Ngày 27/10/2020, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Đây là thông tin từ Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cho biết mới đây với giới truyền thông.
Sau sự kiện “nước mắm thạch tín” do VUSTA công bố ngày 17/10/2016, cộng đồng các nhà sản xuất kinh doanh nước mắm đã thấy rõ nhu cầu liên kết để giúp nhau cùng tồn tại, phát triển, nên đã thành lập Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Kế đó đã hình thành Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam bằng Quyết định số 1779/QĐ-BNN ngày 09/5/2017, tập họp 17 thành viên là các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học, chuyên gia hiểu về nước mắm. Như vậy, Câu lạc bộ Nước mắm Truyền thống Việt Nam ra mắt năm 2016, trực thuộc VASEP là tiền thân của Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.
Ngày 3/9/2020, Ban vận động mới có được giấy phép 609/QĐ-BNV từ Bộ Nội vụ để thành lập Hiệp hội.
Theo đó, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam có nhiều doanh nghiệp ở khoảng 20 tỉnh, thành tham gia, như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Hà Nội, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Phú Quốc…
Hiệp hội có tổng số 117 hội viên, trong đó có 110 hội viên chính thức, hai (02) hội viên liên kết, năm (05) hội viên danh dự. Trong số này số hội viên doanh nghiệp là 102, chiếm 87,2%, số hội viên cá nhân là 15, chiếm 12,8%.
Logo và cách nhận biết riêng cho nước mắm truyền thống
Người tiêu dùng có thể nhận diện nước mắm truyền thống thông qua logo riêng dán trên nhãn sản phẩm khi đáp ứng được bộ tiêu chuẩn đề ra. Theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC, đại diện truyền thông Ban vận động Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, để phân biệt nước mắm truyền thống, Hiệp hội sẽ có bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống phát triển từ bộ tiêu chuẩn cùng tên của CLB Nước mắm truyền thống thuộc VASEP.
“Tiêu chuẩn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng và đó là sức mạnh của người bán hàng, nên ai cũng cần phải có tiêu chuẩn”, bà Hạnh nói.
Nói thêm về vấn đề tiêu chuẩn, bà Ong Thị Kim Ngân, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà, cho hay tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống là cơ sở để doanh nghiệp chứng minh với người tiêu dùng về sản phẩm có giá trị cao.
“Chúng tôi đi bán hàng, người tiêu dùng luôn hỏi tại sao nước mắm truyền thống mắc hơn nước mắm công nghiệp. Và tiêu chuẩn là câu trả lời chính xác nhất”, bà Kim Ngân nói.
Bà Kim Ngân cho biết thêm, sẽ có một số tiêu chuẩn cơ bản để được dán nhãn “nước mắm truyền thống” như: chỉ tiêu độ đạm, không sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất bảo quản, chất tạo sánh, chất điều vị, chất bảo quản…
Theo bà Kim Ngân, nước mắm truyền thống gặp hai thách thức lớn, đó là khẩu vị của người tiêu dùng và giá cả, nhất là việc làm sao để giới trẻ “chịu dùng” bởi họ cảm thấy khó ăn vì nặng mùi.
“Giá cả là rào cản lớn nhất. Nhưng nước mắm truyền thống thì không thể rẻ được. Chúng tôi chỉ có thể tìm phương án giảm giá thành để có mức giá phù hợp”, bà Kim Ngân chia sẻ.
Từ những điều trên, theo bà Vũ Kim Hạnh, những người làm nước mắm truyền thống phải nghiên cứu kỹ lưỡng khẩu vị của người tiêu dùng, từ đó tìm ra hương vị phù hợp để chinh phục thị trường trong nước cũng như thế giới.
“Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống cần làm những nghiên cứu, tìm ra các công thức để pha chế nước mắm với các món ăn, điều này phù hợp với nước mắm truyền thống, bởi nó có chất liệu sẵn để làm”, bà Kim Hạnh cho hay.
Bài, ảnh: TQ