Các loại bao bì này khá đa dạng, từ đũa đến bao bì đựng cà phê hòa tan hay mì gói, hộp đựng đồ ăn hay ly tách đựng cà phê và nước giải khát… Các doanh nghiệp châu Á đang tăng cường sáng tạo và phát triển các loại bao bì thực phẩm có thể ăn được làm từ tinh bột, tảo, rong biển hay cả cá ngừ. Và ngay cả các hãng xe sang như Mercedes Benz cũng dùng các sản phẩm này để quảng bá cho loại xe chạy bằng điện của hãng này.
Doanh nghiệp nhỏ dẫn dắt trào lưu
Các công ty và doanh nghiệp Nhật Bản đang nỗ lực bắt kịp xu hướng các loại bao bì thân thiện với môi trường. Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ khởi sự sớm hơn các hãng và tập đoàn lớn.
Machiko Hayashi, chủ của chuỗi 10sense hiện điều hành các quán RJ Café ở Osaka, đã tạo ra tách đựng cà phê expresso có tên là Ecopresso vào năm 2016. Bà Hayashi ban đầu dùng các loại tách làm bằng bánh cookie và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. “Giờ đây, nhiều quán cà phê và doanh nghiệp quan tâm đến loại tách ăn được của chúng tôi. Mọi người bắt đầu quan tâm nhiều hơn về môi trường”, bà nói với Nikkei Asia.
Bà cũng nói rằng đơn hàng không chỉ đến từ các quán cà phê mà còn từ các tập đoàn lớn như các hãng xe hơi. Bà cho biết các hãng này sử dụng tách ăn được cho các chiến dịch tuyên truyền về môi trường và gián tiếp là sản phẩm mới của họ.
Chẳng hạn, hãng xe sang Mercedes-Benz đã mở nhiều quán cà phê ở Tokyo và Osaka. Tại đây, họ mời khách lái thử các loại xe chạy bằng điện và uống cà phê trong tách Ecopresso. Gần đây, bà Hayashi còn tạo ra loại tách Ecopresso không có gluten (dành cho người dị ứng tinh bột trong ngũ cốc) và dự định xuất sang Mỹ và châu Âu sau khi dịch Covid-19 chấm dứt.
Để bảo đảm vệ sinh và an toàn, các loại tách ăn được các quán cà phê của bà Hayashi đặt trên đĩa, không trực tiếp tiếp xúc với mặt bàn.
Doanh nghiệp bao bì, thực phẩm và đồ uống cùng tham gia
Hiroshi Yamaji của hãng chế tạo màng nhôm thực phẩm Kimura Alumi Foil ở Osaka cho rằng: “Sự chú ý đến các loại tách ăn được bắt đầu gia tăng khi giới doanh nghiệp quan tâm hơn đến những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc”. Ông cũng cho biết công ty của ông đã nhận được nhiều yêu cầu về loại bao bì mới, đặc biệt là sau khi Starbucks tuyên bố trong năm 2018 là sẽ không sử dụng ống hút nhựa nữa.
Các sản phẩm chính của hãng Kimura trong thời gian qua là các loại màng nhôm và hộp nhựa đựng phần ăn bento bán ở các cửa hàng tiện lợi. Nhưng khi mối quan tâm với môi trường ngày càng tăng, Kimura bắt đầu tung ra các loại bao bì và hộp đựng đồ ăn được chế tạo từ rong biển, tảo bẹ kelp và cá ngừ khô bào mỏng (bonito flake). Ông Yamaji nói rằng hiện công ty đang bán các sản phẩm cho nhà hàng và các hợp tác xã tiêu dùng. Trong năm nay, Kimura sẽ bán thẳng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Asahi Group Holdings, hãng bia và nước giải khát của Nhật Bản, đã phát triển loại mogu-cup (ly hay cup) có thể ăn được cùng với hãng bánh kẹo Marushige Seika. Loại mogu-cup này giống như vỏ kem ốc quế và được làm từ tinh bột khoai tây được nướng ở nhiệt độ cao để tạo độ cứng của ly. Tên của loại ly này được in bằng tiếng Nhật: mogu-mogu có nghĩa là nhai được.
