Tiêu điểm:
Mở cửa biên giới, thắt chặt quan hệ kinh tế Việt – Nhật
Trong các cuộc tiếp kiến và làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Yoshihide Suga hôm nay tại Hà Nội, Việt Nam và Nhật Bản đồng ý các biện pháp tăng cường mở cửa biên giới dành cho doanh nhân hai nước. Đây cũng là một trong những bước nhằm thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước.
Việt Nam là nước đầu tiên Thủ tướng Yoshihide Suga viếng thăm sau khi ông nhậm chức vào tháng 9 vừa rồi. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo một nền kinh tế chính trên thế giới đến Việt Nam kể từ khi Việt Nam đóng cửa biên giới nhằm phòng ngừa dịch. Phát biểu tại Hà Nội sáng 19/10, Thủ tướng Yoshihide Suga nói: “Tôi chọn Việt Nam là nước đầu tiên tôi đi thăm là vì Việt Nam là nơi thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp lần đầu tiên ra thế giới”.
Hồi tháng 7, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận về việc nối loại các chuyến bay dành cho giới doanh nhân và những người cư trú lâu dài ở mỗi nước. Trong ngày hôm nay, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý mở cửa biên giới cho các đi nhằm mục đích kinh doanh ngắn hạn và mở lại các chương bay thương mại chở khách hai chiều.
Dù Hà Nội và Tokyo đã đồng mở cửa biên giới theo nhiều giai đoạn, nhưng các thương gia Nhật khi nhập cảnh Việt Nam đều bị yêu cầu thực hiện cách ly y tế trong 14 ngày. Hai bên đã thảo luận tại Hà Nội các biện pháp cụ thể để mở cửa biên giới hoàn toàn, chẳng hạn như cắt ngắn thời gian cách ly.
“Các chuyến đi ngắn trong bối cảnh như thế này hoàn toàn không thể làm gì cả. Cách ly trở thành một trở ngại cho quá trình làm ăn”, quan chức cấp cao của một hãng thương mại Nhật Bản nói với Nikkei Asia.
Nhật Bản hiện đứng thứ hai sau Hàn Quốc trong tổng số 138 nước và lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng nguồn vốn lên gần 60 tỷ USD. Nhật Bản cũng nằm trong top 4 nhóm nước đối tác thương mại lớn tại Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Thương mại song phương hai nước lên đến 40 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên.
Trong lời đáp từ Thủ tướng Yoshihide Suga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng: “Tôi khẳng định với Thủ tướng Suga rằng Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường chính sách để chung tay hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam”.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản và đoàn tùy tùng từ ngày 18 – 20/10, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được 5 nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác mọi mặt từ chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế…
Thứ hai, tập trung hợp tác khắc phục các hậu quả do dịch Covid-19, trong đó có quy chế đi lại đặc biệt dành cho người dân hai nước.
Thứ ba, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế về thương mại, đầu tư, nông nghiệp…
Thứ tư, tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương.
Thứ năm, tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 trong các hoạt động trên biển; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Sau chuyến thăm Việt Nam, ngày mai Thủ tướng Yoshihide và đoàn tùy tùng sẽ rời Hà Nội đi thăm Indonesia.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,80 – 56,30 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Trong khi đó, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.901 USD/ounce, tăng nhẹ 1,3 USD, tương đương 0,07% giá trị so với chốt phiên trước. Dự báo hướng đi giá vàng tuần này cho thấy sự thận trọng đang tăng lên khi các nhà đầu tư bắt đầu mất hứng thú với vàng khi kim loại quý này vẫn đang chờ đợi một chất xúc tác mới.
2/ Đại diện thương mại một số nước Đông Âu, cho biết nhu cầu nhập khẩu thủy sản vào thị trường Ba Lan, Séc, Bungary… đang mở cửa với cá, tôm Việt Nam. Theo ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục đầu tư và thương mại Ba Lan, lượng tiêu thụ thực phẩm, cá và hải sản đang gia tăng. Hiện có hơn 76% người Ba Lan độ tuổi 20-34 cho biết muốn ăn nhiều cá và hải sản, tỷ lệ này là 86% với nhóm người độ tuổi 35-49.
Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Ba lan đạt khoảng 50 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ năm 2019. Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan cho biết, sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh vào Ba Lan.
3/ Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2019-2020 có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây kể từ khi bắt đầu ghi nhận các số liệu ngành này. Niên vụ 2019-2020, dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 – 100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước), nhưng năn nay vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường. Nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước. Ở góc độ nhập khẩu, 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan (gần 90%), khiến nguồn cung đường dư thừa.
