NGHIỆP XANH được tổ chức từ năm 2013 – đến nay, do Trung tâm BSA chủ trì cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Chương trình Khởi Nghiệp Xanh được thiết kế để phát triển khả năng kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm của các nông dân trẻ, tăng cường đội ngũ doanh nhân theo hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững. Khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trẻ trong các lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tạo tác động xã hội.
Nguồn: https://bsamedia.vn/phat-dong-cuoc-thi-khoi-nghiep-xanh-phat-trien-ben-vung-lan-thu-10/

Nhóm tin về tài chính

1. Tham vọng nền tảng tiền số của SWIFT
Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đang lên kế hoạch thiết lập nền tảng mới trong vòng 1 – 2 năm tới để kết nối tiền tệ kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC) với hệ thống tài chính này. Theo hãng tin Reuters hôm 26-3, khoảng 90% ngân hàng trung ương trên thế giới đang thăm dò các phiên bản số của tiền tệ. Hầu hết ngân hàng trung ương không muốn bị tiền mã hóa bỏ lại phía sau nhưng hiện gặp khó bởi sự phức tạp về công nghệ. Vì thế, việc tung ra nền tảng trên như kế hoạch sẽ là cú hích cho vị thế thống trị hiện có của SWIFT trong mạng lưới hạ tầng liên ngân hàng.
Ông Nick Kerigan, người đứng đầu bộ phận đổi mới sáng tạo của SWIFT, cho biết thử nghiệm mới nhất của SWIFT kéo dài 6 tháng, có sự tham gia của một nhóm ngân hàng trung ương (Đức, Pháp, Úc, Singapore, CH Czech, Thái Lan…), ngân hàng thương mại (HSBC, Citibank, Deutsche Bank, Societe Generale, Standard Chartered…) và nền tảng thanh toán. Đây là một trong những sự hợp tác toàn cầu lớn nhất về CBDC và tài sản mã hóa.
Nguồn: https://nld.com.vn/tham-vong-nen-tang-tien-so-cua-swift-196240326204837277.htm
BSAi