Chuyện về loài cây tạo ra cái tên Sài Gòn

Các nhà khoa học ở Sài Gòn thí nghiệm về sức bền của gỗ gòn khi tẩm thuốc chống côn trùng - nấm - mục đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu chụp lại)

(Vietnamtimes)-Theo sử gia Trịnh Hoài Đức thời Gia Long (1802 – 1820), Sài là củi cây rừng, Gòn là giống cây gòn thời xưa mọc thành rừng phía Phú Lâm khỏi Chợ Lớn. Đơn giản như vậy, mà từ ngày mở cõi đã trở thành một tên gọi rất đỗi thân thương, cho nên sau này không ai nỡ quên lãng cái tên ấy…

>> Sự thật về cây ‘tử thần’ mang tên Củ Chi

Ngày nay muốn tìm cây gòn (tên khoa học Ceiba pentandra L.) phải ra xa thành phố, dọc theo quốc lộ 1.

Bắt đầu từ đèo Cả trở vào ta hay gặp cây gòn, một trong những loài thực vật thân gỗ thuộc họ gạo (Bombaceae) đã có mặt ở nước ta từ lâu đời, được trồng nhiều ở vùng đất  thấp, nơi có điều kiện khí hậu nhiệt đới ấm áp, độ cao dưới 700m so với mặt biển và có lượng mưa hàng năm từ 1.200 – 1.500mm với mùa mưa phân bố đúng vào mùa trồng – sinh trưởng và mùa khô ấm áp đúng vào mùa ra hoa – kết trái.

Các nước trồng và sản xuất bông gòn chủ yếu là Myanmar, Thái lan, Indonesia, Campuchia và các nước Đông Phi, Ấn Độ, Pakistan. Loài gòn ở nước ta có hai chủng khác nhau: Chủng Ceiba pentandra guineensis có nguồn gốc ở vùng hoang mạc Tây Phi cây cao khoảng 30m và chủng Ceiba pentandra caribaea có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, cây trưởng thành có thể đạt chiều cao 70m.

Cây gòn sức sống mạnh mẽ, thường được trồng dễ dàng bằng hạt hoặc bằng cành hom. Từ xưa, trồng gòn chủ yếu để lấy quả, cây bắt đầu ra quả khi 3- 4 tuổi (khoảng 100 quả/ cây ), cho quả nhiều nhất khi 7- 10 tuổi (khoảng 350-400 quả/cây), có thể cho quả đến năm 60 tuổi hoặc lâu hơn nữa.

Nếu tính theo trọng lượng khô, quả gòn có 44% vỏ cứng, 30% hạt, 17% sợi  và 7% vỏ lụa bao bọc. Sợi bông gòn dài 0,8- 3cm chứa 64% cellulose, là loại sợi mềm mại, bền óng ánh và không thấm nước. Cùng một thể tích, loại sợi này nhẹ hơn sợi bông 8 lần.

Do các đặc tính đó, sợi bông gòn được sử dụng làm nệm và để sản xuất một số loại vải có công dụng đặc biệt và không thấm nước. Ở Mỹ và miền Nam nước ta nhiều người còn hay gọi loài cây này bằng cái tên mộc mạc: cây quần jeans.

Vì cách đây hơn 200 năm người dân Mỹ đã biết lấy bông gòn để làm nguyên liệu dệt thành thứ vải thô bền chắc, chuyên dành để may loại quần jeans nổi tiếng…

Một cây gòn ở thành phố bị chặt hết ngọn và cành, nhánh nhưng đến năm sau lại đâm chồi và năm tiếp theo đã ra hoa kết trái

Trong hạt bông gòn chứa 25% chất béo dùng để ăn và sản xuất xà phòng. Hạt sau khi đã ép lấy dầu, bã còn 20% protein dùng làm thức ăn cho gia súc. Thân cây gòn được sử dụng nhiều để làm nọc tiêu. Lá khô làm bột sản xuất nhang và làm thức ăn lơ lửng trong nước để nuôi tôm…

Từ xa xưa, cây gòn là tài sản quý của người dân quê. Mùa quả chín họ hái cất để dành và làm quà tặng cho đám cưới là một cặp gối gòn thì thật dễ thương, chứa đựng bao tình cảm của bà con, chòm xóm. Ngày nay dù đã có nệm bằng chất hoá học, gối mút, gối bơm hơi, song xem ra cũng chẳng có loại nào qua được cái nệm gòn, cái gối gòn vừa nhẹ, vừa mịn, vừa mát. Nó cho người gối, người ôm một cảm giác thật tự nhiên êm ái. Ở thành phố có tới hàng ngàn đồng bào mà lao động và cuộc sống gắn liền với cây gòn.