4/ Nhiều doanh nghiệp cho biết thị trường xe điện Việt Nam, bao gồm xe đạp điện và xe máy điện, sụt giảm mạnh trong năm nay. Doanh số bán ra trong năm nay có thể giảm từ 30 – 50% so với năm trước. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm, năm 2018, Việt Nam có 39 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy điện với tổng sản lượng 212.924 xe. Sang năm 2019, doanh nghiệp sản xuất tăng lên 40 với sản lượng sản xuất trong cả năm là 237.742. Dù vậy tính đến hết tháng 8/2020, chỉ còn 28 doanh nghiệp còn sản xuất với tổng số 152.710 xe, giảm đáng kể so với năm 2019. Theo đánh giá, dịch Covid-19 là nguyên nhân lớn nhất khiến cho thị trường xe điện Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
5/ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có hai đơn vị nghiên cứu vaccine được đánh giá bảo đảm tính khả thi, đúng tiến độ sản xuất gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế IVAC và Công ty cổ phần công nghệ sinh học được Nanogen. Trong đó, IVAC tiếp cận theo công nghệ liên quan đến phôi của trứng gà và hiện chủng đã được gửi sang Mỹ. Dự kiến cuối tháng 10 sẽ có kết quả kiểm đinh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam (NRA) với kết quả rất xuất sắc. Tất cả các chức năng đều đạt hơn 90%, trong đó có ba chức năng đạt 100%, bình quân cả sáu chức năng NRA đạt 95% đã có thấy chất lượng vaccine của Việt Nam đã thực sự hội nhập bằng tiêu chuẩn quốc tế.
6/ Tổng cục Du lịch cho ra mắt đoạn phim quảng cáo mang tên “Why not Vietnam?” nhằm gợi ý khách du lịch lựa chọn Việt Nam cho chuyến đi đầu tiên sau dịch Covid-19. Đoạn phim dài 30 giây, chọn lọc giới thiệu những sản phẩm du lịch và điểm đến hàng đầu của Việt Nam, kết thúc với lời mời “When you’re ready to travel again, why not Vietnam?”. Tổng cục Du lịch cho biết phim quảng cáo muốn nhắc đến những nét cuốn hút của Việt Nam và gợi ý Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn trong năm 2021. Đoạn phim được sản xuất với sự hỗ trợ của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), được trình chiếu trên kênh CNN Asia trong 6 tuần, kể từ ngày 15/10 và trên website chính thức của du lịch Việt Nam www.vietnam.travel và các trang mạng xã hội.
7/ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hôm nay đã khởi công dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn 2” tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng. Với vốn đầu tư 420 tỷ đồng và thời gian thi công 11 tháng, dự án sẽ xây thêm bốn vị đậu máy bay, di chuyển năm vị trí đậu máy bay khác đã được thực hiện trong giai đoạn 1, mở rộng sân bằng bê tông xi măng cốt thép… Dự án này được khuyến nghị sớm thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”. Việc sớm thi công các dự án che phủ bề mặt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tránh xói mòn, tái nhiễm dioxin tại khu vực này.
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sân bay Đà Nẵng đến năm 2030 với năng lực 28 triệu khách và 200.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
8/ Theo Bloomberg, Alibaba Group Holding Ltd. sẽ chi 3,6 tỷ USD để tăng gấp đôi cổ phần và nắm quyền kiểm soát tại chuỗi đại siêu thị Sun Art Retail Group Ltd. Cụ thể, Alibaba tăng cổ phần tại Sun Art lên khoảng 72% bằng việc mua lại cổ phần từ Auchan Retail International SA – công ty của gia đình tỷ phú Pháp Mulliez. Công ty này dự định thâu tóm nốt số cổ phần còn lại của Sun Art trong thời gian tới. Thương vụ cho thấy tham vọng nhắm tới thị trường thương mại điện tử tiềm năng, chưa được khai thác tại Trung Quốc của gã khổng lồ Alibaba. Tập đoàn này đang tích cực mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống và bán lẻ tạp hóa nhằm củng cố tầm nhìn “Bán lẻ kiểu mới” – động lực mới cho thúc đẩy tăng trưởng.
9/ Nhật Bản sẽ hợp lực với Hoa Kỳ và châu Âu để đối phó với bất kỳ sự lạm dụng thị trường nào từ bốn công ty Big Tech (Big 4). Điều này là dấu hiệu cho việc Tokyo sẽ tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm điều chỉnh và kiểm soát các nhà điều hành nền tảng kỹ thuật số. Trong số những nhà điều hành này là các gã khổng lồ công nghệ lớn được mệnh danh là “GAFA” – Google, Apple, Amazon và Facebook. Những công ty này hiện cũng phải đang đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền ở các quốc gia phương Tây.
10/ Trung Quốc đã thông qua luật hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng bị kiểm soát, cho phép chính phủ kiểm soát và trừng phạt các quốc gia lạm dụng kiểm soát xuất khẩu theo cách làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Các mặt hàng được kiểm soát bao gồm các sản phẩm quân sự và hạt nhân, cũng như các hàng hóa, công nghệ và dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Tân Hoa Xã không nêu tên bất kỳ quốc gia mục tiêu nào, nhưng Hoa Kỳ vào tháng trước đã khiến Bắc Kinh tức giận khi hạn chế xuất khẩu đối với hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc SMIC và các bước hạn chế chống lại Huawei và các công ty khác.
11/ Trung Quốc đã công bố các biện pháp trao quyền tự trị cho khu vực Thâm Quyến giữa bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách nâng tầm khu vực này trở thành một trung tâm tài chính và công nghệ. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã công bố một danh sách các cải cách cho Thâm Quyến bao gồm các bước cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật kinh tế và thu hút nhân tài. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của một số gã khổng lồ công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies Co. và Tencent Holdings Ltd., và là một phần quan trọng trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế với Hong Kong và Macau trong kế hoạch “Vùng Vịnh Lớn”, giống như Vịnh Tokyo và Thung lũng Silicon.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thế giới – ngày 19/10/2020