Hãng cho biết rằng loại cup này có thể duy trì độ cứng trong vòng một tiếng đồng hồ khi đựng chất lỏng. Ngoài việc đựng các loại nước giải khát hay bia, mogu cup còn có thể dùng để đựng cà ri hay súp. Asahi bắt đầu bắt loại cup này với giá 1.200 yen, khoảng 255.000 đồng, cho một bộ gồm 10 cái có dung tích 100ml mỗi cái. Asahi nói loại cup này là “món nhắm hoàn hảo với các món đồ uống lạnh”.
Ý tưởng phát triển loại bao bì này nằm đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn về các loại bao bì nhựa dùng một lần ở châu Âu và châu Á. Asahi bán loại mogu cup này trực tuyến cho cả người tiêu dùng và các nhà hàng. Đài NHK đưa tin Asahi sẽ thành lập hãng con mới vào tháng 1-2022 để quảng bá loại cup này và các sản phẩm khác thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, Marushige Seika – hãng Nhật chuyên sản xuất các loại vỏ bánh đựng kem và bánh nướng wafer ăn kèm với kem – cũng sáng tạo ra các sản phẩm bao bì có thể ăn được như đũa làm từ loại cây bấc mềm.
Một tập đoàn khác của Nhật Bản là Suntory Holdings cũng tạo ra các cách thưởng thức đồ uống của hãng một cách thân thiện với môi trường. Công ty đã giới thiệu chai nhựa mẫu có mục đích giảm rác thải, được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu thực vật, như dăm gỗ và bã mía.
Cả châu Á cùng nhập cuộc
Thành lập năm 2016, hãng Evo & Co của Indonesia đã bắt đầu sản xuất các loại tách và bao bì đóng gói ăn được từ tảo. Loại tách Ello Jello của hãng này – gồm các vị trái vải, cam và trà xanh, nhưng không làm thay đổi vị của đồ uống. Nếu khách không ăn loại tách này, Ello Jello sẽ tự phân hủy trong 30 ngày.
Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia cũng bắt đầu phát triển các loại bao bì đựng thực phẩm có thể ăn được làm từ rong biển, tinh bột khoai mì và bột sago.
“Thời điểm này chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ bao bì nhựa. Nhưng chúng ta có thể dần thay thế một phần việc sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt là loại chỉ dùng một lần như các loại bao bì để đựng cà phê hòa tan, các loại ngũ cốc ăn liền vào buổi sáng hay các gói bột nêm trong mì gói chẳng hạn”, theo lời Siah Wat Moey, nhà nghiên cứu trưởng của viện nghiên cứu.
Dù các sản phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu, bà Siah nói rằng các kế hoạch sản xuất thương mại đã sẵn sàng. “Viện sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để quá trình thương mại hóa diễn ra nhanh hơn”, bà nói.
Hãng nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets của Ấn Độ kỳ vọng rằng nhu cầu thế giới đối với các loại bao bì ăn được sẽ đạt giá trị đến 679 triệu đô la vào năm 2025, tăng 29% so với năm 2019. Hãng này dự báo rằng Bắc Mỹ sẽ là thị trường lớn nhất trong giai đoạn 2019-2025, trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất.
Nhưng một câu hỏi lớn là liệu người tiêu dùng châu Á sẽ sẵn sàng chịu chi thêm tiền cho các loại bao bì hay ly tách có thể ăn được? Khi uống một tách cà phê hay ly bia chẳng hạn, người tiêu dùng ở Nhật Bản phải trả thêm 115-140 yen, tức khoảng 23.500 – 28.500 đồng, theo giá trên trang mạng của hãng Asahi.
Với các nước phát triển giàu có, số tiền này không quá lớn. Nhưng ở các nước đang phát triển ở châu Á hay châu Phi, số tiền không nhỏ này chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định để khách cân nhắc trước khi bước vào một quán cà phê hay quán bar.
Hăm hở mở rộng ở nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản lại e ngại đầu tư trong nước