(Vietnamtimes)- Năm 2017, Việt Nam vinh dự lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, cùng với chủ trương của Ðảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25, vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân.
13 đối tác APEC có quan hệ chiến lược, toàn diện với Việt Nam
Đánh giá đúng tầm quan trọng của APEC đối với sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng, phù hợp với đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập APEC.
Tiếp đó, theo yêu cầu của APEC, tháng 8/1996, Việt Nam đã gửi cho APEC “Bản ghi nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam.”
Đến ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Peru. Việc trở thành thành viên chính thức của APEC là một bước đi sâu hơn vào con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện điện hóa đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Thông qua hợp tác APEC, Việt Nam đã mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ; tranh thủ sự hỗ trợ của các nền kinh tế thành viên trong những vấn đề nước ta quan tâm (gia nhập WTO, thu hẹp khoảng cách phát triển, kể cả về công nghệ thông tin).
Cũng thông qua APEC, Việt Nam đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp thế giới về chính sách thông thoáng đối với thương mại, đầu tư, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, tăng thêm lòng tin và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các trung tâm chính trị – kinh tế lớn trên thế giới.
Sau 19 năm tham gia, APEC đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với tăng trưởng, phát triển của Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó có thể kể đến việc góp phần nâng cao nội lực của đất nước.
Hiện nay, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam, 75% thương mại hàng hóa, 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC, có 13 thành viên APEC hiện là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
Một số nền kinh tế thành viên APEC đang dần trở thành đối tác chiến lược trong kế hoạch phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam. Đã có 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và Singapore.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực trong APEC
Là thành viên chủ động, tích cực, Việt Nam đã tạo dựng được vai trò và hình ảnh tốt trong khu vực APEC nói riêng và trên thế giới nói chung, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã thật sự tạo ấn tượng mạnh mẽ và hoàn thành tốt đẹp vai trò chủ nhà của APEC trong năm 2006, trong đó nổi bật là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, một trong những hội nghị được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC.
Điểm nhấn của Năm APEC 2006 là đã thông qua Tuyên bố Hà Nội và Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan, hướng đến mục tiêu Bogor là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Việt Nam cũng đã đóng góp vào xây dựng các nội dung hợp tác, các chiến lược và kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực năm 2014; chủ trì đề xuất và triển khai trên 100 dự án thuộc nhiều lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….); chủ nhà năm APEC 2017.
Đặc biệt, Việt Nam còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong APEC như: Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư (năm 2006); Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 2006); Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách (năm 2007); Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế (nhiệm kỳ 2009-2010); Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp (nhiệm kỳ 2012-2013).
Tại các diễn đàn, Việt Nam có tiếng nói độc lập và thuyết phục, góp phần giải tỏa mâu thuẫn giữa các nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Qua đó, Việt Nam giành được thiện cảm và củng cố quan hệ với các nền kinh tế hàng đầu khu vực. Việt Nam là một trong ba thành viên tham gia thử nghiệm Quy tắc Ứng xử Doanh nghiệp với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ hợp tác chống tham nhũng, tham gia thử nghiệm Kế hoạch phục hồi thương mại trong trường hợp khủng bố tấn công.
Gần đây, Việt Nam cũng tiếp tục tham gia thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên của APEC phù hợp với lợi ích và quan tâm của Việt Nam như liên kết kinh tế, an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai, quản lý nguồn nước, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên biển. Điều này đã góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong APEC.
APEC 2017 – tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam
Ngày 8/10/2013, Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao APEC 21 đã nhấn mạnh các thành viên APEC nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. Đây là lần thứ 2 Việt Nam vinh dự nhận trọng trách đăng cai các hoạt động APEC kể từ năm 2006. Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam nhằm góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng – động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Việc tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 được kỳ vọng sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam những đánh giá cao trong công tác tổ chức, mà còn thể hiện vai trò người dẫn đường của Việt Nam.
Với trách nhiệm của chủ nhà, Việt Nam đã sớm xác định chủ đề lớn của Năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.” Với nghị sự ưu tiên bao trùm này, Chủ tịch APEC 2017 đề ra 4 ưu tiên bao gồm: 1 – Thúc đẩy tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; 2 – Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3 – Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; 4 – Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. Trước hết, đó là tầm nhìn về một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tiếp theo là giải quyết thêm bài toán hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Ngoài ra, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc.
APEC 2017 cũng là thời điểm quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020, xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10-15 năm tới. Do vậy, tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017 thành công tốt đẹp sẽ góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển của Việt Nam, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước trong một thế giới toàn cầu rộng lớn.
Trần Tiến Duẩn (VietnamPlus)