Trong 300 năm qua, cây gòn còn là chứng nhân của lịch sử nước nhà. Ngay từ cuối thế kỷ 19, nó đã có trong danh mục những loài cây tham gia vào các thí nghiệm của các nhà khoa học ở Sài Gòn về sức bền của gỗ khi được tẩm thuốc bảo quản chống côn trùng – nấm – mục, cũng như các thí nghiệm lâm sinh đầu tiên ở nam Bộ.

Nó cũng là loài cây lớn nhất trong vườn sưu tập bên ngôi nhà sàn của bác sĩ Yersin từ đầu thế kỷ 20, mà sau ngày thống nhất đất nước đã có nhiều nhà khoa học quốc tế đến thăm. Chỉ ít phút bên hai cây gòn, các nhà khoa học đã phát hiện ra trên thân, cành của chúng đầy vết đạn. Bằng phương pháp đo đếm nhanh, họ đã đếm được hơn 300 phát đạn bắn vào hai cây gòn này. Gần đây chúng đã hồi sinh, còn tăng thêm chiều cao và ra nhiều bông.

Ngoài giá trị kinh tế – khoa học, cây gòn có hình dáng đẹp, thân tròn như cây nến đến tận ngọn, cành mọc xoáy trôn ốc, tán cây xếp thành tầng, lá tập trung ở đầu cành, nó còn là loài cây cảnh quan lớn nhất tương xứng với không gian hoành tráng của miền đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ trù phú.

Sợi bông gòn sơ chế để làm gối nệm​

Những năm qua do nhu cầu xây dựng và nhiều áp lực khác mà cây gòn cứ ít dần đi ngay trên thành phố mang tên nó. Nhưng gần đây với những kế hoạch trồng rừng của chính phủ nhằm sớm phục hồi màu xanh cho đất nước thì các nhà khoa học lại nhớ tới cây gòn. Vì trước hết cây gòn là loài cây mọc nhanh, rất kinh tế phù hợp với chủ chương của nhà nước: “Trong trồng rừng chú trọng trồng những cây mọc nhanh để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu cung cấp, phòng hộ, cảnh quan, môi trường…”.

Tuy vây, vẫn còn một vần đề người trồng gòn boăn khoăn đó là gỗ cây gòn. Vì không như những cây rừng mọc chậm cho gỗ tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng như đinh – lim – sến – táu (được gọi là “tứ thiết mộc”) thì các loại gỗ từ những cây mọc nhanh mềm, nhẹ, chất lượng thấp, phạm vi sử dụng rất hạn chế như gỗ cây gòn xưa chỉ làm củi hoặc đóng thùng bao bì.

Do đó muốn phát triển trồng rừng bằng cây gòn và những cây mọc nhanh khác cần có giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị sử dụng gỗ hay còn gọi là nâng cấp gỗ. Trên thế giới người ta đã ứng dụng các phương pháp công nghệ: cơ giớ, hóa học, và vật lý – chiếu xạ để chế biến gỗ trong đó phương pháp đầu và thứ hai đã được áp dụng vào sản xuất ở nước ta, như thường thấy trong các xưởng cưa xẻ – đóng đồ mộc, nhà máy sấy – ngâm tẩm hóa chất chống nấm, mối, mọt cho gỗ…

Còn phương pháp sau cùng: Chiếu xạ gỗ là kỹ thuật tiên tiến nhất khắc phục được hầu hết các nhược điểm của gỗ, đồng thời giữ nguyên và phát huy nhiều ưu điểm của loại vật liệu này, đến nay mới có thể thực hiện.

Hai cây gòn ở Vườn sưu tập của BS. Yersin

Nhà nước ta với nguồn tài trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ 1.999 đã quyết định xây dựng Trung tâm Chiếu xạ công nghiệp ở TP.HCM (Vinagamma), hội tụ nhiều nhà khoa học ứng dụng. Theo TS. Phạm Quốc Trinh – Trưởng ban an toàn bức xạ, Bộ Khoa học và Công nghệ thì “Phương pháp chiếu xạ gỗ cũng đơn giản: Người ta cho thành phẩm gỗ vào thùng kim loại rồi hút chân không để nước trong các tế bào gỗ thoát ra, sau đó nạp monomer và tăng áp lực trong thùng, để monomer thấm sâu vào các mạch gỗ và vào giữa các thành tế bào gỗ.

