Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố danh sách trừng phạt gồm hơn 250 cá nhân và tổ chức ở nhiều nước vì đã né lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh đưa ra đối với Nga. Các đối tượng có khả năng bị trừng phạt được phía Mỹ nhắm tới là các công ty và các bên liên quan có khả năng sản xuất năng lượng trong tương lai, lĩnh vực ngân hàng, khai thác mỏ ở Nga.
Trong một tuyên bố hôm 12-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với hành động của Nga ở Ukraine cũng như những người tài trợ và hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Nga”.
Bộ Tài chính Mỹ nói đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một mạng lưới gồm bốn thực thể và chín người có trụ sở tại Trung Quốc, Nga, Hồng Kông và Pakistan vì tạo điều kiện và mua bán vũ khí và công nghệ do Trung Quốc sản xuất cho Nga. Mạng lưới này đã tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với việc xuất khẩu các vật liệu liên quan đến quân sự.
Danh sách trừng phạt cũng nhắm vào các doanh nghiệp có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Trung Quốc vì đã chuyển giao công nghệ, thiết bị đầu vào, như các bộ phận thiết bị công nghệ cao, linh kiện máy bay và hệ thống X-quang vào Nga.
Các công ty đặt tại Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” là các công ty hình ảnh vệ tinh thương mại mà Bộ Tài chính Mỹ nói rằng đã cung cấp hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho công ty đánh thuê Wagner của Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào các thực thể Trung Quốc liên quan đến việc mua sắm các linh kiện vi điện tử cho tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Phía Mỹ nói các thiết bị vi mạch đang được sử dụng để phát triển các hệ thống tác chiến điện tử. Các công ty ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồng Kông cũng bị đưa vào danh sách bị trừng phạt.
Washington đã gia tăng áp lực ngoại giao lên nhiều nước và công ty tư nhân trên toàn cầu nhằm đảm bảo thực thi các lệnh trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia phương Tây khác đã áp đặt lên Moscow.
“Các hành động trừng phạt mới được công bố ngày hôm nay không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm mang lại bộ mặt tốt cho một trò chơi xấu”, đặc phái viên Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov, cho biết trong các bình luận đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram của Đại sứ quán Nga.
Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết Trung Quốc quản lý xuất khẩu quân sự và công dụng kép một cách có trách nhiệm. Liu đồng thời phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt mà ông gọi là “đơn phương” và “bất hợp pháp”.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua và phản đối các biện pháp đơn phương. Ông nói Ankara đã thực hiện các biện pháp để giảm bớt các hành vi lách lệnh trừng phạt.
Mỹ đang nhắm vào ba công ty đang phát triển kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Ust-Luga, một cơ sở tại cảng biển Baltic ở phía tây bắc Nga do Gazprom và RusGazDobycha vận hành. Khu phức hợp chưa được xây dựng này là một phần trong chiến lược của Gazprom nhằm chuyển trọng tâm sang chế biến và sẵn sàng trở thành nhà máy xử lý khí đốt lớn nhất của Nga. Đây cũng là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới về sản lượng. Các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với các công ty có trụ sở tại Nga là Northern Technologies, Kazan Compressor Machinery Plant và Gazprom Linde Engineering.
Washington đang tìm cách can thiệp khả năng sản xuất năng lượng và xuất khẩu nhiên liệu trong tương lai của Nga. Động thái này diễn ra hơn một tháng sau khi Washington đưa ra lệnh trừng phạt đối với một thực thể đang phát triển một dự án LNG khác, Arctic-2 LNG ở Siberia. Hiện chưa rõ hoạt động xuất khẩu LNG trong tương lai của Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Mỹ là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Công ty Linde của Đức đã ngừng hoạt động tại Ust-Luga vào năm 2022 do lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm nay Nga đã đàm phán với Trung Quốc để lôi kéo các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào tỷ phú người Nga Vladislav Sviblov, Highland Gold Mining – công ty sản xuất vàng lớn thứ bảy tại Nga thuộc sở hữu và điều hành của tỷ phú này, cùng các công ty có liên quan đến tỷ phú Sviblov. Highland Gold Mining đăng ký ở Anh và bị chính phủ Anh trừng phạt vào tháng 11-2022.
Phía Mỹ cũng chỉ đích danh ba hãng tàu biển và ba tàu thương mại treo cờ Nga mà Washington ngờ rằng được sử dụng để vận chuyện đạn dược giữa Triều Tiên và Nga. Phái đoàn Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ở New York đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Washington cũng nhắm mục tiêu vào bốn tổ chức tài chính của Nga – bao gồm Expobank, ngân hàng được chỉ định mua lại hoạt động kinh doanh ở Nga của HSBC – và hàng chục thực thể có trụ sở tại Nga liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, sửa đổi và bán công nghệ công nghiệp và liên quan đến quốc phòng, bao gồm cả máy bay không người lái.
Bộ Ngoại giao cũng nêu tên cựu CEO Ivan Tavrin và mạng lưới các công ty mà ông điều hành. Phía Mỹ nói ông Tavrin “đã trở thành một trong những nhà đàm phán thời chiến lớn nhất của Nga kể từ Nga đưa quân vào Ukraine”
Đại diện của Kismet, thuộc sở hữu của Tavrin, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về các lệnh trừng phạt. New Towers, một trong những công ty thuộc đế chế của Tavrin, từ chối bình luận.
Ricky Hồ / BSA Media