Xong cung đoạn này, ta chuyển thành phẩm gỗ sang các container đặt trên băng truyền tự động đưa vào buồng chiếu xạ với liều lượng thích hợp để monomer lan tỏa đều trong gỗ và chuyển thành chất không tan và không bay hơi. Quá trình này gọi là polymer hoá gỗ”. Các hợp chất gỗ – polymer đã qua chiếu xạ (WPC) về mặt cơ học thì khỏe hơn gỗ chưa được xử lý rất nhiều, chúng có độ cứng và sức chịu nén cực kỳ tốt, chống được hơi ẩm và sự tấn công của côn trùng…

Độ cứng tăng 300%, sức chịu nén tăng 100%, sức căng tăng 80%, tỷ trọng tăng 50 – 100% và khả năng chống xơ xước tăng 200%. WPC có nhiều gam màu đẹp, không bị nhiễm bẩn bởi chất lỏng và chịu được nhiệt độ cao. Tại Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Ấn Độ cách đây hơn 50 năm đã tiến hành một thử nghiệm gỗ cây gòn với 4 loại gỗ xẻ thứ cấp rẻ tiền khác là Betula sp, Diospyros melanoxylon, Adina cordifolia, Hardwickia binata để làm ván sàn chất lượng cao.

Chúng được thấm một loại monomer có tên styrene polyester rồi trùng hợp bởi bức xạ gamma. Mỗi loại có 100m2 được lát và kết quả tất cả 500m2 sàn lát ấy sau 6 năm vẫn còn trong tình trạng tuyệt hảo, không cần đến bất cứ sự bảo dưỡng nào. Sau đó Ấn Độ đã sản xuất mỗi năm khoảng 1triệu m2 ván sàn cao cấp WPC từ gỗ gòn và những cây mọc nhanh. TS. Trần Tích Cảnh, điều phối viên của IAEA cũng cho biết “thiết bị chiếu xạ gamma SVST- Co- 60 của Trung tâm thuộc hệ công nghệ chiếu xạ đa năng, vận hành tự động và an toàn tuyệt đối.

Các container chứa các thành phẩm gỗ thử nghiệm đang trên băng truyền tự động đưa vào buồng chiếu xạ ở Vinagamma

Các hàng hoá chiếu xạ gamma không gây ô nhiễm môi trường và không bị nhiễm xạ. Việc dùng bức xạ để xử lý, biến gỗ tạp thành gỗ tốt rất rẻ so với những phương pháp chế biến khác với những loại gỗ tốt mà ta kinh doanh. Giá thành sản phẩm WPC trên thế giới chỉ bằng 1/5 – 1/3 giá thành sản phẩm từ các loại gỗ tốt, lại có ưu điểm về thời gian, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài, thậm chí có thể sử dụng cả phế liệu gỗ.

Cũng theo các nhà khoa học, Thủ tướng chính phủ rất quan tâm đến phương pháp này: “Chương trình trồng rừng bằng những loài cây mọc nhanh cùng với áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nâng cấp gỗ là biện pháp tích cực đồng bộ… Chính phủ sẽ giúp đỡ, tạo thêm điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học hạt nhân và công nghiệp rừng nhanh chóng hoàn thành thử nghiệm chuyển sang sản xuất đại trà…”.

>> Sự thật về cây ‘tử thần’ mang tên Củ Chi

Đó là hướng mở cho cây gòn và những cây trồng rừng mọc nhanh khác ở nước ta.


Trong tương lai không xa, cây gòn sẽ lại được trồng bên một vài con đường ở TP.HCM để các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng, gây nhiều nhạc nhiên thích thú và hiểu vì sao thành phố này lại có tên Sài Gòn. Cũng như cây gòn sẽ được trồng nhiều thành những cánh rừng nguyên liệu ở Đông Nam Bộ và trên những bờ đường liên tỉnh liên huyện, trong các xóm làng ở vùng đồng bằng tạo nên bức tranh miền quê phương Nam thanh bình sung túc.

Nguyễn Hoàng Bích (theo MTG)